CÙNG LÀM MÌ SOBA KHÔNG BẠN?


Ngày 04/7/2010 vừa qua, tiểu ban Sự kiện Ban Đối ngoại VYSA phối hợp với tiểu ban Ẩm thực Ban Văn hóa đã tổ chức buổi giao lưu trải nghiệm làm mì Soba lần thứ 2 tại Hatsudai (Tokyo). Đây là sự kiện được sự hỗ trợ toàn diện của Hội Tokyo Oedo Lions Club và bác Ogawa Hiroyuki, Cố vấn Ban Đối Ngoại VYSA. 21 bạn trẻ Việt Nam đã được tự tay mình làm ra những sợi mỳ Soba – một trong những món mì truyền thống của Nhật Bản, dưới sự hướng dẫn của các nghệ nhân làm mì SobaUchi.

Được tổ chức như một buổi giao lưu thân mật với mục đích tạo cho người Việt ở Nhật Bản cơ hội được tiếp xúc trực tiếp với văn hóa ẩm thực Nhật Bản, đồng thời giúp trau dồi trình độ tiếng Nhật cho các bạn mới sang, SobaUchi lần 2 đã tiếp nối được thành công của SobaUchi lần 1 khi thu hút được số lượng các bạn trẻ Việt Nam đến tham gia một cách đông đảo. 4 nghệ nhân làm SobaUchi đã được mời đến để “truyền nghề” cho 21 bạn trẻ Việt Nam cách làm món mỳ truyền thống Nhật Bản. Sau hơn 4 tiếng thử sức với món mỳ Soba, các bạn tham gia đã tự tin nói rằng: tớ biết cách làm mỳ Soba đấy!

Buổi trải nghiệm được bắt đầu bằng “bài mẫu” của các nghệ nhân. Hay nói chính xác hơn, đó là màn biểu diễn nghệt thuật làm mỳ Soba. Cách nhào, ấn, cán bột, cách gấp bột và cắt thành sợi mỳ đều được thể hiện một cách điêu luyện và tinh xảo dưới bàn tay của các nghệ nhân. Đố các bạn một câu hỏi nhỏ nhé! Bạn có biết các kĩ xảo “làm nụ”, “bàn tay mèo”, “chia thịt” trong khi làm mỳ Soba là những động tác gì không?

Nhìn các bác nghệ nhân biểu diễn, ai cũng trầm trồ thán phục và muốn thử sức mình. Nhưng đến khi chính thức bắt tay vào làm, mọi người đều công nhận: không dễ như mình tưởng. Cứ sau mỗi lần làm 1 bước, các bác nghệ nhân đều phải ra tay chỉnh sửa, “chữa cháy” cho các bạn. Ví dụ, sau khi các bạn Việt Nam cán bột, các bác nghệ nhân lại “cán thêm lần cuối” để đảm bảo độ dày đồng đều của tấm bột. Nếu không, sợi Soba sẽ chỗ dày chỗ mỏng, sợi mỳ khi luộc vì thế cũng mềm cứng khác nhau. Khó nhất có lẽ là quy trình cán bột dùng kĩ thuật “bàn tay mèo”, và khi cắt bột thành những sợi mỏng của mỳ. Nhìn khuôn mặt ai cũng chăm chú và chút “căng thẳng” khi đưa dao cắt mỳ, lại càng thấy làm mỳ Soba có sức cuốn hút đến thế nào!

Buổi trải nghiệm kết thúc bằng màn “đánh chén” thành phẩm mà chính các bạn tham gia vừa tạo ra. Soba sau khi cắt đem luộc trong nước sôi cho đến khi mềm, rửa trong nước lạnh 3 lần, nhúng thêm trong chậu nước đá 10 giây là có thể ăn được. Món Soba lạnh ăn với nước chấm (tsuyu), có thêm hành, nori và chút wasabi cho đậm miệng. Cái lạnh của mỳ Soba làm thanh mát cơ thể, giúp giảm nhiệt cái nóng của mùa hè. Có lẽ đây cũng là một trong những lý do để Soba trở thành món ăn yêu thích vào mùa hè nóng bức. Các bạn còn tranh thủ “nếm thử” Soba của các đội khác nhau để so sánh mùi vị. Tinh thần giao lưu học hỏi đến phút chót nhỉ.

SobaUchi lần 2 khép lại với những kỉ niệm của mỗi người về cách làm và cách thưởng thức một món ăn truyền thống Nhật Bản. Sự thành công của SobaUchi lần 2 hứa hẹn những buổi trải nghiệm làm Soba tiếp theo, và đây sẽ trở thành một chương trình giao lưu thường niên của tiểu ban Sự kiện Ban Đối ngoại VYSA. Và chắc chắn sẽ không chỉ là Soba, sẽ không chỉ là văn hóa ẩm thực Nhật. Văn hóa ẩm thực Việt Nam cũng sẽ được đưa vào chương trình giao lưu giới thiệu trong thời gian tới. Chi tiết về chương trình giao lưu sẽ được cập nhật tại trang web vysajp.org sớm nhất có thể. Hẳn các bạn cũng mong muốn càng ngày càng có nhiều bạn bè Nhật biết tới món ăn của quê hương Việt Nam mình đúng không? Vậy thì hãy theo dõi, tham gia và ủng hộ chương trình giao lưu giới thiệu ẩm thực Việt Nam do VYSA tổ chức trong thời gian sắp tới, bạn nhé!

Ngọc Ánh
Các bạn xem bản tiếng Nhật xem tại đây.