SEMPAI CHIA SẺ #2: Kenkyusei là gì? Cuộc sống Kenkyusei thế nào? – Bạn Dương Thị Huệ

Các bạn có còn nhớ những chia sẻ đầy thú vị về việc học trường senmon của bạn Triệu Đức Duy không?
Nếu chưa có cơ hội được đọc những chia sẻ thú vị ấy thì hãy lick ngay vào link đưới đây nhé!
Link: https://bit.ly/2A0LZNI
Và… Hôm nay nhân vật tiếp theo của chúng ta là bạn Dương Thị Huệ.
Hiện tại Huệ đang theo học Khoa Quản trị và kinh doanh tại Đại học quốc lập Yokohama, chuyên ngành nghiên cứu là Kế toán tài chính.
Với Huệ, điều quan trọng nhất trong quá trình tìm chọn trường đó là “sự chủ động”. Chúng ta cần chủ động, xác định mình muốn học gì, cơ hội nghề nghiệp ra sao, xong xác định trường muốn học và vùng muốn học. Hãy bắt đầu “kết thân với bác google” bằng những tìm kiếm đơn giản… Từ từ sẽ có lựa chọn cho riêng mình.
Sau khi đã có lựa chọn riêng, chuẩn bị cho kì thi, ta cần chủ động nghiên cứu tìm tòi những đề thi trước đó và liên hệ với các giáo viên hướng dẫn… Khi gặp khó khăn, hãy mạnh dạn gửi mail hỏi, nếu không có được đúng thông tin mình cần thì cũng sẽ có được hướng dẫn đúng nơi mình có thể tìm thông tin đó.
Chúng ta cùng vào phần câu hỏi để tìm hiểu thêm về trải nghiệm của Huệ nhé!
sempai 2
TT: Bạn có thể cho mình biết Kenkyusei là chương trình học như thế nào được không ạ?
Huệ: Chương trình nghiên cứu sinh, một chương trình ngắn hạn mở ra cho những bạn có nhu cầu thi lên cao học ở Nhật. Việc học lên cao học bằng tiếng Nhật yêu cầu mọi người tham gia một kì thi tuyển chọn đầu vào. Vậy chương trình nghiên cứu sinh này thực chất là một khóa ngắn hạn trang bị cho các bạn kiến thức cần thiết cho kì thi đó, bao gồm kiến thức chuyên môn và tiếng Nhật.
Bên cạnh đó, chương trình tạo cơ hội cho các bạn bước đầu làm quen với môi trường học và chuẩn bị cho việc nghiên cứu sau này bằng việc trao đổi trực tiếp với giáo sư hướng dẫn.
TT: Nội dung và thời gian học của chương trình là bao lâu ạ?
Huệ: Về nội dung: Tùy vào chuyên ngành nghiên cứu của bản thân mà nội dung học của mỗi học sinh sẽ khác nhau. Và nội dung này được giáo sư hướng dẫn tư vấn để đảm bảo đúng kiến thức cho kì thi cao học.
Về thời gian: Chương trình học kéo dài từ 6 tháng đến 1 năm dựa vào kết quả thi của mọi người. Nếu sau 1 năm vẫn không thi đỗ, vẫn có thể đăng kí học nghiên cứu sinh bằng việc tìm hiểu đề tài, chuyên ngành nghiên cứu mới.
TT: Để học cao học ở ngôi trường hiện tại, bạn đã trải qua các kì thi gì ạ?
Huệ: Ở trường mình, kì thi bao gồm kiến thức chuyên môn và Tiếng Anh. Kiến thức chuyên môn thì mọi người được chuẩn bị trong quá trình mình học. Tiếng Anh sẽ là văn bản khoa học được trích dẫn, để trả lời câu hỏi ta cần phải có cả kiến thức chuyên môn lẫn thực tế nữa.
TT: Bạn đã chuẩn bị viết Đề tài nghiên cứu như thế nào? trong thời gian bao lâu? Để các bạn của VYSA nếu có nguyện vọng học lên Cao học biết sắp xếp thời gian hợp lí, chuẩn bị tốt nhất.
Huệ: Khi liên hệ để được giáo sư hướng dẫn đồng ý, cần thiết các bạn chuẩn bị đề tài và phương hướng nghiên cứu. Đối với bản thân mình, mình suy nghĩ về lĩnh vực cảm thấy hứng thú và tìm hiểu những vấn đề liên quan đến lĩnh vực đó.
Một kinh nghiệm khá hay là sau khi mọi người xác định được đề tài nghiên cứu, hãy vào website trường và tìm hiểu giáo sư chuyên về lĩnh vực đó, và tìm đọc các nghiên cứu của giáo sư. Việc tìm tòi dựa trên những nghiên cứu của giáo sư hướng dẫn sẽ dễ dàng hơn cho mình khi muốn viết kế hoạch định hướng nghiên cứu, và cơ hội được giáo sư đồng ý cũng là cao hơn.
