Ngày 2/6/2007 – VDF-Tokyo tổ chức Hội thảo lần thứ 3 về Phát triển Việt Nam


Diễn đàn Phát triển Việt Nam tại Tokyo (VDF-Tokyo) sẽ tổ chức Hội nghị lần thứ 3 về Phát triển Việt Nam vào ngày 2/6/2007 tại Viện Nghiên cứu Chính sách Quốc gia (GRIPS). Hai hội nghị trước đây đã được tổ chức thành công với sự tham gia phát biểu của Giáo sư Kenichi Ohno (GRIPS/VDF), Giáo sư Masaya Shiraishi (ĐH Waseda) và Giáo sư David Dapice (ĐH Tufts và ĐH Harvard), thu hút hơn 60 người đến tham dự, thảo luận.


VDF-Tokyo là diễn đàn thúc đẩy trao đổi kinh nghiệm, kiến thức về các lĩnh vực liên quan đến phát triển kinh tế, xã hội của Việt Nam. Hội nghị lần thứ 3 hoan nghênh các học giả, các nhà nghiên cứu và những người quan tâm đến tham dự, trình bày kết quả nghiên cứu và trao đổi ý kiến về kinh tế, xã hội Việt Nam.

Thời gian: Ngày 2 tháng 6 năm 2007 (một ngày)
Địa điểm:
Viện Nghiên cứu Chính sách Quốc gia (GRIPS)
7-22-1 Roppongi, Minato-ku, Tokyo 106-8677
Điện thoại: 03 6439 6337
Email: vngripsnet@grips.ac.jp
http://www.grips.ac.jp/vietnam/VDFTokyo/index.html
http://www.grips.ac.jp/vietnam/3rdConference/Index.htm
Thời hạn nộp bài phát biểu: Ngày 16 tháng 4 năm 2007
Thời hạn nộp trang đơn trưng bày: Ngày 21 tháng 5 năm 2007

ĐÔI NÉT VỀ DIÊN ĐÀN PHÁT TRIỂN VIỆT NAM

Diễn đàn Phát triển Việt Nam (VDF) được thành lập vào tháng 2 năm 2004 trong khuôn khổ Dự án hợp tác nghiên cứu giữa trường Đại học Kinh tế Quốc dân (NEU) Việt Nam và Viện Nghiên cứu Chính sách Quốc gia (GRIPS) Nhật Bản. Văn phòng chính của VDF đặt tại Hà Nội. VDF-Tokyo là văn phòng chi nhánh của VDF tại Tokyo, được thành lập vào tháng 10 năm 2004, thay thế Câu lạc bộ các nhà kinh tế Nhật BảnViệt Nam (JVEC) – một tổ chức không chính thức được thành lập vào tháng 5 năm 2003 bởi Giáo sư Kenichi Ohno (GRIPS), Giáo sư Trần Văn Thọ (ĐH Waseda) và các nghiên cứu sinh Việt Nam đang học tập tại Nhật Bản với mục đích thúc đẩy hoạt động nghiên cứu về kinh tế Việt Nam.

Mục tiêu hoạt động của VDF là xúc tiến các hoạt động nghiên cứu về kinh tế, xã hội Việt Nam. Bên cạnh việc tổ chức thường xuyên các hội thảo chuyên đề, VDF còn trực tiếp tổ chức và tham gia các dự án nghiên cứu về kinh tế của các cơ quan nhà nước, như hợp tác cùng Bộ Công nghiệp Việt Nam xây dựng chiến lược và quy hoạch tổng thể phát triển một số ngành công nghiệp, giúp Uỷ ban Nhân dân Thành phố Hà Nội đánh giá môi trường và chính sách kinh doanh của Hà Nội. VDF cũng là đầu mối cho các hợp tác nghiên cứu khoa học tại Việt Nam.

Bên cạnh đó, VDF hỗ trợ các nhà nghiên cứu công bố công trình nghiên cứu của mình. Nhiều ấn phẩm nghiên cứu về kinh tế Việt Nam có giá trị do VDF trực tiếp nghiên cứu, biên soạn, hoặc hỗ trợ xuất bản đã được ra mắt dưới hình thức sách, bài thảo luận và đề xuất chính sách.

Nhằm tạo cơ hội cho giới nghiên cứu kinh tế Việt Nam tại Nhật Bản gặp gỡ, trao đổi và cùng hợp tác, VDF-Tokyo tổ chức các buổi hội thảo hàng tháng và hàng năm. Đối tượng tham dự và phát biểu là các giáo sư, nhà nghiên cứu, nghiên cứu sinh, sinh viên Việt Nam và nước ngoài. Nhằm hỗ trợ hơn nữa cho hoạt động nghiên cứu của sinh viên Việt Nam tại Nhật Bản, VDF-Tokyo liên tục tham gia tài trợ và hỗ trợ cho Hội nghị Trao đổi Khoa học Sinh Viên Việt Nam – Nhật Bản (VJSE) do sinh viên Việt Nam tổ chức.

GIÁM ĐỐC CHƯƠNG TRÌNH – GIÁO SƯ KENICHI OHNO.

Giáo sư Kenichi Ohno − giảng dạy tại Viện Nghiên cứu Chính sách Quốc gia (GRIPS), Giám đốc nghiên cứu của VDF − từ lâu đã được giới nghiên cứu kinh tế và hoạch định chính sách Việt Nam biết tới và đánh giá cao. Tâm huyết với sự phát triển năng động của Việt Nam, Giáo sư bắt đầu nghiên cứu kinh tế Việt Nam từ năm 1995 và đưa ra kết luận rằng “Việt Nam mới chỉ huy động được một phần nhỏ trong tiềm năng lớn lao của mình. Vì vậy, đổi mới chính sách là cần thiết để giải phóng sức phát triển của Việt Nam.”

Hơn 10 năm gắn bó với Việt Nam, Giáo sư đã dành phần lớn thời gian của mình cho việc nghiên cứu chính sách kinh tế xã hội của Việt Nam. Dựa trên những nghiên cứu sâu sát thực tiễn kinh doanh và hoạt động của doanh nghiệp và các thành phần kinh tế, các đề xuất chính sách của Giáo sư mang tính khả thi phù hợp với điều kiện kinh tế xã hội Việt Nam hiện nay. Một số kết quả nghiên cứu, đề xuất chính sách của Giáo sư được thể hiện qua các ấn phẩm của VDF, như Hoàn thiện Chiến lược Phát triển Công nghiệp Việt Nam (Nhà xuất bản Lý luận Chính trị, 2005), Hoạch định Chính sách Công nghiệp ở Thái Lan, Malaysia và Nhật Bản: Bài học kinh nghiệm cho các nhà hoạch định chính sách Việt Nam (Nhà xuất bản Lao động xã hội, 2006), Môi trường và Chính sách kinh doanh của Hà Nội (Nhà xuất bản Lao động xã hội, 2006), và Công nghiệp hoá của các nước đang phát triển: Phân tích của các nhà kinh tế Nhật Bản (GRIPS, 2006).

Chi tiết về nghiên cứu và hoạt động của VDF có thể xem tại: http://www.vdf.org.vn

Thúy Nguyễn