You are currently viewing Những câu hỏi “ĐẮT GIÁ” nên hỏi nhà tuyển dụng

Những câu hỏi “ĐẮT GIÁ” nên hỏi nhà tuyển dụng

Trong quá trình chuẩn bị hành trang cho cuộc giáp mặt với nhà tuyển dụng, ngoài việc đầu tư tốt cho phần giới thiệu bản thân, luyện tập trả lời các câu hỏi thường gặp,…, bạn cũng nên chú ý đến một câu hỏi thân quen mà các nhà tuyển dụng sẽ đặt ra ở cuối mỗi buổi phỏng vấn “Bạn có câu hỏi nào cho chúng tôi không?”. Nếu trả lời “Không”, thì chắc chắn bạn bị sẽ mất điểm ngay. Hoặc, nếu đặt những câu hỏi quá mờ nhạt, bạn sẽ chẳng ghi được điểm nào.

Vậy đã mất công hỏi thì phải hỏi sao cho xịn. Hôm nay, VYSA xin chia sẻ đến các bạn một đoạn hội thoại vui nhộn “made by VYSA”, nhằm cung cấp cho bạn một loạt cách hỏi hay khiến nhà tuyển dụng phải lưu tâm về bạn. 

Nào! Hãy cùng VYSA khám phá đoạn hội thoại thú vị dưới đây nhé!

Trần Xoáy: Xin chào anh Xoay. Tình hình dịch COVID-19 nhà anh thế nào nhỉ?

GS Xoay: Rất căng thẳng anh ạ. Tôi đang đếm từng khẩu trang mà tôi còn, từng ngày đây!

Trần Xoáy: Vâng, không những COVID-19 đang căng thẳng, GS Xoay đang căng thẳng, mà các bạn đang đi shu cũng căng thẳng khi tìm việc. Tiện thể anh có lời khuyên gì cho các bạn về cách đặt câu hỏi cho nhà tuyển dụng khi kết thúc phỏng vấn không?

GS Xoay: Câu hỏi này của anh rất hay! Tôi nghĩ có 5 loại câu hỏi NÊN hỏi và 3 loại câu hỏi KHÔNG nên hỏi nhà tuyển dụng (NTD).

Trần Xoáy: Đầu tiên xin GS cho biết 3 loại câu hỏi KHÔNG nên hỏi trước.

GS Xoay: Tại sao anh lại không hỏi 5 loại kia trước?

Trần Xoáy: Thưa GS, đây là chương trình Hỏi xoáy đáp xoay! Và tôi là người hỏi.

GS Xoay: Đúng là cà khịa! 3 câu hỏi KHÔNG nên là:

– Câu hỏi thể hiện anh chưa hề tìm hiểu gì về công ty, như “Công ty có bao nhiêu người, bao nhiêu bộ phận?” “Chế độ phúc lợi ở công ty là gì?”, tức những câu mà anh có thể dễ dàng tìm hiểu được trên tờ giới thiệu hay trên website của công ty. Đóng tiền mạng là để xem những website hữu ích phải không anh Xoáy!

– Câu hỏi về làm thêm giờ, như “Công ty có tăng ca không?” “Cuối tuần có phải đi làm không?” “Có hay được về đúng giờ không?” Tất nhiên không ai muốn làm tăng ca mà không được tiền thêm giờ. Nhưng đây là các câu hỏi nhạy cảm, tạo cho NTD cảm giác anh chưa làm đã ngại khó.

– Câu hỏi mà NTD khó trả lời, như “Tỷ lệ nghỉ việc của nhân viên trẻ trong 3 năm gần đây?”, “Tốc độ tăng trưởng, tăng lương của công ty trong 5 năm gần đây?”, điều mà có thể thể hiện “điểm trừ” của doanh nghiệp. Đừng hỏi các câu hỏi nhạy cảm như thế, nếu anh không muốn “được” nhận thẻ đỏ!

Trần Xoáy: Thế còn 5 loại câu hỏi nên hỏi, thưa GS.

GS Xoay: 5 loại câu hỏi NÊN là:

– Câu hỏi về nội dung công việc, như “Anh/chị có thể cho tôi xin thông tin chi tiết về nội dung công việc sắp tới tôi sẽ làm, nếu tôi được nhận không?” “Trong công việc, anh/chị có yêu cầu chú trọng điều gì nhất?”. Việc hiểu rõ về công việc cần làm sẽ giúp anh biết rõ hơn phải PR điểm mạnh gì của mình để phù hợp với yêu cầu công việc.

