Lương Văn Can – người thày của giới doanh thương


Hơn 70 năm trước, chuyện một nhà cách mạng xuất thân từ Nho học, chẳng qua một trường lớp kinh tế nào lại viết sách dạy buôn bán, đó quả là một điều lạ lẫm, đáng ngạc nhiên. Càng ngạc nhiên hơn nữa khi những lập luận, phân tích và kiến thức trình bày trong đó rất sắc sảo, cụ thể, khác với kiểu tư duy trừu tượng, xa thực tế và quan niệm cổ hủ của phần lớn trí thức khoa bảng thời đó. Tuy vậy, điều đó cũng không có gì khó hiểu đối với những người mà khát vọng canh tân tự cường đất nước mãnh liệt đến mức có thể xô ngã những ràng buộc, rào cản của những lề thói và quan niệm lệch lạc đã tồn tại cả ngàn năm.

Trong sự nghiệp trước tác của Lương Văn Can, có hai quyển sách bàn về việc kinh doanh mà lâu nay ít được biết tới. Đó là quyển “Kim cổ cách ngôn” và “Thương học phương châm” (hiện còn ở dạng bản thảo, lưu giữ tại Thư viện Khoa học Trung ương và gia đình tác giả). Theo nhà sử học Dương Trung Quốc, “Kim cổ cách ngôn” là “một thứ sách giáo khoa bàn về cách làm giàu và bàn về của cải để mong tìm ra một “đạo làm giàu” của người Việt Nam mà không bị cuốn vào cơn lốc làm giàu của xã hội thời thuộc địa”.
Trong phần luận về “Đời người và của cải”, Lương Văn Can viết: “Người ta từ sự ăn uống, may mặc đến những việc trưởng thành như lấy vợ, lấy chồng… đều phải cậy nhờ vào của cải. Của cải là sự sống còn của con người. Chính vì vậy khi dùng của cải phải xem nguồn gốc của nó có trong sáng không, có hợp nghĩa không… Nguồn của cải đã trong sáng thì việc chi tiêu phải có đạo, phải tính toán cân nhắc việc nặng, việc nhẹ, việc khoan, việc gấp, việc trước, việc sau. Việc gì nên chi thì chẳng nên kiệm, việc gì cần phải kiệm thì chẳng nên chi…”. Bàn về kinh doanh, tác giả cho rằng “kinh doanh phải hiểu nghĩa”. Ông viết: “Bí quyết thành công đối với nhà kinh doanh là ở sự trung thực. Nghĩa là nguồn lợi thu về phải theo lẽ tự nhiên, đừng bao giờ vì lợi mà làm điều xằng bậy hoặc phiêu lưu mạo hiểm. Giả dụ như người tích trữ gạo, vải mà lại mong
mất mùa lúa, mùa bông thì đó là cái tâm địa ích kỷ, độc ác. Lại có người kinh doanh chuyên mua thừa bán thiếu, làm hàng giả để đánh tráo hàng thật, cũng bởi lòng tham không cùng mà thôi. Xét kỹ ra, người ta giàu nghèo ở tâm đức, ở lòng ngay thẳng, khoan hậu với người, đấy cũng là phép thuật kinh doanh vậy!…”. “Thương học phương châm” là một quyển sách rất đáng chú ý bởi vì nó không chỉ hướng dẫn cụ thể về nghề thương mại mà còn đề cập đến vai trò của thương mại đối với sự phát triển kinh tế và mổ xẻ tình trạng thương mại yếu kém của nước ta thời phong kiến. Theo nhà nghiên cứu Trần Thái Bình, quyển sách này bao gồm các mục: Tựa, Tư bản, Tổ chức sự buôn, Tính toán, Sổ sách, Thư từ, Thương hiệu, Thương tiêu, Thương địa, Thương điếm, Bày hàng, Quảng cáo, Giao tế tiếp giản, Điều lệ nhà băng, Sự buôn bán nước ta… Chưa vội đi vào chi tiết, chỉ lướt qua các đề mục này cũng có thể thấy ngay rằng từ cách đây hơn 70 năm, tác giả đã là người có kiến thức rộng về kinh doanh và các vấn đề được đưa ra bàn chẳng khác mấy – có chăng là từ ngữ – với khoa thương mại hiện đại. Cũng là các vấn đề vốn, kế toán, tiếp thị, bán hàng, giao tế, thương hiệu…
Trong lời tựa, tác giả khẳng định: “Đương buổi thế giới cạnh tranh này, các nước phú cường không đâu là chẳng đua tài, thi sức, ở trong trường thương chiến, văn minh càng tiến bộ, buôn bán càng thịnh đạt. Việc buôn bán thịnh suy có quan hệ đến quốc dân thịnh suy như thế, ta há nên coi thường xem khinh sao được”. Phân tích nguyên nhân không phát triển của thương mại nói riêng, kinh tế nước ta nói chung, Lương Văn Can vạch ra 10 điểm; đó là: 1. người mình không có thương phẩm; 2. không có thương hội; 3. không có tín thực; 4. không có kiên tâm; 5. không có nghị lực; 6. không biết trọng nghề; 7. không có thương học; 8. kém đường giao thiệp; 9. không biết tiết kiệm; và 10. không nội hóa. Do vậy, theo ông, để cho dân giàu nước mạnh, cần phát triển nghề buôn, và mọi người cần chú trọng thực nghiệp, phải lưu tâm nghiên cứu thương học. Ông viết: “…nước ta ngày trước học Nho chỉ chí tại thi đỗ để ra làm quan, ngày nay học Tây chỉ chí tại tốt nghiệp để ra làm việc, ít người chí làm thực nghiệp. Hoặc có một bọn muốn làm nghề buôn mà tư bản đã ít, học thức cũng kém, chỉ được mấy năm thì thất bại khánh tận ngay, ấy chỉ bởi không có thương học mà đến thế”. Đó cũng chính là mục đích khiến ông viết tác phẩm này, với lòng mong mỏi: “Độc giả chọn lấy mà xem cho biết sự thể tình hình, may ra nghề buôn nước ta có phát đạt hơn trước được chăng”. Cũng cần nói thêm là Lương Văn Can không chỉ viết sách dạy buôn bán mà chính ông cũng từng xắn tay vào cuộc kinh doanh. Lúc bị lưu đày ở Nam Vang, ông đã cùng với vợ là bà Lê Thị Lễ lập một đường dây xuất nhập khẩu hàng hóa giữa Hà Nội và thị trường Cam-pu-chia.

