Kinh nghiệm của hải quan Nhật Bản.


Cho đến nay, Hải quan Nhật Bản là một trong những cơ quan Hải quan tiên tiến bậc nhất trong Tổ chức Hải quan thế giới (WCO). Để đạt được mục tiêu hiện đại hoá tất cả quy trình nghiệp vụ hải quan, ngành Hải quan Nhật Bản đã phải nỗ lực từng bước khắc phục những khó khăn và cản ngại. Một trong những điều mà hải quan Nhật Bản coi trọng trong qúa trình hiện đại hoá là ứng dụng toàn diện quy trình tin học vào công tác nghiệp vụ. Mới đây, Hải quan Nhật Bản đã có buổi thảo luận điểm lại những kết qủa mà tin học hoá đem đến cho ngành Hải quan nói riêng và giới doanh nghiệp nói chung.


Hải quan Nhật Bản tiến hành đề án tin học hoá ngành hải quan bắt đầu từ năm 1978 với việc áp dụng Hệ thống tin học hải quan tự động (NACCS), xử lý các vấn đề liên quan đến thủ tục thương mại nhằm cải thiện và đẩy nhanh quá trình thông quan hàng hoá. Hệ thống này đóng vai trò then chốt trong việc tiến đến mục tiêu chính của ngành Hải quan Nhật Bản là thiết lập dịch vụ thông quan “một cửa” cho khách hàng.

Thời gian đầu thực hiện đề án tin học hoá hải quan, ngành Hải quan Nhật Bản đã phải đối phó với rất nhiều vấn đề nan giải cần phải giải quyết tức thì. Trong thực tế, đa phần các doanh nghiệp lớn của Nhật Bản lúc đó có những hệ thống tin học riêng, không đồng nhất. Cái khó của Hải quan Nhật Bản là làm thế nào để phát triển và kêu gọi các doanh nghiệp sử dụng một hệ thống tin học đồng nhất với hệ thống của ngành hải quan. Bên cạnh đó, rất nhiều doanh nghiệp vừa và nhỏ trong ngành công nghiệp liên quan đến thương mại và cảng vụ chưa để tâm nhiều đến việc áp dụng công nghệ thông tin vào phục vụ công tác, điều này ảnh hưởng không nhỏ đến tiến trình tin học hoá của ngành Hải quan Nhật Bản. Chưa hết, cơ sở hạ tầng về tin học tại các cảng biển và sân bay lớn cũng là vấn đề lớn cần giải quyết. Hải quan Nhật Bản đã phải tìm kiếm đối tác về công nghệ thông tin tư vấn về cơ sở hạ tầng và thiết kế hệ thống phần mềm phục vụ cho hoạt động quản lý và thông quan hàng hoá. Khi đã hoàn thiện hệ thống tin học, ngành Hải quan Nhật Bản phải mất một thời gian tuyên truyền, tư vấn và lắp đặt hệ thống cho các doanh nghiệp. Nhờ xác định rõ những vấn đề còn tồn tại, ngành Hải quan Nhật Bản đã nỗ lực từng bước khắc phục và giải quyết các vấn đề. Kết qủa hiện nay Hải quan Nhật Bản trở thành một trong những cơ quan hải quan tiên tiến đứng hàng đầu thế giới về công tác quản lý bằng tin học.

Cuộc cách mạng tin học hoá trong ngành Hải quan Nhật Bản mang lại lợi ích không chỉ đối với ngành hải quan nói riêng mà còn cả đối với giới doanh nghiệp nói chung. Quá trình thông quan hàng hoá diễn ra nhanh hơn, tiết kiệm đáng kể thời gian và tiền bạc cho giới doanh nghiệp, trong khi đó công tác quản lý của ngành hải quan được chuyển từ quản lý và giao dịch trên giấy tờ sang quản lý và giao dịch bằng tin học, giúp công việc đơn giản và hiệu qủa hơn rất nhiều. Trước đây khi làm thủ tục hải quan doanh nghiệp phải đến các đơn vị hải quan với rất nhiều hồ sơ và giấy tờ, trong khi đó cơ quan hải quan phải thực hiện công việc thông quan theo phương pháp thủ công, tốn rất nhiều thời gian. Tuy nhiên, khi ứng dụng tin học vào các quy trình nghiệp vụ, thời gian thông quan một lô hàng được giảm thiểu đáng kể, các doanh nghiệp chỉ việc ngồi tại văn phòng của mình để nộp hồ sơ thông quan thông qua chiếc máy tính nối mạng với cơ quan hải quan. Với việc áp dụng rộng rãi kỹ thuật thông tin trong công tác hải quan, Hải quan Nhật luôn sẵn sàng nâng cấp và áp dụng những hệ thống quản lý rủi ro tin học hoá hiện đại hơn, đồng thời cũng xem xét lại quá trình thông quan hàng hoá, tiếp nhận những ý kiến đóng góp của giới doanh nghiệp về hệ thống tin học của ngành hải quan nhằm cải tiến và đẩy nhanh hơn nữa quá trình thông quan hàng hóa.

Việc áp dụng tin học hoá trong ngành hải quan đã thực là bước nhảy vọt cho ngành Hải quan Nhật Bản. Hệ thống NACCS của Hải quan Nhật Bản hiện nay được coi như mô hình giao diện chuẩn cho các cơ quan hữu trách có liên quan khác phát triển hệ thống tin học của mình.

(Báo Hải quan 15/03/04)