Giao lưu với Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân tại Tokyo


Ngày 23/3/2008 vừa qua tại Đại sứ quán Việt Nam ở Tokyo, Hội Thanh niên Sinh viên Vịệt Nam tại Nhật Bản (VYSA) đã hân hạnh được đón tiếp và giao lưu với Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Thiện Nhân nhân chuyến công tác của ông sang Nhật Bản. Mặc dù bận rộn với lịch công tác dày đặc trong 3 ngày tại Nhật, Phó Thủ tướng vẫn dành trọn một tiếng rưỡi để trao đổi, lắng nghe những tâm tư, nguyện vọng của thế hệ trẻ Việt Nam đang sinh sống và học tập tại đây.

Mở đầu buổi nói chuyện, anh Trần Hoài Vũ, Chủ tịch VYSA, đã phát biểu lời chào và giới thiệu sơ lược với Phó Thủ tướng về sự hình thành, cơ cấu và hoạt động của VYSA cũng như những đóng góp của VYSA đối với nước nhà trong thời gian qua, đồng thời khẳng định nguyện vọng được cống hiến cho đất nước của thế hệ trẻ đang sinh sống và học tập tại Nhật Bản. Chủ tịch VYSA cũng thay mặt cho toàn thể thanh niên sinh viên Việt Nam đang du học tại Nhật bày tỏ niềm vinh dự khi được trực tiếp trò chuyện giao lưu cùng Phó Thủ tướng nhân chuyến công tác này của đoàn.

Đáp lại lời chào, Phó Thủ tướng đánh giá cao sự đóng góp của thế hệ trẻ đang du học tại nước ngoài, đặc biệt là các bạn thanh niên, sinh viên Việt Nam đang học tập tại Nhật Bản. Phó Thủ tướng bắt đầu câu chuyện bằng việc giới thiệu đôi nét về mục đích của chuyến công tác lần này như xúc tiến dự án Nhật giúp đào tạo 1000 Tiến sĩ cho Vịệt Nam cho đến năm 2020, đi thăm và tìm hiểu về công nghệ đóng tàu ở Kobe v.v… Ngoài ra trong chuyến đi này, đoàn còn xúc tiến thiết lập các dự án hợp tác với Nhật Bản ở nhiều lĩnh vực khác. Với sự thân mật của một người thầy trò chuyện với học sinh, Phó Thủ tướng đã bày tỏ những quyết tâm để Việt Nam phát triển về giáo dục nói riêng cũng như khoa học, kỹ thuật nói chung.

Phó Thủ tướng nhấn mạnh tầm quan trọng của việc cải cách trong ngành giáo dục như: nói không với tiêu cực và bệnh thành tích, sinh viên được quyền đánh giá giáo viên, cho phép sinh viên được mượn tiền đóng học phí v.v.. mới chỉ là những bước đi đầu tiên của một quá trình cải cách rộng lớn, lâu dài của ngành. Sắp tới đây, ngành giáo dục còn thực hiện một số dự án mang tầm chiến lược hơn nữa như tranh thủ nguồn tài trợ của nước ngoài để xây dựng một số trường Đại học công nghệ cao, giảng dạy theo chương trình nước ngoài bằng tiếng Anh với giáo viên là người nước ngoài. Đối với các Đại học đầu ngành trong nước, Bộ Giáo dục và đào tạo (GD&DT) sẽ áp dụng cơ chế cho tự chủ về kinh tế, hiệu trưởng có quyền quyết định lương của giảng viên tại trường. Ngoài ra, liên quan đến trình độ quản lý của cấp hiệu trưởng các trường, Bộ GD&DT cũng đang xây dựng phương án thông qua một số viện đào tạo quốc tế, nhờ bạn giúp ta đào tạo cho toàn bộ các hiệu trưởng của Việt Nam, phấn đấu sao cho tất cả những người ở cấp quản lý đều có đẳng cấp quốc tế. Có như vậy, mục tiêu đến năm 2020 Việt Nam sẽ có được trường đại học đứng trong top 200 Đại học của Thế giới là điều hoàn toàn có thể thực hiện được.

Phó Thủ tướng khẳng định 2 điểm hấp dẫn của nguồn nhân lực trẻ Việt Nam là lao động giá rẻ và chịu khó học hỏi. Đây là những điểm mạnh thu hút nhà đầu tư nước ngoài vào Việt Nam và khi ấy sự đầu tư không chỉ đơn thuần là đầu tư xây dựng nhà máy, xí nghiệp, mà sẽ còn là sự đầu tư về trí tuệ, cụ thể là họ sẽ đầu tư đào tạo tri thức cho đội ngũ lao động Việt Nam về lâu dài. Về phía Việt Nam, cũng cần chủ động phát triển khoa học và công nghệ theo chiều sâu. Phó Thủ tướng đưa ra ví dụ như khi xây dựng nhà máy đóng tàu, Việt Nam cố gắng mua hẳn bản quyền sản xuất động cơ, bản quyền chu trình sản xuất sắt thép phục vụ công nghệ đóng tàu v.v… Khi đã làm chủ được công nghệ, Việt Nam sẽ có thể tự tin phát triển ngành một cách nhanh chóng và bền vững.

