Rộn ràng sắc xuân trên xứ sở Anh Đào


Đối với những người xa xứ như tôi, có lẽ, không ai là không cảm thấy một nỗi buồn man mác, không ai là không cảm thấy nhớ nhung và không ai là không mơ đến một cái Tết đầm ấm quay quần bên gia đình nơi quê nhà. Để phần nào nguôi đi nỗi nhớ, và để tự nhắc nhở mình về một truyền thống quê hương, những con người xa quê cùng tâm trạng đã đến với nhau, cùng nhau tổ chức gói bánh và đón giao thừa …

Trên khắp nước Nhật, từ Hokkaido xa xôi tận cùng phía Bắc, sang Sendai, xuống Osaka, Kobe, cho tới Fukuoka ở mãi phía Nam, đâu đâu người Việt cũng tổ chức liên hoan đón chào năm mới. Đáng kể nhất trong số những đêm liên hoan ấy là buổi Dạ hội Xuân Quí Mùi tổ chức vào tối mùng 1 Tết do Hội thanh niên SV VN tại Nhật Bản (VYSA) tổ chức tại quận Meguro – Tokyo. Tuy số khách tham dự Dạ hội lần này có phần khiêm tốn hơn so với dịp Xuân Nhâm Ngọ tổ chức năm ngoái vì những lý do khách quan, Dạ hội Xuân vẫn diễn ra rất thành công, đem đến cho mỗi người tham dự những giây phút đầu Xuân ấm áp trong không khí Tết ngọt ngào hương vị dân tộc. Các thành viên trong ban tổ chức đã tích cực làm việc để chuẩn bị cho Dạ hội được diễn ra tốt đẹp. Lời Chúc xuân của chủ tịch nước, mà khi ở nhà tôi chỉ nghe trên truyền hình một cách chiếu lệ, giờ đây thấy xúc động và ý nghĩa biết bao. Tôi nghe như muốn “uống” lấy từng lời ! Rồi ai cũng lặng đi, xao xuyến nhớ Tết VN khi nhìn những hình ảnh hoa đào, hoa mai nở rộ, cảnh đón xuân náo nức, tấp nập chuẩn bị giao thừa, lần lượt được chiếu trên màn ảnh rộng. Tôi đã ước giá như mình được ở nhà lựa mai, ước mình được dọn dẹp trang hoàng nhà cửa và náo nức trong dòng người sắm sửa chuẩn bị Tết… Thầm ước để rồi tôi thầm “ghen tị” với những người ở nhà… Những hình ảnh ấy lúc này sao lại thân thương đến vậy! Và để có được những hình ảnh cho phần “Xuân trên Quê hương” này, ban biên tập đã phải nhờ những “phóng viên” nghiệp dư ở nhà chụp hình, scan rồi gửi sang, hoặc download từ nhiều trang web khác nhau. Từ tâm trạng cảm hoài, mọi người lại rộn hẳn lên khi được giao lưu trực tiếp cùng với những người đang đón Tết tại quê nhà, cùng chia sẻ cái không khí Xuân tưng bừng tràn khắp nơi nơi trên đất Việt thân yêu. Khách mời đầu tiên là Tiền vệ xuất sắc Hồng Sơn (ở thủ đô Hà Nội), anh đã từng giao lưu với VYSA qua chuyến thăm Nhật Bản xem World Cup hè năm 2002. Tiếp theo là một người bạn mới của VYSA- chị Đỗ Thuỵ ( đài truyền hình TP HCM) tường thuật về cái Tết ở miền Nam. Rộn ràng hơn cả là màn trao đổi với một nhân vật quen thuộc của VYSA – anh Trần Xuân Nam, chủ tịch VYSA. Ai cũng phải bật cười vì cái hóm hỉnh của anh. Cũng may hôm đó đường dây điện thoại không gặp bất cứ trở ngại gì. Xen lẫn giữa các phần của chương trình và làm không khí đêm Dạ hội Xuân thêm tưng bừng là những tiết mục văn nghệ cây nhà lá vườn. Người xem được thưởng thức những màn trình diễn dí dỏm bên cạnh những tiết mục chứa chan tâm sự…Giọng hát ngọt ngào của những