Lịch sử Kansai (năm 2004 Xuân Giáp Thân)


Thật vui khi VYSA đã phát triển đến như ngày hôm nay, từ những ngày chỉ lèo tèo với vài thành viên, vài news, cho đến nay đã phát triển thật dài, thật rộng, thật sâu và đi vào từng chốn cùng ngõ hẻm, ngóc ngách, trong tận từng quần chúng. Từ khi còn có những ý kiến đề nghị mở thêm mục thông tin kinh tế, cho đến bây giờ thông tin kinh tế chính trị xã hội đã tràn ngập trên khắp các nẻo đường VYSA. Và để thay đổi không khí, thì sau đây là bài viết vui vẻ liên quan đến thể thao, về lịch sử của một đội bóng, thông qua 1 cuộc nội chiến @ kansaifc.com


Năm Bình thành thứ mười sáu. Nội chiến

Thế sự nhiễu nhương, Kansai bị chia cắt làm mấy miền, nên cuộc chiến huynh đệ tương tàn cũng bắt đầu từ đây.

*
* Hồi thứ nhất *
* Khởi nghĩa Tất vàng *
* *

Chưa có năm nào nội chiến Kansai lại bùng phát như thế. Đó là sự vùng lên dữ dội của người con anh hùng Kyo-Ko (2 thành phố Kyoto-Kobe) và sự đàn áp thẳng tay của những tên bạo chúa vùng Osaka mặt to như Đại Phản [0].

Trong suốt chiều dài lịch sử Kansai, có thể thấy rất rõ rằng, 2 vùng Kyoto và Kobe luôn nằm trong ách thống trị của đế chế Osaka. Kể từ ngày kiến lập cho tới nay, các lãnh chúa Osaka luôn có tham vọng bành trướng ảnh hưởng của mình không chỉ ở Kyoto hay Kobe mà còn có tham vọng thống trị cả VYSA Cup, tuy lần nào mang quân đi xâm chiếm VYSA Cup, đế chế này cũng đều bị đánh bật trở lại.

Người ta có câu,

“Giận cá chém thớt”
“Thua giặc ngoài thì phải trả hận trong”

Chính vì thế, đế chế Osaka trở nên khắt khe về kỷ luật hơn bao giờ hết đối với những vùng đất chu hầu nhưng vốn vẫn có truyến thống ương bướng xung quanh như Kyo-Ko. Với lợi thế hiểm trở, nhưng lại áp đảo về số người, cũng như là nơi tập trung của các đầu mối tình cảm, giao lưu văn hóa, các lãnh chúa Đại Phản đã áp đặt lên Kyo-Ko một chế độ đô hộ hà khắc. Hàng năm, hàng tháng thậm chí hàng tuần, người dân Kyo-Ko phải cắt cử những chàng trai mạnh khỏe nhất, có đôi chân khéo léo nhất, để phục vụ cho những thú vui sặc mùi vua chúa của đế chế, đặc biệt là bóng đá – một môn thể thao vua. Trên đường đi cống nạp, họ phải vượt qua bao khó khăn, những đêm thức khuya học bù, những lần tung chăn bật dậy trong sớm tinh mơ buốt giá, để kịp tàu, kịp thời gian. Nếu không, chờ đón họ sẽ là đòn roi, hay tiền phạt – ngang với sưu cao, thuế nặng.

Người dân ca thán, ai oán khôn cùng, hận này không biết đến bao giờ trả được. Đã có không biết bao nhiêu cuộc khởi nghĩa lẻ tẻ nổ ra của Hải thoòng, của Linh, của Đình Anh… Nhưng tiếc thay, tất cả đều đắm chìm trong bể máu, mà kết quả là người thì bị gắn những cái tên đầy kỳ ngộ như Hải mắm, Linh cẩu, hay Phong nhĩ, người thì bị mắc cạn trên núi cao Gaidai, hay bị đày ải trong tù ngục tình yêu như Linh Phan, như X, như Y…

Đúng vào lúc những cuộc khởi nghĩa ở Kyo-Ko rơi vào tình cảnh rối bời như rắn mất đầu thì nơi đây bỗng xuất hiện một thủ lĩnh mới.

