Kiếm 1 triệu USD và tiêu 1 triệu USD ở Việt nam


Tiếng là nước nghèo nhưng việc kiếm 1 triệu USD ở Việt Nam là không quá khó và tiêu 1 triệu USD cũng nhẹ như lông hồng. Xem ra, chuyện làm ăn ở Việt Nam cũng đâu có kém nhiều so với các nước khu vực. Thế nhưng, người ta vẫn xếp Việt Nam vào trong số những nước nghèo nhất thế giới. Phải chăng, bên cạnh việc kiếm 1 triệu USD không khó, chúng ta tiêu 1 triệu USD cũng quá dễ.

———————————————————————————————————————————-
Trong chuyến công tác về Khánh Hoà nhân dịp kỷ niệm 350 năm thành lập tỉnh, một đồng nghiệp đã kể tôi nghe câu chuyện về bà Tư Hường, một nhà đầu tư Canada gốc Việt. Bà Tư Hường đã đầu tư 15 triệu USD để xây dựng Nhà máy bia San miguel công suất 25 triệu lít/năm rồi sau đó bán lại cho chính hãng này với giá 25 triệu USD. Xem ra việc kiếm 10 triệu USD của bà Tư dễ như việc thò tay lấy một vật có sẵn trong túi.

Bằng chứng là sau đó, bà Tư Hường đã bỏ ra 5 triệu USD để xây dựng nhà máy nước giải khát Lipovital công suất 5 triệu lít/năm để rồi bán lại cho một nhà đầu tư Nhật Bản với giá 17 triệu USD. Cũng chính bà Tư đã ký hợp đồng với Công ty Yến sào Khánh Hoà, mua đứt sản phẩm yến sào của tỉnh này trong vòng 5 năm, với giá xấp xỉ 12 triệu USD. Trong vụ này, con số lời lãi chưa được tiết lộ nhưng chắc chắn cũng phải cỡ nhiều triệu USD.

Xin được nói thêm, Tư Hường quê gốc ở Bình Định, nặng lòng với quê hương, bà đã tìm về quê và đã xúc tiến một số dự án nhưng không thành. Bà vào Khánh Hoà, một tỉnh có nhiều tiềm năng, và điều quan trọng hơn là cơ chế chính sách cởi mở hơn.

Một triệu USD, theo thời giá hiện nay (làm tròn) là 16 tỷ đồng, một khoản tiền không nhỏ. Ngay cả phương Tây giàu có là vậy, đối với những người có trình độ chuyên môn cao cũng phải mất nhiều năm khó nhọc mới có thể kiếm được. Vậy, phải chăng các đối tác mua nhà máy của bà Tư Hường bị hớ? Tại sao San miguel và Lipovital đều cam chịu một giá đắt gần gấp đôi để mua lại nhà máy mà đối với họ có thể tự làm lấy? Trả lời câu hỏi này, một chuyên viên ở UBND tỉnh Khánh Hoà nói: ‘‘Việc lập dự án, đầu tư xây dựng nhà xưởng, mua máy móc thiết bị, lắp đặt đối các nhà đầu tư nước ngoài không khó. Cái khó là vào Việt Nam, với một hệ thống quản lý hành chính rối ren như “trận đồ bát quái” với hàng trăm loại thủ tục khác nhau mà không biết đến thời gian nào và tốn bao nhiêu tiền để vượt qua hết những cửa ải này. Thôi thì “kính chả bõ phiền” tốn kém hơn một chút, mua lại cho khỏe. Điều quan trọng là tính toán làm sao để khai thác cho có lãi’’.

Và tiêu 1 triệu USD

Câu chuyện tiêu nhiều triệu USD đâu phải chỉ có ở nước ngoài. Mấy năm trước, ngành mía đường Việt Nam đã đầu tư nhà máy đường Linh Cảm (Đức Thọ – Hà Tĩnh) với tổng số vốn đầu tư (làm tròn) là 140 tỷ đồng. Sau khi khánh thành, nhà máy chạy được 1 tuần rồi hết nguyên liệu. Lý do đơn giản, trồng mía trên ruộng không hiệu quả bằng trồng lúa và các loại hoa màu khác. Hơn một năm sau ngày lễ khánh thành và cũng là một năm máy móc nhà máy được đắp chiếu nằm im.

Bộ NN-PTNT quyết định cho nhà máy này ‘‘nhổ neo’’ vào Vĩnh Long. Dĩ nhiên, chi phí cho việc nhổ neo nhà máy và tái thiết ở Vĩnh Long cũng tốn không dưới 1 triệu USD. Theo thông tin chúng tôi có được, nhà máy này hiện nay cũng đang ở trong tình trạng sống dở chết dở. Số lỗ luỹ kế trong mấy năm qua nay cũng đã lên đến vài ba triệu USD.

Trên đây chỉ là một ví dụ nhỏ của việc tiêu 1 triệu USD của người Việt Nam. Nhìn rộng hơn, những mẩu chuyện đại loại như vậy không phải là khó kiếm. Xin được nêu một ví dụ tổng quát: Trong năm 2002, tổng số vốn trong nước đầu tư cho hệ thống cơ sở hạ tầng thuộc ngành giao thông vận tải cũng xấp xỉ 1 tỷ USD. Cứ theo như cách tính thông thường về sự thất thoát vốn ở lĩnh vực này đã từng được nói nhiều lần ở diễn đàn Quốc hội, tính khiêm tốn với tỷ lệ 30%, tổng số vốn thất thoát sẽ là 300 triệu USD. Trong hàng trăm triệu USD thất thoát, chưa thấy một ai phải chịu trách nhiệm cá nhân về việc này.

Tiếng là nước nghèo nhưng việc kiếm 1 triệu USD ở Việt Nam là không quá khó và tiêu 1 triệu USD cũng nhẹ như lông hồng. Xem ra, chuyện làm ăn ở Việt Nam cũng đâu có kém nhiều so với các nước khu vực. Thế nhưng, người ta vẫn xếp Việt Nam vào trong số những nước nghèo nhất thế giới. Phải chăng, bên cạnh việc kiếm 1 triệu USD không khó, chúng ta tiêu 1 triệu USD cũng quá dễ.

PHAN THẾ HẢI
Theo VASC Orient