Một vài cảm nhận về Đất nước và con người Nhật bản

dat nuoc con nguoi_Nhat_Ban Tôi đã đọc đâu đó rằng “Nếu bạn càng lưu lại lâu tại Nhật Bản, cách nhìn của bạn về mảnh đất này sẽ càng thay đổi. Đến một lúc nào đó, bạn quay nhìn lại và nhận ra rằng, một đất nước Nhật đã từng rất khác biệt, xa lạ, nay trở nên thân quen, ấm áp trong từng ý nghĩ”. Vâng, có lẽ câu nói đó không sai…

Tôi vẫn còn nhớ cái ngày đầu tiên đặt chân đến đây. Đó là một ngày mưa rả rích, mọi thứ toàn một màu xám, biển, trời, đường phố, nhà cửa, và thậm chí cả màu quần áo của khách bộ hành. Tôi đã rất háo hức dạo quanh từng ngõ ngách, từng con phố để được chứng kiến tận mắt những điều kỳ diệu tạo dựng nên một đất nước kỳ diệu, một biểu tượng của sự phát triển thần kỳ. Mọi thứ hiện ra trước mắt không phải là những khu nhà được quy hoạch thành khuôn, hay những con đường xanh mướt cây và ngập tràn hoa. Tất cả là sự pha trộn giữa một Nhật Bản hiện đại và một Nhật Bản cổ xưa, với những nét phá cách bởi sự mở rộng quá nhanh của đô thị. Đó là những khu cửa hàng cửa hiệu hào nhoáng, mọc lên san sát với các hệ thống tàu điện, cầu đường nặng nề xi măng cốt thép. Đó là những toà nhà chọc trời chen lẫn với các khu phố chật hẹp, các căn nhà gỗ thấp và ẩm ướt. Đó là những con đường lát đá mang phong cách châu Âu nhưng vẫn không thoát khỏi mạng lưới dây điện chằng chịt trên không. Và đó còn là những tối ngủ lạnh cóng của những người vô gia cư trong ga tàu điện ngầm và những cô gái tóc vàng hoe với đủ loại kiểu thời trang thay đổi đến chóng mặt. Một Nhật Bản á đông đang khoác trên mình những lối cách phương tây.

Ba năm không quá dài, cũng không quá ngắn, nhưng vừa đủ để tôi nhìn lại, vừa đủ để tôi nhận ra vẻ đẹp của mảnh đất này. Cuộc sống ở đây đã giúp tôi trưởng thành, đã dạy tôi những điều mà tôi có thể đã không bao giờ học được.

Tôi đã vô cùng ngưỡng mộ khi được nghe kể về một thời kỳ Edo huyền thoại với những thay đổi cải cách sâu rộng. Đó là sự phát triển kết cấu đô thị theo hình xoáy ốc, đó là nền giáo dục được phổ cập tới tất cả người dân, và đó còn là sự sáng tạo, thăng hoa cho những loại hình nghệ thuật truyền thống như kabuki hay ukiyo-e. Bao thiên tai hỏa hoạn đã không thể ngăn được sự lớn mạnh của một Tokyo ngày nay từ một Edo thời đó. Và tôi cũng không thể nào quên được hình ảnh của những con người đã phải chịu đựng những cái chết chậm và đau đớn bởi chất độc hóa học, hình ảnh của chiếc hộp đựng thức ăn bị nung chảy của một cô bé học sinh tại bảo tàng Hiroshima.

Tôi đã không cầm nổi nước mắt khi xem bộ phim tài liệu về sự tàn phá khủng khiếp của năm 1995 lấy đi sinh mạng của hàng nghìn con người, khi lắng nghe giọng nói của một bé gái kể về nỗi đau chứng kiến ba mẹ và chị chết dần chết mòn dưới đống đổ nát, và về những nỗ lực của em để được sinh tồn. Nếu tôi không đặt chân đến đây, có lẽ tôi sẽ không thể nào hiểu nổi sự đấu tranh vì sự sống của những con người này. Họ đã vượt qua mọi tàn phá, mọi mất mát, mọi khổ đau để có thể xây dựng lại thành phố, làng mạc từ tro bụi, để biến đất nước của họ thành một trong những đất nước hùng mạnh nhất.

Ẩn giấu sau những ồn ào, những khác thường của lối sống công nghiệp, là những tâm hồn thật sự và những tình yêu thật sự. Niềm yêu thương vô bờ bến của một người mẹ dành cho đứa con tật nguyền, sự đam mê truyền tải trong từng nốt nhạc của một người thầy, sự quan tâm chăm sóc tới những đứa trẻ Việt Nam bất hạnh của một đôi vợ chồng người Nhật, tất cả đã tạo nên một Nhật Bản ấm áp và kỳ diệu trong tôi.

Vâng, đó là một phần nhỏ còn lại của quá khứ mà tôi có thể thấy, một phần nhỏ đang tiếp diễn của hiện tại mà tôi có thể chạm vào về một đất nước, một dân tộc… đó là những trải nghiệm vô giá mà tôi không thể học được từ sách vở. Và hơn tất cả, đó là một phần nhỏ trong tình yêu lớn của con người mà tôi có thể cảm nhận, một tình yêu dành cho một mảnh đất giờ đã trở nên thân quen trong từng ý nghĩ…

Bài viết của chị Trần Thu Hạnh
Nguồn: Vietnamese Japanese Engineers Exchange Forum
http://www.nhatviet.net/jveef/home