Kinh nghiệm xin việc của sempai: “Hãy bền bỉ để tìm ra công ty hợp với mình!”


Ngày 27 tháng 10 sắp tới, VYSA sẽ tổ chức buổi Hội chợ việc làm cho người Việt Nam tại Nhật (VYSA JOBFAIR 2007) nhằm tạo cầu nối giữa sinh viên Việt Nam và các công ty Nhật Bản, giúp các bạn thanh niên sinh viên có cơ hội tốt hơn trong chuyện tiếp cận nơi làm việc sau khi tôt nghiệp, tìm ra công việc hợp với mình hơn. Tham dự buổi trao đổi kinh nghiệm tại JOBFAIR sắp tới, có bạn Nguyễn Thị Thảo, đã tốt nghiệp trường Hitotsubashi, hiện đang làm việc tại ING Group. Chúng tôi xin giới thiệu với các bạn bài viết chia sẻ kinh nghiệm của bạn Thảo, và hãy cùng nhau trao dổi nhiều hơn nữa tại Jobfair sắp tới.

___Chào các bạn. Vậy là lại sắp đến một mùa xin việc nữa. Mỗi khi đến mùa này nhìn những bạn sinh viên mặc suit màu đen, giày đen, túi xách đen đi trên tàu, tôi lại có cảm giác bồi hồi, nhớ lại những buổi sáng cách đây hai năm, tôi cũng trong trang phục y hệt, đi tổng cộng gần 30 công ty để xin việc. Như nhiều sinh viên khác, tôi cũng bắt đầu đi xin việc vào khỏang cuối học kì đông một năm trước khi tốt nghiệp. Ở bài viết này, tôi sẽ đề cập đến kinh nghiệm xin việc của bản thân tôi, một sinh viên tốt nghiệp Master khoa thương mại. Hi vọng có thể giúp ích cho các bạn được chút gì đó từ những kinh nghiệm của mình. ___Có thể nói quá trình đi xin việc của sinh viên khối kinh tế là khá khó khăn do chúng ta không có nhiều điểm mạnh so với sinh viên Nhật: kỹ năng làm việc của ngành kinh tế đòi hỏi ngôn ngữ tốt, mà mình lại là một người nước ngoài, cộng thêm tâm lý của các công ty Nhật không thích tuyển người nước ngoài nói chung để làm những công việc dành cho sinh viên khối xã hội. Xác định được điều này, bạn sẽ có chuẩn bị tâm lý cần thiết để không bị chán nản khi co thể bị trượt hàng loạt rất nhiều công ty. ___Xin việc thực chất là một cuộc cạnh tranh ở trên thị trường. Muốn có kết quả tốt thì mình phải biết đâu là lợi thế của mình, đâu là điểm yếu so với sinh viên Nhật. Tức là người ta sẽ dùng đến kỹ năng gì của bạn trong công việc mà có thể hơn hoặc ít nhất cũng phải bằng sinh viên Nhật. Nếu nhìn vấn đề theo cách đó thì có thể thấy 3 loại công việc sau đây là có nhiều khả năng nhất cho lưu học sinh Việt Nam. ___1. Công việc liên quan đến giao dịch với Việt Nam ___2. Công việc giao dịch với người nước ngoài cần đến tiếng Anh ___3. Công việc mà tiếng Nhật không phải là điều tối quan trọng ___Về loại công việc liên quan đến Việt Nam, nguồn thông tin nhiều nhất là từ những người bạn Việt Nam khác, các anh chi học khóa trước, hoặc từ những hoạt động như Jobfair vừa rồi của Vysa. Tìm việc theo hướng này thường thì nhanh và hiệu quả nhất. ___Hướng thứ hai là công việc sử dụng tiếng Anh, với hướng này thì bạn nên nhắm vào các công ty nước ngòai hoặc là bộ phận giao dịch với nước ngoài của các công ty Nhật. Muốn vậy, bạn nên thi các chứng chỉ tiếng Anh sớm. Ngoài ra nên luyện nói bởi vì có thể sẽ có phỏng vấn bằng tiếng Anh (nhất là các công ty nước ngoài). Thậm chí nếu thấy thiếu tự tin khi nói thì có thể đăng ký một khóa học nói ở NOVA hay ECC chẳng hạn. ___Hướng thứ ba là bạn hướng vào những công việc mà có sử dụng đến chuyên môn của bạn. Ví dụ một