Còn liên quan đến thời gian chuẩn bị, như mình đã nói ở trên, các bạn luôn phải chủ động chuẩn bị trước. Sự chuẩn bị đầu tiên và quan trọng nhất là xác định bản thân muốn gì, cái này thì càng sớm càng tốt nhé. Khi xác định được rồi thì tìm trường mà mình muốn theo học, lên website trường để tìm hiểu về các khung thời gian quan trọng.
Việc chuẩn bị hồ sơ học lên thì quan trọng nhất vẫn là đề tài nghiên cứu, các bạn cần chuẩn bị sớm trong quá trình học tiếng để có thể nhờ các thầy cô sửa cho.
Sau khi mở đơn đăng kí, các bạn sẽ khai thông tin cá nhân và thông tin học tập, khai đề tài nghiên cứu khi học đại học… Nếu được lựa chọn vòng đơn, mình phải tham gia vòng phỏng vấn. Ở vòng phỏng vấn các giáo sư sẽ xoáy sâu vào đề tài nghiên cứu và các kiến thức liên quan để hỏi.
TT: Bạn có thể chia sẻ thêm về việc tìm giáo sư hướng dẫn không ạ?
Huệ: Việc liên hệ tìm giáo sư hướng dẫn sẽ phụ thuộc vào định hướng của các bạn, trước hết xác định bản thân muốn học gì, sau đó tìm hiểu các trường có đào tạo về lĩnh vực đó. Mình cũng là lần đầu mày mò như các bạn, nên suốt thời gian đó mình kết thân bác Google và lân la vào các hội nhóm để hỏi, hỏi trường này học như nào trường kia như thế nào.
Sau khi lựa chọn được trường và vùng mình muốn đến, vào website của trường chọn mục danh sách giáo sư hướng dẫn, bạn vào danh sách đó và lựa chọn giáo sư theo lĩnh vực mình nghiên cứu. Trên danh sách thông thường sẽ Email liên hệ của giáo sư, các bạn liên hệ trực tiếp, trình bày rõ ràng em là… có dự định nghiên cứu… cảm thấy hứng thú với đề tài nghiên cứu của giáo sư…mong muốn đăng kí kenkyusei để chuẩn bị cho việc học thạc sĩ. Blabla..
TT: Môi trường học Cao học như thế nào? Nó có quá khác so với tưởng tượng không ạ?
Huệ: Về môi trường thì mình thấy cũng không quá nhiều khác biệt, ngoài việc trong lớp nhiều bạn Nhật thôi… À, và thêm việc giáo sư bắn tiếng Nhật như gió nhé, thật sự mình nghe chỉ hiểu được 20-30% thôi còn lại tìm hiểu trong sách. Trong sách viết khá rõ ràng nên chỉ cần nắm kĩ thì sẽ ổn hết nhé.
*** Những chia sẻ trên của bạn Huệ, giúp chúng ta có một hình dung khái quát về quá trình thi, học lên Cao học tại Nhật cùng những kinh nghiệm vô cùng hữu ích. Chắc chắn, với những kinh nghiệm và chia sẻ trên, sẽ giúp các bạn của VYSA chúng thêm tự tin, thêm sức mạnh để vượt qua những kì thi phía trước…
*** Việc thi cử cũng khó khăn như vượt Vũ Môn vậy! Chuẩn bị hồ sơ – một bước đầu vô cùng quan trọng trong tất cả các kì thi. Biết được tầm quan trọng đấy, VYSA chúng mình đã mời ngay đến một “nhân vật bí ẩn” để chia sẻ cho các bạn đấy!
Nhân vật đấy là ai? Bạn ấy sẽ đem đến cho chúng ta những chia sẻ hữu ích gì?
Hãy lại tiếp tục theo dõi mục “sempai chia sẻ” nhé!
——————————
Để được chia sẻ và hiểu rõ hơn về các ngành các trường đào tạo, đừng bỏ lỡ sự kiện sắp tới đây bạn nhé!
VYSA SCHOOLFAIR 2018 – Cùng VYSA, cá chép hoá rồng!
**Thời gian: 17/08/2018 (Thứ 6), 11:00~18:00
**Địa điểm: 東京都千代田区一ツ橋1丁目1−1パレスサイドビル地下1階
**Link đăng kí: http://bit.ly/2m3ERXm
**Event Facebook: http://bit.ly/2urrzrs
**Website chính thức: https://web1.vysajp.org
**Mọi thắc mắc xin liên hệ: schoolfair@vysajp.org

Trang Trần