|
Ngày 17/6, Đại hội thể thao Asean lần thứ 3 (ASF2006) do Hội thanh niên sinh viên Việt Nam tại Nhật Bản (VYSA) tổ chức đã diễn ra tại Tokyo, trường Đại học nữ Bunka. ASF2006 đã thu hút được khoảng 190 vận động viên đến từ các nước Việt Nam, Thái lan, Malaysia, Indonesia, Nhật Bản, Cambodia… và bạn bè của các bạn, đến từ Châu Âu cũng như châu Phi, cũng như thu hút các cổ động viên nhiệt tình. Năm nay giải ASF2006 có 3 bộ môn thi đấu chính là bóng rổ, bóng bàn và cầu lông. Chúng tôi xin điểm lại một vài nét về ASF2006 trong bài viết này, hy vọng truyền tải được phần nào không khí vui khỏe, tiếng hò reo và cả những căng thẳng trong từng trận đấu đến các bạn. |
Vào lúc 10h00, Lễ khai mạc đơn giản, ngắn gọn của ASF2006 đã được tổ chức, chào mừng các vận động viên đến thi đấu tại ASF2006. Đại diện của nhà tài trợ G.A. Consultants đã phát biểu tại lễ khai mạc. Năm nay, ngoài Công ty G.A, thì còn có hai nhà tài trợ cá nhân khác là anh Ishiga Tokuhito, người đã sát cánh cùng VYSA từ những ngày đầu và ông Kamochi Naohiro. Tôi đã tranh thủ mấy phút trước giờ khai mạc phỏng vấn nhanh anh Ishiga và được những lời tâm sự sau “Tôi rất kì vọng đây là sân chơi cho các bạn Lưu học sinh(LHS), thanh niên châu Á. Tôi rất thích các hoạt động cùng VYSA, nên dù là nhỏ cũng cố gắng góp sức của mình vào phần tổ chức. Hy vọng là sau 3 năm, chúng ta phát triển được quy mô giải , và mượn sân Tokyo Dome để tổ chức ( cười) ” Và đây, ngày thi đấu sôi nổi bắt đầu, tôi ghi nhanh các bộ môn thi đấu, phỏng vấn những người tham gia. 1.Bóng rổ Ngay sau lễ khai mạc, bộ môn bóng rổ và bóng bàn đơn nam , đơn nữ đã được bắt đầu triển khai thi đấu. Tiếng hò reo cổ vũ cho các trận đấu quyết liệt ngay từ phút đầu vang khắp nhà thi đấu chính. Bóng rổ năm nay thu hút 10 đội tham gia, chia thành 2 bảng và thi đấu vòng tròn, chọn 2 đội vào bán kết. Các trận đấu vòng bảng thi đấu trong vòng 10 phút, và các đội cũng đã khá quen với phong cách thi đấu của nhau từ các giải trước nên vào trận quyết liệt và tranh thủ ghi từng điểm. Trận đầu tiên của Việt Nam là trận đấu gặp đội ADYF(Diễn đàn phát triển thanh niên Châu Á- Asia Development Youth Forum ), đội của các bạn sinh viên Nhật. Việt Nam luôn cố gắng tranh giành bóng và giữ bóng, bị kèm chặt nên tranh thủ ném xa. Các cố gắng lên bóng nhanh ấn tượng đã đem lại chiến thắng 9-4 cho Việt Nam. Các trận đấu khác của 2 bảng, đều rất quyết liệt và tỉ số dao động trong khoảng từ 4 đến 15. Năm nay , Philippin có 2 đội tham gia và đều là những đội khá mạnh. Các trận đấu diễn ra liên tục, quyết liệt, và phóng viên chúng tôi đã tranh thủ phỏng vấn một bạn Nhật lần đầu tiên tham gia giải ASF thuộc đội ADYF, bạn đã phát biểu rằng “Trước khi đến tham gia, tôi không nghĩ rằng mọi người chơi quyết liệt đến thế, chất lượng rất cao và chúng tôi cũng sẽ cố gắng thi đấu hết mình. Tôi mong năm sau lại được đến chơi và giao lưu cùng mọi người” ( Kosei- sinh viên Cao học năm 1, Todai) Bốn đội lọt vào Bán kết là Thái Lan, Việt Nam, Đội 1 và 2 của Philippin. Trong trận bán kết, Việt Nam đã rất không may mắn khi dẫn trước nhưng lại bị các bạn Thailand vượt qua trong một vài giây cuối cùng ghi điểm, cùng với quả ném phạt định mệnh, giành chiến thắng với tỉ số 5-4. Năm nay đội bóng rổ của Việt Nam có cả những thành viên đi từ Gifu lên chỉ để đánh cùng đội trong