* * *
Hơn 70 năm trước, chuyện một nhà cách mạng xuất thân từ Nho học, chẳng qua một trường lớp kinh tế nào lại viết sách dạy buôn bán, đó quả là một điều lạ lẫm, đáng ngạc nhiên. Càng ngạc nhiên hơn nữa khi những lập luận, phân tích và kiến thức trình bày trong đó rất sắc sảo, cụ thể, khác với kiểu tư duy trừu tượng, xa thực tế và quan niệm cổ hủ của phần lớn trí thức khoa bảng thời đó. Tuy vậy, điều đó cũng không có gì khó hiểu đối với những người mà khát vọng canh tân tự cường đất nước mãnh liệt đến mức có thể xô ngã những ràng buộc, rào cản của những lề thói và quan niệm lệch lạc đã tồn tại cả ngàn năm.

Thu Hoài

(Thời báo Kinh tế Sài Gòn)

Sách báo tham khảo chính: 1. Đông Kinh nghĩa thục, Nguyễn Hiến Lê, NXB Lá Bối, Sài Gòn, 1968. 2. Lương Văn Can, người thầy đầu tiên viết sách dạy buôn bán ở Việt Nam, Trần Thái Bình, tạp chí Xưa và Nay, số 37, tháng 3-1997. 3. Đạo làm giàu của doanh nhân, Dương Trung Quốc, báo Diễn đàn doanh nghiệp, số ra ngày 19-4-2001.

