Kỷ niệm một chuyến đi – Làng Asaba 2008


 Chúng tôi vì nạn nước, chạy sang Nhật Bản, tiên sinh thương đến khổ tâm, giúp chúng tôi trong lúc cùng khốn, rõ là một người kỳ hiệp. Nay chúng tôi sang thì tiên sinh đã tạ thế, tứ bề hiu quạnh trông không thấy ai, trời biển mênh mông, lòng này ai tỏ! Bèn ghi mối cảm nơi viên đá, hào suốt xưa nay, nghĩa trùm trong ngoài, công thời như trời, tôi chịu như biển. Chí tôi chưa thỏa, ông không chờ đợi. Thăm thẳm lòng này, trải muôn ngàn đời. Việt Nam Quang Phục đông nhân ghi”.
Đoạn văn trên chính là bút tích của cụ Phan Bội Châu ghi trên bia đá báo ân thầy thuốc Asaba Sakitaro, người đã giúp đỡ một cách thượng nghĩa cho rất nhiều du học sinh Đông Du trong thời kỳ khó khăn nhất của phong trào hồi đầu thế kỷ 20.

Trăm năm bia đá vẫn còn như xưa …

Đã gần 100 năm trôi qua nhưng những nét chữ khắc trên bia đá với chiều cao gần 3m, chiều ngang gần 1m kia vẫn còn rõ nét. Bên tay phải của tấm bia là một bài giới thiệu trong đó có ba tấm ảnh rất đáng chú ý. Đó là hình ảnh của ngài Asaba hiệp nghĩa, hình ảnh của cụ Phan Bội Châu cùng Kỳ Ngoại Hầu Cường Để lúc mới đến Nhật và hình ảnh của cụ Phan Bội Châu cùng dân làng Asaba khi tấm bia được hoàn thành. So sánh hai tấm ảnh của cụ Phan Bội Châu, không ai có thể cầm lòng trước những thay đổi quá lớn, chỉ sau 9 năm, ở một con người đã luôn băn khoăn cho vận mệnh đất nước. Đó chỉ là một trong rất nhiều cảm xúc được ghi lại trong chuyến đi thăm bia đá báo ân này ngày 30 tháng 11 (Chủ Nhật) vừa qua, với sự tham gia của nhiều thành viên trong Ban Chấp Hành VYSA Toàn Quốc, VYSA Kanto cùng bạn hữu tại làng Asaba, thành phố Fukuroi, tỉnh Shizuoka.

 Thầy thuốc Asaba Sakitaro (1867-1910)
 Cụ Phan Bội Châu (ngồi) và Kỳ Ngoại Hầu Cường Để (chụp năm 1909)

Cụ Phan Bội Châu (ngồi thứ 2 từ phải sang) cùng dân làng Asaba (chụp năm 1918)

Cả đoàn chúng tôi rời Shinjuku lúc 7:30 sáng. Lướt qua những núi đồi hai bên đường cao tốc giờ đã nhuốm màu đỏ vàng rực rỡ, chúng tôi người nói chuyện rôm rả, người thư giãn lặng nhìn núi Phú Sĩ xa xa với chiếc mũ trắng đôi khi ánh lên màu sáng bạc hùng vĩ. Đến quá nửa đường chúng tôi bắt đầu giao lưu văn nghệ bằng cách chia các thành viên ra làm 2 nhóm thi đấu hăng say tại nhiều nội dung như hát “đếm số”, hát “lên lầu”, trò “Vân Tiên cõng mẹ”, và cuối cùng là hát về các thành phố Việt Nam. 


Núi Phú Sĩ xa xa với chiếc mũ trắng đôi khi ánh lên màu sáng bạc hùng vĩ

Chu đáo trong vai trò là người tổ chức chuyến đi này, chị Lại Thị Phương Nhung, phó chủ tịch VYSA nhiệm kỳ 2007-2008, duyên dáng giới thiệu với cả đoàn về chương trình cụ thể của chuyến đi, về lịch sử của làng Asaba, mối quan hệ giữa ngài Asaba Sakitaro và cụ Phan Bội Châu cũng như với phong trào Đông Du. Mọi người đều hứng khởi vì sau giờ chơi vui vẻ lại được hiểu biết thêm về lịch sử Việt Nam thời kỳ đầu thế kỷ 20.

