Đi du học để trở thành…nông dân


Trong vòng chưa đầy một năm, gần 100 du học sinh Việt Nam tại Australia bị trao trả về nước vì đã trốn đi làm thuê kiếm tiền tại các trang trại. Chúng ta hãy cùng xem quá trình các lưu học sinh Việt nam ở đất nước của Kanguru này đã trở thành nông dân như thế nào?

Đi “du học”… S. tưởng không thể đứng dậy được sau hơn 10 tiếng đầy nắng, ǎăn uống, sinh hoạt ở cả ngoài đồng Là con một gia đình buôn bán nhỏ tại thành phố HD, S đã cố gắng hoàn thành tấm bằng đại học ngoại ngữ tại chức những mong xin được một công việc “bàn giấy” gì đó để thoát khỏi “truyền thống buôn bán” của gia đình. Ra trường, lang thang, vì đâu đâu người ta cũng đòi hỏi một bằng chuyên môn thứ 2, S đành buồn bã nằm nhà. Đọc báo tìm việc, tờ nào cũng thấy quảng cáo du học giảm giá 15% học phí, ra đường thấy dân tình nhao nhao: sang Australia, Mỹ, Canada mỗi tháng kiếm vài ngàn đô như chơi… khiến S và gia đình hoang mang. Cuối cùng thì cơn lốc “du học” sôi động ấy cũng ào vào tận ngõ nhà S. Bắt đầu từ các cậu ấm con nhà bán phở đầu ngõ đến cô con gái rượu của ông lái xe ngay sát vách và cuối cùng thì dừng lại trước cửa nhà ông chủ chuyên trao đi đổi lại tivi second-hand – nhà S. Chẳng khó khăn gì, nhờ mối manh quen biết với ngân hàng, sau 15 ngày, S đã có trong tay giấy chứng nhận sổ tiết kiệm trị giá 300 triệu – bằng chứng về năng lực tài chính theo đúng yêu cầu của đại sứ quán và trường học. Các giấy tờ thuế, doanh thu giả cũng nhanh chóng được hoàn tất vì mẹ S nhanh nhạy chi rất đúng luật. S may mắn hơn rất nhiều du học sinh khác là biết chút ngoại ngữ nên tấm bằng IELTS không phải chạy chọt. Sau gần hai tháng hồi hộp chờ đợi, S đã đủ điều kiện để ra đi trong sự hân hoan của cả gia đình. Khác với nhiều du học sinh đồng hương, S không bỏ học ngay khi đặt chân tới Australia. Mặc dù được giao nhiệm vụ ra đi “cứu nước, cứu nhà” nhưng quả thực nền giáo dục hiện đại của Australia đã lôi cuốn S ngay từ buổi học đầu tiên. Sự tận tâm của thầy cô, không khí thoải mái, đầy hứng thú sáng tạo của các buổi học cùng những trang thiết bị hiện đại đã hút hồn S… Giá mà được học thật sự! S đã nhiều lần uớc ao trong những phút nghỉ giữa ca bán hàng, giặt ủi sau giờ học, mắt cay sè vì thiếu ngủ. Uniworld là trung tâm đào tạo Anh ngữ lớn tại Sydney. Phần lớn du học sinh Việt Nam tới Australia đều đăng ký học tại đây. S cho biết: Tháng thứ nhất, thứ hai, đến trường còn thấy loáng thoáng các bạn Việt Nam, đến những tuần cuối của khoá học 6 tháng coi như “tiệt hẳn”. Theo ước tính của trường 80% sinh viên có tên đăng ký bỏ học. Nguyên nhân chính là phần lớn họ đều lâm vào tình trạng trong túi chỉ còn vài trăm USD, khoản dành dụm để phòng thân sắp cạn. Số khác phải lãnh sứ mệnh cao cả: đi cày trả nợ khoản hy sinh của cả gia đình cho học phí 6 tháng đầu và tiền vé bay sang “miền đất hứa” nên chẳng còn bụng dạ nào mà học với hành. Một lý do cũng không kém phần quan trọng là nhiều cô cậu nhà ta đôi khi mang một lô bằng cấp giả… nên ngồi trong lớp quả thực là một cực hình. S đã cố gắng