Chi phí lao động không còn là lợi thế của Việt nam


“Chi phí lao động không còn là lợi thế của Việt Nam” – Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản phối hợp với Công ty Pricewalerhouse Coopers đã nghiên cứu tỷ mỷ về môi trường đầu tư Việt Nam. Các chuyên gia cho biết, chi phí lao động của Việt Nam không có tính cạnh tranh vì hiệu suất thấp và thiếu nhân công có trình độ chuyên môn.

Xét trên mặt bằng lương tối thiểu theo quy định, lao động tại Việt Nam vẫn có giá thành rẻ với mức trung bình dưới 50 USD/tháng, thấp hơn Jakarta (Indonesia) và Bắc Kinh (Trung Quốc) hơn 50 USD/tháng và bị Manila (Philippines) bỏ xa, với trung bình khoảng 140 USD/tháng. Tuy nhiên, trên thực tế thì lương trung bình thực nhận của công nhân Việt Nam không có sự khác biệt lớn so với lao động ở các thành phố nói trên.

Ngoài ra, các nhà phân tích cũng lưu ý rằng, đó là mức chi phí cho lao động không lành nghề, chủ yếu được thu hút cho các ngành cần nhiều lao động như da giầy và dệt may. Chưa kể các yếu tố năng suất thấp và tính kỷ luật không cao của công nhân Việt Nam còn mang lại những hiệu quả ngược đối với lợi thế cạnh tranh của nguồn nhân lực.

Đối với lao động đã qua đào tạo, ranh giới về ưu thế chi phí thấp đã không còn. Lương kỹ sư và quản lý bậc trung của Việt Nam đều cao hơn Jakarta và Bắc Kinh cho thấy tình trạng thiếu các nhân công quản lý và kỹ thuật có chất lượng. Chi phí cho người quản lý cao cấp tại Việt Nam thậm chí còn cao hơn thế nữa do bị đánh thuế thu nhập ở mức cao nhất trong khu vực. Mức thuế suất tối đa áp dụng cho người nước ngoài là 50%, trong khi mức tối đa áp dụng cho người Việt Nam là 65%.

Theo tính toán của các tổ chức tham gia điều tra, ở cùng mức thu nhập thực nhận hàng tháng (không tính thu nhập bằng hiện vật), chi phí lương cho một lao động Việt Nam thường cao hơn so với một lao động nước ngoài. Ví dụ: cùng với một mức lương sau thuế là 3.000 USD/tháng thì chi phí cho lao động Việt Nam tăng thêm 5.000 USD/tháng. Đây là nguyên nhân làm tăng chi phí lao động, cụ thể là cho người Việt Nam có trình độ chuyên môn cao và để tính toán thật kinh tế, các công ty sẽ không khuyến khích đào tạo và nâng cao trình độ cho nhân viên Việt Nam, bởi thuê nhân công nước ngoài sẽ rẻ hơn.

Theo: Đầu tư, 22/03/2003