APU- Trường Đại học có nhiều sinh viên Việt Nam nhất ở Nhật Bản


Từ Tokyo tôi bay đi Oita, một tỉnh ở miền Nam nước Nhật để thăm trường Đại học Châu Á Thái Bình dương, tên tiếng Anh là Asia Pacific University (APU). Trước lúc ra sân bay Haneda, giáo sư Kawaguchi Kenichi, trưởng khoa Đông Nam Á của đại học Ngoại ngữ Tokyo nói đùa với tôi: “Anh xuống trường APU thì cẩn thận kẻo gió thổi bay đấy”. Thật thú vị khi được nghe một người nước ngoài nói đùa bằng tiếng Việt như thế.


Sau hơn một giờ bay, tôi đến Oita. Tuy đây là lần đầu tôi đến Oita, một tỉnh ở hòn đảo Kyushiu nhưng tôi đã được biết đến Oita qua cuộc triển lãm công nhiệp Nhật Bản lần II do JETRO tổ chức tại Tp. Hồ Chí Minh vào tháng 2/1995. Ở cuộc triển lãm đó, tỉnh Oita có một gian hàng lớn triển lãm đồ thủ công mỹ nghệ và giới thiệu phong trào Isson – Ippin”(chữ Hán là “nhất thôn – nhất phẩm”), “mỗi làng một sản phẩm” cực kỳ ấn tượng.

Anh Tahara Hiroki, phó ban tuyển sinh quốc tế của Đại học APU đồng thời là giảng viên tiếng Việt của trường đón tôi và đưa đi ăn trưa bên bờ biển của Beppu, thủ phủ Oita. Vẫn là những món ăn nổi tiếng của Nhật như sashimi (cá sống), tempura (tôm tẩm bột rán) nhưng dường như ở đây ngon hơn ở Tokyo. Ăn trưa xong, chúng tôi tắm onsen ở ngay bãi tắm lộ thiên cạnh bờ biển của nhà hàng. Oita là thiên đường của onsen Nhật Bản. Onsen (chữ Hán là “ôn tuyền” ) dịch sang tiếng Việt là suối nước nóng. Người Nhật coi việc tắm onsen là một cách thư giãn và bồi dưỡng sức khoẻ được ưa thích. Chỉ có điều, người nước ngoài lúc đầu chưa quen thì cũng hơi ngại ở chỗ là mọi người đều phải “tồng ngồng” ở bãi tắm.

Tahara là một nhà Việt Nam Học trẻ tuổi người Nhật. Anh nói tiếng Việt thành thạo như người Việt. Tôi cũng đã có lần đọc một bài viết bằng tiếng Việt rất thú vị của anh về cách xưng hô của người Việt đăng trên tạp chí Ngôn ngữ và đời sống. Đầu giờ chiều, anh lái xe đưa tôi đến trường. Xe chạy mấy vòng núi mới lên đến cổng trường. Trường APU toạ lạc trên đỉnh núi. Không gian thật thoáng đãng. Những ngôi nhà dường như hãy còn mới được phủ màu nâu ấm. Và gió thì thật nhiều. Tôi chợt mỉm cười nhớ lại câu nói đùa của GS. Kawaguchi.
Ấn tượng mạnh mẽ nhất đối với tôi là sinh viên Việt Nam ở đây thật nhiều. Cứ mấy bước chân, chúng tôi lại bắt gặp một hoặc một vài sinh viên người Việt. Có em từ thành phố Hồ Chí Minh sang, có em từ Hà Nội sang, cũng có em từ Đà Nẵng hoặc Bắc Giang, Thái Bình sang.

Anh Tahara cho tôi biết, sinh viên Việt Nam hiện đứng thứ tư về số lượng ở trường này sau Trung Quốc, Hàn Quốc, Đài Loan. Mặc dù số lượng sinh viên Việt Nam du học tại các trường đại học của Nhật Bản đang tăng nhanh hàng năm nhưng tôi biết là hiện số lượng gần một trăm hai mươi sinh viên Việt Nam theo học ở đây vẫn là con số gây chú ý nhất trong các trường đại học có sinh viên Việt Nam ở Nhật Bản. Trong sân trường hay dọc các hành lang, thỉnh thoảng lại vang lên những tràng tiếng Việt đủ mọi miền.

