Một năm sau thảm họa động đất Đông Nhật Bản



Ngày mai  (11/3) là ngày kỉ niệm tròn một năm xảy ra trận động đất khổng lồ Đông Nhật Bản. Một năm đã trôi qua nhưng ký ức trong tôi dường như vẫn mới.

Ngày ấy, buổi chiều, tôi và một người bạn đang ngồi trong cửa hàng bán điện thoại. Người bạn muốn mua Iphone và tôi đi cùng cho đỡ tẻ. Điện thoại mua xong, phần cài đặt ứng dụng tốn quá nhiều thời gian. “Sao mạng chậm thế anh?”, tôi hỏi. “Có động đất!”, anh chàng bán hàng ngẩng đầu lên đáp. Câu trả lời của anh làm tôi không chú tâm vì ở Nhật hầu như tháng nào cũng có tin động đất ở đâu đó. Tôi nghĩ trận động đất ở rất xa và rất nhẹ vì ở đây, trong cửa hàng, tôi không hề cảm thấy dư chấn.

Nửa tiếng sau, bước ra ngoài đường. Điện thoại kêu rối rít. Em trai! “Anh ơi, động đất có sao không anh?”, nghe giọng nó hốt hoảng tự nhiên đâm bực mình quát: “Động đất gì? Anh đang đi chơi mà”.  Thời đại công nghệ, người ở nhà biết trước cả mình.

Trở về nhà. Mở ti vi. Đập vào mắt là cảnh tưởng kinh hoàng: những khu nhà đổ nát, sóng thần cuồn cuộn  cuốn phăng toàn bộ phố xá, nhà cửa, ô tô… Những con thuyền bị hất văng lên mái nhà hoặc nằm phơi mình trên phố.

Trận động đất 9 độ ở vùng Đông Bắc đã làm thay đổi nước Nhật. Sau động đất, sóng thần là thảm họa hạt nhân. Sóng thần vượt qua đê chắn đã tràn vào gây ra sự cố mất điện hệ thống làm lạnh các lò phản ứng của nhà máy điện nguyên tử số 1 Fukushima. Nước Nhật bị dồn vào tình thế nguy hiểm. Các kênh truyền hình ngừng phát các chương trình giải trí và tin tức về thảm họa liên tục được cập nhật. Thủ tướng Kan Naoto buồn bã xuất hiện trên truyền hình và nội các hoạt động 24/24.

Những tin tức về nhà máy điện nguyên tử số 1 Fukushima làm cho người Việt sống ở Nhật lo sợ. Phóng xạ rò rỉ từ nhà máy tràn ra biển rồi phát tán vào  không khí, đất và  nhiễm cả vào nước máy. Việc cứu chữa các lò phản ứng không có tiến triển. Chính phủ Nhật chỉ thị  cho người dân sống trong bán kính 30 km tính từ nhà máy điện sơ tán nhưng bản đồ những vùng nhiễm phóng xạ ngày một lan rộng. Nước máy thủ đô Tokyo cũng nhiễm phóng xạ I-ốt.

Nhiều người Việt “chạy” về Việt Nam, những người ở lại thật hoang mang. Tin tức từ Nhật qua nhiều ngả dội về Việt Nam, xuất hiện trên phương tiện truyền thông với những tiêu đề kiểu“Chỉ còn 24 tiếng cho nước Nhật”, “Nước máy Tokyo nhiễm phóng xạ cao”, “sẽ có chéc-nô-bưn thứ hai”… làm cho người thân hoảng sợ. Rất nhiều cú điện thoại ở Việt Nam dội sang Nhật mang theo thông điệp: “Về!”.  Một bậc đàn anh nhắn cho tôi: “Chú biết tiếng Nhật thì dịch báo Nhật để mọi người biết tin”.

Vừa may khi đó tôi học đã xong chỉ còn “dùng dằng nửa ở nửa về”. Và thế là tôi bắt tay vào việc. Hết tin ở NHK lại đến Mainichi, Asahi, Yomiuri. Tin được đưa lên Facebook và rất nhiều blog của lưu học sinh lấy lại. Có người nhắn cho tôi: “Cả các phụ huynh cũng ngày ngày lên mạng ngóng tin”. Tôi có thêm rất nhiều người bạn trên Facebook mà tôi chưa bao giờ gặp kể từ ngày ấy.

Một tháng làm “phóng viên” bất đắc dĩ đã để lại biết bao ấn tượng.

Cảnh những đoàn người xếp hàng dài mua xăng và nhận đồ cứu trợ.

Cảnh máy bay quân phòng vệ bay tưới nước vào các lò phản ứng.

