Các nhà văn châu Á nhận giải Nobel Văn học


Từ năm 1901, giải Nobel Văn học – giải thưởng văn chương cao quí nhất hành tinh bắt đầu trao cho các nhà văn xuất sắc hàng năm. Giải thưởng này thường được các vị giám khảo chấm trên cơ sở những nhận định thẩm mỹ – văn hoá – tư tưởng có tính phương Tây. Tuy vậy cũng đã có tới năm lần họ tôn vinh các nhà văn châu Á.


Năm 1913: Giải Nobel Văn học cho nhà thơ, nhà văn kiêm nhạc sĩ người Ấn Độ, Rabindranath Tagore . Ông sinh ở Calcuta năm 1861 trong một gia đình quí tộc xuất sắc theo đạo Hindu. Từ nhỏ ông được sang châu Âu học tập, sau đó quay lại Ấn Độ vào học trường Đại học Tổng hợp Bengan. Tập ”Thơ Dâng” (Offerings from the heart) đã đưa ông lên vị trí vinh quang với lời đánh giá của Hội đồng Nobel: ”Qua những vần thơ đẹp lộng lẫy, tươi tắn, xúc cảm thẳm sâu, cùng bút pháp đa dạng, (ông) đã nói lên được những suy tưởng thi ca của mình, thể hiện bằng ngôn ngữ tiếng Anh của chính mình, như một bộ phận của văn học phương Tây”. Năm 1915, ông được Hoàng gia Anh phong tước Hiệp sĩ. Ông nổi tiếng khắp thế giới như một nhà triết học, một nhà giáo dục, một thi sĩ. Nhân dân Ấn Độ tôn ông như một vị Thánh. Năm 1913, giải thưởng văn học cao quí nhất này đã trao cho một thi sĩ có ”những vần thơ đẹp lộng lẫy”, có ai ngờ một năm sau (1914), cuộc đại chiến thế giới I đẫm máu nổ ra…

Năm 1966: Giải Nobel Văn học trao cho hai nhà văn, Shamuel Yosef Agnon (Israel) và Nelly Sachs (Thuỵ Điển). Giải thưởng trao cho S.Y. Agnon với lời đánh giá: ”Vì nghệ thuật văn xuôi sâu sắc cùng những mô-típ lấy từ cuộc sống của dân tộc Do Thái”.

Được mệnh danh là ”con người mang thiên tài bền vững” và ”một trong những người kể truyện vĩ đại của thời đại chúng ta”, Agnon nằm trong số những tác giả Do Thái được dịch rộng rãi nhất (18 thứ tiếng), được ngợi khen dạt dào nhất. Văn phong và ngôn ngữ độc đáo của ông đã gây ảnh hưởng cho các thế hệ nhà văn Do Thái kế tiếp. Phần lớn tác phẩm của ông đều cố gắng đoạt lại cuộc sống cũng như truyền thống của một thời đã qua, nhưng chúng không đơn thuần là một hành động mang tính níu kéo. Tác phẩm của Agnon đề cập tới những vấn đề tâm lý và triết học quan trọng vào bậc nhất của thế hệ ông. Tờ ”Thời báo New York” viết: ”Thông qua những phong cách hiện thực và siêu hiện thực, Agnon đã biến đổi ra ngôn ngữ của mình những căng thẳng trong sự mất mát tính trong sáng của con người hiện đại, sự rối loạn tinh thần khi phải sống xa nhà, lìa quê hương, và mất niềm tin”. Suốt cuộc đời làm một người Do Thái nhạy cảm, ông luôn có khả năng nắm bắt được ”nỗi tuyệt vọng và cảnh hoang lạnh tinh thần” của một thế giới đang đứng bên ngưỡng cửa của thời đại mới. Được ca ngợi vì ”vẻ đẹp và sự nhạy cảm phi thường”, vì ”sự giàu có và thẳm sâu” trong các tác phẩm, sự đóng góp của ông làm hồi sinh một ngôn ngữ, và nhờ thế ngôn ngữ đó nảy sinh cho tất cả nền văn chương Do Thái kế tiếp. Các cuốn tiểu thuyết ”Bức trướng cô dâu” (The Bridal Canopy), ”Một câu chuyện giản dị” (A simple story), ”Vị khách dêm tối” (A guest for the night), ”Chỉ có ngày hôm qua” (Only yesterday), ”Trong nhà kho của ông Lublin” (In Mr.Lublin’s Store) là những cột mốc lớn trên đường đi của Agnon. Ông sinh năm 1888 ở Galicia, mất năm 1970 ở Jerusalem