– Câu hỏi về mức độ hứng thú đối với công việc của người trong công ty, như “Ấn tượng của anh/chị trước và sau khi vào công ty có thay đổi gì không? Nếu có, là điểm gì ạ ?” “Trong quá trình làm việc, khi nào anh/chị cảm thấy vui nhất? Khi nào cực nhất? Anh/chị có thể kể lại 1 kỉ niệm về những lúc như thế được không?” “Điểm nào là điểm anh/chị cảm thấy mình trưởng thành nhất qua công việc?”. Nếu bạn đặt câu hỏi như thế này cho anh A ở vòng phỏng vấn đầu tiên hay các event job fair do VYSA tổ chức. Nó sẽ là nguồn thông tin tham khảo cực hữu ích để bạn ghi điểm cho các vòng phỏng vấn tiếp theo. Ví dụ, khi vào vòng phỏng vấn cuối, Sacho có hỏi “Kibo doki”(Động lực ứng tuyển) của bạn là gì? Hãy dẫn chứng lại “Ở vòng phỏng vấn trước, tôi biết được anh A trưởng thành qua công việc như thế này, thế nọ. Nên tôi cũng muốn trải nghiệm và trở thành như thế”. Đây sẽ là một điểm cộng cực lớn!

– Câu hỏi về phẩm chất, tư duy của nhân viên trong công ty, như “Điểm chung của những nhân viên thành công trong công việc tại quý công ty là gì ạ?” ”Anh/chị có thể cho biết các yêu cầu về tính cách và cách suy nghĩ đối với nhân viên mới không ạ?”. Nắm được những phẩm chất, đặc điểm của các nhân viên năng nổ tại công ty, sẽ giúp anh PR điểm mạnh gì cho ấn tượng.

– Câu hỏi về môi trường làm việc, như “Không khí làm việc và văn hoá công ty như thế nào ạ?” “Nhân viên trẻ thường được giao những công việc gì ạ? 3 năm sau khi vào thì mọi người thường đảm trách những công việc gì ạ?”. Câu hỏi này giúp bạn hiểu rõ hơn môi trường làm việc thực tế tại công ty: Có thoải mái không, có tạo cơ hội cho người trẻ không?

– Câu hỏi mà tự anh thắc mắc, không rõ về công ty, như “Công ty có người nước ngoài không?” ”Bởi vì tôi có thể sử dụng tiếng Anh/bằng cấp này, trong công ty có cơ hội tôi sử dụng nó không?” ”Xin cho biết những kiến thức gì tôi cần chuẩn bị, trước khi vào công ty?”

Điểm quan trọng ở đây, là các câu hỏi phải thể hiện ý chí mạnh mẽ của anh muốn cống hiến cho công ty tốt hơn. Và mỗi vòng anh nên linh hoạt lựa chọn câu hỏi cho phù hợp. Vì nó tùy thuộc vào người nghe của anh là ai? Ví dụ, với các bạn IT vòng 1: phỏng vấn với phòng Nhân sự (HR); vòng 2: phỏng vấn với sempai kỹ thuật; vòng 3: phỏng vấn với shacho. Thì không nên hỏi chi tiết nội dung công việc tại vòng 1 được, vì HR không biết. Và khi phỏng vấn với shacho thì không nên hỏi những câu vụn vặt hay tiểu tiết, mà hãy hỏi ở vòng 1!

Trần Xoáy: Bravo! thưa GS. Xin cảm ơn GS nhiều. Chúc GS và các bạn trong VYSA sớm mua được khẩu trang, phòng ngừa COVID-19 nhé.

GS Xoay: Vâng, cảm ơn anh. Anh còn dư cho tôi.

Trần Xoáy: Không, tôi hết rồi! Tôi còn đang phải giặt đi giặt lại cái khẩu trang đây!

Kết

Những câu hỏi thông minh không chỉ cho phép bạn có được những thông tin hữu ích về nhà tuyển dụng, môi trường làm việc tương lai mà còn giúp bạn ghi điểm trong mắt các nhà tuyển dụng, vượt qua các ứng viên còn lại để chứng tỏ mình là ứng viên tốt nhất.

Hy vọng, chia sẻ này sẽ thật bổ ích và có thể giúp bạn có một màn kết thúc thật ấn tượng trong buổi phỏng vấn sắp tới đây.