Kỷ niệm một chuyến dã ngoại


Nằm trong chương trình của Đại hội VYSA toàn quốc vừa qua, Ban Tài Chính- VYSA Kanto đã tổ chức một chuyến dã ngoại Bus-tour Hakone ngay sau ngày tổ chức Đại hội, để tạo điều kiện cho đại biểu các vùng và thành viên VYSA Kanto có dịp được cùng giao lưu, tăng thêm tình đoàn kết và hiểu biết lẫn nhau. Chuyến dã ngoại đã thu hút được sự tham gia của hơn 50 người, và đã để lại nhiều kỷ niệm đẹp trong lòng mỗi thành viên tham gia. Dưới đây, xin giới thiệu bài viết cảm xúc sau chuyến dã ngoại của anh Nguyễn Đình Anh, Chủ tịch Hội SVVN-Kyoto.

7:50 Tiếng chuông báo thức ở phòng 329 và 330 của khu nghỉ Olympic Center bắt đầu kêu inh ỏi. Anh em trong phòng lần lượt dậy và í ới gọi nhau. Mặc dù mệt mỏi vì hai đêm liền thiếu ngủ nhưng nghĩ đến chuyến đi chơi thú vị sắp tới, ai cũng cố ra khỏi giường.

8:15 Ba chiếc ta-xi bắt đầu chuyển bánh hướng tới ga Shinjuku.

8:30 Gặp được mọi người ở ga Shinjuku. Anh Vũ (Chủ tịch VYSA Kanto) và em Lê Na (Phó trưởng Ban Tài Chính- Vysa Kanto) đang nhấp nhổm chờ mọi người. Chiếc xe bus to đùng đoàng đỗ ngay cạnh đó, vậy là chắc ăn rồi. Buổi sáng mua thu lạnh man mát. Bụng hơi cồn, nhớ ra sáng nay chưa ăn gì. Chạy vội đi kiếm đồ ăn. Mấy anh chị em ngồi sì sụp ăn mỳ ngay cạnh xe và không quên chụp một tấm ảnh làm kỷ niệm. Hương vị gói mỳ làm tôi nhớ lại hôm đầu tiên tới Nhật.

9:30 Những anh chị em cuối cùng cũng có mặt. Xe bắt đầu lăn bánh. Em Lê Na bắt đầu ngay công việc guide của mình. Chương trình hôm nay nghe thú vị đấy: đầu tiên là đến Hakone tắm ôn sên, ăn trưa trong khách sạn, đi hái quýt và cuối cùng là ngắm lá đỏ.

10:00 Cả xe bắt đầu nóng lên bởi màn mọi người tự giới thiệu. Xe đi một lúc thì đi qua vịnh Hakone, mặt biển xanh biếc.

10:20 Micro chuyển đến tay bác họa sỹ Lê Duy Ứng và ở lại đó cho tới lúc dừng xe. Mọi người im phăng phắc khi bác Ứng kể về chuyện dùng máu từ mắt mình để vẽ tranh Cụ Hồ lúc bị thương. Sau đó thì lại rộn cả lên khi đến đoạn bác đi trinh sát và bắt gặp một cô thanh niên xung phong đang tắm nude. Nói thực là đến giờ cũng vẫn thấy con gái gì mà bạo thế; trong hoàn cảnh vậy mà đủ gan chạy tới ôm chầm lấy người thanh niên lạ mặt và hôn “tới tấp”. Đúng là thời chiến, chẳng ai biết ngày mai có còn sống hay không nên cứ muốn làm gì thì làm ngay. Sống thế cũng có cái hay.

11:50 Sau mấy lần dừng lại hỏi đường, xe tới địa điểm đầu tiên để tắm ôn-sên. Em Lê-Na, tên em có ý nghĩa cả đấy nhé, đó là tên một dòng sông ở Nga, chạy vội xuống xe để làm công tác tiền trạm. Địa điểm tắm ôn-sên nằm trên tầng 8, có tầm nhìn thật lý tưởng. Chỗ ngâm chân cũng lộ thiên, có ghế tre để ngồi. Phòng tắm tráng rộng rãi, đi ra ngoài hiên là bể tắm ngoài trời. Từ bể tắm nhìn ra cách một khoảng thấy một dãy núi khá hùng vĩ, có nhiều cây phong đã bắt đầu điếm sắc. Đây cũng là địa điểm sáng tác nghệ thuật của hội nhiếp ảnh.

12:30 Bữa ăn trưa với đủ loại đồ ăn càng trở nên ngon miệng hơn vì sự có mặt của mấy người đẹp ngồi đối diện.

13:30 Xe chuyển bánh, hướng tới địa điểm hái quýt. Chỉ mất khoảng 20 phút, xe đã tới vườn quýt của ông Satoh. Một bác nông dân tóc muối tiêu, tuổi độ ngũ tuần hồ hởi ra đón đoàn. Quýt tuy chua nhưng để đỡ xót công leo lên đây nên ai cũng cố ăn thử thật nhiều. Giá mà có túi ba-gang thì hay nhất.

14:30 Xe đi tới chỗ ngắm Momiji. Cả đoàn đã có những tấm ảnh đầu tiên chụp cũng nhau. Hàng cây Momiji ở cổng vào đỏ rực một màu. Nếu nắng hơn một chút chắc chụp ảnh đẹp lắm. Đi vào phía trong, Momiji càng ngày càng nhiều. Chị em say mê làm dáng, mấy anh em có máy ảnh bấm lia lịa. Ở một góc, mấy anh em tụm với nhau đốt thuốc để trống lại cái rét đang tới cùng với ánh chiều.

