Tác động của việc Trung quốc gia nhập WTO đối với nền kinh tế Việt Nam.


Thủ tướng Trung Quốc Chu Dung Cơ đã khẳng định rằng Trung Quốc không thể phát triển tách rời với các nước khác trong khu vực châu Á và trên thế giới, đồng thời những nước đó cũng cần đến Trung Quốc trong sự phát triển của họ. Vì vậy, một trong những đặc điểm chính của chính sách phát triển kinh tế Trung Quốc là mở cửa nền kinh tế theo hướng đa phương hoá. Điều này bắt đầu bằng việc Trung Quốc gia nhập WTO .


Trung Quốc trở thành thành viên chính thức của WTO năm 2001. Song song đó, nước này từng bước mở cửa nền kinh tế trong các lĩnh vực nội và ngoại thương, ngân hàng, bảo hiểm, an ninh, viễn thông, du lịch, dịch vụ trung gian v.v…, và khuyến khích đầu tư nước ngoài trong nông nghiệp, cơ sở hạ tầng, công nghiệp bảo vệ môi trường, công nghệ mới và kỹ thuật cao. Ngoài ra, Trung Quốc còn thúc đẩy các doanh nghiệp kỹ thuật cao của họ đầu tư và hoạt động trên thị trường nước ngoài và họ cũng tăng cường quan hệ thương mại, kinh tế và hợp tác với các nước khác.

Thay đổi cán cân quyền lực trong WTO

Tác động của việc Trung Quốc trở thành thành viên chính thức của WTO đối với nền kinh tế thế giới và Việt Nam trong những năm tới biểu hiện trong hai lĩnh vực: một là, sự thay đổi trực tiếp cán cân quyền lực trong WTO và hai là, tác động gián tiếp trong quan hệ song phương giữa hai nước.

Sau khi gia nhập WTO, mặc dù vẫn là một nước đang phát triển với dân số trên 1,3 tỉ người và GDP thực trên 1.000 tỉ USD, Đại Trung Quốc (bao gồm cả Hồng Kông và Đài Loan) sẽ trở thành một nền kinh tế siêu cường và có khả năng bắt kịp Nhật Bản vào năm 2004 và Mỹ năm 2010 như dự đoán của Ngân hàng Thế giới – WB, Trung Quốc cũng sẽ có khả năng thay đổi trật tự thế giới và phá vỡ vai trò thống trị của các nước phát triển trong WTO. Quyền biểu quyết, phát biểu và tham gia xây dựng các luật lệ thương mại, trước tiên sẽ phục vụ cho lợi ích của Trung Quốc. Tuy nhiên, vì sự phát triển và cơ cấu kinh tế tương đương với hầu hết các nước đang phát triển khác, Trung Quốc ở một mức độ nhất định cũng phục vụ cho lợi ích của thế giới thứ ba.

Theo đánh giá của các nhà kinh tế, sau khi Trung Quốc là thành viên chính thức của WTO và doanh nghiệp Trung Quốc thích nghi với cơ chế kinh tế mới, tốc độ tăng trưởng của nước này sẽ cao hơn mức thông thường (hơn khoảng 0,85%) và ngoại thương sẽ tăng mạnh (hơn từ 2 đến 3,5%). Các đối tác thương mại của Trung Quốc như OECD, ASEAN, APEC sẽ có lợi từ một thị trường mở và cơ chế kinh tế thay đổi ở Trung Quốc.

Tác động đối với quan hệ kinh tế khu vực và quốc tế

Là thành viên chính thức của WTO, Trung Quốc sẽ là một thị trường riêng biệt, mở và hội nhập với nền kinh tế thế giới, môi trường hấp dẫn thu hút đầu tư, kỹ thuật và công nghệ nước ngoài, kích cầu nội địa và tạo ra những cơ hội mới để tăng trưởng kinh tế. Đối với các thành viên khác của WTO, Trung Quốc sẽ là một thị trường màu mỡ để họ tìm kiếm lợi nhuận, đặc biệt trong lĩnh vực sản xuất và nông nghiệp. Tuy nhiên, trong dài hạn, Trung Quốc sẽ đạt được nhiều lợi thế cạnh tranh hơn các nước khác, trong đó có Việt Nam.

