Kinh nghiệm: Xin việc theo con đường lấy giấy giới thiệu của trường(suisen)


Đi xin việc trực tiếp qua các vòng của công ty bạn yêu thích là một cách , ngoài ra, còn có một số trường thường giới thiệu sinh viên của trường mình với một số công ty, tạo điều kiện tốt hơn( hỗ trợ) cho sinh viên trong quá trình xin việc. Theo cách này, có một số lợi thế nhất định vì các công ty thường đã biết về chất lượng của các Lab( hoặc của trường). CHúng tôi xin tiếp tục giới thiệu bài viết kinh nghiệm cá nhân của anh Lê Hải Đoàn, người đã thành công với cách này.


Nhiều công ty thường nhận giới thiệu (suisen) từ trường và giới hạn số người được nhận suisen. Trường càng nổi tiếng thì có càng nhiều chỉ tiêu suisen. Thông thường các công ty phân chỉ tiêu suisen cho trường với 3 mục đích: giữ quan hệ với trường, lấy được học sinh ưu tú từ các trường lớn và giảm chi phí tuyển nhân viên.

Khoảng 5 năm trước việc giới thiệu sinh viên nào là do trường quyết định và sinh viên đã được trường giới thiệu tham gia một vài vòng thi, tỉ lệ đỗ sau khi đã được trường giới thiệu rất cao, gần như 100%. Sau khi đã được trường giới thiệu thì công ty cũng có tâm lý không muốn đánh trượt sinh viên vì sợ sẽ ảnh hưởng xấu đến quan hệ với trường. Ngược lại những sinh viên sau khi đã được công ty nhận thì cũng sẽ phải vào công ty vì nếu không vào thì sẽ gây ảnh hưởng xấu đến quan hệ giữa trường và công ty và những sinh viên năm sau sẽ khó thi được vào công ty đó.

Tuy nhiên khoảng 3 năm trở lại đây việc suisen thay đổi khá nhiều. Vì công ty vẫn không muốn đánh trượt sinh viên sau khi trường đã giới thiệu nên các công ty đã tìm những cách để gây ảnh hưởng đến việc trường giới thiệu sinh viên nào để tránh trường hợp trường giới thiệu những sinh viên không đủ năng lực. Nhất là các công ty lớn và được ưa chuộng thì việc gây áp lực này càng nhiều. Thậm chí nhiều công ty còn tổ chức những kỳ thi tuyển gắt gao và thông báo những sinh viên đạt tiêu chuẩn để trường giới thiệu sinh viên đó. Như vậy việc giới thiệu chỉ còn mang tính hình thức.

Theo tôi biết có 3 cách để công ty gây ảnh hưởng đến việc trường sẽ giới thiệu sinh viên nào.

Cách 1: Tổ chức các kỳ thi trước khi trường giới thiệu. Tuy nhiên ở nhiều công ty, kì thi này thường lấy tên là “Job matching” vì những lý do tế nhị. Chỉ những sinh viên vượt qua được kỳ thi Job matching này mới có thể nhận được giới thiệu của trường. Kì thi Job matching có thể là 1 hoặc nhiều vòng. Ở nhiều công ty ví dụ như Hitachi, nếu bạn trượt kỳ thi tại một bộ phận nào đó bạn có thể tiếp tục thi tại bộ phận khác. Hầu hết các maker (công ty sản xuất ở Nhật) như Matsushita, Toshiba, Hitachi, Fujitsu … tuyển người theo phương pháp này. Trong các phương pháp suisen thì phương pháp này có lẽ thí sinh nhàn nhất.

Cách 2: Yêu cầu thí sinh thi giống thí sinh tự do, và chỉ những người đỗ mới có thể được trường giới thiệu (atoduke suisen). Ví dụ Nippon Musen.

Cách 3: Cử nhân viên công ty về trường tìm hiểu các thí sinh (Recruiter suisen). Các nhân viên này thường là sinh viên cũ của trường đó để tạo cảm giác thân thiện với sinh viên. Các nhân viên này có trách nhiệm sàng lọc những sinh viên không đạt chất lượng. Một số công ty cho phép những nhân viên này có quyền quyết định ai sẽ được trường giới thiệu (KDDI …)Một số công ty chỉ cho phép các nhân viên này sàng lọc qua và tiến cử để thi tiếp tại công ty. NTT Docomo, NTT Higashi, … tuyển người theo phương pháp này

Như vậy quan niệm thi suisen nhàn hơn thi tự do là không còn đúng trong hoàn cảnh hiện nay. Thậm chí ở nhiều công ty việc đi theo con đường suisen còn phiền phức hơn là con đường thi tự do. Như tôi thi vào công ty NTT Docomo có 7 vòng thi và 2 vòng gặp recruiter trong khi thi tự do chỉ cần 3 vòng thi. Tôi xin giới thiệu qua về kinh nghiệm của tôi khi thi NTT Docomo để các bạn có thể tham khảo.

