Đại hội thể thao thanh niên sinh viên ASEAN tại Nhật Bản


 Mọi người chúng ta đều biết đến Seagame là Đại hội thể thao của các nước ASEAN. Mạng lưới thanh niên ASEAN tại Nhật Bản “ASEAN Youth Network in Japan (AYNJ)” hàng năm cũng tổ chức Đại hội thể thao “ASEAN Sport Festival” (ASF).- một “Seagame” của thanh niên và sinh viên các nước ASEAN đang sống, học tập tại Nhật Bản. Năm nay, ASF được tổ chức vào ngày 2 tháng 8 năm 2008 tại nhà thi đấu của JICA, Tokyo (Japan International Cooperation Agency – Tokyo International Center) với 6 nước tham gia: Việt Nam, Malaysia, Indonesia, Thái, Campuchia, Philipin.

Hội Thanh niên Sinh viên Việt Nam tại Nhật Bản (VYSA) cử đại diện tham dự các nội dung: Bóng bàn đơn nam (4 vận động viên), Bóng bàn đôi nam (2 đôi); Cầu lông đơn nam (2 vận động viên), Cầu lông đơn nữ (1 vận động viên), Cầu lông đôi nam (1 đôi), Cầu lông đôi nam nữ (1 đôi); và Bóng rổ (2 đội). Giải năm nay diễn ra tốt đẹp do có sự chuẩn bị chu đáo của đại diện 3 nước đồng tổ chức là: Việt Nam, Malaysia, Indonesia, thu hút được đông đảo các cổ động viên.

Kết quả của đoàn Việt Nam như sau:

1. Bóng bàn: Giải nhì đôi nam

Sự vắng mặt của lão tướng Nguyễn Huy Hoàng là sự mất mát lớn cho đội Việt Nam. 4 vận đông viên VYSA tham gia giải đơn thì có 3 vận động viện đã lọt vào vòng 2. Tuy nhiên, với kinh nghiệm còn non kém nên các vận động viên này đã không thể vượt qua được tay vợt kỳ cựu người Malaysia.

Về giải đôi nam, cặp đôi Lê Hiếu Hạnh – Nguyễn Toàn đã lọt vào trận chung kết nhưng cuối cùng cũng không thể vượt qua được cặp đôi dày dặn kinh nghiệm của đội Malaysia.

 

 
2. Cầu lông: Giải Nhất đơn nữ

Giữ được truyền thống mọi năm, tay vợt Mai Thị Dung đã dễ dàng vượt qua được các tay vợt mạnh khác đến từ Indonesia, Malaysia v.v… để giành giải nhất đơn nữ. Lý giải về phong độ của minh, vận động viên Mai Thị Dung cho rằng đó là do sự luyện tập đều đặn của Tiểu ban Cầu lông Ban Thể thao VYSA Kanto.

Ở nội dung đơn nam là sự thống trị của các vận động viên Indonesia. Họ đã dễ dàng vượt qua các tay vợt khác và làm chủ bộ huy chương.

Ở nội dung đôi nam nữ, do bắt nhịp hơi chậm so với đội bạn nên đội Việt Nam đã bị dẫn trước. Nếu trận đấu không bị hạn chế về số set thì với sự nhịp nhàng ở nửa sau trận đấu, kết quả đã có thể nghiêng về phía đội Việt Nam.

 
3. Bóng rổ: Giải vô địch

Dù vắng chủ tướng Ngọc Linh nhưng đội Việt Nam với lực lượng hùng hậu đã chia làm 2 đội. Đội 2 bao gồm toàn các vận động viên trẻ và còn ít kinh nghiệm nên đã để đội 1 của Philipin vượt qua với tỉ số sát nút. Đội 1 với các thành viên dày dặn kinh nghiệm đã lần lượt đánh bại Indonesia và 2 đội của Philipin để giành chức vô địch.

Một đội hình đồng đều bọc lót tốt là điểm mạnh của đội Việt Nam, trong khi các đội khác chỉ dựa vào một vài tay ném chủ lực. Ngoài ra, việc các vận động viên thi đấu hết mình, không ngại va chạm là một nhân tố quan trọng góp phần vào chiến thắng. Một yếu tố khách quan khác chính là sự cổ động nhiệt tình của các cổ động viên ngày hôm đấy. Sự cổ động nhiệt tình và rất teen của các bạn trẻ 9x và cả các cổ động viên 8x đã tiếp sức cho các vận động viên Việt Nam đi đến thắng lợi.

 
 
Giải đấu kết thúc trong không khí vui vẻ. Tất cả mọi người đã có một cơ hội giao lưu thể thao rất ý nghĩa. Hi vọng rằng ASF sẽ được tiếp tục tổ chức hàng năm, tạo một sân chơi và giao lưu thường xuyên cho thanh niên, sinh viên các nước ASEAN đang sống, học tập tại Nhật Bản.

Nguyễn Quốc Định