*
* || *

“Mới lần đầu gặp anh tôi đã thấy tính chuyên nghiệp toả ra từ mùi tất. Luôn đi đôi tất MÀU VÀNG đã cũ không bao giờ kéo hết lên chân (chắc đã cùng anh chinh chiến nhiều năm), anh đá bóng với một phong cách chắc chắn, thậm chí là thô bạo theo đúng phong cách của một tuyển thủ quốc gia chuyên nghiệp. Thế nhưng, với nụ cười luôn thường trực trên môi, anh là một cây cười có hạng. Những câu nói của anh cũng hay như khi anh bứt phá giống một tiền vệ thực thụ với vai trò…hậu vệ cánh. Nhưng tôi thiết nghĩ, vị trí phù hợp nhất của anh là vị trí Huấn luyện viên :-)” [1]

Kể từ khi ấy, cuộc khởi nghĩa của Kyo-Kobe được thổi vào một luồng sinh khí mới, khí thế ngất trời, lòng người theo hừng hực, nơi mà những tội đồ như Lã Dũng Nghi sau tiếng than “tôi muốn làm người lương thiện” [2] lại đã có thể làm lại cuộc đời, hay nơi những tài năng tưởng rằng đã ngủ yên mà nay lại đã được khai quật lại như Cù Anh Tạ [3]

Sau kỳ nghỉ đông dài đầu năm, thời điểm mà quan lại của đế chế lợi dụng vơ vét, tham lam, ăn uống phè phỡn, lòng căm hờn của Kyo-Ko lên tới đỉnh điểm. Tinh thông và dày dặn, đoán nhận chính sự phè phỡn ấy sẽ kéo theo các cơ bắp nhão, thời cơ thuận lợi đã đến, chàng Ngọc Anh đứng dậy dấy lên ngọn cờ khởi nghĩa, lấy tên là KHỞI NGHĨA “TẤT VÀNG” [4], và kéo quân về Osaka. Quân tất vàng đi đến đâu, quân của đế chế Đại Phản kinh hãi đến đấy, khí thế long trời lở đất. Chẳng mấy chốc chúng đã kéo đến tận kinh thành Gaidai, đóng trại và vây chặt tứ phương, màu tất vàng trải dài tới hơn 10 dặm.

Tin cấp báo liên tiếp đưa về mà không kịp trở tay, lãnh chúa Đại phản lập tức cử một loạt các tướng lãnh ra nghênh chiến nhưng chỉ trong một loáng, trong chưa đầy ba hồi trống 4 trong 5 Ngũ hổ tướng đã bị quân tất vàng chém chết tại trận. Một không khí khiếp sợ tràn ngập kinh thành Đại phản. Quá kinh hãi, lãnh chúa Đại phản cho quân đóng cửa thành tử thủ, không dám mang quân ra nữa, và run rẩy cho triệu tập hội nghị Diên Hồng của tất cả quần thần rồi hỏi rằng,
– Theo ý các khanh, Trẫm nên hàng hay nên đánh. Trong các khanh liệu có ai dám đảm đương điều này.

Không khí im phăng phắc, không một ai dám giơ tay trả lời.

– Đánh

Bỗng từ phía hàng cuối cùng vang lên một tiếng nói sang sảng, Hoàng Long, một viên quan văn gầy guộc, giơ xương, tướng người quái lạ, nổi tiếng vì những cái dài dị dạng khác người, người dài, chân dài, tay dài…, chắp tay bước ra.

Vẫn chưa hết kinh hãi vì vừa mất tứ Hổ tướng, lãnh chúa hét lớn.
– Bay đâu, lôi cổ kẻ ngông cuồng này ra ngoài cho ta. Chém !

Hoàng Long vẫn chắp tay bình tĩnh, sang sảng đáp:

– Xin bệ hạ hãy khoan ! Hãy tin thần, người xưa có câu rằng “lấy độc trị độc“. Quân phản loạn lấy tên là “tất vàng“, ý rất tự hào chuyên đi tất vàng, mùi hôi nồng nặc 1 con ruồi cũng không sống nổi. Còn thần đây cũng là Hoàng Long, tự là Rồng vàng, vàng từ trong vàng ra, xin lỗi bệ hạ, bệ hạ đã ra lệnh chém nên đằng nào thần cũng chết… 🙂 cho phép thần được nói bậy…. đến phân của thần cũng vàng chóe mà còn hôi hơn gấp mấy lần tất của quân phản nghịch… Hoàng Long chợt dừng lại, khi ấy, các quan cũng không dám bật cười.

– Quân nghịch tặc ! Chém !