Năm 2005 NTT Docomo cho trường tôi 3 suất suisen, Trong buổi đầu tiên các recruiter đến trường, có khoảng 50 SV tham gia nghe giới thiệu và sau đó có khoảng 35 người tham gia vào việc dự tuyển.

Vòng 1: Group Discussion
Trên danh nghĩa là đi thăm quan công ty, những người tham gia dự tuyển có thể chọn đến thăm trung tâm nghiên cứu hoặc thăm tổng công ty. Tôi lựa chọn đến thăm tổng công ty. Tại đây chúng tôi 16 người được chia thành 4 nhóm nhỏ và đề bài là đề ra những dịch vụ để tăng sức cạnh tranh của công ty. Nhóm chúng tôi đề ra phương án cung cấp dịch vụ thông tin trên tàu.
Sau đó các nhóm lần lượt báo cáo phương án mình đề ra và các recruiter sẽ đặt câu hỏi. Nhóm chúng tôi trình bày về phương án cung cấp dịch vụ thông tin trên tàu nên bị hỏi một số câu như: Liệu phương án có khả thi không khi tín hiệu sẽ kém khi tàu chạy trong đường hầm hoặc chạy với tốc độ cao (ví dụ tàu shinkansen)

Vòng 2:
Sau buổi thăm quan công ty, các recruiter mời chúng tôi đi ăn. Lần này số nhân viên công ty cũng rất đông, khoảng 15 người, toàn là sinh viên cũ của trường tôi. Và họ đổi bàn liên tục để ai trong số họ cũng có thể nói chuyện với tất cả 16 người chúng tôi. Nếu bạn coi đây là một bữa tiệc bình thường thì gần như 100% bạn sẽ không thể đỗ được. Sau bữa ăn chắc chắn họ sẽ chấm điểm từng thí sinh một nên thí sinh nào chứng tỏ được những điểm tốt của mình trong bữa tiệc sẽ là người được đi tiếp vào vòng trong.

Vòng 3:
Recruiter lại đến trường và nói chuyện. Và đây trên danh nghĩa là nói chuyện nhưng bạn nên coi như đó là một buổi phỏng vấn thân mật

Vòng 4: Phỏng vấn chính thức lần 1
Lần này chúng tôi thi phỏng vấn. Giám khảo phỏng vấn cũng là một sinh viên cũ của trường và đã có 12 năm thâm niên trong công ty. Sau vòng này số người còn lại chỉ là 7 người.

Vòng 5:
Lại tiệc, họ mời 7 người còn lại đi ăn tiệc và trong bữa tiệc này có 1 người là sinh viên cũ của trường đã có 20 năm thâm niên công tác và có địa vị khá cao trong công ty. Sau bữa tiệc này 4 trong số 7 người được thông báo là đã trượt.

Vòng 6: Thi viết
Thi năng lực và kiểm tra tính cách tại test center. Vòng này không có ai bị loại.

Vòng 7: Phỏng vấn của phòng tổ chức.
Giám khảo vòng này là người của phòng tổ chức, nghĩa là các recruiter đã hết nhiệm vụ tuyển người. Nếu các vòng trước recruiter là người xét tuyển chúng tôi thì bây giờ họ là đồng minh của chúng tôi. Một nguyên nhân là họ là những người đã học trường chúng tôi hồi xưa và nguyên nhân nữa là họ là những người đã tuyển chọn chúng tôi và giới thiệu chúng tôi với phòng tổ chức nên nếu chúng tôi sơ sểnh trong vòng này họ cũng bị mang tiếng là tuyển người không cẩn thận. Chính vì vậy trước khi bước vào vòng phỏng vấn của phòng tổ chức việc xin lời khuyên từ các recruiter không bao giờ thừa vì họ đã xét tuyển bạn trong nhiều vòng nên nắm được các ưu và nhược điểm của bạn. Lời khuyên của họ sẽ rất bổ ích.
Sau vòng 5 chỉ còn lại 3 thí sinh, đúng bằng số chỉ tiêu công ty cho trường tôi nên tôi chọn phương pháp an toàn khi thi vòng này vì tôi hiểu rằng đối thủ của tôi không phải là các thí sinh khác mà là chính mình vì số thí sinh đúng bằng số chỉ tiêu. Chỉ cần chứng minh được rằng mình có năng lực đáp ứng yêu cầu của công ty thì sẽ đỗ vì giám khảo không nhất thiết phải loại người. 3 chúng tôi đều đỗ vòng này và công ty thông báo đến nhà trường để giới thiệu cho 3 chúng tôi.