Đề cập đến vấn đề sức khỏe thể lực của sinh viên Việt Nam, Phó Thủ tướng cũng có lời khuyên với giới trẻ là bên cạnh việc học tập trau dồi kiến thức, các bạn trẻ cũng nên chú tâm đến rèn luyện thể chất, vì phải có sức khỏe thì mới học tập tốt, khỏe thì mới nghiên cứu được hiệu quả nhất.

Trong suốt 45 phút đầu của buổi nói chuyện, Phó Thủ tướng đã trình bày không ngừng nghỉ về những tâm tư, trăn trở của mình đối với ngành giáo dục và đào tạo nước nhà khiến người nghe cảm nhận dường như những điều đó luôn được ấp ủ hàng ngày, hàng giờ trong trái tim người lãnh đạo đầu ngành vậy. Hội trường Đại Sứ Quán Việt Nam người nghe ngồi chật kín, ai cũng lắng nghe một cách chăm chú, say sưa. Thỉnh thoảng những tràng pháo tay ran lên ròn rã khi Phó Thủ tướng có những phát biểu hay và tâm huyết đi đúng vào mạch quan tâm của người tham dự.

Giao lưu hỏi đáp

Tới phần giao lưu hỏi đáp giữa Phó Thủ tướng và các bạn thanh niên sinh viên bên dưới, không khí trong hội trường có vẻ như càng được hâm nóng lên với hàng loạt cánh tay giơ lên thể hiện sự quan tâm của lớp trẻ với nền giáo dục nước nhà, cũng như mong muốn được gửi tới người đứng đầu ngành giáo dục những điều mình trăn trở và được nghe câu trả lời trực tiếp từ ông. Các câu hỏi mà các bạn thanh niên sinh đặt ra bao gồm những vấn đề rất nóng hổi hiện nay như: – Đào tạo phổ thông của Việt Nam không thua kém nước ngoài, nhưng nghiên cứu khoa học trên Đại học của Việt Nam thì chưa có gì nổi bật. Đâu là nguyên nhân và chúng ta giải quyết bằng cách nào? – Khi nào chính thức khai giảng các Đại học Quốc tế, lộ trình ra sao? – Chúng ta có thể xây dựng các nhà máy đóng tàu công nghệ cao nhưng nguồn nhân tài VN phục vụ lĩnh vực này sẽ phải lấy từ đâu khi mà các sinh viên ngành hải dương học nói riêng cũng như các trường Đại học về hải dương chưa nhiều? – Nhà nước có chính sách nào cho sinh viên du học nước ngoài được phép lưu lại nước đó vài năm sau khi hoàn thành việc học tập để làm việc, tự rèn luyện bản thân và trau dồi kinh nghiệm trước khi về nước hẳn không? – Liên quan đến việc giảng dạy trong học đường, giáo viên có được chủ động trong việc tìm sách giáo khoa không? Còn rất nhiều câu hỏi khác nữa các bạn muốn gửi lên nhưng vì thời gian có hạn, số lượng câu hỏi phải dừng lại ở một số nội dung chính như trên.

Trả lời về vấn đề nghiên cứu khoa học trên đại học ở Việt Nam, Phó Thủ tướng nhìn nhận rằng Việt Nam ta chưa có các công trình nghiên cứu thực sự bứt phá vì nguyên nhân chính là số lượng Tiến sĩ của nước ta còn quá ít, nhất là những Tiến sĩ được đào tạo ở nước ngoài lại càng ít hơn nữa. Để giải quyết vấn đề này, như đã đề cập ở trên, một trong những mục đích chính của chuyến công tác tại Nhật bản lần này là xúc tiến dự án đào tạo 1000 Tiến sĩ. Đây là phương pháp khả thi trước mắt, ngoài ra, sẽ kết hợp thực hiện một số chính sách như: tăng lương cho giảng viên, giúp họ bớt áp lực với việc tăng giờ đứng lớp dạy học nhằm tăng thu nhập, từ đó sẽ có quỹ thời gian dành cho nghiên cứu; kết hợp việc nghiên cứu trong trường đại học với việc nghiên cứu của các công ty, doanh nghiệp nhằm tạo nguồn vốn cho nghiên cứu khoa học và tạo được đầu ra để các ứng dụng nghiên cứu này được đưa vào thực tế sản xuất, kinh doanh v.v…

