Du lịch Việt Nam với thị trường Nhật – “Mỏ vàng” được khai thác thủ công


Sự kiện danh thủ bóng đá Beckham đến Việt Nam vào cuối tháng 6 qua vô tình trở thành một sự kiện quảng bá du lịch vô cùng hiệu quả cho việc phục hồi ngành du lịch nước ta. Một nhà tổ chức dịch vụ lữ hành quốc tế nói: Sự kiện Beckham đã dựng lại niềm tin cho du khách quốc tế đối với du lịch Việt Nam. Tuy nhiên, giá mà chúng ta có ý thức hơn trong tổ chức để mọi chuyện không phải là tình cờ, ngẫu nhiên….


Mỏ vàng

Phó giám đốc công ty du lịch Vinasun, ông Trần Anh Dũng, nói: Giới tổ chức du lịch quốc tế đánh giá rất cao sự kiện này. Một nhân vật tầm cỡ như Beckham còn dám đến đây thì tất nhiên du khách cũng có thể đến. Ở Nhật, người ta tận dụng rất tốt sự kiện này để quảng bá cho du lịch của họ. Ông Dũng vui vẻ cho biết, du khách Nhật bắt đầu trở lại với Việt Nam nhiều sau sự kiện này.

Ðối với các công ty lữ hành quốc tế như Vinasun, thị trường Nhật luôn là mối quan tâm hàng đầu. Trong năm 2002, số du khách Nhật đến Việt Nam đạt mức kỷ lục 279.769 khách. Con số đó được xem là con số mang lại sự khấp khởi vui mừng đối với ngành du lịch. Chỉ với bấy nhiêu đó thôi mà ngành du lịch Việt Nam đã nghẹt thở trong việc tổ chức đón tiếp: chuyện visa, chuyện khách sạn, chuyện hướng dẫn viên…, ông Dũng nói. Thế nhưng, ông Dũng cho rằng đó là con số khiêm tốn đến mức đáng xấu hổ đối với việc khai thác mỏ vàng thị trường du lịch Nhật của các nước xung quanh.

Theo Hiệp hội du lịch Nhật (JATA), trong năm 2002, số du khách Nhật đi du lịch nước ngoài lên đến con số 17.820.000. Trung Quốc đón gần 3 triệu, Thái Lan đón 1.210.000 người, thậm chí đảo quốc Singapore diện tích chỉ bằng đảo Phú Quốc của ta cũng được đến 750.000 khách. Ông cũng cho rằng nếu có một sự tình cờ may mắn nào khiến số du khách Nhật đến Việt Nam tăng ào ạt như trước SARS, ngành du lịch Việt Nam chắc chắn sẽ bị quá tải.

Tư duy theo kiểu thằng Bờm

Ông Nguyễn Ðức Hy, trưởng phòng du lịch quốc tế Fiditourist, nói: Ngành du lịch của ta chưa biết nhắm tới những thị trường mục tiêu nào để có thể khai thác cho tốt. Câu hỏi đầu tiên của các nhà tổ chức du lịch, là vì sao chúng ta không miễn visa cho du khách ở những thị trường quan trọng như Nhật chẳng hạn.

Ông Dũng nhận xét: Khắp thế giới người ta đều miễn visa cho du khách Nhật vì người Nhật đến đâu người ta đều vui mừng đón tiếp. Không chỉ vì lượng khách lớn lao của thị trường này, du khách Nhật vốn có tiếng là khó tính nên việc họ chấp nhận đến với một thị trường nào sẽ kéo theo du khách của nước khác. Việc miễn visa không những làm giảm chi phí du lịch mà còn rút ngắn thời gian và sự nhiêu khê trong việc làm thủ tục du lịch. Các nhà tổ chức du lịch đều cho rằng chắc chắn rằng số thuế thu được từ các dịch vụ du lịch sẽ cao hơn gấp nhiều lần phí visa.

