Bạn đã nhớ hết loạt 6 từ vựng đẹp đầu tiên cũng như nguồn gốc, ý nghĩa của các em ấy chưa? Hôm nay, VYSA sẽ tiếp tục giới thiệu đến các bạn 6 em từ vựng nữa cũng không kém phần thú vị đâu nhé.
Hãy xem thử từ nào bạn chưa biết, note lại và áp dụng em ấy một ngày gần nhất nào!
Xem lại phần 1 tại đây: https://web1.vysajp.org/2020/04/21/6-tu-vung-dep-trong-tieng-nhat-khong-the-dich-sang-ngon-ngu-khac-phan-1/
侘寂 (Wabi-sabi)
Có thể nói, “wabi-sabi” là một quan niệm triết lý chủ đạo trong những giá trị thẩm mỹ của văn hóa Nhật Bản. Nó bắt nguồn từ giáo lý Phật giáo và đặc biệt là Thiền Phật vào cách sống và cảm nhận về cái đẹp của người Nhật.
Thẩm mỹ “wabi-sabi” bao gồm sự bất đối xứng, sự không bằng phẳng, sự lược giản hoá, sự cần kiệm, sự khắc khổ, sự khiêm nhường, sự gần gũi, và sự am tường tính nguyên vẹn đơn sơ mà cách tự nhiên và vạn vật vận hành.
Một ấm trà với những đường nét gồ ghề không đều nhau sẽ đẹp hơn một ấm trà được chau chuốt hoàn mỹ đến từng chi tiết. Điều này nhắc nhở chúng ta rằng cuộc sống không phải lúc nào cũng hoàn hảo.
金継ぎ (Kintsugi)
“Kintsugi” hay còn được gọi là “kintsukuroi”, có thể hiểu nôm na là “hàn gắn bằng vàng”, đây là một loại hình nghệ thuật thủ công truyền thống của Nhật Bản dùng để phục chế đồ gốm sứ bị hỏng hoặc vỡ.
Nguyên liệu chính được sử dụng trong kỹ thuật này là sơn mài. Sau khi dùng sơn mài để vá các chỗ bị vỡ, người thợ sẽ phủ lên trên vết vá một lớp bột vàng, bạc hoặc bạch kim với hàm ý đừng cố gắng giấu đi những tổn thương mà hãy làm cho chúng trở nên đẹp và mạnh mẽ hơn. Đây là một ví dụ minh họa lý tưởng cho triết lý nghệ thuật wabi-sabi vốn trân trọng vẻ đẹp của những thứ không hoàn hảo.
物の哀れ (Mono no aware)
Trong từ “mono no aware” thì “mono” chỉ sự vật và “aware” chỉ một cảm xúc hay cảm giác. Cả cụm từ “mono no aware” để chỉ những cảm xúc sâu lắng của ta đối với vạn vật, một nỗi buồn đẹp khi ta suy ngẫm về những sự việc và sự vật ngắn ngủi đã hoặc sẽ qua đi như những cánh hoa đào lung linh đến một thời điểm nào đó sẽ rơi xuống và khung trời thu ảo diệu ở Nikko sẽ phải cởi bỏ tấm áo choàng vàng rực rỡ của nó.
Mono no aware muốn chúng ta tình nguyện tháo bỏ đi những cảm xúc tạm bợ vì cuộc sống luôn luôn biến đổi, không có gì ở bên ta mãi mãi.
Một ví dụ được nhắc đến nhiều nhất của tư tưởng “mono no aware” chính là hanami, một nghi thức ngắm hoa anh đào hằng năm của người Nhật. Đối với người Nhật thì hoa anh đào luôn chiếm giữ một vị trí đặc biệt trong tim họ. Thế nhưng, vẻ đẹp của loài hoa này chỉ kéo dài trong hai tuần vào mùa xuân nên họ càng trân quý hơn vẻ đẹp của nó, vì họ biết vẻ đẹp huy hoàng kia sẽ chớm phai tàn.
居留守 (Irusu)
“Irusu” diễn tả một tình huống khi cái đứa mà bạn ghét và không muốn nói chuyện đến gõ cửa nhà bạn và rồi bạn vờ như “không có ai ở nhà đâu, tiễn khách.”
過労死 (Karoshi)
Cụm từ “karoshi” này thể hiện khá rõ nét văn hóa làm việc nơi công sở tại Nhật Bản. Nó dùng để chỉ những người nhân viên qua đời do làm việc tăng ca quá sức. Bộ lao động của Nhật đã định nghĩa, cái chết của một người được cho là do “karoshi” gây ra khi số thời gian làm việc ngoài giờ của người đó vượt quá 100 giờ vào cái tháng trước khi họ qua đời.
しょうがない (Shoganai)
Nếu bạn sống ở Nhật Bản, từ này sẽ trở nên vô cùng hữu ích cho bạn. “Shoganai” tạm dịch là “Hết cách rồi”. Khi ở trong tình huống nằm ngoài tầm kiểm soát, bạn sẽ đành phải chấp nhận số phận. Từ này sử dụng với ý là việc than phiền về vấn đề là vô ích, bởi vì bạn không có khả năng để thay đổi nó. Một số người cho rằng khái niệm về từ “shoganai” là lý do tại sao người Nhật vẫn rất kiên cường khi đối mặt với các thảm họa tự nhiên như động đất, sóng thần,…