Cảnh những người lính cứu hỏa tình nguyện dấn mình vào nơi nguy hiểm cứu lò phản ứng.

Cảnh các nhân viên của một tòa thị chính ở thành phố ven biển tỉnh Iwate không chịu dời đi để hướng dân sơ tán và cuối cùng tất cả bị sóng cuốn trôi chỉ còn lại thị trường khóc gào thảm thiết vì thương tiếc nhân viên…

Cảnh các cảnh sát người Nhật cõng các nạn nhân trên lưng sơ tán khỏi nơi nguy hiểm…

Nhưng người Nhật không từ bỏ. Cuộc sống vẫn tiếp diễn như thường. Và sự cố hạt nhân dần được kiểm soát. Tôi tin nước Nhật sẽ rồi lại phục hưng và lại thêm mạnh mẽ như đã từng trong lịch sử.

Xin được cúi đầu mặc niệm những người đã bỏ mình vì động đất, sóng thần và tri ân những người đã quên mình vì người khác.

Sự bình tĩnh của người Nhật làm người nước ngoài ngạc nhiên. Sẽ có nhiều cách giải thích khác nhau nhưng tôi đồng cảm với nhà văn Murakami Haruki khi ông phát biểu tại Barcelona (Tây Ban Nha):

Tại sao? Có thể quý vị  sẽ hỏi như thế. Tại sao ở một nơi đáng sợ như thế mà rất đông mọi người lại phải sống ở đó như một điều đương nhiên? Nỗi sợ hãi đã làm cho đầu óc của họ có vấn đề cả rồi sao.

Trong tiếng Nhật có từ vô thường (mujo). Đó là việc sự vật không phải bao giờ cũng chỉ tiếp tục giữ nguyên một hình thái thông thường. Tất cả mọi vật sinh ra ở thế giới này cuối cùng đều biến mất và tất cả sẽ tiếp tục biến đổi chứ không hề dừng lại. Chẳng có chỗ nào tồn tại sự ổn định vĩnh viễn hay bất biến bất diệt như mong muốn. Đấy là thế giới quan đến từ đạo Phật nhưng do  lối suy nghĩ “vô thường” này so với tôn giáo lại có đôi chút khác biệt, cho nên nó đã gắn chặt vào tinh thần người Nhật Bản và được  lưu truyền không hề thay đổi từ thời cổ đại với tư cách là trạng thái tâm lý mang tính dân tộc.

Quan điểm “tất cả chỉ là thoáng qua”  có thể coi như là thế giới quan có tính đầu hàng. Đấy là lối suy nghĩ cho rằng con người dẫu có bơi ngược dòng chảy của thiên nhiên thì tất cả cũng chỉ là vô ích. Tuy nhiên người Nhật trong thứ có vẻ như là đầu hàng đó lại sáng tạo cái đẹp tích cực”

Và tôi, mỗi khi có người đặt ra câu hỏi ấy, không hiểu sao tôi nhớ tới mấy câu thơ của nhà thơ Ryoichi, một thầy giáo sống và làm việc ngay trong tỉnh Fukushima. Trong thảm họa kinh hoàng, Ryoichi đã dùng Twitter  phát đi những bài thơ làm hàng triệu người cảm động.

“Phóng xạ đang rơi

            Đêm khuya yên tĩnh”

………………………………..

            “Với bạn quê hương là gì?

              Với tôi quê hương là tất cả

             Tôi sẽ chẳng bao giờ từ bỏ quê hương”

Và tự nhiên ý nghĩ “Khi có hiểm nguy nơi đất khách  người ta có thể bỏ chạy về quê hương nhưng lúc quê hương nguy biến, người ta  rồi sẽ chạy đi đâu?” dội lên trong đầu. Tôi chưa đem câu hỏi này hỏi nhà văn Murakami Haruki và nhà thơ Ryoichi , nhưng tôi biết chắc đó không phải là câu hỏi dễ trả lời.

Robinson 11/3/2012

P/s: Viết mấy dòng lộn xộn này tôi lại nhớ tới căn phòng nhỏ ở KTX và những khuôn mặt bè bạn thân quen. Thấy thấm thía câu thành ngữ tiếng Nhật 住めば都 và chợt hiểu: Tình yêu chẳng qua là thứ sinh ra từ kỉ niệm. Những người chưa từng có kỉ niệm sẽ chẳng bao giờ biết yêu nhau.

Bạn nào quan tâm có thể đọc thêm một vài bài tôi dịch về thảm họa động đất sóng thần dưới đây

1. Bài về 50 người lính cứu hỏa tình nguyện cứu chữa lò phản ứng

2. Bài phát biểu của nhà văn Haruki Murakami nói về triết lý sống của người Nhật Bản.