người xa quê hương như được truyền thêm chất nhớ, chất thương, càng mượt mà, càng thắm thiết. Cứ muốn nghe mãi là thế! Thịt mỡ dưa hành câu đối đỏ Cây nêu tràng pháo bánh chưng xanh… Không được đầy đủ như xưa, nhưng ở đây cũng có cả câu đối đỏ, cả dưa hành, và bánh chưng xanh. Tiệc đêm mùng 1 đó của chúng tôi còn có cả giò thủ, giò lụa. Không có lá để gói như ở nhà, chỉ có giấy bạc, và một ít lá dong mua được ở chợ Ueno để có màu xanh, nhưng hương vị vẫn không khác mấy, phần nào nguôi bớt được nỗi nhớ hương vị quê nhà. Tiệc bày ra, mọi người cười nói, cụng ly champangne và chúc nhau những lời chúc đầu Xuân tốt đẹp. Mới có một tí đấy, tôi phải ra ngoài dỗ cô bạn khóc vì nhớ nhà, quay vào lại thì bánh chưng đã hết mất rồi. Thế mới thấy có những thứ quí đến nhường nào mà khi ê hề trước mắt thì không để ý đến… Trong khi mọi người mải mê ăn uống trò chuyện thì trong một góc nhỏ của hội trường, ông đồ Hồng Anh đang nắn nót viết chữ theo yêu cầu. Cũng bút lông, mực Tàu, tuy không phải giấy điều đỏ thắm như các ông đồ ở nhà ngồi trải chiếu gò lưng viết, ông đồ Hồng Anh đã thu hút không biết bao nhiêu khách hàng (dĩ nhiên là miễn phí) bởi những dòng chữ bay bướm điệu nghệ. Dạ hội là Dạ hội. Sau khi thoả mãn dạ dày ngày Tết, vui chơi xổ số và một vài tiết mục văn nghệ vui, mọi người hoà mình vào những điệu nhảy rộn ràng theo nhạc dance, rồi nhanh theo chachacha rồi waltz…Người biết nhảy thì lên sân khấu, duyên dáng và điệu nghệ, người không biết nhảy thì cũng lắc lư mình theo nhạc, tập những bước đầu tiên còn vụng về nhưng vẫn rất đễ thương…Chỉ tiếc rằng thời gian cho phép của KTX SV Quốc tế Komaba chỉ cho phép mượn Hội trường tới trước 11 h, không thì chúng tôi hẳn phải thức thâu đêm để hát, để nhảy, và trò chuyện để tận hưởng hết niềm vui của ngày đầu Xuân… Quả thật chúng tôi, những người con xa quê hương, đã có một cái Tết thật ý nghĩa trên xứ sở Hoa Anh Đào. Cái nhớ vơi đi niềm vui tràn ngập, rồi để đầu tuần sau lại chúng tôi lại lao vào làm việc, học tập như bao ngày bình thường khác. Chắc hẳn mỗi người trong chúng tôi sẽ đều mang theo trong nếp sống thường nhật ấy một tâm trạng phơi phới xuân, rạo rực xuân, náo nức xuân, để thấy mình sống, học tập và làm việc có ý nghĩa hơn – vì Quê Hương. Với tâm trạng ấy , xin chúc mọi người, mọi nhà một Năm mới Hạnh phúc, tràn đầy niềm vui và đạt nhiều thành công. ——————- Mặc dù còn có những thiếu sót trong tổ chức và chạy chương trình, cả về kĩ thuật lẫn về nội dung (có một nhu cầu trong đổi mới về mặt nội dung và cả cách tổ chức về hình thức để có thể thu hút số lượng lớn hơn những người tham dự) , nhưng về một khía cạnh nào đó, Dạ hội đã thỏa mãn một phần nhu cầu tình cảm của người tham dự nói chung. Ở đây cuccu chỉ xin nêu lên cái tinh thần lớn nhất tóat ra từ đêm ấy.Còn việc cải tiến nội dung thế nào, hình thức ra sao để cho vườn hoa vysa thêm hương thêm sắc thì có lẽ phải có một cuộc trưng cầu ý kiến của những người quan tâm. by cuccu