Giải thể thao SvHandai mở rộng 2005


9h30 phút sáng ngày chủ nhật 24/4, trời Nhật Bản trong xanh, những lạt nắng đầu hè trải nhẹ trên những luống hoa rung rinh trước gió. Những lạt mây lười nhác trôi trong sự yên bình của buổi sáng ngày nghỉ cuối tuần ở Osaka. Không khí trong lành cộng với tinh thần sảng khoái, chúng tôi tới nhà thi đấu Trung tâm của trường Đại học Osaka. Và thật ngạc nhiên, ở đây khác hẳn với vẻ yên bình ở bên ngoài, đó là sự tấp nập, hồ hởi và đầy phấn chấn.

Bước vào nhà thi đấu, đập vào mắt chúng tôi là một khẩu hiệu khổ lớn “Giải thể thao SvHandai mở rộng 2005” và rất rất nhiều người đang cười đùa, bắt tay hay làm những màn khởi động trải đều khắp nhà thi đấu lát gỗ tiêu chuẩn của trường.

Chúng tôi nhận ra những gương mặt quen thuộc ấy, họ đều là lưu học sinh Việt Nam đang học tập và làm việc tại Nhật Bản. Chỉ có điều, họ đến từ rất nhiều vùng khác nhau, từ Nagoya, Kyoto, Kobe và tất nhiên là Osaka. Còn nhớ giải thể thao SvHandai mở rộng năm ngoái, chỉ có 4 đoàn tham dự là Kyoto, Kobe, trường Osaka Sanryo và chủ nhà Handai, năm nay, giải thực sự hấp dẫn khi có thêm đoàn đến từ Nagoya, Osaka fu và rất tiếc là đoàn Gifu đã không có mặt vào phút chót.

Đúng 10h, sau một phần khai mạc ngắn gọn, gần 50 VĐV và 20 CĐV toả về 2 khu vục thi đấu chính để bắt đầu 2 môn thi đấu buổi sáng là bóng bàn và cầu lông, môn đá cầu sẽ bắt đầu thi đấu từ buổi chiều.

 

Điểm binh trước giờ thi đấu, đoàn chủ nhà Handai áp đảo với lực lượng hùng hậu gồm trên 20 VĐV thi đấu tất cả các nội dung cầu lông đơn nam, đôi nam, đôi nam nữ, đơn nữ; bóng bàn với 4 nội dung: đơn nam, đôi nam, đôi nam nữ và đơn nữ; đá cầu với 2 nội dung: đơn nam và đôi nam. Đoàn Kobê cũng rất hùng hậu với gần 20 VĐV và CĐV đến với tư cách đương kim giữ cúp toàn đoàn hứa hẹn giật giải ở các nội dung sở trường là cầu lông đơn nam và đôi nam, đá cầu đơn và đôi nam. Đoàn Kyoto cũng không chịu kém khi đặt thế mạnh ở môn bóng bàn đơn nữ, đôi nam nữ và đôi nam, đá cầu đơn và đôi nam. Đoàn Osaka Sanryo University (OSU) chỉ tham gia các nội dung nam ở 2 môn cầu lông và đá cầu. Đoàn Nagoya với 2 VĐV, không quản ngại đường xá xa xôi tới tham gia ở các nội dung cầu lông đơn nam, đôi nam nữ, đơn nữ. Và cuối cùng là đoàn Osaka Fu University với 1 VĐV duy nhất tham gia tất cả các giải nam từ cầu lông, đá cầu, bóng bàn…

Một điều dễ nhận thấy đó là tinh thần thoải mái, thi đấu hết mình vì tình bạn và cũng vì sự tự hào của đội tuyển mình đang khoác áo thực sự hứa hẹn một giải đấu chất lượng, mang tính chuyên nghiệp cao và hơn hết là tinh thần tập luyện thể thao, giải trí, giao lưu của lưu học sinh Việt Nam tại Nhật sau những giờ học tập căng thẳng.