16:30 Lục đục rút quân về Tokyo. Chương trình văn nghệ thực sự bắt đầu. Đây là thời điểm mà mọi người bắt đầu thực sự quen nhau và sẵn sàng để bộc lộ các tài lẻ, tài chẵn của mình. Anh Nghĩa (Chủ tịch Vysa Niigata) và chị Trang (Chủ tịch Vysa Shikoku) cùng song ca bài hát Truyền thống của Hội Niigata. Anh Hưng (Chủ tịch Vysa Osaka) khuấy động phong trào đúng phong cách của SVHandai với bài ca Sơn tinh-thủy tinh. Mọi người được trận cười vỡ bùng. Thương thay cho chàng Thủy Tinh vì không kiếm được thịt chó nên để chú Sơn Tinh cướp mất vợ đẹp “ ….Cao kiến làm sao, vua mới phân biệt thế này, thế, thế này! Mỵ Nương con ta, rất thèm là ăn thịt chó Ngày mai đem ra, chó đực mà sáu chân Sáu sáu chân là sáu sáu chân…” Tôi là nhân vật kế tiếp được mời lên sân khấu. Tôi nói về bài thơ tôi đang viết, lấy cảm xúc từ buổi đi chơi lần này. Bài thơ có tựa đề “Sắc phong”, lấy ý tưởng từ suy nghĩ rằng cây phong cũng giống như con người, màu xanh của lá phong giống như tình yêu thủa học sinh ngây ngô, màu đỏ của những lúc tình yêu rực cháy nhất, màu vàng của lúc đã trưởng thành, mệt mỏi với sự điên rồ và cần một thứ tình cảm dịu êm.

Sắc phong

Ha kô nê, nắng vàng rực rỡ
Ngắm lá phong trổ sắc cùng thu
Chân vẫn bước theo nhịp bạn bè
Mà hồn lạc tới đâu xa xăm thế?
*
Màu xanh thủa ngây ngô, vụng dại.
Trót mến yêu không dám tỏ lời
Ngất ngây trong khóe mặt, nụ cười.
Ngày tốt nghiệp cũng là ngày xa cách.
**
Màu đỏ của tình yêu rực lửa
Anh cuốn lấy em bỏ quên đời
Ghì ôm em chặt, nghe hơi thở
Hôn nát làn môi, kiếm chơi vơi.
***
Màu lá vàng, màu của dịu êm
Những chiều yên ả gối chân em
Ngắm bờ vai nhỏ thêm vững dạ
Chọi với cuồng phong của cuộc đời.
****
Bỗng lá vàng rơi vọng tiếng xưa
Sao nghe sắc lạnh đến rợn người
Chém toạc lòng tôi làm hai nửa
Một trời kí ức thủa đôi mươi.

Anh Vũ Cường (cựu chủ tịch VYSA) đã song ca cùng em Lê Na một bài hát rất trữ tình. Anh Hiệp (APU) đã cho một người nghe một âm thanh kỳ lạ mà anh đã ghi được tối hôm trước. Âm thanh kỳ lạ này đã làm mọi ngươi đoán mò đoàn non. Cuối cùng thì hóa ra đó là tiếng ngáy của một nhân vật trong đoàn. Thú vị nhất là nhân vật khổ chủ đã hào sảng tự lộ diện, thừa nhận tác phẩm của mình. Em Nhung (phó Chủ tịch VYSA Kanto) và anh Hoàng (Ban Đối Ngoại- VYSA Kanto), một cậu hát hay và biết rất nhiều bài, cùng song ca bài Gửi em ở cuối sông Hồng, để lại những tràng pháo tay tán thưởng của mọi người.

19:00 Xe gần về đến Tokyo, chị Việt Hà, anh Ngọc Anh, anh Đoàn, những người đã hoạt động và gây dựng nên VYSA từ những ngày đầu lần lượt phát biểu. Những lời tâm huyết đã khiến mọi người trên xe xúc động, cảm thấy muốn những con người này sẽ mãi gắn bó với VYSA. Em Lê-Na nói về Quỹ tấm lòng vàng, kêu gọi các chi Hội đóng góp hơn nữa cho đợt quyên góp ủng hộ đồng bào bị lũ lụt miền Trung. Em kể về một số anh chị đã chạy loanh quanh để tìm em sau Đai hội để quyên góp, những tấm lòng nhân ái không muốn lưu danh. Em Lê Na cũng kết thúc chuyến đi bằng việc bắt nhịp cho mọi người cùng hát bài Thank you Mr Driver. Đó là một bài hát trẻ con nhưng chắc chắn làm bác lái xe sung sướng lắm.

19:30, Xe đã tới ga Shinjuku. Mọi người lấy hành lý và đứng quay lại một góc. Phải đến hơn 30 phút, mọi ngươi lưu luyến tiễn biệt nhau. Những cái bắt chặt tay, những vòng tay ôm cứng lấy nhau, những ánh mắt thay lời tạm biệt và những câu hò hẹn như “Này, mấy bữa tới xuống Niigata trượt tuyết nhé”, “Mùa Sakura, xuống Kyoto thì gọi cho mình, sẽ có chỗ ở và guide miến phĩ”, “Shikoku mọi người mến khách lắm, rảnh xuống chơi đi”… rộn vang không ngớt. Mọi người từ khắp đất nước Nhật đã quy tụ về đây và trở thành bạn bè thân thiết. Chúng ta sẽ cũng nhau hướng tới tương lai. Xin hẹn gặp tất cả mọi người ở Hokkaido, Tohoku, Tokyo, Niigata, Nagoya, Shikoku, Kyoto, Osaka, Kobe, Kyushu, Okinawa …

Nguyễn Đình Anh
Chủ tịch Hội SVVN-Kyoto