Việc thiếu tầm nhìn chiến lược ở cấp quản lý vĩ mô tạo ra tình trạng thiếu đồng bộ trong phát triển dịch vụ du lịch. Một con số thống kê đáng buồn từ JATA phản ánh sự yếu kém trong tổ chức của ngành du lịch của ta: chỉ có 10% du khách Nhật cho biết là họ sẵn sàng quay lại Việt Nam sau lần du lịch đầu tiên, trong khi đến 85% cho biết sẽ quay lại Thái Lan.

Các khách sạn, resort luôn quá tải trong những mùa cao điểm khách quốc tế. Hướng dẫn viên vừa thiếu vừa yếu kém trình độ chuyên môn. Hiện nay, nguồn hướng dẫn viên được xem là được đào tạo ngôn ngữ và văn hóa tốt nhất được lấy từ trường đại học Khoa học xã hội và nhân văn, nhưng trường này đào tạo không nhiều và không đào tạo chuyên ngành về du lịch. Các trường dạy về du lịch thường chỉ đào tạo tổng quát, không đi vào các chuyên ngành ngôn ngữ như tiếng Ý, Nhật, Hàn Quốc, Trung Quốc… Theo các nhà tổ chức du lịch, lẽ ra các nhà quản lý vĩ mô phải định cho được thị trường mục tiêu để có thể xây dựng các kế hoạch phát triển cơ sở vật chất, dịch vụ và đào tạo tương ứng để khai thác tốt hơn. Ông Dũng nói: Ðến mùa cao điểm khách Nhật, tìm ra một hướng dẫn viên giỏi chuyên môn và tiếng Nhật thì đỏ con mắt, trong khi hướng dẫn viên du lịch thạo tiếng Anh lại rất nhiều. Việc buộc phải sử dụng các hướng dẫn viên không chuyên nghiệp chắc chắn có làm ảnh hưởng đến hình ảnh du lịch Việt Nam.

Ông Ðỗ Tuấn Anh, giám đốc chi nhánh TP. HCM của Hanoi Toserco, than thở: Vào thời dịch SARS, công ty du lịch nào có chết thì chết, thuế má vẫn phải đóng đầy đủ. Theo ông, lẽ ra Nhà nước nên có chính sách hỗ trợ nào đó cho các công ty du lịch trong thời kỳ khủng hoảng chung. Ông Hy cũng cho rằng ngành kinh doanh du lịch trong thời gian qua nên được giảm thuế VAT, giảm tiền điện, nước…

Một nhà tổ chức du lịch không ngần ngại cho rằng Vietnam Airlines vẫn còn ngủ trên mây trong giai đoạn khó khăn như hiện nay. Ông cho biết, du khách Ðức bắt đầu thích các resort của Phan Thiết, Nha Trang, nhưng nếu bay thẳng từ Ðức sang lại phải chịu giá vé máy bay cao hơn khi quá cảnh ở Thái. Giá vé từ Nhật đến của hãng hàng không ANA của Nhật chỉ ở mức 900USD, trong khi với Vietnam Airlines là 1.200USD. Nhà tổ chức du lịch nói trên còn cho rằng ngành khách sạn cũng muốn làm kẻ đứng ngoài trong cuộc khủng hoảng: Ðề nghị một khách sạn năm sao giảm giá, mấy ổng bảo không ai chịu giảm, chỉ có mình giảm sợ mất giá khách sạn nên không giảm. Ðã vậy họ còn bảo là đang có kế hoạch tăng giá do có sự kiện SEA Games!… Một vấn đề mà các nhà tổ chức du lịch Việt Nam rất sợ ở ngành du lịch Thái, đó là giá cả dịch vụ thường rất rẻ so với ngành du lịch của ta. Ông Dũng nói: Họ tính giá giảm dần theo mức giảm khấu hao cơ sở dịch vụ, còn mình thì cứ vậy mà thu.

Theo ông Dũng, thị trường Nhật có thể được xem là một ví dụ điển hình trong việc tổ chức đón đầu khai thác các thị trường lớn. Ông dự đoán: Chỉ độ chừng 3 – 4 năm nữa, lượng du khách Trung Quốc sẽ ào ạt đổ qua, lúc đó lại trở tay không kịp….

ÐOÀN ÐẠT (Sài Gòn Tiếp Thị số 29.2003)