vài trận đấu, rất nhiệt tình. Đội Thái Lan cuối cùng giành giải 2 sau khi thua Philippin 1 tại trận chung kết, đem lại kết quả chung cuộc môn Bóng rổ : Vô địch: Philippin ;Giải nhì : Thái Lan. 2.Bóng bàn Bóng bàn đơn nam thu hút 45 tay vợt tham gia, có gần 1/2 là các tay vợt Việt Nam với các gương mặt mới cũng như cũ: anh Sơn, anh Nguyễn Huy Hoàng, Phan Linh đến từ Kyoto, Đức Tín, Hiếu Hạnh, Vũ Phong… Đặc biệt có một đặc cách và đặc biệt là bạn Đỗ Hồng Trang, người đoạt giải Vô đich Đơn Nữ, cũng đăng kí tham gia giải đơn Nam ^^. Các trận vòng ngoài kết thúc khá nhanh và chất lượng chuyên môn của môn bóng bàn được đánh giá là cao hơn năm ngoái, theo như ý kiến cá nhân của anh Trần Thanh Sơn, người đã tham gia giải 3 năm nay và giành được nhiều giải (Anh Sơn đã giành giải nhì Đơn Nam tại ASF2004 và hai lần vô địch đôi nam , đánh cặp với anh Nguyễn Huy Hoàng tại ASF2004, ASF2005 – PV) “Mỗi lần đến tham gia ASF là tôi rất háo hức, vì có cơ hội gặp lại các bạn bè, các “đối thủ”cũ cũng như mới. Năm nay các bạn đến tham gia môn bóng bàn có chất lượng chuyên môn rất khá và mọi người chơi hữu nghị, hết mình ”. Trận đấu được mong đợi nhất là chung kết đơn nam , được Ban tổ chức để lại đến cuối cùng, thu hút nhiều cổ động viên nhất. Trận đấu mang tính chuyên nghiệp cao, giữa hai tay vợt , Ooi Wei Tze đến từ Malaysia và Nguyễn Huy Hoàng, Việt Nam. Hai tay vợt này đã gặp nhau rất nhiều lần trước đây và lần nào cũng đem lại cho khán giả những pha bóng đẹp mắt, quyết liệt. Theo như thông tin của chúng tôi, thì tay vợt Ooi là tay vợt chuyên nghiệp , tuyển thủ trẻ của bang Penang, Malaysia trước khi sang Nhật du học. Anh Nguyễn Huy Hoàng cũng là tay vợt nổi tiếng của VYSA, thi đấu cho Bộ Xây dựng nhiều lần trước khi sang Nhật. Anh Hoàng cũng là cựu PCT VYSA nhiệm kì 2004-2005. Trận đấu quyết liệt, hai tay vợt giành nhau từng điểm và kết quả cuối cùng nghiêng về tay vợt Ooi. Tôi cũng đã thực hiện cuộc phỏng vấn với anh Ooi (trước trận đấu) , và được anh cho biết “Tôi đã tham gia ASF ba năm, thấy rất vui khi được gặp các bạn. Các bạn tổi chức chu đáo, nhưng rất tiếc năm nay có vẻ ít người tham gia hơn năm ngoái, có lẽ do vài nước cũng có event vào ngày này. Năm sau nếu có thể, hội SV Malaysia sẽ xin tham gia tổ chức. Tôi cũng hy vọng sẽ giành chiến thắng (cười) ” Bóng bàn nữ có 5/8 tay vợt tham gia là các chị em Việt Nam, và cũng đem lại nhiều pha bóng đẹp mắt, đặc biệt là trận chung kết giữa chị Đỗ Hồng Trang và chị Trần Thị Hương. Trang đã giành chiến thắng áp đảo và giành chức Vô địch. 3.Cầu lông Cầu lông được bắt đầu vào lúc 12h20, như dự kiến của Ban tổ chức( BTC), thu hút được rất nhiều tay vợt tham gia, với các nội dung đơn nam, đôi nam, đôi nữ. Các trận đấu đôi nam nảy lửa, các trận đơn nam khá quyết liệt, và chúng tôi nghe thấy tiếng đập cầu dồn dập, tiếng hò reo cổ vũ của VĐV khắp sân. Năm nay có khoảng 55 VDV tham gia, các tay vợt Indonesia tham gia ít hơn năm ngoái, nhưng các tay vợt Cambodia lại tham gia với số lượng nhiều hơn rất nhiều. Các tay vợt Việt Nam cũng ít hơn, thiếu vắng các tay vợt từ Yokohama, Tokodai, Todai… Các VDV chỉ có thể chọn thi đấu một trong hai nội dung : Đơn nam hoặc đôi Nam, nên chất lượng của giải đơn Nam cũng có giảm chút ít so với năm ngoái. Trận đấu chung kết đôi nữ , đôi nam năm nay đều thu hút được nhiều sự