Chút phong vị Việt nam ở Nhật bản


Khách đến Tokyo có thể thưởng thức các món ăn Việt Nam, nghe nhạc và xem phim Việt Nam… Tuy nhiên, việc quảng bá hình ảnh Việt Nam vẫn chưa nhiều, khiến ta bỏ lỡ nhiều cơ hội làm ăn, đào tạo, du lịch ở vùng đất giàu tiềm năng này.

Thành phố Chiba cách Tokyo khoảng 30 đến 40 phút tàu điện, gần như một thành phố vệ tinh của Tokyo. Đặc biệt giữa Tokyo và Chiba có khu Disneyland nằm giữa nên những dịch vụ du lịch, ăn uống rất phát triển. Thành phố ven biển này đang thời kỳ xây dựng, rất nhiều nhà cao tầng và trung tâm thương mại mới mọc lên. Nhưng vùng ngoại ô còn nhiều ngôi nhà mang phong cách Nhật Bản rất thú vị: Nhà hai tầng, sàn gỗ, tường vách lát gỗ và sơn mầu sáng. Có nhiều trung tâm nghiên cứu hải ngoại nằm ở Chiba. Những trung tâm này là nơi đào tạo ban đầu những kiến thức về kinh tế, văn hóa, chính trị… Nhật Bản. Những người nước ngoài đến Nhật thường qua một thời gian đào tạo ở đây về phong tục, ngôn ngữ, văn hóa. Thành phố này gần giống Tokyo về thời tiết: Vào mùa đông, ở các vùng trên đất Nhật đa số đều có tuyết và rất lạnh, riêng Chiba hiếm khi có tuyết rơi. Về mùa hè, thành phố lại nóng hơn các vùng khác (nhưng nhiệt độ vẫn thấp hơn nhiệt độ mùa nóng ở Việt Nam nhờ gió biển thường xuyên đưa hơi nước vào). Tôi không biết con số chính thức người Việt sống ở Chiba, chỉ được giới thiệu cũng khá đông. Có Hiệp hội quốc tế giao lưu Nhật – Việt ở Chiba này. Hằng năm, tỉnh Chiba thường xuyên có trao đổi với Việt Nam về việc đào tạo những ngành nghề: kỹ thuật ô-tô, thủy sản, v.v… Thành phố có quỹ đào tạo riêng dành cho các nước vùng Đông Nam Á, được phân bổ qua chính phủ. Mỗi năm, lượng đào tạo cho Việt Nam chỉ khoảng hơn chục người, mỗi khóa từ khoảng ba đến sáu tháng, được phía Nhật Bản cung cấp hoàn toàn kinh phí. Số học viên Việt Nam vẫn còn quá khiêm tốn so với các nước khác như Lào, Cam-pu-chia, thậm chí so với cả những nước “giàu có” hơn ta như Hà Lan, New Zealand, Argentina – giàu nên “biết người biết của”, họ cũng rất tranh thủ nắm bắt những học bổng này. Tôi có gặp một anh bạn người Việt ở trung tâm nghiên cứu hải ngoại. Anh chàng được cấp học bổng của Chiba học về nghề ô-tô 3-4 tháng nhưng khi về Việt Nam lại làm nghề khác. Đi học như vậy thực sự là lãng phí!

Mới đầu sang tôi rất buồn, mà nỗi buồn lớn nhất là… món ăn không hợp. Nhưng khi về ở Tokyo, mới phát hiện có rất nhiều quán ăn Việt Nam, đa số chủ quán là người Nhật. Cũng có những nhà hàng của người Việt Nam và món ăn phần nhiều mang hương vị miền nam. Cứ lang thang trong những khu phố Shibuya, Ginza hay Shiniuki là thấy. Trong nhà hàng cũng thấy bày đồ sứ Bát Tràng, đồ sứ Bình Dương đủ vẻ. Và vừa ăn, thực khách vừa thưởng thức trên video màn ảnh lớn những hình ảnh ca nhạc Việt Nam, áo dài Việt Nam, và cả hình ảnh về… phở Việt Nam nữa. Nhân viên phục vụ quán người Việt tương đối đông. Một số là lưu học sinh người Việt, một số là những người sang lao động và định cư lâu dài ở bên ấy. Những nhân viên nhà hàng người Việt này đều nói tiếng Nhật sõi, thường ở từ hai đến bốn năm rồi. Luật ở Nhật không cấm nên phong trào đi làm thêm của lưu học sinh rất phát triển.

Thật không thể tưởng tượng được đâu, ăn được bữa ăn Việt Nam có khi đợi hàng tiếng đồng hồ nhưng người Nhật vẫn kiên nhẫn chờ. Muốn ăn thì phải đặt chỗ trước, chứ còn đột xuất đến phải chờ một hai tiếng là chuyện thường. Phụ nữ Nhật Bản thích món ăn Việt Nam, nhất là món nem và phở. Chỉ có điều phở ở đây làm bằng bánh đa khô, chỉ còn khoảng 50% hương vị phở Việt. Cũng có một điều buồn nữa khi nhắc đến món ăn: Người Nhật hầu như không biết nước mắm của Việt Nam, chỉ biết đó là đồ của Thái Lan…

Còn muốn thưởng thức văn hóa Việt có thể đến Bunkamura – một trung tâm thương mại lớn và rất đắt đỏ ở Tokyo, đắt đến mức một cốc cà-phê tương đương khoảng 100 nghìn đồng tiền Việt. Trong khu này có rạp chuyên chiếu những phim được giải thưởng quốc tế, và trong đó có phim Việt Nam. Rạp luôn chật kín không còn chỗ, nên thường phải mua vé trước một ngày. Tôi đã đi xem lần đầu tiên bộ phim Mùa hè chiều thẳng đứng của Trần Anh Hùng ở đây.

Có một thực tế không mấy êm tai, là việc quảng bá về Việt Nam ở Nhật Bản chúng ta thực hiện chưa được nhiều. Mặc dù lượng khách Nhật đến du lịch Việt Nam hằng năm tưởng đã là khá lớn, nhưng chưa là gì cả nếu so sánh với lượng du khách rất “chịu chi” này đến các nước khác. Số lượng học bổng, viện trợ của Nhật Bản dành cho các nước kém phát triển cũng rất nhiều. Nếu ta cứ tự bằng lòng, sẽ để lỡ rất nhiều cơ hội: không chỉ du lịch, mà còn cả đào tạo, cả làm ăn kinh tế. Tôi biết có một số công ty du lịch của Việt Nam rất năng động khi tiếp thị sang Nhật. Nhưng nếu chỉ là nỗ lực của một số công ty thôi chưa đủ.

T.H
(Báo Đại đoàn kết)