Năm 1968: Giải Nobel văn học trao cho nhà văn Nhật Yasunari Kawabata với lời đánh giá: ”Nghệ thuật kể chuyện tinh tế cùng sự nhạy cảm cao độ, (ông) đã thể hiện được nét tinh tuý trong tâm hồn nhật Bản”. Ông sinh năm 1899. Ngay từ khi còn là một đứa trẻ, ông đã phải chứng kiến rất nhiều lần cái chết, ông mất nhiều anh em họ hàng, nhiều đến nỗi ông được biết đến như một ”ông chủ tang lễ”. Bạn đọc sẽ nhận thấy trong tác phẩm của ông có những chi tiết như các tấm gương, nhưng cái mặt nạ, khát vọng trinh trắng và nỗi mong mỏi cho một tình yêu, tình yêu ấy nếu có thực, nó cũng liền tan biến. Trong tác phẩm Cố đô (The Old Capitan), nghệ thuật kể chuyện mang tinh ẩn dụ có mặt khắp nơi. Một đôi nam nữ ngồi với nhau và nói về mùa anh đào nở; hai chị em ruột sau bao biến động gặp lại nhau, họ vừa nói chuyện vừa lắng nghe trong đêm tiếng sấm động trên đỉnh núi… ”Người đẹp và nỗi muộn phiền” (Beauty and Sadness), ”Cố đô” (The Old Capitan), ”Người đẹp say ngủ” (House of the Sleeping Beauties), ”Xứ tuyết” (Snow Country), ”Ngàn cánh hạc” (Thousand Cranes), ”Tiếng rền của núi” (The Sound of the Mountain)… là những tác phẩm của ông đã được dịch ra tiếng Việt. Ông là một người ”hay lảng tránh” và khó nắm bắt nhất trong số các nhà văn. Ông tự sát ở Zushi, Nhật ngày 16/4/1972. Cái chết ấy bí ẩn với chúng ta như Đời sống, là một phần nào đó của Đời sống, và cái phần ấy cũng khó nắm bắt…

Năm 1994: Lần thứ hai giải thưởng cao quí này được trao cho một nhà văn Nhật là Kenzaburo Oe. Theo đánh giá của hội đồng Nobel, ông là ”người, cùng với quyền năng của thi ca, đã sáng tạo ra một thế giới mộng tưởng, nơi cuộc sống và huyền thoại thẫm đặc lại, tạo nên một bức tranh gây bối rối cho những xác tín của con người hôm nay”. Ông được biết đến như một nhà văn, một ”niềm tự hào của người đã chết”. Trên thế giới ông sáng chói, và là người theo chủ nghĩa hoà bình qua các cuốn sách ”Ghi chép Okinawa”. Ông có một người con trai Hikari bị tật não bẩm sinh, nhưng cậu lại có một tâm hồn trong sáng và trái tim nồng hậu. Con trai ông viết rất nhiều nhạc cổ điển, còn ông thì viết về cuộc sống, về quá trình nuôi dưỡng con ông. Trong một cuộc phỏng vấn ở Nhật, ông nói rằng các nhà văn Nhật hiện đại khác như Kobo Abe và Shohei Oka xứng đáng được nhận giải Nobel, tiếc rằng họ đã từ biệt chúng ta quá sớm. ”Tôi được giải, nhưng xin tạ ơn những tài năng của nền văn học hiện đại Nhật Bản. Tôi nghĩ mình đoạt giải chỉ bởi vì vẫn còn trẻ và đang sống”. Oe là một kiểu James Joyce của nước Nhật, một thứ gì gây miệt mài trong nhiều ngôn ngữ và nền văn học, kể cả văn học Anh, Pháp, Ý và Nga. Ông có một văn phong độc đáo và phức tạp đến mức ông được tôn kính nhiều hơn là được đọc ngay chính trên quê hương mình. ”Tiếng khóc lặng” (The silent cry) là tác phẩm chính, quan trọng cho đến nay của Oe.

Năm 2000: Giải Nobel Văn học đầu thế kỷ 21, và cũng là đầu thiên niên kỷ thứ ba được trao cho một tiểu thuyết gia người Pháp gốc Trung Quốc Cao Hành Kiện (Gao Xingjian) với tiểu thuyết Linh Sơn (đã được dịch ra tiếng Việt). Ông khởi đầu làm nghề phiên dịch tiếng Pháp ở Hội Nhà văn, sau sang Pháp định cư, viết kịch, vẽ tranh để sinh sống. Linh Sơn là một cuốn tiểu thuyết vừa gần gũi lại vừa xa lạ với truyền thống phương Đông. Về bút pháp và cấu trúc nó được viết theo phong cách Âu châu, nhưng về nội dung và không gian truyện, nó nhuốm màu sắc phong vị Thiền. Bản chất của cuộc đi tìm Ngọn núi thiêng là cuộc thăm dò ngày càng sâu, ngày càng muôn vẻ hơn vào bản ngã, cái được hình thành nên bởi truyền thống, truyền thuyết, huyền thoại, lịch sử, tư tưởng và những cái ít vai trò hơn như địa lý, phong thổ… Cái khó nhất của cuộc thăm dò này là tính độc lập phải tuyệt đối, điều này đã được Cao Hành Kiện phân tách một cách lạnh lùng thành tôi và mi cùng những suy tưởng muôn vẻ. Kết thúc cuốn sách, ông đã dùng một ẩn dụ về Thượng đế qua cặp mắt con ếch, và dường như ngọn núi ấy cũng không hề tồn tại, nghĩa là tư tưởng về ngọn núi ấy đã không còn vọng khởi. Có nhiều đánh giá trái ngược nhau về ông trong giới văn học.

Lab (Tổng hợp)
Theo www.vysak.com/forum/