hoàn tất kỳ thi tiếng Anh đầu tiên tại Uniworld với số điểm khá cao, chỉ sau một sinh viên người Hàn Quốc, trong khi hàng tuần cô vẫn đi làm thêm trên 40 tiếng, kiếm được với gần 300 AUD (tiền công 5-6 AUD/1 giờ) phụ thêm vào khoản chi ăn ở đắt đỏ tại Sydney. Trừ tiền ăn ở khoảng 150 AUD, tàu xe 30 AUD và các chi phí lặt vặt khác, S cũng còn vài đồng để phòng thân. Nhưng 6 tháng hạnh phúc với những buổi tới trường và những giờ làm thêm do trường cho phép trôi qua quá nhanh. Thời hạn phải nộp học phí cho 1 khoá chuyên ngành đã tới (sau 6 tháng học tiếng Anh, học sinh phải đăng ký một khoá học chuyên ngành). Đóng học phí sẽ đồng nghĩa với việc được gia hạn visa, kéo dài thời hạn hợp pháp ở Australia. S mất ăn, mất ngủ. Nhờ sự giúp đỡ của một người đồng hương, cô vay được 5.000 AUD để nộp học phí, nuôi visa thêm được 2 năm. Nhưng bây giờ không còn là lúc có thể tập trung vào “dùi mài kinh sử”. Khoản nợ buộc cổ khiến cô phải đi theo tiếng gọi của các Farm (trang trại) ở những miền xa. … Thành nông dân xứ người Bắt đầu là từ Melbourne cách Sydney 500 km. Lần đầu tiên trong đời, cô gái trẻ được chứng kiến những cánh đồng đậu Hà Lan “thẳng cánh cò bay”. S bỗng nhớ cồn cào những lần cắm trại năm lớp 12… Giá đây là quê nhà, chắc cô đã hét lên và chạy ào xuống nô nghịch. Dù sao thì cô cũng mới vừa bước qua tuổi 20 chưa lâu. Ngay ngày hôm sau, cô đã được bắt tay vào làm việc. Với chiếc gùi 16 kg, công việc lại buộc phải cúi suốt cả ngày (cây đậu mọc thấp), mọi người hầu như không nhìn thấy nhau, chỉ lấp ló những chiếc mũ nan trong những “lốc đậu” (dãy đậu) dài hàng cây số. Ngày đầu tiên, S tưởng không thể đứng dậy được sau hơn 10 tiếng đầy nắng, ǎnước uống, sinh hoạt ở cả ngoài đồng. Tối đến, về tới nhà là cô chìm vào giấc ngủ tưởng chừng không dậy được. Vốn là người nhanh nhẹn, sau 1 tuần, S đã trở thành một cô gái trang trại thực thụ, năng suất làm đậu của cô không kém anh chàng số một ở đấy bao xa. Vì làm khoán nên ngay tuần thứ 2 cô đã lĩnh được gần 2.000 AUD, gấp hơn 4 lần số tiền cô kiếm được ở Sydney vài tháng trước đó. Vụ thu hoạch đậu ở trang trại thuộc Melbourne chỉ kéo dài 2 tháng. Mọi người lại kéo nhau ra đi. S cũng lẫn trong đám người đó. Càng ngày họ càng cách xa Sydney, mảnh đất đầu tiên của thiên đường trong giấc mơ nơi quê nhà của họ. Họ dừng chân ở Quensland hái cà, ở vùng sa mạc hái nho… S tâm sự: “Không hiểu sao lúc ở bên đó tôi khoẻ thật, trằn lưng ngoài đồng cả ngày mà không hề ốm. Có lẽ mức lương trên 1.000 AUD mỗi tuần và món nợ ở Sydney đã khiến tôi không gục ngã. Khủng khiếp nhất là những lần đi “làm măng” (thu hoạch măng tươi). Gùi sau lưng, đèn bên hông dò dẫm trong đêm. Măng là loài mọc ở những vùng ẩm ướt lại phải thu hoạch về đêm nên “làm măng” luôn là nỗi sợ hãi với mọi người ở trang trại. Ngày nắng đã khổ, ngày mưa gió măng mọc nhanh hơn nên chủ càng thúc tợn. Tháng 10-11 đang là mùa đông nhưng người ai nấy đều ướt sũng, mồ hôi túa ra như tắm. Có bận cắt hết cả dãy măng trời mới sáng, cậu bạn bên cạnh nhìn rõ mặt tôi bất ngờ kêu