Tết sớm ở Tokyo


Đến hẹn lại lên. Ký túc xá Komaba ở thủ đô Tokyo đêm mồng 3 tháng 2 đầy ắp tiếng cười trong đêm vui Tết Đinh Hợi do Hội Thanh Niên và Sinh Viên Việt Nam tại Nhật tổ chức. Ít ai biết được từ hơn một tháng trước mọi việc chuẩn bị đã được ban chấp hành VYSA vùng Kanto (bao gồm Tokyo và vùng lân cận) ráo riết phân công chuẩn bị. Có thể nói đây là lần tiên ra quân trong một hoạt động lớn của ban chấp hành nhiệm kỳ 6 (VYSA được thành lập tháng 11 năm 2001). Ngay từ 10 giờ sáng, không khí chuẩn bị tại hội trường Komaba đã vô cùng hối hả nhưng cũng thật ấm áp như những người con trong một gia đình đang chuẩn bị cho ngày Tết cổ truyền của gia đình mình.

Ở khu vực sân khấu, đội văn nghệ và câu lạc bộ khiêu vũ thuộc Ban Văn Hóa đang tổng dượt lại chương trình văn nghệ. Tổng đạo diễn Nguyên Quý, phó chủ tịch VYSA, chạy đi chạy lại như con thoi để kiểm tra công tác chuẩn bị hội trường, âm thanh, ánh sáng. Mâm cỗ ngày Tết , một trong những phần được mong đợi nhất, với các món ăn truyền thống thì có thể hoàn toàn yên tâm khi được chỉ huy bởi Chủ nhiệm câu lạc bộ ẩm thực Đức Nam – bếp trưởng một nhà hàng ở Tokyo – và sự hỗ trợ của chị Mai Hoa, thành viên cũ của CLB. Giờ G đã điểm. Người Việt Nam tràn ngập các ngả đường từ nhà ga tàu điện Komaba-Todaimae đến hội trường Komaba. Tôi nhìn thấy những gương mặt thân quen và cả những người chưa từng gặp. Tiếng chào hỏi nhau, tiếng nói cười rôm rả và những cái bắt tay thắm thiết ở khắp nơi. Trong dòng người ấy còn có rất nhiều người bạn Nhật yêu mến Việt Nam và cả những người lần đầu tiên tìm đến với chương trình với sự tò mò về đất nước và con người Việt Nam mà gần đây họ được nghe nhiều trên các thông tin đại chúng. Hội trường Komaba khá rộng rãi nhưng hôm nay dường như không đủ không gian cho vài trăm người con Việt về đây tụ họp. Nhưng cũng chính vì thế mà khán phòng trở nên ấm cúng hơn bao giờ hết. Đơn giản thôi, một câu Chúc mừng năm mới, mấy chiếc nón lá được treo lên cùng với những chùm bóng bay các màu, một chậu hoa đào ngày Tết cũng đủ làm cho mọi người cảm thấy được không khí Tết ở quê nhà. Phía dưới,cỗ bàn nhanh chóng được dọn ra dưới sự chỉ huy của anh Đức Nam. Nào bánh chưng, bánh tét, nào giò lụa, chả quế… chẳng khác gì một mâm cỗ ngày Tết ở VN. Món mì xào được chính tay đầu bếp Nam thực hiện vào giờ phút chót vẫn còn nóng hổi như muốn thêm một chút năng lượng cho người tham dự trong một chương trình dài và một ngày đông lạnh giá. Chủ tịch Vũ Cường có vài lời ngắn gọn khai mạc chương trình. Dường như anh hơi xúc động nên…, và tôi cũng vậy, vì không khí ấm áp ngày Xuân Việt Nam đang tràn ngập hội trường Komaba giữa một đêm đông ở xứ người. Như hiểu được sự chờ đợi của mọi người, công sứ Nguyễn Minh Hà thay mặt đại sứ quán Việt Nam, sau khi điểm lại những nét son trong sự phát triển của đất nước và mối quan hệ Việt- Nhật như những đối tác chiến lược của nhau, đã có lời chào mừng và chúc Tết ngắn gọn nhưng hết sức chân tình nồng ấm tới tất cả Thanh niên sinh viên Việt Nam tại Nhật Lần đầu tiên trong chương trình Tết VYSA, tiết mục múa lân sôi động trong tiếng trống giục giã được thực hiện bởi nhóm anh em thanh niên Đông Du và Kosen. Hội trường như vỡ tung khi nhóm múa lân nhảy lên sân khấu, công kênh nhau lên kéo buông xuống tấm màn đỏ với 4 chữ Cung Chúc Tân Xuân đỏ chói. Rượu đã được rót, mọi người cùng nâng cốc chúc mừng năm mới. Ai nấy đều khen sao bánh chưng ngon quá, chẳng khác gì ở Việt