Hoàng Long vẫn khoan thai nói tiếp:
Tất vàng ắt phải sợ Rồng vàng. Và thần đã có 1 kế sách ở trong đầu. Nếu không thành công xin hãy chém đầu kẻ hèn này.

Khi ấy, Chu tể tướng chắp tay bước tới
– Xin bệ hạ xin hãy dừng tay. Tuy kẻ Hoàng Long trong đầu toàn những ngôn từ bậy bạ nhưng trông tướng người, cũng không phải kẻ tầm thường. Thần thiết nghĩ hắn cũng có lý.

Nghe vậy, lãnh chúa chấp thuận. Ngay lập tức, Hoàng Long chít khăn vàng, mặc bộ đồ vàng, đi tất vàng, đúng canh ba, mở cổng thành, 1 thân một mình sang nghênh chiến với quân tất vàng. Quả nhiên, không biết Hoàng Long đã làm gì [z] nhưng chỉ trong chưa đầy 3 hồi trống, người ta thấy quân tất vàng thất kinh, vứt khí giới đè lên nhau bỏ chạy, xác chết dài hơn 3 dặm. Thật kinh ngạc. Chuyện này sẽ được đề cập đến sau.

Quân Đại phản reo hò, ăn mừng thắng lợi. Lãnh chúa lập tức tha tội chết, phong Hoàng Long lên làm Đại quân sư, hiệu là Khổng Minh[5], trực tiếp tham gia bàn việc nước với mình.

Lần mang quân lên đánh phá kinh đô Gaidai lần thứ nhất của quân tất vàng đã thất bại thảm hại như thế. Sau trận thua cay đắng, quân tất vàng tiếp tục tập hợp tàn dư và quyết kéo quân lên Gaidai rửa hận…

*
* Hồi thứ hai *
* Gặp thời cơ, Phan tặc đà trốn ngục *
* Nghĩ kế thâm, Lã Dũng đả Long Hoàng *
* *

Người xưa có câu:

“Khi đi trai tráng khi về bủng beo”.

Sau trận hoàng tử chiến kinh hoàng, quân tất vàng khi đi khí thế vàng rực, mà khi trở về thì thất thểu, tàn tạ. Đâu đâu cũng tiếng khóc thút thít, râm ri vì cha mẹ mất con, anh chị mất em, con mất cha. Khắp KyoKo trở nên sầu u, khác hẳn với lần xuất quân. Điểm quân lại, giặc tất vàng tổng cộng chỉ còn hơn 1 vạn, chết hơn 9 vạn. Còn thủ lãnh Ngọc Anh nhát chết nhờ được quân sỹ giấu vào ống đồng mà thoát nạn, về đến trang trại Kyoto, mặt cũng không còn sắc máu. Người ngợm, áo quần sứt sẹo, chỉ duy nhất đôi tất vàng là vẫn còn nguyên vẹn. Đấy là điềm báo về sự phục hưng của thế lực mới này.

Quả vậy, trong trận hoàng tử chiến lần đó, tuy tổn hao không biết bao nhiêu lực lượng, nhưng quân tất vàng đã giải cứu được tiểu tướng Linh Phan Tặc, kẻ đã bị đày ải trong ngục tù tình yêu ở kinh thành trước đó. Con gái yêu của Tể tướng Chu nhà Đại Phản, tên là Tiểu Nữ, chỉ vì yêu tiếng đàn, cũng như rung động vì những cái chân tài nghệ (:) sẽ nói sau) khéo léo của Linh Phan, mà đem lòng yêu mến và đã liều mình lén mở cửa ngục cứu Phan, sau này nàng trở thành mỹ nhân yêu dấu của Phan. Nghịch tặc thủ lãnh Ngọc Anh khi nghe tin Phan Tặc được giải cứu cũng lấy làm mừng rỡ và an ủi khôn xiết.

Trong khi đó, ở kinh thành Đại Phản, sau khi dẹp loạn tất vàng, Hoàng Long liền bấm thử một quẻ, thì chợt thấy có một ngôi sao lớn sáng rực sa về phía Tây, tức là về phía Kyoto, liền giật mình, ngửa mặt lên trời mà than rằng,

Than ôi ! Đại Phản ta đã để xổng mất 1 tên phản tặc rồi. Giặc KyoKo có thêm Phan, khác nào rồng thêm cánh, hổ thêm móng vuôt, cá thêm vây. Ô hô hô ! Muốn bình thiên hạ có lẽ ta còn phải mất thêm vài năm nữa. – rồi tự rằng – Âu đó cũng là do mệnh trời.