Chúng tôi đến làng tầm 11:30 và rất cảm kích khi thấy một nhóm người Nhật cầm cờ đỏ sao vàng vẫy đón đoàn dọc suốt con đường dẫn vào nhà kỷ niệm. Trong tiết trời giá lạnh chúng tôi bắt chặt tay nhau như đã quen biết từ lâu. Một vài người Nhật trong hội Asaba dùng tiếng Việt đề chào hỏi với chúng tôi.

Theo ông Amma, đại diện của hội Asaba, chúng tôi được biết bia đá này đã được chính quyền địa phương công nhận và đang được giữ gìn như là một di sản văn hóa của thành phố, không chỉ vì sự cảm động của câu chuyện làm bia báo ân, mà còn vì đây là một biểu tượng của tình bang giao Việt-Nhật. Ông Amma cũng đã dẫn chúng tôi sang viếng phần mộ của ngài Asaba Sakitaro, phần mộ lớn nhất trong khu nghĩa trang của dòng họ Asaba.

Tiếp đó, chúng tôi sang trung tâm cộng đồng gần đấy để xem phim tư liệu về câu chuyện làm bia tri ân cảm động này do anh Phạm Đình Anh Khoa thực hiện năm 2007. Ông Harata, thị trưởng thành phố Fukuroi cũng đã hiện diện để chào mừng chúng tôi. Trong bài nói chuyện ngắn nhưng sâu sắc của ông, tôi thấy ấn tượng nhất ở câu nói với ý rằng: tiền bối của chúng tôi đã có một mối bang giao rất thân thiết với tiền bối của các bạn thì bây giờ chúng ta hãy cùng viết tiếp trang sử tốt đẹp về mối quan hệ Nhật-Việt gắn bó này. Ông cũng trình bày ý định tổ chức một lễ hội văn hóa kèm chương trình homestay tại thành phố này trong tương lai gần như là một hoạt động kỷ niệm 90 năm ngày hoàn thành bia kỷ niệm, 100  năm ngày mất của người thầy thuốc Asaba Sakitaro (1867-1910), 70 năm ngày mất của cụ Phan Bội Châu (1867-1940).

Đại diện cho VYSA, anh Trần Hoài Vũ và anh Nguyễn Bình Khiêm, chủ tịch VYSA nhiệm kỳ 2007-2008 và 2008-2009 cũng đã bày tỏ sự biết ơn lãnh đạo cùng người dân thành phố, đặc biệt là thành viên hội Asaba, đồng thời hứa sẽ cùng hợp tác để quan hệ giữa lưu học sinh Việt Nam và người dân làng Asaba nói riêng, người dân Nhật Bản nói chung ngày càng tốt đẹp.


Chụp hình kỷ niệm cùng hội viên Hội Asaba

Rời Asaba trong lưu luyến, chúng tôi tiếp tục hành trình đến với Sân Chim -Vườn Hoa Kakegawa nổi tiếng của tỉnh Shizuoka, cũng là điểm dừng chân cuối cùng của chuyến đi. Sau khi ăn trưa dưới sân hoa muôn màu muôn sắc, chúng tôi tản bộ quanh các khu nuôi chim cú, chim vẹt, các loại cò, đà điểu, vịt trời, thiên nga và chim cánh cụt. Thật là thú vị khi được cho chim ăn, được vuốt ve và giao lưu cùng các chú chim đang bay nhảy hồn nhiên trước mắt bạn!

Hành trình về Asaba thăm bia báo ân không chỉ giúp chúng tôi hiểu thêm về một thời kỳ quan trọng trong lịch sử Việt Nam mà còn là một cơ hội gặp gỡ và tri ân những người bạn trong hội Asaba, những người đã giữ gìn tài sản văn hóa vô giá này.

Chuyến đi ngay sau ngày Đại Hội VYSA 2008 đã khép lại một kỳ hoạt động sôi nổi của Hội thanh niên sinh viên Việt Nam tại Nhật Bản. Hi vọng lại được gặp các bạn hữu trong nhiệm kỳ tiếp theo qua những hoạt động ý nghĩa như vậy.
 

Tokyo, ngày 3/12/2008
Phạm Nguyên Quý

Tài liệu tham khảo

1. Hội Asaba. 2008. Retrieved on December 3, 2008 from  
http://www.asaba.or.jp/machiokosi/vietnam/index.htm
2. Phan Bội Châu. 1987. Tự phán, California: NXB Nhân chủ học xã.
3. Sân chim vườn hoa Kakegawa. 2008. Retrieved on December 3, 2008 from 
http://www.kamoltd.co.jp/kke/annnai1.htm