Kỷ niệm tại Lễ thành lập Vysa-Kyushu


Kyushu là hòn đảo lớn thứ ba nước Nhật sau Hongshu và Hokkaido, bao gồm 7 tỉnh Fukuoka, Saga, Nagasaki, Kumamoto, Oita, Miyazaki, và Kagoshima. Có khoảng 200 sinh viên thanh niên Việt nam đang học tập và làm việc tại Kyushu. Ngày 10/5/2003, Hội Thanh niên Sinh viên Việt nam tại Kyushu (Vysa-Kyushu) đã chính thức được thành lập với sự có mặt của đại diện thanh niên sinh viên tại các tỉnh của Kyushu, anh Nguyễn Quang Trung (Bí thư thứ hai ĐSQ nước CHXHCN Việt nam tại Nhật bản), anh Trần Xuân Nam – Chủ tịch Vysa, và các nhà tài trợ Nhật bản.

Ngay từ chiều 9/5, đại diện tỉnh Kagoshima có mặt sớm nhất tại trường Đại học Miyazaki vì Kagoshima là tỉnh nằm ngay cạnh Miyazaki chỉ cách khoảng 2 tiếng đi bằng tàu hoặc xe bus. Một phần nữa là Kagoshima cử đi một đại diện rất nổi tiếng vì tài làm nem khéo, khiến cho người Nhật và Việt ở Kagoshima cứ ‘mê tít’ món này. Vị đại diện đặc biệt này phải đến sớm để tranh thủ chuẩn bị làm món ‘độc chiêu’ của mình. Thực ra, ngay từ ngày đầu tiên khi Vysa mới được thành lập, phương hướng mở rộng Vysa trên phạm vi toàn quốc đã được đặt ra, và đã được đặt thành mục tiêu trong Đại hội lần thứ hai của Vysa vào tháng 12/2002. Các Hội Thanh niên Sinh viên tại các tỉnh sẽ là các tổ chức hoạt động hoàn toàn độc lập tại địa phương của mình, tuy nhiên vẫn có sự phối hợp chặt chẽ và giúp đỡ của BCH Vysa trong quá trình xây dựng và thành lập Hội cũng như các hoạt động phối hợp cùng nhau trong tương lai. Nagasaki là tỉnh nằm xa nhất so với Miyazaki, các đại diện của tỉnh Nagasaki đã đến Fukuoka từ hôm 8/5 và cùng hẹn với đại diện của Saga, Fukuoka cùng kéo nhau xuống Miyazaki. Cho đến 11h tối 9/5, tất cả các tỉnh đã quây quần cùng nhau tại Miyazaki, trừ Oita. Tuy Oita chỉ cách 3 giờ tàu khi đến Miyazaki, nhưng các sinh viên tại Đại học Quốc Tế APU (có khoảng 100 người), có chương trình học khá vất vả và dầy đặc, nên đã hẹn trưa 10/5, trước thời gian Lễ thành lập Hội Vysa-Kyushu tiến hành 3 tiếng. Ngay trong tối 9/5, các đại diện của các tỉnh đã bắt tay vào cùng thảo luận lần cuối cơ cấu tổ chức và các hoạt động của Hội Vysa-Kyushu trong năm 2003. Những nội dung này đã được thông báo cho đại diện của các tỉnh từ trước để cùng nhau xây dựng, đóng góp ý kiến của mình. Thực ra, việc chuẩn bị thành lập Vysa-Kyushu đã được các tỉnh tiến hành ngay từ tháng đầu tiên của năm 2003 và đã nhận được sự ủng hộ nhiệt tình của các sinh viên, thanh niên Việt nam tại Kyushu. Các đại diện đã được các thanh niên sinh viên của tỉnh mình bầu ra để cử đến Miyazaki. Tỉnh Nagasaki cử 2 người, tỉnh Saga: 1 người, tỉnh Kumamoto: 1 người, tỉnh Fukuoka: 2 người, tỉnh Oita: 3 người, tỉnh Kagoshima: 2 người. Miyazaki là tỉnh ‘chủ nhà’ nên tất cả làng Việt nam gồm 5 sinh viên đều cùng tham dự. Tai buổi họp trù bị này, tất cả các đại diện của các tỉnh đều lần lượt trình bày suy nghĩ của mình về xây dựng cơ cấu tổ chức của Hội và thảo luận chi tiết các hoạt động của Vysa-Kyushu trong thời gian tới. Khi bản tổng kết cuối cùng được mọi người cùng nhất trí đưa qua thì mọi người đều giật mình: Đã 7 h sáng. Mọi người đều phải tìm chỗ ngả lưng đôi chút để lấy sức cho các hoạt động trong ngày đã dự tính trong kế hoạch hoạt động là bắt đầu từ 9 h sáng (!). Trong buổi sáng 10/5, không khí càng thêm rôm rả khi các đại diện của Oita đã đến đầy đủ và anh Trần Xuân Nam, Chủ tịch Vysa đã từ Tokyo bay xuống Miyazaki có mặt ngay từ 9.30 sáng. Mọi người vừa chuẩn bị các món ăn Việt nam dành cho Tiệc giao lưu, vừa xem Video của Đại hội Vysa lần thứ II tổ chức tại Tokyo tháng 12/2002, cuộc chiến thắng của Việt nam tại cuộc thi Robotcon Châu Á Thái Bình Dương năm 2002… do anh Trần Xuân Nam mang từ Tokyo xuống. Đúng 3 h chiều, sau Lễ Chào Cờ Tổ quốc, cuộc họp chính thức của Lễ thành lập Vysa-Kyushu đã được bắt đầu. Anh Nguyễn Quang Trung, Bí