Coetzee, một bậc thầy


John Maxwell Coetzee, năm nay 63 tuổi, gần như không bao giờ trả lời phỏng vấn. Ông cũng chẳng đến nhận giải Booker nữa. (Tờ Time còn nghi ngờ không hiểu ông có đến nhận giải Nobel vào ngày 10.12 tới hay không). Ông kín tiếng, và theo báo chí phương Tây, cao kỳ, trí thức một cách lạnh lẽo. Nhưng trên hết cả đó là một bậc thầy, chuyên gia cỡ lớn về lý thuyết văn học hậu hiện đại.


Là một người Nam Phi, ông sống trong một xã hội mà các nhà văn bút chiến liên miên và cho ra những tiểu thuyết hiện thực mô tả khủng hoảng xã hội. Nhưng ông thì không hẳn. Ông chẳng theo phe nào, mà chỉ thích bóng bầu dục, ăn chay, và sống trong một căn nhà có hệ thống bảo vệ điện tử. Theo nhà văn Nam Phi Rian Malan, “Coetzee sẽ được nhớ đến giản dị như một nhà văn mô tả, xác đáng hơn tất cả, thế nào là một người da trắng có lương tri khi đối mặt với sự ngu ngốc và tàn bạo của chủ nghĩa phân biệt chủng tộc”.

Ông nổi tiếng từ 1980 với cuốn “Đợi chờ lũ man rợ”. Sau đó, cuốn “Cuộc đời và thời đại của Micheal K” (1983) của ông đã được giải Booker. Rồi đến “Ô nhục” (1999), ông lại được Booker một lần nữa. Người ta nói ông dường như đã biến đời sống cá nhân thành văn học. Con trai ông ngã chết, ông viết cuốn “Bậc thầy ở Petersbourg”, tả một người cha đau đớn; vợ cũ ông chết vì ung thư, ông bèn viết cuốn “Thời đại sắt thép”, với những trang mô tả đau đớn ghê gớm. Những năm 90 ông viết tự truyện về tuổi trẻ. Và 1999, trong cuốn “Ô nhục”, giản dị như một best-seller, ông tả cuộc đời của một giáo sư văn học chạy trốn khỏi Cape Town. Nên chẳng ai ngạc nhiên khi chính ông, một giáo sư văn học, cũng lẳng lặng rời Nam Phi đến Australia vào 2002.

“Disgrace” đã được dịch ra tiếng Việt là “Ruồng bỏ” (NXB Phụ nữ), song hoàn toàn có thể dịch là “Ô nhục”. Bởi vì tiểu thuyết tập trung mô tả những nỗi nhục lớn trong thời kỳ nhuốm già của Giáo sư David Lurie. Là một giáo sư văn học, nhưng trong kỷ nguyên “duy lý” Mandela, trường ĐHTH của ông trở thành một trường kỹ thuật, và David là giáo viên dạy môn “kỹ năng truyền thông”.

Và ông giáo sư dạy ngữ văn đó cứ mỗi thứ năm lại lái xe đến nhà nghỉ Green Point để hưởng lạc với một người đàn bà mà ông không biết tên và chỗ ở thật và chỉ phục vụ ông theo hợp đồng với một hãng cung cấp dịch vụ. Thứ năm đã trở thành ốc đảo khoái lạc trong cả tuần của giáo sư như vậy.

Nhưng rồi một cuộc chạm trán trên phố khiến chị lộ ra là một người mẹ của gia đình đã cắt đứt quan hệ của họ. Không lâu sau đó, giáo sư văn học lại tán tỉnh và có một cuộc chinh phục gần như cưỡng bức với một nữ sinh của mình là Melanie. Một mối quan hệ bất chính, đậm sắc dục, nhưng đã đủ để biến một giáo sư chớm già trở thành “một đầy tớ của thần Eros”. Câu chuyện vỡ lở vì Melanie ngây thơ và hoàn toàn thụ động cũng là một nạn nhân của những người xung quanh. Tên tuổi của David nhanh chóng chìm trong ô nhục. Sau những cuộc đối chất, bôi nhọ, sỉ nhục, Giáo sư văn học đã bỏ Cape Town, từ giã sự nghiệp đến sống trong một trang trại hẻo lánh với cô con gái Lucy, một người đồng tính luyến ái, yêu động vật, chấp nhận cuộc đời cấy trồng trên đất đai. Lucy nói với ông: “Đây là cuộc đời duy nhất có được. Cuộc đời ta chia sẻ cùng với những con vật”.