bạn học giỏi toán có thể lấy đó làm điểm mạnh để xin vào những công việc cần dùng nhiều toán. Hoặc bạn giỏi về kế toán thì có thể xin vào làm công việc kế toán (nếu có một vài chứng chỉ thì càng tốt, ví dụ như 簿記 chẳng hạn). Hoặc nếu bạn đã có kinh nghiệm làm part-time, làm intership một công việc gì đó, thì đó cũng là thế mạnh của bạn khi xin một công việc dùng đến kinh nghiệm, kĩ năng đó. ___Thực tế là mọi người thường đi cùng một lúc cả ba hướng trên. Tuy vậy, bạn cũng nên xác định công việc mà mình muốn làm trong tương lai để xin việc có trọng tâm, vì xin việc mới chỉ là sự khởi đầu, quan trọng hơn nữa là bạn có hài lòng với công việc đó không. Luôn nhớ rằng mục tiêu của xin việc không phải là chỉ để có việc làm (hay có 内定), mà là bạn tìm được công việc, công ty vừa ý phù hợp với nguyện vọng của mình. Về trường hợp của bản thân tôi, mục tiêu của tôi là các công ty tài chính nước ngoài, nên cũng cố gắng học thêm tiếng Anh. Ngoài ra tôi chọn nguyện vọng vào những công việc mà cần dùng nhiều đến môn toán, vì nghĩ rằng mình cũng có thế mạnh về môn này. ___Ba hướng mà tôi vừa nêu trên là để giúp bạn trong việc chọn công ty và chọn công việc, lĩnh vực. Cuối cùng phụ thuộc vào sơ yếu lí lịch của bạn có ấn tượng hay không, và sự tự tin của bạn khi phỏng vấn. Về điều này thì bạn nên đọc thêm một vài cuốn sách hướng dẫn đi xin việc của Nhật. Có một cuốn tôi khá tăm đắc là cuốn “面談の達人” (link dưới đây) (http://www.amazon.co.jp/exec/obidos/ASIN/447878327 ). ___Sự tự tin sẽ đến khi bạn hiểu đâu là thế mạnh của mình, bạn muốn làm gì ở công ty đó, và thế mạnh của bạn sẽ được phát huy như thế nào đối với công việc đó. Ngoài ra thì bạn phải quen với phong vấn thôi, đi nhiều thì tự mình sẽ cảm nhận được nên nói như thế nào. Bạn nên có một cuốn nhật ký xin việc, sau các cuộc phỏng vấn thì xem lại xem mình tốt ở đâu, không tốt ở đâu. Bao giờ mình cảm thấy nói chuyện phong vấn như nó chuyện với một người bạn, tự tin và thoải mái nhưng tuyệt đối không lên gân, thì tới lúc đó có thể nói kỹ năng đi phỏng vấn của bạn rất tốt rồi. ___Điều cuối cùng, tôi muốn nói với các bạn là hãy bền bỉ. Thực sự thời kì đi xin việc nhiều khi cảm thấy rất dễ nản chí. Bạn hãy đặt mục tiêu cho mình để cố gắng, tìm sự động viên ở bạn bè và người thân, cố gắng tìm niềm vui trong những cuộc gặp gỡ để tiếp tục cho đến khi bạn tìm được công ty, công việc phù hợp với nguyện vọng. ___Tôi cũng phải mất đến 4 tháng mới tìm được công việc mong muốn. Hiệc tại tôi làm công việc “Quản lí rủi ro trong đầu tư trên thị trường chứng khoán” trong mộc công ty bảo hiểm của Hà Lan. Khi được phỏng vấn vào công ty này, tôi nói tôi thích làm công việc có sử dụng nhiều toán học, bởi vậy tôi đăng kí những công việc như tính giá bảo hiểm, phát triển sản phẩm tài chính kế toán…. Ngoài ra tôi sẽ chọn công ty nào mà tôi cảm thấy phù hợp với tính cách của mình. Trong các cuộc gặp gỡ với senpai do công ty tổ chức trong thời gian xin việc, tôi cũng hỏi được khá nhiều thông tin nên khi vào làm cũng không cảm thấy khác nhiều so với mình trông đợi. Nói chung tôi cảm thấy công việc rất thú vị và học hỏi được nhiều điều mới mẻ. ___Xin chúc bạn may mắn và thành công.

Tokyo tháng 10,2007 Nguyễn Thảo