lên: S sợ ma hay sao mà khóc dữ vậy? Tôi cũng chẳng biết trả lời thế nào. Mồ hôi, sương đêm và cả trận mưa lúc mờ sáng hoà lẫn với thứ nước mằn mặn chả hiểu có phải nước mắt hay không? Và sống trong lo lắng, hoảng sợ Những người làm việc tại trang trại phần lớn là “thành phần lậu” – từ để chỉ những người sống bất hợp pháp ở Australia: du học sinh hết hạn visa, người du lịch bỏ đoàn trốn đi đánh quả, đợi thời cơ ở lại… Số ít ỏi có quốc tịch Australia thì thuộc thành phần nghèo khổ do quanh năm suốt tháng chỉ ăn chơi, cờ bạc và lo trả nợ. Công việc ở trang trại tuy lương bổng có cao hơn một số nơi khác, nhưng nặng nhọc, vất vả và bị coi là thấp kém nên rất ít người Australia tham gia. Số đông ở đây là người Việt Nam, Trung Quốc, Thái Lan, Ấn độ, Figi… Thanh niên chiếm số lượng lớn ở trang trại. Những chàng trai, cô gái từ 18-30 tuổi khoẻ mạnh, đẹp đẽ từ nhiều quốc gia tụ hợp lại đây, trở thành những nông dân bất hợp pháp của một quốc gia phát triển. 10 tiếng/1ngày trên những cánh đồng xa tít tắp, thời gian còn lại của một ngày họ không thể tiêu phí trong những khu nhà khép kín. Họ còn biết đi đâu ngoài những câu lạc bộ gần làng. Người ta đến câu lạc bộ chủ yếu để đánh bạc (dân trang trại gọi là “đập máy”) và uống bia. “Đập máy” là một hình thức thu hút nam thanh nữ tú nhiều hơn cả. Con trai đánh bạc chẳng lạ. Các cô gái trẻ ở đây “đập máy” cũng rất tài tình. S đã gặp rất nhiều cô gái cả tuần lết trên những luống cà chỉ để mua vài tiếng cười của mấy lần “đập máy”. S kể giọng buồn bã: “Tôi quen với H, đồng hương HD. Xinh xắn, 20 tuổi, đã sang được 4 năm (đi theo diện sang học Phổ thông trung học). 16 tuổi nơi xứ lạ, không người thân thích. Một chữ tiếng Anh không viết được, vài câu nói bồi chỉ đủ để đi xe bus từ trang trại này tới trang trại kia. Con nhà khá giả nhưng rất chịu khó lao động. Từ ngày dính vào cờ bạc chẳng còn dành dụm được đồng nào. Số tiền 20.000 USD bố mẹ gửi sang để làm hôn thê giả cũng nướng sạch vào sòng bạc. Ma lực kỳ lạ của trò chơi “đập máy” khiến cô bé mụ mẫm. Ngày nào cũng như ngày nào, từ cánh đồng trở về, có hôm không kịp tắm rửa, lao ngay đến câu lạc bộ. Gần đây nợ chồng chất, nghe đâu H còn cặp kè với vài cậu da trắng tóc vàng để trang trải nợ nần. Chẳng biết nơi quê nhà ba mẹ cô có hay những chuyện động trời ấy? Cha mẹ H nghĩ gì khi cô con gái giỏi giang, đã từng nhiều năm xuất hiện trên chương trình thiếu nhi của đài truyền hình tỉnh năm xưa, nay đã thành một tay cờ bạc sừng sỏ ở một vùng đất xa xôi?”. Nỗi khiếp đảm lớn nhất của dân ở trang trại là chạy “di trú” (Những nhân viên Cục di trú của Australia kiểm soát sự hiện diện của những cư dân bất hợp pháp)… Rất nhiều lần nhân viên di trú đến kiểm tra ban đêm. Dân tình nháo nhác, vô hướng trong đêm tối, chạy xa những nơi có tiếng động kinh hoàng. S kể, đã hơn một lần cô thoát “di trú” nhờ nhanh nhẹn chạy thật xa nơi ở, lao bừa vào một cánh đồng nào đó, thấp thỏm rồi ngủ gục dưới một gốc táo um tùm chờ đến khi họ đi xa. Một chuyện trở thành điển hình về cảnh “chạy di trú” ở Melbourne