Kỉ niệm gặp Chủ tịch Hồ Chí Minh của một người lính Nhật


(Nhân kỉ niệm 113 năm ngày sinh của Người)
Một ngày đầu mùa xuân năm 2001, tôi được ông Morita công tác tại Đài phát thanh tỉnh Miyazaki thông báo bằng điện thoại: Có một người Nhật tên là Gota sống ở huyện Aya của tỉnh Miyazaki đã được gặp Chủ tịch Hồ Chí Minh, tôi đang định đi phỏng vấn ông ấy, anh có muốn đi cùng với tôi không? Tất nhiên là tôi đồng ý ngay lập tức.

Sau hơn 1 tiếng đồng hồ đi bằng xe ôtô từ trường ĐH Miyazaki, chúng tôi đã đến huyện Aya. Nơi đây có phong cảnh thật tuyệt vời, với những cánh rừng nguyên sinh trùng điệp với nhiều loại gỗ và động vật quý hiếm và còn là niềm tự hào của người dân Miyazaki. Khi nói đến Aya, ai cũng còn biết đến nơi đây là quê hương của loại rượu vang Aya và pha lê Aya nổi tiếng.

Ngôi nhà của ông Gota nằm yên tĩnh bên cạnh một con suối nhỏ, chảy róc rách suốt ngày đêm. Ra đón chúng tôi là một cụ già 85 tuổi nhưng trông vẫn còn hoạt bát, nhanh nhẹn. Khi giới thiệu tôi là người Việt nam, cụ tay bắt mặt mừng: ‘ Trời ơi, cho đến nay là hơn 40 năm, tôi mới gặp lại người Việt nam’. Khi cả ba người cùng ngồi quanh chiếc bàn nếm thử món cá suối nướng Ayu thơm phức của Aya do chính cụ câu được và nhấm nháp chút rượu Shochu Kirishima làm bằng khoai lang của Miyzaki, cụ Gota mới chậm rãi kể cho chúng tôi bằng giọng tiếng Nhật địa phương, mà trong đó có nhiều từ, tiếng Nhật chuẩn không thể có:

‘Đó là những ngày đầu năm 1945, đơn vị chúng tôi đóng quân ở một làng ven sông cạnh Hà nội. Chiến tranh đang ở trong giai đoạn khốc liệt và quân Nhật cũng đang bị thiệt hại nặng. Tôi được điều thẳng từ Đài Loan đến Việt nam, xứ sở mà tôi mới chỉ biết đến qua sách lịch sử. Hôm đó là một buổi sáng, khi tôi đang tranh thủ viết thư về cho gia đình thì chợt có một cụ già khoảng ngoài 50 tuổi nhanh nhẹn bước vào. Tôi nghĩ đó là người Trung Quốc nên bật tiếng chào’Nỉ hảo’, cụ già đáp ngay:’Nỉ hảo’ rồi hỏi tôi một tràng tiếng Trung Quốc mà tôi chỉ nghe được bập bõm vài từ. Thấy tôi đứng ngẩn ra, cụ già ra hiệu cho tôi lấy giấy và bút. May thay, tôi không nói được tiếng Trung quốc nhưng khi nhìn chữ Hán thì tôi biết khá nhiều. Qua bút đàm, tôi báo cho cụ biết là người cụ cần gặp khoảng 15 phút mới có mặt vì vẫn chưa kịp đến. Chúng tôi liền tiếp tục nói chuyện với nhau bằng bút đàm.

Qua câu chuyện chỉ trên giấy bút, cụ hỏi thăm tình hình gia đình của tôi ở Nhật bản, và phân tích tình hình chiến sự tại Trung Quốc và trên thế giới cho tôi nghe. Càng nghe, tôi càng như bị cuốn hút vào lời của cụ. Qua lời của cụ, tôi hiểu rằng chiến tranh chỉ mang lại sự khổ đau, chết chóc và chúng ta phải tìm mọi cách để mang lại hòa bình đến cho người dân. Tôi chợt nhận ra rằng, ngồi đối diện với tôi đây không phải là một người tầm thường, chắc hẳn phải là một học giả hoặc ít nhất là một giáo sư đại học thì mới có kiến thức uyên thâm và thu hút người nghe kỳ lạ đến thế.