Cắt giảm thuế quan và mở cửa thị trường sẽ làm tăng nhanh nhập khẩu hàng hoá sử dụng nhiều vốn vào Trung Quốc và do đó các đối tác như Nhật, Đài Loan, Hàn Quốc, và EU sẽ hưởng lợi nhiều. Theo hiệp định đã ký giữa Trung Quốc và EU, khi nhu cầu nội địa của Trung Quốc tăng thì những sản phẩm công nghệ cao, viễn thông và dịch vụ xuất từ EU sang Trung Quốc cũng gia tăng.

Cắt giảm thuế quan cũng tăng cường tính cạnh tranh trong những sản phẩm thâm dụng lao động của Trung Quốc trên thị trường thế giới. Trong tình hình như vậy, các nền kinh tế đang phát triển sử dụng nhiều lao động như Thái Lan, Indonesia, Việt Nam …sẽ gặp nhiều bất lợi sau khi Trung Quốc gia nhập WTO.

Trong lĩnh vực hợp tác kinh tế, Trung Quốc nhận thấy rằng trong hơn hai thập niên qua họ đã chú trọng nhiều đến Mỹ, EU và Nhật mà bỏ quên sân sau của họ (những nước khác trong khu vực). Do đó, những hiệp hội kinh tế của các nước Đông Bắc và Đông Nam Á sẽ phát triển sau khi Trung Quốc gia nhập WTO. Nhân tố này sẽ thúc đẩy quan hệ thương mại và kinh tế giữa Việt Nam và Trung Quốc.

Tác động đối với hoạt động ngoại thương của Việt Nam

Hai trường hợp có thể xảy ra:

(1) Trong giai đoạn này, tính cạnh tranh của hàng hoá Trung Quốc trên thị trường nội địa và nước ngoài sẽ giảm tương đối (vì cắt giảm trợ cấp), và sản phẩm nước ngoài sẽ tràn ngập thị trường nội địa nhanh chóng. Nguy cơ chính xuất phát từ những công ty xuyên quốc gia, đặc biệt trong lĩnh vực sản xuất, công nghệ cao, tài chính, ngân hàng và các dịch vụ khác. Cùng với toàn cầu hoá, trào lưu sáp nhập, mở rộng và tập trung càng ngày càng phát triển, nâng cao tính cạnh tranh về vốn, công nghệ và thâm nhập thị trường. Doanh nghiệp và nhà nước Trung Quốc phải tập trung đầu tư vào những ngành này, thành lập những tập đoàn kinh tế lớn có khả năng cạnh tranh với những công ty xuyên quốc gia. Trong điều kiện này, Việt Nam có thể giữ vững khả năng cạnh tranh của mình trên thị trường Trung Quốc cũng như những thị trường hướng về xuất khẩu khác và gia tăng kim ngạch xuất khẩu, đặc biệt đối với những sản phẩm truyền thống và nông nghiệp.

(2) Trong số 10 sản phẩm xuất khẩu chủ lực của Việt Nam, có 4 sản phẩm giống như của Trung Quốc, đó là hàng dệt may, giày dép, gốm sứ và hàng điện tử và những sản phẩm này đều xuất sang các thị trường Nhật, ASEAN, EU và Mỹ. Sau khi Trung Quốc gia nhập WTO, sự cạnh tranh sẽ trở nên gay gắt hơn nhiều, đặc biệt đối với hàng dệt may. Ngoài ra, dự đoán hàng tồn kho Trung Quốc hiện rất nhiều, phong phú và đa dạng. Nếu điều này là sự thực, hàng hoá Trung Quốc sẽ tràn ngập thị trường nước ngoài, nhắm vào người nghèo với thu nhập thấp, và tất nhiên không loại trừ Việt Nam.