do chính S chứng kiến. Vào cuối buổi chiều ở một trang trại đậu, nhân viên của Cục di trú đến kiểm tra giấy tờ. Mọi người hôm đó đang mải làm không ai để ý tiếng động từ xa. Khi họ đến gần thì trở tay không kịp. Trên 10 người bị bắt. Một ông già người Việt gần 60 tuổi không kịp tháo gùi đậu, lao ra phía bờ sông. Cảnh sát huýt còi, ông càng ra sức chạy rồi nhảy đại xuống sông. Không hề biết bơi, lóp ngóp giữa dòng, cảnh sát Australia phải nhảy xuống cứu. Cũng lần ấy, cảnh sát Australia còn áp giải thêm một bà già Việt Nam trên 50 tuổi. Người đàn bà này thật sự hoảng loạn khi nhân viên di trú yêu cầu xuất trình giấy tờ. Hoảng loạn tới mức bà chạy vòng quanh một gốc cây, nhân viên Cục di trú chẳng khó khăn gì khi tự bà mệt quá đâm sầm vào người anh ta. Thật buồn khi phải kể lại những chuyện này. S dừng lời. Lời hẹn gặp nơi quê nhà Sáng ấy, cũng như thường ngày, mọi người lục tục dậy từ rất sớm chuẩn bị cho một buổi ngoài đồng. 6 giờ 30, xe đang trên đường tới nơi thu hoạch cà thuộc Quensland thì cảnh sát tới. Họ bắt được trên 30 người nước ngoài hết visa, trong đó có S. Rất lịch sự, họ mời S về khu nhà ở lấy hộ chiếu. S kể: “Lúc vào khu nhà, tôi gặp T (bạn trai S) đang đứng lớ ngớ ngoài sân (hôm đó, T bị ốm nên nghỉ nhà). S kêu lên: “Chạy đi, em bị bắt rồi, “di trú” đang vào đó”. T lao vội ra phía sau nhà. Lẽ ra anh không hề gì nếu bình tĩnh đứng yên tại chỗ. Lúc S bước lên xe cảnh sát, theo phản xạ, anh lao ra khỏi chỗ đứng. 5 phút sau, anh được ngồi trong xe cùng S. Và trong thùng xe, cảnh sát không hiểu họ đã nói với nhau những gì. Rất có thể là một lời hẹn ước bởi trong những ngày đầu tiên trở về Việt Nam S đã bỏ công tìm về vùng quê Hà Đông của T, một làng nhỏ khiêm nhường bên dòng Nhuệ Giang thơ mộng. Bối rối, trong những phút cuối cùng, họ đã quên ghi địa chỉ cho nhau (S thú thật là họ mới yêu nhau được 3 tháng, chưa ai nghĩ sẽ “bị trả về” nhanh vậy). Khi vào trại giam, nam nữ phải cách ly, họ không hề được gặp nhau một lần trước ngày về Việt Nam). Duy điều này T đã kịp nói với S trước lúc vào trại giam, khi cô xin lỗi về việc vì cô mà anh bị bắt: “Anh không nghĩ đó là chuyện may rủi bởi chính anh tự nguyện chạy ra khỏi chỗ nấp. Ba năm rồi, anh chờ đợi giờ phút này! Anh sẽ tìm em ở Việt Nam”. Lời kết Chúng tôi đến Trung tâm tư vấn du học Q – một cơ sở có uy tín tại Hà Nội, nơi S và T cùng làm thủ tục ra đi. Chúng tôi hỏi bà H – Giám đốc Trung tâm: “Bà có biết gì về tình trạng rất nhiều du học sinh bị bắt trả về Việt Nam không?”. Bà H trả lời: “Đó là do lỗi của họ, trốn đi làm bất hợp pháp, trái với qui định của pháp luật Australia. Chúng tôi không có trách nhiệm về vấn đề đó”. Thật buồn khi nhìn những tập hồ sơ trên bàn đang chờ đến lượt xuất dương. Không biết có bao nhiêu gia đình trong số họ được tư vấn đầy đủ để hiểu rõ về cuộc sống thực của phần đông “du học sinh Việt Nam” nơi xứ người? Và chỉ vài tháng nữa thôi, bao nhiêu em trong số đó sẽ trở thành những nông dân bất đắc dĩ trên vùng đất nổi tiếng với những chú kanguru xinh đẹp? (Tuần tin tức)