Quả nhiên, ngay lúc đó, gia nhân hốt hoảng chạy vào bẩm báo, Linh Phan Tặc đã mất tích khỏi khu biệt giam từ khi nào. Khổng Long buồn bã, đoạn khoát tay đuổi gia nhân ra ngoài…

* * *

Lại nói về Linh Phan Tặc.

Trong hồ sơ của quan nhà Đại Phản viết về y có đoạn. “Biệt danh Cẩu tặc. Cao hơn tấc sáu, dáng người nhỏ nhắn, nhưng chắc chắn mà đô như Lý Đức. Tóc vàng, mắt xanh lơ, và có 1 vết sẹo dài 1.5 cm ở cổ. Ở phía dưới hồ sơ được đóng cực mạnh đến lằn giấy với 1 con dấu đỏ, bằng 3 thứ tiếng, *MOST WANTED* in English – *Chỉ danh thủ phối* trong tiếng Nhựt bổn – và theo tiếng Việt thì có nghĩa là *Truy nã đặc biệt*. :)”

Tương truyền rằng, ở vùng Kyoto có một viên quan nhỏ, tự là Phan Trang, liêm khiết, tốt bụng, được người dân quanh vùng yêu mến. Năm Giáp Thân 80, Phan Trang và phu nhân sinh hạ được 1 cậu quý tử, liền đặt tên là Linh Phan Tặc, những mong sau này Tặc thành đạt mà cứu rỗi chúng sinh. Thế nhưng, ngay từ khi sinh ra, khác hẳn những đứa trẻ sơ sinh khác, Phan Tặc không hề khóc lấy một tiếng, mặc dù bà mụ đã vỗ yêu vài cái vào mông, y vẫn câm bặt. Gia đình sợ quá, ăn chay, làm lễ, cũng như sai gia nhân đi tìm kiếm hỏi lương y khắp nơi, và cho yết bảng ngay ngoài cửa, hễ ai làm cho Phan khóc được thì sẽ thưởng cho 10 lạng vàng. Ngày lại ngày trôi qua, cũng có rất nhiều người đến thử mà Phan Tặc im vẫn hoàn im. Cho đến một buổi trưa, có 1 nhà sư đi ngang qua, đói bụng nên định vào xin cơm nước. Khi ấy, gia nhân đang chăm ẵm Phan Tặc ở ngoài sân mà ngủ quên. Nhìn thấy thằng bé nằm trên võng, mắt mở trừng trừng, nhà sư già lẩm bẩm, “Thằng bé này tóc mượt, mắt sáng, ngủ yên không cựa quậy, mới chưa đầy tháng mà chân tay đã to lớn lạ thường. Quả là khác người, khác người, sau này ắt làm nên nghiệp lớn“. Nói đến đấy, đột nhiên Phan Tặc bật khóc 1 tiếng khóc lớn, gia nhân giật mình tỉnh dậy. Phan Trang và vợ mừng rỡ mời nhà sư ở lại thiết đãi, và biếu tặng 50 lạng. Cả trang trại mừng rỡ như có hội, đèn hoa thắp sáng rực cả một vùng trời. Dân quanh vùng cũng lấy làm sung sướng và coi đó như điềm may của chính mình.

Kể từ khi bật khóc, Phan Tặc lớn nhanh như bỗng, nửa năm biết nói, 3 tuổi biết đọc, 7 tuổi nắm vững các lý thuyết cơ bản về cổ học tinh hoa, tinh thông võ nghệ, khéo léo về thể thao, và rất nhạy cảm, đặc biệt về nhạc họa. Phan Trang mừng rỡ và tự hào khôn xiết, cho Phan Tặc theo học một lớp đặc biệt gọi là cử nhân nằng tai. Thấm thoắt 18 năm cũng trôi qua, Phan đã trở thành một chàng trai râu ria lún phún. Đúng năm ấy ở kinh thành mở khoa thi lớn, Phan từ biệt mẹ cha khăn gói ra đi.