thư thứ hai Đại Sứ Quán nước CHXHCN Việt nam tại Nhật bản cũng đã có mặt. Một số người Nhật đại diện cho các gia đình Homestay và nhà tài trợ cũng tham dự cuộc họp. Các đại diện của các tỉnh lần lượt báo cáo các hoạt động tại tỉnh của mình, và cùng nhau thảo luận và trình bày một lần nữa cơ cấu tổ chưc và phương hướng hoạt động của Vysa-Kyushu. Ban chấp hành Vysa Kyushu gồm 7 người là đại diện của 7 tỉnh đã được bầu ra, tỉnh nào đăng cai Đại hội trong năm thì sẽ nắm giữ vị trí Chủ tịch Hội. Anh Trần Đăng Xuân, nghiên cứu sinh Tiến sĩ năm thứ 3 Đại học Miyazaki đã được nhất trí bầu làm Chủ tịch Hội Vysa-Kyushu năm 2003. Sau đó, anh Nguyễn Quang Trung và anh Trần Xuân Nam lần lượt phát biểu và đóng góp những kinh nghiệm quý báu cho Vysa-Kyushu cho sự tổ chức và phát triển Hội, cũng như tìm kiếm các cơ hội làm ăn, phát triển kinh tế, đầu tư tại Việt nam của với người Nhật, ngoài nhiệm vụ phải hoàn thành tốt nhiệm vụ học tập của mình. Đúng 16.30, anh Trần Đăng Xuân long trọng tuyên bố sự ra đời của Hội Vysa-Kyushu. Ngay từ 18.00, các vị khách mời Nhật bản và gia đình Homestay đã có mặt đầy đủ. Khai mạc Tiệc chúc mừng sự ra đời của Vysa-Kyushu, anh Trần Đăng Xuân đã gửi lời cảm ơn tới Hội hỗ trợ học sinh Việt nam tại Miyazaki (MOK), tổ chức DAY (Hiệp hội phát triển trí tuệ trẻ thanh niên Nhật bản) và phía các gia đình Homestay. MOK là tổ chức đã giúp xây dựng thành công học bổng Miyazaki để giúp đỡ cho các em học sinh nghèo, học giỏi ở Việt nam. Trong năm 2003, học bổng Miyazaki đã cấp 12 suất học bổng cho 5 em sinh viên tại các trường Đại học ở Hà Nội, 6 em ở thành phố Hồ Chí Minh và một em ở đại học Tây nguyên. Nếu các em học sinh vẫn giữ được thành tích cao trong học tập, học bổng trị giá 500 ngàn đồng/tháng này sẽ được cấp cho các em đến tận lúc tốt nghiệp. Học bổng này đang được dự kiến mở rộng ra hàng năm. Trong lời nâng cốc, ông Kodama, chủ tịch MOK đã phát biểu: ‘ Những người Nhật có mặt ở đây đều là những người có tình yêu với đất nước, con người Việt nam, chúng tôi yêu mến sự chăm chỉ, chân thành và ý chí không mệt mỏi để vươn lên của người Việt nam, chúng tôi sẵn sàng hỗ trợ và giúp đỡ các bạn để cùng các bạn thực hiện ước mơ của mình: Đóng góp một phần nhỏ bé vào công cuộc xây dựng Tổ quốc Quê hương Việt nam giàu mạnh’. Sau khi các sinh viên Việt nam cùng đồng ca bài: ‘ Nối vòng tay lớn’. Chị Phan Hải Anh đã lên hát bài ‘Diễm xưa’. Tuy không hiểu lời, nhưng những người Nhật có mặt tại buổi tiệc đã nhận ngay ra đây là bài hát đã từng nổi tiếng ở Nhật trước kia, qua lời Nhạc. Một phụ nữ chừng 45-50 tuổi mắt đỏ hoe nói với tôi: ‘ Đây là bài hát đã làm cho trái tim 18 tuổi trước kia của tôi xao xuyến bồi hồi, cứ mỗi khi nghe thấy bài hát này, tôi lại nhớ đến thời thiếu nữ xa xưa, thời mà tôi đã có một người, nhưng không biết nay đang ở phương trời nào và không biết khi nào gặp lại. Tôi không ngờ lại được nghe bài hát này ở đây và bằng tiếng Việt nam’. Sau buổi tiệc, các sinh viên đại diện của các tỉnh tạm chia tay nhau về nghỉ tại các gia đình Homestay một tối. Các bạn sẽ có thêm những gia đình và người thân của mình khi đến với Miyazaki. Các gia đình Homestay đều có chương trình đặc biệt đón tiếp các sinh viên Việt nam tại nhà của mình, cũng như chương trình tham quan các danh lam thắng cảnh tại Miyazaki, nơi đã từng được mệnh danh là ‘ Thiên đường phương nam’ của Nhật bản. Mọi người đều bịn rịn trong giờ chia tay và hẹn sẽ gặp lại nhau trong các hoạt động tới và tại Đại hội lần I của Vysa-Kyushu được dự tính tổ chức vào tháng 3-4 năm 2004. Xin trân trọng kính mời các độc giả của Vysa tham quan vào trang web của Vysa-Kyushu: www.vysak.com sẽ được ra mắt trong một ngày gần đây. Sự ra đời của Vysa-Kyushu chứng minh sức mạnh của sự đoàn kết, nhất trí và sự lớn mạnh của sức trẻ Thanh niên, Sinh viên Việt nam tại Nhật bản. NHP (Từ Kyushu)