Vòng 8: Phỏng vấn vòng cuối.
Tôi cũng chọn giải pháp an toàn cho vòng này vì qua vòng trước trường đã viết giấy giới thiệu cho 3 người chúng tôi. Hơn nữa chính công ty đề nghị trường giới thiệu cho chúng tôi. Nếu công ty đánh trượt chúng tôi trong vòng này thì cũng sẽ ảnh hưởng đến quan hệ của công ty với trường. Tuy nhiên lúc phỏng vấn tôi vẫn hơi run vì dù sao đây cũng là vòng cuối. Đúng như dự đoán, cả 3 chúng tôi đều đỗ vòng này.

Như vậy đối với một số công ty thi tuyển theo chế độ suisen còn phức tạp hơn thi theo chế độ tự do. Đặc biệt là thi theo chế độ suisen bạn phải giữ liên lạc khá thường xuyên với recruiter và khá mất thời gian. Tuy nhiên nếu bạn có năng lực thật sự thi suisen sẽ ít rủi ro hơn là thi tự do vì tỉ lệ chọi thường thấp hơn nên công ty có thể đầu tư nhiều thời gian vào xem xét kỹ một thí sinh. Do vậy bạn có nhiều dịp để chứng tỏ năng lực của mình. Khi thi tự do vì số thí sinh rất nhiều nên các công ty không thể xem xét kỹ một ai cả. Thậm chí nhiều công ty còn dùng các chương trình máy tính để chấm bài luận văn bạn viết khi đi xin việc. Công ty Vodaphone tại Nhật cũng loại đến 80% thí sinh tham gia từ vòng đầu chỉ qua kiểm tra trắc nghiệm tính cách trên mạng. Nhiều người có năng lực đã phải ngậm đắng nuốt cay vì bị trượt nhưng đúng là với tình trạng nộp đơn ồ ạt như hiện nay (những công ty lớn thường có một vài trăm nghìn thí sinh dự thi) thì các công ty cũng không xét tuyển chính xác 100% được.

Tuy tỉ lệ chọi thấp hơn nhưng điều đó không có nghĩa là thi suisen dễ hơn thi tự do vì đối thủ của bạn khi thi suisen là những người cùng trường, cùng khoa với bạn nên mức chênh lệch trình độ thường không nhiều. Khi thi tự do nhiều thí sinh năng lực không cao cũng nộp đơn để cầu may nên tuy tỉ lệ chọi cao cũng chưa hẳn đã quá khó.

Vài thông tin về công ty NTT Docomo
NTT Docomo là một công ty chuyên kinh doanh dịch vụ điện thoại di động trong tập đoàn NTT nổi tiếng của Nhật nhưng không phụ thuộc nhiều vào công ty NTT. Với doanh thu 80 tỷ USD/năm (trong đó 60% là từ thị trường Nhật) NTT Docomo là công ty lớn thứ 2 ở Nhật (sau Toyota) và đứng thứ 42 thế giới năm 2005 (thứ 25 thế giới năm 2004, theo Financial Times). NTT Docomo hoạt động theo mô hình Tổng công ty (5900 nhân viên) và các công ty con (tổng cộng 22.000 nhân viên). Năm 2005 có 13.000 sinh viên nộp đơn thi vào tổng công ty và có 125 người trúng tuyển. Với sự cạnh tranh khốc liệt của công ty KDDI (kinh doanh điện thoại au), sự vùng dậy của tập đoàn Willcom (kinh doanh PHS) và sự ra nhập của công ty Soft bank (dự tính ra nhập năm 2006) với giám đốc Tôn Chính Nghĩa nổi tiếng, NTT Docomo đang phải giảm giá liên tục. Lợi nhuận của công ty năm tài chính 2004 giảm 30% từ 10 tỉ USD xuống 7 tỉ USD một năm. Tuy nhiên NTT Docomo có đội ngũ R&D thuộc hàng mạnh nhất thế giới và đang là chủ sở hữu công nghệ i-mode và đồng sở hữu công nghệ WCDMA cùng công ty Erricson.

Lê Hải Đoàn
NTT Docomo
( Theo nhatban.net)