David từ một giáo sư văn học đã trở thành một người giúp việc trong nhà thương động vật mà thực chất chỉ là nơi giúp lũ thú vật chết một cái chết êm ái. David, người chở lũ vật chết đến lò thiêu. Và David cũng là người chết trong cõi lòng khi mấy kẻ da đen trong vùng đến cướp nhà của họ và hãm hiếp Lucy, gần như ngay trước mắt ông. Vậy mà Lucy cam chịu, không báo cảnh sát, vì cô hiểu được điều mà David không hiểu: rằng để sống trên mảnh đất này cô phải chấp nhận bạo lực và ô nhục và chỉ đơn giản là gắng mà sống tiếp. “Đó có thể là cái con phải học để chấp nhận”, cô nói với bố. “Để bắt đầu từ số không. Chẳng có gì cả… Không chỗ dựa, không vũ khí, không tài sản, không quyền lợi, không phẩm giá… Như một con chó.” Và David, cuối cùng, nếu như gỡ lại được một chút phẩm giá, chính và vì đã chấp nhận một cuộc sống từ bỏ tất cả – cả con gái, cả ý niệm về công bằng và ngôn ngữ, cả giấc mơ viết một nhạc kịch về Byron thời kỳ ở Italia, bỏ cả những con vật mà ông đã biết cách yêu mến mà không cần giữ lại…

“Ô nhục” là một tác phẩm hoài nghi, nhìn nhận cuộc sống như nó có, trong sự ảm đạm của một xã hội hậu apartheid ở Nam Phi, mà theo đánh giá, là thay thế sự chuyên chế bằng sự vô chính phủ. Qua “Ô nhục”, Coetzee hiện ra như một người bi quan, đau xót, và giản dị. Có thể là “Ô nhục” cùng những tác phẩm khác của Coetzee như “Cuộc đời và thời đại của Michael K” chẳng hạn, mang theo những ý nghĩa xã hội và chính trị đặc thù, đáng chú ý ở phương Tây, nhưng trong ý nghĩa phổ quát, đó chỉ là một áng văn mô tả cuộc sống tha hoá, trần trụi như nó vốn có, không xấu hổ, về con người, nơi đó, chỉ là một con nhện thức tỉnh giữa bầy nhện, và có thể là nhận thức được phần nào cái mạng nhện chẳng ra gì của cuộc sống.

Văn của Coetzee, trong “Ô nhục” là loại văn trong sáng, giản dị, kiệm lời. Trong đó, có những đoạn giàu cảm xúc, thấm thía, kín đáo; như lúc hai bố con trò chuyện trong chuồng chó. “Hai bố con rời chuồng chó. Con chó cái sụm xuống, mắt nhắm lại. – Các cha ở Nhà thờ đã tranh luận rất lâu về chúng, và đã quyết là chúng không có linh hồn thực sự , ông nhận xét. Linh hồn của chúng gắn chặt với thân thể và chết cùng với chúng. Lucy nhún vai: – Con cũng không chắc con có linh hồn. Nếu có nhìn thấy, con cũng không biết đấy là linh hồn”.

Không nghi ngờ gì, “Ô nhục” là một tuyệt phẩm, cho dù chưa thể kể là kiệt tác, và tác giả của nó, chắc chắn không phải là thiên tài, nhưng là một bậc thầy của văn học hiện đại, và không như vài năm gần đây, Nobel 2003 trao cho Coetzee là một Nobel cứng cựa.

Nguyễn Quế Dương – Lao Động số 285, ngày 12.10.2003