Nam. Các cán bộ của Đại Sứ Quán cũng hòa mình vào không khí của cuộc vui, thân tình thăm hỏi các bạn trẻ và không quên chuyển lời chúc Tết của Đại Sứ Chu Tuấn Cáp đến mọi người. Mâm tiệc đang vơi dần, nhưng người từ các nơi vẫn tiếp tục kéo về. Ước tính trên 300 người đã đến với Tết VYSA… Không gian tiệc đứng nhanh chóng được các thành viên Ban Thể Thao chuyển thành khán phòng cho chương trình giao lưu và văn nghệ. Chắc cũng còn nhiều người đến quá muộn khi đã hết giờ ăn tiệc chưa kịp nếm miếng bánh chưng nào nhưng chương trình giao lưu văn nghệ năm nay cũng hứa hẹn sẽ là một bữa tiệc tinh thần no say cho tất cả mọi người. Sau lời giới thiệu duyên dáng và hóm hỉnh của hai MC Thu Trang và Quang Khang, trên sân khấu xuất hiện phó chủ tịch Việt Hà thật tự tin và mềm mại quyến rũ trong chiếc áo dài thướt tha, người dẫn dắt cho một cuộc giao lưu thú vị và đầy ý nghĩa Người Nhật với Tết Nguyên Đán. Nhân vật của chương trình giao lưu năm nay là những người bạn Nhật, họ đến với đất nước Việt Nam, học tiếng Việt và làm bạn với Việt Nam với những lý do khác nhau, những cái duyên khác nhau nhưng tất cả đều có một điểm chung là rất yêu mến Việt Nam. Đó là chị Ozawa, người đã có cơ hội học tiếng Việt 5 năm, là anh Okada Tai với mối duyên nợ sâu sắc gắn bó trọn đời với Việt Nam và chị Inoue, một cô dâu của đất Hà Thành. Những câu chuyện trong suốt 45 phút giao lưu thật hấp dẫn và thú vị. Họ kể về mối duyên tình đến với Việt Nam, mối duyên tình riêng tư với người vợ hay người chồng Việt Nam. Qua những câu chuyện đó, họ cũng đã kể về những kỉ niệm cũng như những ấn tượng sâu sắc về Tết cổ truyền của Việt Nam. Đó là câu chuyện được mời ăn bánh chưng đến hơn 5 lần trong một ngày tết, là câu chuyện chàng rể mang con gà trống thiến (do vợ chuẩn bị) đến nhà vợ, là câu chuyện về tục mừng tuổi, rồi khả năng nấu nướng các món ăn truyền thống của cô dâu người Nhật. Mỗi người một câu chuyện, một bất ngờ nhưng cả ba nhân vật đều công nhận rằng cái không khí ngày Tết ở Việt Nam thật đặc biệt, đầy ắp tình cảm gia đình và những nét truyền thống, những điều quan trọng mà đôi khi người ta dễ dàng bỏ qua trong một thời đại thông tin hối hả, bận rộn như hiện nay. Tiếp đó là những hình ảnh về ngày Tết ở Việt Nam xuất hiện trên màn hình làm cả hội trường lặng đi. Sao mà quen thuộc đến thế, thèm biết bao những điều bình thường ấy; cây đào, cây quất, mâm ngũ quả, những ngã tư, những con đường… Chương trình giao lưu còn có những vị khách mời đáng kính như Giáo sư Nguyễn Văn Chuyển ở Japan Women’s University và Giáo sư Motoo Furuta, Phó Hiệu trưởng trường Đại Học Tổng Hợp Tokyo. Giáo sư Trần Văn Thọ của đại học Waseda tuy không đến được nhưng vợ ông, một cựu lưu học sinh từ những năm 75 đã thay mặt tới dự. Những tràng pháo tay giòn giã vang lên khi vị Giáo sư Motoo Furuta cất lời chào và chúc Tết bằng tiếng Việt rất chuẩn. Giáo sư Furuta nghiên cứu về lịch sử Việt Nam cận đại và hiện là Phó Chủ tịch Hội hữu nghị Việt Nhật. Ông cũng đã nhắc đến những kỷ niệm về Việt Nam từ nhiều năm trước cùng những ấn tượng của ông về ngày Tết cổ truyền Việt Nam. Giáo sư Nguyễn Văn Chuyển thì ôn lại truyền thống đáng tự hào của lưu học sinh Việt Nam tại Nhật với những Đặng Văn Ngữ, Trần Văn Thọ, Lương Đình Của, Đặng Thái Sơn nhưng không quên nhắc nhở thế hệ trẻ hãy khiêm tốn: nên làm nhiều hơn nói, biết mười phần chỉ nên nói bảy. Những tâm tình, nhắn nhủ của thế hệ cha anh đã và đang thành đạt ở Nhật vừa là