(Thời báo Kinh tế Sài Gòn)

Vài nét về nhà cách mạng Lương Văn Can Lương Văn Can, tự là Ôn Như, sinh năm Giáp Dần (1854), quê ở làng Nhị Khê, Thường Tín, Hà Đông (nay là tỉnh Hà Tây). Năm 21 tuổi, ông đỗ cử nhân và năm sau được triều đình bổ làm Giáo thụ phủ Hoài Đức, nhưng ông không nhận. Chính quyền thực dân cử ông vào Hội đồng thành phố Hà Nội, ông cũng từ chối; chỉ ở nhà dạy học. Là một nhà nho yêu nước, ông sớm nhận ra cái nguy hại của lối học từ chương cử tử cũng như sự lạc hậu của Nho học thời ấy. Chính vì vậy, Lương Văn Can chuyên tâm vâo việc truyền bá tư tưởng duy tân, mở mang dân trí, xem đó như một phương cách làm cho dân giàu nước mạnh. Năm 1907, ông cùng với Nguyễn Quyền và một số nhà nho yêu nước khác mở trường Đông Kinh nghĩa thục. Đây là một trường học được tổ chức theo kiểu Khánh ứng nghĩa thục ở Nhật thời Duy tân Minh Trị, với mục đích truyền bá tư tưởng mới, kiến thức mới, và không thu học phí. Với bản tính ôn nhu mà khí tiết, Lương Văn Can được tín nhiệm cử làm Thục trưởng (cũng như hiệu trưởng ngày nay); còn Nguyễn Quyền làm Giám học. Căn nhà của ông ở phố Hàng Đào được dùng làm trường học. Trường dạy chữ quốc ngữ, chữ Hán lẫn chữ Pháp. Chương trình học của Đông Kinh nghĩa thục, ngoài các kiến thức thuộc dạng khoa học phổ thông, còn có các bài giảng về lịch sử Việt Nam và thế giới, về tư tưởng dân chủ, dân quyền, dân sinh. Đặc biệt, trường còn tổ chức các cuộc diễn thuyết và in ấn phổ biến thơ văn đề cao lòng yêu nước, tinh thần thực nghiệp; hô hào chấn hưng kinh tế, dùng hàng nội hóa. Giảng viên của trường là các nhà nho duy tân và một số trí thức tân học, dạy học không lĩnh lương. Chính Lương Văn Can cũng trực tiếp giảng dạy và diễn thuyết. Tiếng tăm của trường ngày càng lan nhanh, số học viên của trường từ khoảng 50 người lúc ban đầu, chỉ sau vài tháng đã lên đến vài ngàn. Lo sợ trước sự phát triển của Đông Kinh nghĩa thục và nhất là mối liên hệ mật thiết giữa nhà trường và phong trào chống Pháp lúc ấy, nên đến cuối năm 1907, Toàn quyền Đông Dương ra lệnh đóng cửa trường. Năm 1914, ở Hà Nội và một số tỉnh khác nổ ra các vụ bạo động chống Pháp. Chính quyền thực dân nhân đó bắt giam và kết tội ông 10 năm biệt xứ, lưu đày ở Nam Vang (Phnom Pênh). Bảy năm sau, Lương Văn Can được giảm án, trở về Hà Nội. Từ đấy đến lúc mất (năm 1927), ông tiếp tục công việc mở trường dạy học và dành nhiều thời gian viết sách. Lương Văn Can có ba người con trai là Lương Trúc Đàm, Lương Ngọc Quyến và Lương Nghị Khanh cùng tham gia phong trào Duy Tân chống Pháp. Riêng Lương Ngọc Quyến là người đã cùng Trịnh Văn Cấn (Đội Cấn) lãnh đạo cuộc khởi nghĩa Thái Nguyên năm 1917 , và đã tự sát khi cuộc khởi nghĩa bị Pháp dập tắt.