Trực thuộc viện đại học Ritsumeikan nổi tiếng ở Nhật Bản, mặc dù mới được thành lập vào năm 2000 nhằm mở rộng giao lưu quốc tế của khu vực Oita nhưng APU đã triển khai cực kỳ mau lẹ việc xây dựng quan hệ với các trường đại học trên thế giới. APU đã nhanh chóng trở thành một địa chỉ tin cậy và hấp dẫn đối với sinh viên quốc tế. Hiện APU đã có quan hệ với 145 trường đại học của gần 50 nước, trong đó có 7 trường đại học ở Việt Nam. Hai chuyên ngành chính mà trường đào tạo là Nghiên cứu Châu Á Thái Bình dương (College of Asia Pasific Studies) và Quản trị kinh doanh Châu Á Thái Bình dương (College of Asia Pasific Management) với cả hệ đào tạo thạc sĩ và tiến sĩ. Trong trường cũng có 105 câu lạc bộ của sinh viên thuộc 4 lĩnh vực: thể thao, nghiên cứu khoa học, văn hoá nghệ thuật và xã hội.

Hiện có sinh viên của gần 60 nước đang theo học ở đây. Một nửa số sinh viên là người nước ngoài, một nửa là sinh viên người Nhật. Ngôn ngữ được dùng để giảng dạy trong nhà trường là tiếng Anh và tiếng Nhật. Mục đích của việc kết hợp giảng dạy chuyên môn bằng cả 2 thứ tiếng nhằm tạo nên môi trường song ngữ, giúp sinh viên có thể sử dụng được cả hai thứ tiếng sau khi ra trường. Ngoài ra sinh viên còn có thể chọn học trong số 7 ngôn ngữ sau với tư cách ngoại ngữ: Trung quốc, Triều tiên, Malay, Indonesia, Tây ban nha, Thái, Việt. Theo anh Tahara thì năm nay có 70 em ghi danh học tiếng Việt. Có một giáo viên của Đại học khoa học xã hội và nhân văn Tp. Hồ Chí Minh được mời đích danh sang thỉnh giảng tại đây.

Bất cứ biển hiệu nào trong trường cũng đều được in bằng 2 thứ tiếng Nhật và Anh, kể cả thùng rác. Trong nhà ăn, các món ăn cũng đều được đề 2 thứ tiếng và còn nêu rõ là món ăn đó dùng thực phẩm gì, loại thịt gì để người ăn yên tâm, nhất là những sinh viên ăn kiêng hoặc đến từ các quốc gia theo đạo Hồi. Ở quầy hàng khô trong nhà ăn còn bán nhiều loại thực phẩm khô trên thế giới. Tôi cảm thấy thật vui và cảm động khi nhìn thấy những mặt hàng như “nước mắm”, “bánh phở”, “bánh tráng” được nhập từ Việt Nam cũng được bày trên giá.

Buổi tối, tôi cùng anh Tahara đến thăm nơi ăn ở của một số sinh viên Việt Nam thuê nhà ở phố. Có khoảng năm sáu em cùng thuê chung một khu nhà. Các em đã may mắn thuê được với giá rẻ bất ngờ, mười nghìn yên (khoảng một triệu ba trăm nghìn đồng Việt Nam) một tháng một phòng với những tiện nghi tối thiểu đủ cho cuộc sống sinh viên xa nhà.

Thế là tôi đã có thể mang theo về những kỷ niệm vui vẻ và cảm động sau chuyến đi ngắn ngày ở trường Đại học có nhiều sinh viên Việt Nam này. Tạm biệt APU, tạm biệt Oita, tạm biệt thành phố Beppu nồng cay mùi lưu huỳnh của muôn vàn những bãi tắm onsen lộ thiên bạt ngàn gió biển!

Mấy tháng trước, một hôm đang lúi húi tìm mua sách ở hiệu sách Thăng Long, Tràng Tiền, chợt nghe tiếng gọi, tôi ngửng lên thì hoá ra là Tahara. Anh lại sang Việt Nam. Câu tiếng Việt mà anh nói gây ấn tượng nhất với tôi là “Tôi đi Việt Nam như đi chợ ấy mà”.

Tokyo tháng 8 – Hà Nội tháng 12/03
Anh Anh.

(Bài đã đăng trên Tiền Phong Chủ Nhật số 52-28/12/03)