Đi vào từng nội dung thi đấu, môn cầu lông được đánh giá là căng thẳng nhất khi các đội đều tập trung đông người cho môn thi đấu nhiều nội dung và khá phổ biến này. Ở giải đơn nam, đội Handai nắm ưu thế khi lần lượt vượt qua các VĐV đến từ các đoàn khác tuy rất khó khăn, đầy mồ hôi và cả…thuốc xịt (chấn thương) và trận chung kết là sự giải quyết nội bộ giữa hai tay vợt xuất xắc nhất Hải và Trung. Trong khi đó, ở giải đơn nữ, thi đấu theo thể thức vòng tròn một lượt, các VĐV nữ trình diễn hình ảnh một môn thể thao cầu lông thật…hấp dẫn bằng những cuộc so tài căng thẳng nhưng rất…nữ tính. Cuối cùng, bằng sức trẻ và kỹ thuật hoàn hảo, VĐV Bảo Ngọc của Handai đã giành chiếc HCV về cho Handai. Tiếp tục đà chiến thắng, Bảo Ngọc cùng tay vợt lọt vào chung kết nam-Trung dành luôn giải đôi nam nữ khi chiến thắng đôi cũng của Handai là Hoài-Thuỳ. Trận chung kết đôi nam mới thực sự gay cấn bởi là cuộc trạm chán giữa đương kim vô địch Dương-Trung của Kobe và đôi mạnh nhất Handai, Hoài-Hải. Trận đấu diễn ra nghẹt thở với những pha cầu không thể nào chê, khán giả không ngớt vỗ tay trước những pha đôi công cực kỳ dũng mãnh. Cuối cùng, đôi Hoài-Hải của Handai dành chiến thắng và hoàn tất bộ sưu tập toàn bộ 4 HCV của nội dung thi đấu cầu lông. Trước đó, đoàn Nagoya đã để lại dấu ấn với 1 giải bạc đơn nữ và 1 giải ba đôi nam nữ.

Giải bóng bàn thi đấu trên 5 bàn chất lượng tiêu chuẩn gồm 4 nội dung: đơn nam, đôi nam, đôi nam nữ và đơn nữ. Giải là sự cạnh tranh quyết liệt giữa 3 đoàn Kyoto, Kobe và chủ nhà Handai. Trong khi Handai có ưu thế chủ nhà với số lượng VĐV đông thì Kyoto mạnh ở nội dung đơn nữ và đôi nam nữ với tay vợt chủ lực Hằng và đơn nam-Kế Long. Kobe thì hy vọng ở tay vợt Hữu Minh trong giải đơn nam. Giải thi đấu thực sự quyết liệt ở ngay những vòng đầu tiên. Trong khi ở giải đơn nữ, tay vợt Thanh Thuỷ của chủ nhà Handai khẳng định ưu thế hạt giống khi vượt qua Hằng-Kyoto để giành HCV trong một trận chung kết nghẹt thở kết thúc với tỉ số 3-2, thì tại giải đôi nam, 2 tay vợt hạt giống Thăng Long-Trí của đội chủ nhà thúc thủ ngay vòng đầu. Tuy nhiên, chủ nhà Handai vẫn chiếm ưu thế ở giải đôi nam khi trận chung kết là giải quyết nội bộ giữa đôi Chiến-Kim Long gặp Tuấn-Sang và bất ngờ tiếp tục diễn ra khi đôi Tuấn-Sang dành thắng lợi trước đôi được đánh giá cao hơn Chiến-Long để đăng quang ngôi vô địch. Tiếp tục khẳng định ưu thế, đôi vợt chủ lực, đánh rất đều tay, Thăng Long-Thanh Thuỷ của đội chủ nhà đã giành chức vô địch về cho Handai, đôi Chiến-Nga cũng của Handai dành HCB và đôi Phan Linh-Hằng của Kyoto dành HCĐ. Nội dung thi đấu cuối cùng là đơn nam diễn ra hết sức quyết liệt với ưu thế về số lượng của Handai và chủ lực của Kobe và Kyoto. Những tưởng giống như môn cầu lông, Handai sẽ dành trọn 4 HCV khi tất cả đại diện của Handai có mặt ở tứ kết, nhưng cuối cùng 2 tay vợt xuất sắc của Kyoto là Kế Long và Minh của Kobe gặp nhau ở trận chung kết. Và cuối cùng, tay vợt già hơn-kinh nghiệm nhiều hơn Kế Long đã mang về chiếc HCV duy nhất cho đoàn Kyoto. Hữu Minh của Kobe ngậm ngùi dành HCB.