Trong khoảng thời gian ấy, cũng rất nhiều chuyện đã xảy ra…

* * *

Ở chốn phồn hoa kinh kỳ, Phan gặp tình yêu sét đánh với Tiểu Nữ. Rồi Phan đỗ đạt thám hoa đứng đầu bảng, được bổ làm quan, nhưng lại chán cảnh nhũng nhiễu, tham quan, mà rũ bỏ mũ áo dại dột đi làm thảo khấu. Trên đường trở về quê quán xưa, Phan dùng mưu thâu nạp được 3 đồ đệ đầu trâu mặt ngựa là 3 musketeers, Phong-Tùng-Anh, để rồi lập trại hoa vàng ở vùng Bạch Tiều Trang, tự xưng là tứ đại ngự lâm quân, chuyên lấy của kẻ giàu chia cho người nghèo, hùng cứ cả một vùng rộng lớn phía nam. Vì thế dân trong vùng ưu ái mà gọi là tiểu quái. Cũng trong thời gian ấy, giống như nhóm tiểu quái, giặc giã nổi lên khắp nơi, mỗi nhóm cát cứ 1 phương. Phía bắc thì có Dzũng quái nhân, tức Tiến Dũng, phía tây thì có Tuần Trấn Anh, tự là Trần Tuấn Anh, còn phía đông là cứ địa của Cù Anh Tạ, còn gọi là Tạ Ngọc Anh. Nhưng phải đợi tới năm Bình Thành thứ mười lăm, Kyoto mới thống nhất trở thành một mối, khi mà Ngọc Anh Trấn kéo quân về Kyoto.

* *
*

Trở lại chuyện Kyo-Ko sau lần khởi nghĩa thứ nhất.

Quân Kyo-Ko một mặt lo tích trữ lương ăn, một mặt lo tuyển quân mới cũng như tập luyện võ nghệ, sớm tỉnh dậy chạy vài vòng vo, hay như thủ lãnh Ngọc Anh thì không cuốc bộ hay leo cầu thang, thì cũng làm vài cuốc dạo trên sân Hàng Chiếu mỗi sáng trước khi đi làm, tinh thần rất chi là sảng khoái.

Thời gian cũng thấm thoắt trôi. Quân Kyo-Ko cũng đã phục hồi đáng kể, Ngọc Anh Trấn bắt đầu nghĩ tới chuyện kéo quân lên đánh Osaka lần thứ hai. Khi ấy, vẫn còn mối hận bị Long Hoàng xỏ mũi và cướp mất mấy đồng uống nước ở lần trước, Dzũng quân sư quạt mo quyết nghĩ ra một kế hiểm để đưa Long vào thế bí. Đoạn đứng ra hiến kế cho Ngọc Anh Trấn.

– Bẩm thống soái, tuy bọn Đại Phản có Hoàng Long, tức Khổng Long hay Khổng Minh thao lược binh pháp, đoán nhận như thần. Song hắn vẫn có một điểm yếu.

Nói đoạn thì thầm vào tai Ngọc Anh. Ngọc Anh vỗ đùi cả cười mà rằng:

– Thật không hổ là Dzũng tướng của ta. Mặt ngươi trông đì [6] như thế, thảo nào kế ngươi cũng hiểm đến vậy.

Cần phải chú thích thêm rằng ở Kyoto có Tam đại mỹ nươngNhung Tiểu Tiểu, Tăng Thủy Tiên, và Thanh Tâm Tâm. Mà Hoàng Long thì ngày đêm chat chit, gửi thư tán tỉnh tà lưa. Chính vì thế Long đã mắc mưu của Dzũng quái. Và thiếu Khổng Long, ở trận chiến thứ hai, quân Osaka đã đại bại trước giặc Tất vàng !!

Chi tiết thì hạ hồi phân giải.

Chú thích:
[0] – Đây chỉ là một cách chơi chữ, Osaka cũng có nghĩa là Đại Phản hay Đại Bản
[1] – (C) câu này của Hoàng Long
[2] – (C) câu này của Chí phèo – Nam Cao
[3] – (C) câu này của Ngọc Anh Trấn
[4] – 🙂 lý do thì chắc là chư vị cũng đã biết – hãy đọc lời bình của Hoàng Long đã trích dẫn ở trên, chàng Ngọc Anh luôn đi tất vàng, nên người ta gọi đây là cuộc khởi nghĩa tất vàng
[5] – Đúng tiên đoán của Ngọc Anh Trấn
[6] – (C) câu này của Ngọc Anh Trấn

[z] – Câu đố: Rồng vàng đã làm gì để chiến thắng được quân tất vàng ?