Mười lăm phút đã thoắt trôi qua, cụ già từ biệt tôi và không quên dặn tôi phải luôn chú ý giữ gìn đến sức khỏe vì khí hậu ở đây rất khắc nghiệt, không giống như ở quê hương tôi. Từ biệt cụ mà tôi vẫn tiếng nuối vì thời gian bút đàm cùng cụ quá ít.

Chiến tranh càng ngày càng trở nên khốc liệt hơn, bao nhiêu bạn bè của tôi đã bỏ mạng tại cuộc chiến tranh này, tôi cũng không nhớ nữa. Tôi may mắn vẫn còn sống sót, nhưng khi trở về đến gia đình thì một tin khủng khiếp đã chờ sẵn: Cả gia đình tôi đã chỉ còn lại là những cái xác đen thui nằm ở đâu đó trong thành phố Nagasaki, khi Mỹ thả bom nguyên tử xuống đây. Tôi tưởng như không sống nổi nữa. Lúc đó tôi đã nhớ lại nhứng điều cụ già đã nói với tôi ở Việt nam: ‘ Chiến tranh chỉ mang lại sự khổ đau chết chóc không chỉ của riêng ai, mà bất kì ở nơi đâu, ở dân tộc nào, ở quốc gia nào trên thế giới’.

Buồn chán, tôi lui về góc rừng Aya này ở ẩn để quên đi nỗi đau đớn khôn nguôi khi người thân đã mất. Ngày tháng cứ lặng lẽ trôi, tôi cứ vùi đầu vào công việc mà vẫn không quên được sự ám ảnh khủng khiếp của chiến tranh.

Trong khi đó, ở Việt nam cuộc chiến khốc liệt vẫn tiếp diễn. Báo đài, tivi Nhật vẫn hàng ngày đưa tin về chiến tranh Việt nam. Đến một hôm, khi đài NHK đưa hình ảnh Chủ tịch Hồ Chí Minh, người mà tôi đã biết tên và ngưỡng mộ từ lâu, thì tôi không thể tin vào mắt mình được nữa, Chủ tịch Hồ Chí Minh chính là cụ già mà tôi đã gặp ở Việt nam gần hai mươi năm về trước. Tôi đã có được vinh hạnh lớn trong đời của mình mà không hề biết.

Ngày 3/9/1969, cùng với hàng triệu người trên thế giới, tôi đã khóc khi được tin Chủ tich Hồ Chí Minh mất. Tại căn nhà dưới cánh rừng ven suối của Aya này, tôi đã thắp một nén hương cho Chủ tịch Hồ Chí Minh và hứa với Cụ là sẽ làm theo điều mà Cụ đã dặn dò tôi ‘Chúng ta phải bằng mọi cách để mang lại hòa bình đến cho người dân vì chiến tranh chỉ mang lại khổ đau, chết chóc’.

Từ đó, tôi bắt đầu tham gia vào các hoạt động biểu tình tại Nhật bản chống chiến tranh xâm lược của Mỹ ở Việt nam. Ngày Viêt nam được thống nhất, tôi cũng lại khóc vì mừng, vì ước mong thống nhất đất nước của Chủ tịch Hồ Chí Minh đã thành sự thật, và vì tôi cũng đã đóng góp được một điều gì vào trong đó.’

Vào lúc này, khi tôi viết lại những dòng trên thì cụ Gota đã không còn nữa. Một năm sau, sau một cơn đau đã quật ngã cụ, mang theo nhiều điều mà cụ vẫn chưa kịp kể hết. Tôi và ông Morita đã đến tang lễ để nhìn cụ lần cuối. Tôi nhớ lại những lời cụ đã nói với tôi khi từ biệt:’ Hàng triệu người Việt nam đã ngã xuống để đất nước có được hòa bình, thế hệ trẻ các bạn phải luôn biết quý trọng và nâng niu điều ấy và phải quyết tâm làm được một điều gì dù nhỏ bé, đóng góp vào sự phát triển của đất nước và hòa bình trên thế giới’./

[HƯỞNG ỨNG CUỘC THI VIẾT VỀ ĐẤT NƯỚC VÀ CON NGƯỜI NHẬT BẢN CỦA VYSA]

(Mọi cá nhân hay tổ chức khi lấy thông tin của bài viết, phải được sự đồng ý của tác giả và VYSA)