Nội dung thi đấu cuối cùng là đá cầu chỉ gồm giải đơn nam và đôi nam. Với số lượng VĐV đông kỷ lục đến từ tất cả các đoàn. Giải đôi nam gồm 16 VĐV chia lam 8 cặp gồm 3 của Handai, 1 của OSU, 3 của Kyoto và 1 của Kobe. Trong khi đó giải đơn nam gồm 19 VĐV thi đấu loại trực tiếp. Ở giải đôi nam, Handai lại chứng minh lợi thế chủ nhà và thực lực của mình khi dành 3/4 suất vào bán kết và cuối cùng đôi Chuẩn-Hoàng Long của Handai dành chức vô địch xứng đáng khi lần lượt vượt qua đôi chủ lực của Dương-Long của Kobe, đôi Thái-Trung của Handai và trong trận CK là đôi Phan Linh (Kyoto)-Việt (Osaka fu). Giải đơn nam diễn ra rất quyết liệt vì rất đông VĐV tham dự và tất nhiên là với chất lượng rất cao. Ngay từ vòng ngoài, các VĐV đã thi đấu ngang ngửa và quyết liệt. Cuối cùng, sau một chặng đường cực kỳ vất vả, vượt qua một loạt VĐV của đội chủ nhà và Kyoto, Osaka fu, OSU, VĐV Duy Long của Kobe đã dành chức vô địch xứng đáng, đem về chiếc HCV cho đội Kobe. VĐV Phan Linh của Kyoto rất cố gắng khi lọt vào cả 2 trận chung kết của môn đá cầu đơn nam và đôi nam nhưng đều phải nhìn đối thủ giành chức vô địch.

Giải thể thao SvHandai mở rộng kết thúc bằng một đêm party trao giải và văn nghệ hoành tráng. Cho đến lúc này, có thể nhận xét rằng giải đã thành công vượt quá mong đợi của Ban tổ chức. Không những là một ngày vui cho lưu học sinh giao lưu, thi đấu thể thao mà còn thúc đẩy phong trào tập luyện, rèn luyện sức khoẻ của lưu học sinh du học tại Nhật Bản. Đó cũng chính là bí quyết của đoàn chủ nhà Handai-giành 8/10 chiếc HCV và giành luôn cúp toàn đoàn. Sự tập luyện đều đặn của các CLB đã mang lại chiến thắng cho Handai. Cũng như chiếc HCV của Kyoto cũng là sự luyện tập của CLB bóng bàn. Việc tập luyện thể thao và thi đấu giao hữu không chỉ mang lại sự khoẻ mạnh mà còn mang lại sự sảng khoái về tinh thần sau giờ học hay lên lab căng thẳng.

Cuối cùng, BTC xin cảm ơn sự tài trợ về tài chính của Hội thanh niên sinh viên Việt Nam tại Nhật Bản-Vysa, tiểu ban thể thao Kansai, sự hỗ trợ hết mình về mặt tổ chức của đoàn Kobe và Kyoto và hơn hết là sự tham gia nhiệt tình với tinh thần thể thao lành mạnh, giao lưu vui vẻ của tất cả các đoàn Nagoya, Kyoto, Kobe, OSU, Osaka Fu và chủ nhà Handai.

Xin cảm ơn và hẹn gặp lại tại giải năm 2006!

PV SvHandai

source:www.svhandai.org