Hiroshima – Ký ức chiến tranh


Hôm nay, nước Nhật kỷ niệm 58 năm ngày thành phố Hiroshima bị ném bom. nguyên tử – 6/8/1945. Cùng với quả bom thứ hai ném xuống Nagasaki 3 ngày sau đó, Nhật Bản đã trở thành quốc gia hứng chịu thảm hoạ chiến tranh hạt nhân đầu tiên của nhân loại.


Hiroshima nằm cách Osaka khoảng 350 km về phía tây. Trong thời kỳ Minh Trị, Hiroshima từng là đại bản doanh của Quân đội Hoàng Gia trong các cuộc chiến với Trung Quốc và Nga, và đã phát triển thành một thành phố quân sự cùng với cảng Kure gần đó.Nằm gần Hiroshima là đảo Miyajama nổi tiếng với ngôi đền Itsukushima Jinia. Ngôi đền này là một trong ba “đệ nhất thắng cảnh” của Nhật, cùng với Ama-no-Hashidate của Kyoto và Matsushima của Sendai.

Hiroshima đã trở thành nổi tiếng thế giới từ khi là thành phố đầu tiên bị thả bom nguyên tử trong thế chiến thứ II. Đài tưởng niệm và các chứng tích về vụ ném bom ở trung tâm thành phố luôn hấp dẫn nhiều du khách đến đây.

Hàng năm, lễ kỷ niệm thường được sự tham gia đông đảo của người dân Hiroshima, trong số đó có cả các nạn nhân còn sống sót, các du khách cùng các quan chức chính phủ. Một hồi chuông hòa bình được rung lên vào 8 giờ 15 phút – thời khắc mà máy bay Mỹ đã thả quả bom xuống Hiroshima ngày trước. Tính đến cuối năm 1945, quả bom đã làm chết 140.000 người trong tổng số 350.000 dân cư của Hiroshima. Hàng nghìn người chết dần chết mòn vì nhiễm phóng xạ những năm tháng sau đó. Đến nay đã có thêm 4.757 người trong danh sách các nạn nhân thảm họa, nâng tổng số người chết vì di chứng của quả bom năm xưa lên 221.893. Tuy nhiên, đáng chú ý là mỗi năm trôi qua, ký ức của người Nhật về sự kiện này càng thêm mờ nhạt. Một khảo sát năm 2001 của thành phố Hiroshima cho thấy 64,8% học sinh tiểu học không biết chính xác ngày giờ của vụ nổ bom (cao hơn 20,5% so với 5 năm trước đó).

Theo quyết định của Toà Tối cao Osaka ngày 5/12/2002, chính phủ Nhật vẫn phải tiếp tục trợ cấp cho các nạn nhân còn sống sót sau các vụ ném bom Hiroshima và Nagasaki, kể cả những người đã sinh sống ở nước ngoài. Việc trợ cấp này đã bị tạm ngưng từ 12/1997.

Chính phủ Nhật hiện đang rất quan tâm đến việc cải thiện khả năng quốc phòng, trong bối cảnh tình hình phức tạp trong khu vực, nhất là cuộc “khủng hoảng hạt nhân” trên bán đảo Triều Tiên láng giềng.

DONHAT
(Sưu tầm và biên tập)