quan tâm. Đôi nữ Mai Thị Dung- Nguyễn Diệu Linh và đôi nữ Thanh Thảo- Cung Quế thi đấu quyết liệt và giành nhau từng điểm trong từng séc, với các tỉ số 16-17,17-16 và 12-15 . Đôi nữ Thanh Thảo – Cung Quế đánh đều tay và phối hợp tốt hơn đã giành chức vô địch. Còn về trận chung kết đôi nam, lần này cặp đôi Cambodia đã giành chức vô địch năm ngoái lại tiếp tục lọt vào chung kết và gặp đôi Bá Hòa- Hata (Việt Nam- Nhật Bản). Tuy cặp đôi Bá Hòa- Hata thi đấu khá xuất sắc nhưng không vượt qua được sự dày dạn, kinh nghiệm và kĩ thuật của cặp đôi Cambodia, đành chịu thất bại và giành giải nhì. Giải năm nay không có nhiều bất ngờ nhưng nổi lên các gương mặt mới ở giải đơn nam Cầu lông. Do các tay vợt Indonessia, Lào, Myanmar năm nay ít hơn, nên các tay vợt Thái Lan và Việt Nam chiếm lĩnh hầu hết các giải đơn. Trận chung kết đôi giữa hai tay vợt Thai land và trận tranh giải Ba-tư giữa hai tay vợt Việt Nam cũng rất thú vị, quyết liệt, tuy không căng thẳng bằng các trận đấu đôi nam. Ngày thi đấu sôi nổi và hữu nghị kết thúc vào 17h, sau khi lễ trao giải đơn giản được tổ chức. Tôi nhìn thấy nhiều gương mặt vui vẻ, quyến luyến chào nhau và hẹn năm sau lại tiếp tục đến tham gia ASF. Họ đã trở thành bạn bè sau một ngày cùng nhau chơi thể thao. Các nhóm bạn rủ nhau đi ăn, để được tiếp tục nói chuyện, giao lưu. Và tôi cũng hòa vào đoàn Việt Nam đi về phía ga, nơi BTC đã chuẩn bị chu đáo một buổi tiệc nhỏ cho các anh em tham gia để chúc mừng, giao lưu với nhau. Tôi tranh thủ phỏng vấn anh Lê Hiếu Hạnh, trưởng ban Thể thao VYSA Kanto, và là Trưởng BTC của giải ASF2006 . Anh cho biết “Sau hơn 1 tháng chuẩn bị, giải ASF2006 đã diễn ra rất sôi nổi, mang tính cạnh tranh cao nhưng cũng không làm mất đi tính chất hữu nghị giữa các nước thành viên trong khối ASEAN. Trong giải lần này, bên cạnh những VĐV tham dự giải ngay từ năm đầu tiên, cũng đã xuất hiện thêm nhiều VĐV mới, đặc biệt từ Nhật Bản và các nước ngoài khối ASEAN khác. Bên cạnh những thành công đó, cũng còn có thiếu sót trong khâu tổ chức, Ban tổ chức sẽ rút kinh nghiệm để tổ chức các giải năm sau tốt hơn. BTC cũng xin gửi lời cảm ơn tới các nhà tài trợ, các VĐV và xin hẹn gặp lại ở các giải sau.” Và tôi cũng xin kết thúc bài viết tại đây, trong lòng vẫn đọng lại những giây phút đẹp của các pha bóng, những cái bắt tay và nụ cười của các bạn. Kết quả chung cuộc toàn giải : 1.Bóng bàn: – Đơn nam: + Nhất: Ooi Wei Tze (MAL) + Nhì: Nguyễn Huy Hoàng + Ba: Trần Thanh Sơn. – Đôi nam: + Nhất: Ooi Wei Tze + Mohd Yusri (MAL) + Nhì : Lê Đức Tín + Lê Hiếu Hạnh + Ba: Nguyễn Huy Hoàng + Phan Linh. – Đơn nữ: + Nhất: Đỗ Hồng Trang + Nhì: Trần Thị Hương + Ba: Bùi Hồng Anh 2. Cầu lông: – Đôi nam +Nhất: Soda Chanda Suon + Heng Socheat (Cambodia) +Nhì: Nguyễn Bá Hòa (Vietnam) + Tomoyuki Hatakeyama (Japan) +Ba: Ahmad Muhaymin + Nor Azwadi (Malaysia) – Đơn nam +Nhất: Kittiphong Paiboonsukwong (Thailand) +Nhì: Santi Saeyor (Thailand) +Ba: Nguyễn Vũ Linh (Vietnam) – Đôi nữ +Nhất: Nguyễn Phạm Thanh Thảo + Trương Nguyễn Cung Quế +Nhì: Nguyễn Diệu Linh + Mai Thị Dung +Ba: Kavalin Wangsiripaisal + Supannika Potithep (Thailand) 3.Bóng rổ: -Nhất: Philippines -Nhì: Thailand (Do năm nay có quá đông đội tham gia, cộng với yếu tố thời gian nên BTC đã không tổ chức trận tranh ba tư) Phóng viên VYSA: Vân Hải Tường thuật từ Tokyo- Shinjuku.