niềm tự hào, vừa là động lực cho thế hệ hôm nay. Tiếng đàn bầu của chị Ozawa chinh phục cả hội trường qua bài “Câu hò bên bến Hiền Lương” đã làm nên một cái kết đẹp của buổi giao lưu thú vị và cũng là để mở đầu cho một chương trình văn nghệ hấp dẫn với những bài hát, điệu múa, kịch và biểu diễn nhạc cụ. Tôi nhận thấy nhiều gương mặt mới trong đội văn nghệ VYSA xuất hiện trong buổi Tết VYSA hôm nay. Phần văn nghệ được mở màn với tiếng hát nhẹ nhàng của Mai Phương qua bài Mùa Xuân Ơi, tiếng sáo bài Xuân Này Con Không Về của Bảo Ngọc, đôi song ca Trung Dũng – Minh Hằng. Hội trường như nóng lên với điệu múa Chim Công thật uyển chuyển của Mai Hương (chẳng trách tại sao lượng phóng viên ảnh tăng đột biến!!!!!). Vở kịch Truyền thuyết Romeo Juliet do các thành viên đội kịch thực hiện mang lại những tiếng cười sảng khoái trong suốt chương trình. Câu chuyện tình yêu của một đôi sinh viên du học trên xứ hoa đào nhưng luôn day dứt bởi sự bất hòa của hai bên cha mẹ nơi quê nhà. Và rồi Thần Nhẫn đã xuất hiện. Họ không ước gì cao sang…. Chỉ ước sao mối bất hòa được hóa giải… Một câu chuyện kết thúc có hậu bởi sự có mặt của một đứa “cháu trai kháu khỉnh” (một thế hệ tương lai của Vysa) đã khiến cho đại gia đình được hát tiếng hát đoàn viên. Thật dễ dàng nhận ra hai chàng trưởng ban Thể Thao (Hiếu Hạnh) và Văn Hóa (Gia Khánh) trong số các diễn viên kịch, các thành viên quen thuộc như Thu Hằng, Mai Hương, Hồng Anh cùng các thành viên mới như Trung Dũng, Thùy Anh. Đội trưởng đội kịch Trung Dũng (thủ vai ông Thần Nhẫn) tâm sự rằng vì thời gian eo hẹp nên nhiều khi mọi người phải tập trung ở một chỗ, làm việc đến khuya và ngủ lại qua đêm để kịp tập luyện. Cùng với mẹ Thu Hằng, bé Kiki (5 tuổi) lại một lần nữa xuất hiện rất tự tin và làm cả hội trường phì cười nhiều lần với sự đáng yêu của mình. Phần trình diễn hip-hop của tam ca V^3 (Vê mũ ba) (Huyền Vẹt Béo, Thắng Vẹo và Hằng Vịt Bầu )rất sôi động và trẻ trung như lứa tuổi chưa đến 20 của họ. Bài hát tập thể Happy New Year báo hiệu chương trình văn nghệ đã kết thúc trong sự tiêc nuối của bao nhiêu người vì đã lâu lắm rồi nhiều người thiếu món ăn tinh thần này. Một cô sinh viên trẻ trường Đại Học Tokyo tiu nghỉu: hết rồi à, sao nhanh thế? Như thật hiểu tâm trạng của những người tham dự, ban tổ chức đã chuẩn bị sẵn chương trình khiêu vũ tuyệt vời do câu lạc bộ Khiêu Vũ chủ trì. Những điệu nhảy điêu luyện và quyến rũ được giới thiệu demo bởi những thành viên trụ cột của câu lạc bộ làm cho mọi người không thể đứng yên. Và nhạc nổi lên, tất cả hòa mình vào không khí sôi động, trẻ trung của tuổi trẻ, quên đi nỗi xa nhà và cái lạnh của mùa đông. Lại một mùa xuân xa nhà, nhưng xa nhà vì một tương lai tươi sáng thì đáng lắm chứ. Đường ra sân ga lại đầy ắp người Việt Nam, trên trời trăng 16 sáng vằng vặc như thể đang ở trên đất Việt. Cảm xúc thật khó tả, hư hư thực thực làm người viết không biết có phải đang thực sự xa nhà hay không. Một đợt gió lạnh thổi tới và một đoàn tàu vụt qua. Tokyo ư, mùa đông ư? Không, mùa xuân đang về và Việt Nam đang ở trong lòng mỗi người con xa xứ. Xin cảm ơn VYSA vì một đêm đón Tết sớm thật vui vẻ và ấm áp tình người. Những sai sót nho nhỏ trong chương trình có lẽ sẽ chẳng là gì so với ý nghĩa của chương trình mà các anh chị em trong Ban Tổ Chức đã cố gắng thực hiện. Xin cảm ơn và hẹn gặp lại trong những hoạt động sắp tới của VYSA nhé. Xem ảnh tại đây tại đây . Chúc Mừng Năm Mới! Sakura Tokyo 4/2/2007