Đầu bếp Việt trên đất Nhật


Ra nước ngoài làm việc, công việc của họ là nấu những món ăn Việt Nam thật ngon đồng thời qua đó góp phần quảng bá văn hóa, con người và đất nước Việt Nam.


Nhà hàng nơi chị Nguyễn Thị Thúy Hằng làm việc ở Takadanobaba – một trong những khu trung tâm thương mại sầm uất ở Tokyo – mỗi ngày có hàng trăm khách đến thưởng thức các món ăn Việt Nam. Theo chị Hằng, phần lớn thực khách đều là giới trẻ, những người đã từng biết món ăn Việt Nam qua các chuyến du lịch và cả những người chỉ biết Việt Nam qua phim ảnh.

“Thấy có người Việt nấu ăn nên họ thích lắm! Thậm chí có những khách đề nghị tôi dạy cho họ cách làm những món đơn giản để về nấu cho gia đình, bạn bè…” – chị Hằng kể.

Theo ông Trần Hùng Việt – Tổng giám đốc khách sạn Majestic, chỉ riêng tại thị trường Nhật hiện có sáu đầu bếp của Majestic đang làm việc tại các nhà hàng, khách sạn. Cũng theo ông Việt, “không chỉ các đầu bếp được lợi về mặt lương bổng mà khách sạn được lợi nhiều về mặt thương hiệu và quan trọng hơn là văn hóa ẩm thực Việt Nam được chính người Việt Nam quảng bá tại các nước”.

Ông Nguyễn Đức Phương – Trưởng đại diện Saigontourist tại Nhật, cho biết hiện nay chỉ riêng tại Tokyo đã có khoảng 200 nhà hàng chuyên bán thức ăn Việt Nam. Điều thú vị là xu hướng mở nhà hàng Việt Nam càng phát triển khi mà Việt Nam chính thức miễn visa cho du khách Nhật từ đầu năm 2004. Nhiều du khách đến Việt Nam sau đó trở về nước đã trở nên “ghiền” những món ăn Việt Nam như: phở, gỏi cuốn, bánh xèo… và họ đã tìm đến những nhà hàng Việt Nam.

Trong chuyến sang Việt Nam tuyển chọn đầu bếp vào cuối tháng năm vừa qua, ông Yukio Wakui – Giám đốc Công ty Spice Road, một trong những tập đoàn chuyên kinh doanh về ẩm thực lớn hàng đầu ở Tokyo – cho biết: với hệ thống gần 30 nhà hàng ẩm thực châu Á tại thủ đô Tokyo, trong đó có hai nhà hàng Việt Nam, Spice Road đang xem xét tiếp tục xây dựng chuỗi những nhà hàng Việt Nam và chuyến đến Việt Nam lần này không ngoài mục đích tìm kiếm nguồn nhân lực.

Trên thực tế, việc tìm được đầu bếp đi xuất ngoại cũng không phải dễ dàng. Theo ông Việt, một trong những tiêu chuẩn đầu tiên để chọn đầu bếp đi xuất ngoại là phải có kinh nghiệm làm bếp 7-8 năm, có khả năng chế biến thành thạo những món ăn đặc trưng của ba miền, đặc biệt là tất cả mọi thao tác phải nhanh nhẹn. Tuy nhiên, có những người đạt các tiêu chuẩn trên nhưng lại vướng một vài lý do khác như bận chuyện gia đình, ngôn ngữ… nên số đi vẫn còn rất ít so với nhu cầu.

XUÂN TOÀN
Theo Tuổi trẻ