Hỗn loạn thị trường truyện tranh Nhật Bản


Vào buổi sáng đầu hè, người mẹ trẻ ghé sạp báo tìm mua truyện tranh cho con trai. Chị ngỡ ngàng trước một rừng truyện tranh trước mặt. Bất ngờ hơn, khoảng 50 truyện tranh bày bán đều là truyện Nhật Bản, chỉ có một cuốn có nhan đề Việt Nam nhưng nội dung, nét vẽ lại na ná truyện nước ngoài…


Truyện tranh Nhật Bản – nhu cầu ảo

Con số trên đây chưa phải là con số cuối cùng. Theo lời của cán bộ một Nhà xuất bản (NXB), hiện nay trên thị trường truyện tranh thành phố Hồ Chí Minh có không dưới 70 đầu truyện tranh Nhật Bản phát hành mỗi tuần. Là loại truyện comic, nên mỗi cuốn thường chia ra nhiều tập, ít thì có bộ 10 tập, nhiều nhất có bộ lên tới cả trăm. Vì thế, thị trường truyện tranh hiện nay như một cánh rừng rậm rạp, ngay cả những phụ huynh có kinh nghiệm nhất cũng không thể phân biệt được hay dở, bạn đọc nhỏ tuổi lại càng khó chọn lọc sách.

Sau sự thành công khá ngoạn mục của NXB Kim Đồng cách đây hơn 10 năm với bộ truyện “Đôrêmon”, các NXB đổ xô vào làm truyện tranh Nhật Bản như một “cứu cánh”. Thế nhưng, giờ đây những bộ truyện hay đã trở nên hiếm hoi. Phần lớn bạn đọc nhỏ và phụ huynh tập trung vào các bộ sách do hai NXB Kim Đồng và Trẻ thực hiện. Với 6 bộ truyện tranh comic, NXB Kim Đồng cố gắng cân đối đề tài : sinh hoạt, thể thao, gương vượt khó, truyền thuyết thần linh, danh nhân khoa học… Để tránh sự bão hòa của bạn đọc, NXB còn chia lịch phát hành xen kẽ. Riêng NXB Trẻ chủ trương không liên kết xuất bản mảng truyện tranh comic. Với đối tượng phục vụ rộng hơn là nhi đồng và thanh thiếu niên, NXB Trẻ có 12 bộ truyện tranh Nhật Bản tập trung vào đề tài tâm lý tuổi mới lớn, võ thuật, thể thao, thám tử… Tuy nhiên, trong số sách của hai NXB này cũng chỉ có một vài bộ thực sự thu hút được bạn đọc.

Sự rối loạn của thị trường truyện tranh Nhật Bản hiện nay phần lớn do truyện tranh đủ loại của một số NXB tỉnh. Cũng vẫn với phương thức cũ đã “diễn” cả chục năm nay, số truyện tranh này đều do các “ đại gia” thực hiện rồi mua giấy phép các NXB tỉnh để phát hành. Với phương thức thu mua truyện tranh từ Nhật Bản theo con đường xách tay, du lịch, các tư nhân vơ vét truyện gì cũng mua, tổ chức dịch chớp nhoáng rồi đem chào bán, hoặc mua giấy phép của các NXB. Với cách làm như vậy, các loại sách này khó có sự biên tập, chọn lọc. Nét nổi trội nhất của các loại truyện tranh Nhật Bản là tính bạo lực. Trong các truyện dù ở đề tài nào cũng có cảnh đánh nhau ì xèo: Nếu là đề tài thám tử thì đầy rẫy xác chết, đề tài thể thao thì đấm đá nhau, ngay cả truyện các đầu bếp ở lĩnh vực ẩm thực cũng đổ máu… Chưa kể loạt truyện có nhân vật là những chú bé, cô bé có sức mạnh siêu phàm, có nhiệm vụ đi trả thù với những xác sống, quỷ nhập tràng xác ướp, sát thủ… Trong truyện nào cũng có những âm thanh “phập”, “ặc, ặc”… Truyện sinh hoạt cũng có lắm vấn đề, có chuyện về một cô bé học lớp một, về nhà bị mẹ mắng đã cho là mình bị ức hiếp nên đã có những màn hết dọa… tự tử lại đòi làm ni cô, chưa kể có nhiều cảnh chị em gái đánh nhau bôm bốp, rồi uống rượu say, đấm cửa rầm rầm…, đối đáp chan chát với mẹ “Má keo kiệt quá đấy, keo kiệt, độc ác, ích kỷ…”. Hoặc truyện các thiếu nữ 13, 14 tuổi bắt đầu để ý các bạn trai, có cảnh bạn trai đang tắm ra mở cửa với tư thế… trần như nhộng ?!

Không hề có sự quy hoạch

Với lợi thế có cốt truyện hấp dẫn, lồng nội dung giáo dục thanh thiếu niên có tinh thần mạnh mẽ, vượt lên số phận, lòng dũng cảm và nhân ái, truyện tranh Nhật Bản còn thu hút bạn đọc qua cách thể hiện vui, dí dỏm và hài hước. Tuy nhiên, theo ý kiến của một nhà chuyên môn, truyện tranh Nhật Bản có nhiều điều không phù hợp về tâm sinh lý, về quan niệm sống, về thuần phong mỹ tục… của bạn đọc Việt Nam. Với những ưu và nhược điểm ấy, nếu được chọn lọc và biên tập kỹ, một số truyện cũng giúp các em giải trí.

Thế nhưng, trước sự hỗn loạn của thị trường truyện tranh Nhật Bản hiện nay, Cục Xuất Bản dường như vẫn ngoảnh mặt làm ngơ, không nghe, không thấy, không biết. Chỉ riêng hai NXB Kim Đồng và Trẻ có gần 20 đầu truyện tranh Nhật Bản cũng là quá nhiều. Nhưng theo cán bộ của hai NXB, nếu họ không làm truyện tranh Nhật Bản thì coi như tự nguyện nhường thị trường cho tư nhân. Sự hỗn loạn đến nỗi chính những người biên tập, xuất bản loại truyện này cũng không thể biết hết trên thị trường đang có đầu sách gì. Chỉ có NXB Trẻ và NXB Kim Đồng còn có sự trao đổi với nhau để tránh sự trùng lắp, còn truyện tranh giành đề tài thì như cơm bữa. Nhiều khi NXB chuẩn bị kỹ lưỡng một bản thảo, mới họp báo tuyên truyền thì tư nhân tung sách ra nẫng tay trên. Có khi bạn đọc đang hào hứng với một bộ sách hay thì bị ngưng ngang hông, chẳng biết vì lý do gì. Cục Xuất bản không quản lý được kế hoạch đề tài vì các NXB chỉ xin phép xuất bản truyện thiếu nhi có tranh minh họa, nhhưng sau đó lại làm truyện tranh, nhiều truyện Nhật Bản còn xuất hiện với “cái mũ” là truyện Việt Nam… Sự lấn lướt của truyện tranh Nhật Bản một phần cũng do truyện tranh Việt Nam đang bỏ trống trận địa, bởi chúng ta chưa có quy hoạch đào tạo đội ngũ tác giả, họa sĩ một cách căn cơ cho loại truyện này.

…Trong khi các cơ quan chức năng chưa có biện pháp quản lý thị trường truyện tranh Nhật Bản thì giải pháp duy nhất trong mùa hè này vẫn là vai trò của phụ huynh trong việc định hướng và giúp con em mình chọn những truyện tranh lành mạnh.

VIỆT HÀ
(Báo Sài Gòn Giải Phóng)