Kim ngạch xuất khẩu giữa Việt Nam và Trung Quốc tăng liên tục trong những năm gần đây, từ 543 triệu USD năm 1996 tăng lên 1,25 tỉ năm 1998 và vượt quá 2 tỉ năm 2000. Ước tính, sau khi Trung Quốc gia nhập WTO, kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang Trung Quốc sẽ tăng mạnh, đặc biệt là hàng nông sản.

Tuy vậy, dù bất kỳ hoàn cảnh nào trong dài hạn, Việt Nam vẫn có lợi thế so sánh trong lĩnh vực thương mại với Trung Quốc. Việt Nam cần nhận thức Trung Quốc là một thị trường tiềm năng, quy mô lớn và đa dạng, đặc biệt là khu vực miền tây rộng lớn của họ. Vì vậy, rõ ràng là quan hệ thương mại giữa Việt Nam và Trung Quốc rất bổ sung cho nhau và Việt Nam cần xem xét kỹ lưỡng lợi thế so sánh với Trung Quốc trước khi so sánh với các nước khác.

Tác động đối với thu hút đầu tư nước ngoài

Tự do hoá thương mại xây dựng nên một môi trường kinh doanh thuần tuý, cạnh tranh bình đẳng, và thu hút đầu tư, ở đó lợi ích của nhà đầu tư càng ngày càng tăng nhờ chi phí đầu vào thấp do cắt giảm thuế nhập khẩu nguyên liệu và thuế xuất khẩu, và các doanh nghiệp trong nước sẽ trưởng thành nhanh chóng. Đây chính là động lực thu hút ngày càng nhiều đầu tư nước ngoài. Dự đoán đến năm 2005, Trung Quốc sẽ thu hút được 100 tỉ USD vốn FDI trung bình hàng năm, so với 45 tỉ USD năm 1999 và 44 tỉ USD năm 2000, chiếm hầu hết lượng vốn FDI của các nước đang phát triển. Điều này tạo nên sự cạnh tranh vô cùng gay gắt. Theo phân tích của các chuyên gia, các nhà đầu tư Mỹ và EU sẽ hưởng lợi nhiều nhất khi đầu tư tại thị trường mới và lớn này. Vì vậy, tỉ lệ đầu tư của Mỹ và các nước phương Tây tại Trung Quốc sẽ tăng đáng kể, thay vì tăng khoảng 14-15% như hiện nay. Đầu tư trực tiếp nước ngoài của EU trong lĩnh vực viễn thông và tài chính sẽ tăng mạnh sau khi Trung Quốc gia nhập WTO.

Nhiều nhà nghiên cứu nhận thấy không chỉ Việt Nam mà những nước ASEAN khác cũng phải đối đầu với sự cạnh tranh của Trung Quốc trong thu hút vốn FDI. Đầu tư của Hồng Kông trước đây chỉ chiếm 50% vốn FDI tại Trung Quốc, nhưng hiện tại Mỹ, EU và Nhật đang đẩy mạnh đầu tư tại Trung Quốc, và do đó sự cạnh tranh ngày càng gay gắt hơn. Những nhà nghiên cứu khác lại cho rằng việc này ít ảnh hưởng đến đầu tư nước ngoài tại Việt Nam. Những người lạc quan hơn thì nói sau khi gia nhập WTO, thị trường Trung Quốc sẽ phải mở cửa cho những sản phẩm có tính cạnh tranh cao hơn từ các đối tác của họ như Mỹ, EU và Nhật. Điều này sẽ thúc đẩy doanh nghiệp Trung Quốc đầu tư tại Việt Nam để chuyển giao công nghệ cũ và lạc hậu, lợi dụng triệt để thị trường và vị trí địa lý thuận lợi đối với những sản phẩm kém cạnh tranh trên thị trường nội địa.

Tuy nhiên, nhìn chung, nhất là sau khi Trung Quốc thực hiện xong những cải cách theo yêu cầu của WTO, đầu tư nước ngoài tại Trung Quốc sẽ tăng nhanh. Điều này sẽ là một thách thức to lớn trong thập niên kế tiếp .
Tác giả:Nguyễn Tiến Hiệp giảng viên trường đại học kinh tế tp.hcm
(Nozomi sưu tầm )