Với vấn đề nâng cao đào tạo tri thức chuyên môn, Phó Thủ tướng nêu ra giải pháp là các ngành có thể chủ động tự lập ra cơ quan đào tạo lĩnh vực chuyên môn của ngành cho riêng mình. Lấy ví dụ như để đào tạo nguồn nhân lực cho công nghệ đóng tàu, tập đoàn Hàng hải Việt Nam đang xây dựng đề án lập Đại học hàng hải. Đề cập về công việc sau Tiến sĩ, Phó Thủ tướng cho biết tuy hiện nay Bộ GD&DT chưa có quyết định chính thức thành văn bản, nhưng ông cũng mạnh dạn đề nghị sinh viên sau khi tốt nghiệp Tiến sĩ ở nước ngoài, nếu có điều kiện hãy lưu lại làm việc cho trường đại học hay viện nghiên cứu của nước bạn, từ đó trở thành cầu nối tiếp nhận người sang đào tạo giữa ngành giáo dục Việt Nam và nước sở tại là một điều rất hay. Ông lấy ví dụ như hiện nay ở Mỹ, số người Trung Quốc làm trưởng khoa hay viện trưởng là không ít và ngày càng có chiều hướng gia tăng, Việt nam cũng nên nghiên cứu cách làm này.

Tuy nhiên, bên cạnh đó, Phó Thủ tướng cũng bày tỏ lo ngại nếu tất cả những Tiến sĩ được đào tạo ở nước ngoài mà không quay về phục vụ đất nước thì sẽ rất nguy cho ngành giáo dục nước nhà. Ông hỏi ngược lại các bạn ở dưới hội trường một cách dí dỏm rằng “Chẳng lẽ cứ để tình trạng Thạc sĩ đào tạo Thạc sĩ trong các trường đại học ở Việt Nam hiện nay tiếp diễn mãi sao?!” để càng thấy vai trò của các Tiến sĩ được đào tạo ở nước ngoài về là không thể thiếu được trong công cuộc cải cách giáo dục cũng như trong quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.

Chủ tịch VYSA Trần Hoài Vũ trao tặng Phó Thủ tướng
một món quà lưu niệm

Chuyển sang trả lời mối quan tâm về Đại học Quốc tế, Phó Thủ tướng nêu ra trường hợp trường Đại học Việt Đức sắp tới, ngoài có tới 80% đội ngũ giảng dạy là các giáo sư người nước ngoài, thì hiệu trưởng nhà trường cũng sẽ là một giáo sư người Đức đảm nhiệm. Nguồn kinh phí sẽ hoàn toàn do Đức tài trợ và phía Việt Nam đang nỗ lực phấn đấu để có thể đưa trường đại học này đi vào hoat động ngay cuối năm nay. Cuối cùng, với vấn đề sách giáo khoa, Phó Thủ tướng cho biết, khi đã cho phép các trường được chủ động kinh phí thì việc để các trường được chủ động trong tài liệu giảng dạy cũng là một điều tất yếu. Bộ GD sẽ nghiên cứu kỹ vấn đề này.

Sau một tiếng rưỡi trao đổi, tất cả người tham dự ở hội trường đều dường như thỏa mãn vì những băn khoăn, trăn trở của mình đã được người lãnh đạo đầu ngành giáo dục giải đáp một cách tỉ mỉ, rõ ràng. Và hơn hết, điều khiến mọi người tâm đắc nhất là đã có cơ hội được tiếp xúc trực tiếp, đã cảm nhận được mối quan tâm sâu sắc của một thành viên cấp cao trong chính phủ đối với cuộc sống và học tập của thế hệ trẻ Việt Nam ở xứ người.

Kết thúc buổi giao lưu, Đại sứ Việt Nam tại Nhật Bản Nguyễn Phú Bình đã phát biểu lời cảm ơn Phó Thủ tướng khi ông đã dành cho thanh niên sinh viên tại Nhật một buổi giao lưu rất bổ ích. Đại sứ cũng nhắn gửi đến mọi người về những thế mạnh của các bạn trẻ Việt Nam đang học tập tại Nhật Bản hiện nay như được tiếp cận với khoa học, công nghệ tiên tiến, được cơ hội rèn luyện ý thức trách nhiệm cao và nhấn mạnh rằng đó sẽ là nguồn lực mạnh mẽ, lâu dài trong công cuộc xây dựng, đổi mới đất nước. Đại sứ bày tỏ sự lạc quan trước những tín hiệu thay đổi đáng mừng đã, đang và sẽ có trong ngành giáo dục Việt Nam và chúc Phó Thủ tướng cùng đoàn công tác có chuyến làm việc tại Nhật Bản thuận lợi và gặt hái nhiều thành công tốt đẹp.

Lê Văn Khoa