Nghệ sỹ Quyền Văn Minh và đêm nhạc ‘vì hòa bình’ tại Okinawa


Hàng năm ở Okinawa, Liên hoan nhạc Jazz Quốc tế đều được tổ chức, với sự tham gia của các ban nhạc nổi tiếng của nhiều nước trên thế giới. Trong năm nay, ngoài đoàn nhạc Jazz của Đài Loan và Nhật Bản, đoàn nhạc Jazz Việt Nam do Nghệ sĩ Ưu tú Quyền Văn Minh đã sang biểu diễn và để lại dấu ấn đậm nét trong lòng người hâm mộ. Vysa-Okinawa đã đến cổ vũ cho đêm nhạc cũng như giao lưu với Nghệ sĩ Quyền Văn Minh cùng đoàn.

Nghệ sĩ Quyền Văn Minh

Một ngày giữa tháng 2/2005, khi gặp chị Hương thì chị nét mặt rạng rỡ thông báo: ‘Đầu tháng 3 tới sẽ có một ban nhạc Jazz của Việt Nam mình sang đây biểu diễn đấy, các em có đi nghe và cổ vũ không?’. Rồi chị trao cho chúng tôi mấy tờ rơi quảng cáo về đêm nhạc liền.

Khi đến nơi, tôi mới thấy mình ăn mặc xuềnh xoàng quá, cứ vận bộ quần áo thường ngày, khi chị em Việt nhà ta ăn mặc rất đẹp, đúng kiểu đi nghe nhạc. Hội trường nhạc của tỉnh Okinawa lúc này đã chật kín người. Ngoài người Nhật, còn có nhiều người Mỹ và gia đình tại căn cứ quân sự của Mỹ tại Okinawa cũng đến nghe nhạc.

Đêm nhạc bắt đầu. Ban nhạc Jazz của Việt Nam gồm Nghệ sỹ Quyền Văn Minh chơi Altosax, Quyền Thiện Đắc chơi Tenorsax, Vũ Đức Tân chơi Piano, Phan Trung Kiên chơi Bass và Phạm Đức Duy đảm nhiệm bộ phận Drums. Ban nhạc Jazz Việt Nam chơi 5 bài: The Gift (Recado Bossa) của Luiz Antonio, Hội Làng do chính NS Quyền Văn Minh sáng tác, Núi Rừng Quê Ta do NS Quyền Văn Minh và con trai là Quyền Thiện Đắc viết, Chợ Xa của Lưu Quang Minh và Perdido của Lengsfeirer.

Quyền Thiện Đắc

Những dòng nhạc Jazz mang đậm nét Việt Nam do chính các NS Việt Nam sáng tác đã khiến các khán giả hết sức bất ngờ và vỗ tay nồng nhiệt. Sau đoàn Việt Nam là đến đoàn Đài Loan và Nhật Bản biểu diễn. Hai đoàn này đều sử dụng Vocalist với những bài nhạc Jazz cổ điển và hiện đại, với âm điệu điêu luyện không kém tài tình. Vào cuối đêm nhạc, các khán giả vỗ tay vang dội khi các Nghệ sĩ của ba ban nhạc thay nhau biểu diễn những bản nhạc thắm tình đoàn kết và hòa bình, sau đó cùng ôm hôn nhau thắm thiết trên sâu khấu.

Mặc dù bận rộn, ban nhạc Jazz Việt Nam vẫn dành thời gian để đón tiếp nói chuyện với người Việt ở Okinawa đã cùng đến đêm nhạc. Nghệ Sỹ Quyền Văn Minh và mọi người trong ban nhạc rất vui vẻ, pha trò liên tục. Sau khi chụp ảnh lưu niệm, tất cả cùng kéo nhau đến ăn tối tại quán nhạc Jazz của ông Yara Fumio, là một thành viên trong Tổ chức Hội âm nhạc Jazz của Okinawa, Nhật Bản.

Nghệ Sỹ Quyền Văn Minh vui vẻ cho biết, anh đã sang Tokyo năm 2000 và sau đó xuống Okinawa và đã biết Hội nhạc Jazz Okinawa qua chuyến thăm đó. Phòng nhạc Jazz của NS Quyền Văn Minh tại phố Lương Văn Can, Hà Nội lúc nào cũng đầy ắp khách ngoại quốc, trong đó có rất nhiều người Nhật khi đến Hà Nội lại tìm đến phòng nhạc Jazz của anh. NS cho biết thêm, trước giải phóng, anh chỉ biết đến nhạc Jazz qua một số băng đài tình cờ có được, từ đó say mê và quyết tâm đi theo dòng nhạc Jazz vẫn còn mới mẻ ở Việt Nam này. Có thể nói Quyền Văn Minh là một trong những người đầu tiên đặt nền móng cho nhạc Jazz tại Việt Nam. Anh tâm sự: ‘tôi chỉ muốn được nhiều người trên thế giới biết rằng: đã có nhạc Jazz Việt Nam – Mặc dầu phát triển nhạc Jazz ở Việt Nam vẫn còn không ít khó khăn’.

Hai thế hệ

Nghệ sỹ Quyền Văn Minh sinh ngày 11/7/1954. Anh học Guitare năm 12 tuổi, 14 tuổi bắt đầu học kèn Clarinette (tự học qua một số tài liệu và nghe Radio), anh đến với nhạc Jazz hết sức tình cờ, sau đó tự tập nhạc Jazz một mình. Năm 17 tuổi anh là nghệ sỹ kèn Cla tại đoàn Ca nhạc Quân Đội, sau đó chuyển sang đoàn ca múa nhạc Hà Tây, rồi đoàn ca múa nhạc Hà Nội. Năm 1989, anh được mời về giảng dạy tại Nhạc Viện Quốc Gia Hà Nội, bắt đầu biểu diễn nhạc Jazz năm 1991 tại các khách sạn lớn tại Hà Nội. Năm 1988,1989,1994 biểu diễn các chương trình độc tấu Saxophone tại Hội nhạc sỹ Việt Nam và Nhà hát Lớn Hà Nội. Năm 1997 được Chủ Tịch nước phong tặng danh hiệu ‘Nghệ sỹ Ưu tú’. Quyền Văn Minh mở Jazz Club riêng để biểu diễn và đào tạo các tài năng trẻ của Hà Nội. Anh đã đi biểu diễn tại Pháp, Singapore, Hồng Kông, Macao, Đức, Liên Xô, Mỹ…Tại Jazz Club đã đào tạo thành 4 nhóm biểu diễn độc lập đều màng tên Sông Hồng Jazz Band. Các thành viên đi diễn tại Okinawa có con trai là Quyền Thiện Đắc, đã tốt nghiệp xuất sắc tại trường Berklee Boston America đầy danh tiếng.

Tại quán nhạc Jazz của ông Yara Fumio đêm đó đầy khách Nhật kéo nhau đến nghe nhạc. Ở nơi đây khách vừa ăn uống, vừa nghe biểu diễn nhạc Jazz. Mặc dù đã mệt, các thành viên trong ban nhạc Jazz của VN vẫn lên biểu diễn một lần nữa, khiến tất cả mọi người hâm mộ lại vỗ tay nhiệt liệt.

Trước khi trở về nước, NS Quyền Văn Minh cùng đoàn đã cùng hai đoàn Nhật và Đài Loan đi thăm những cảnh đẹp nổi tiếng của Okinawa, hàng năm thu hút hàng triệu khách du lịch trong và ngoài Nhật Bản. Lưu luyến chia tay với Okinawa, NS Quyền Văn Minh cùng đoàn vẫy tay hẹn có một ngày sẽ trở lại với hòn đảo Okinawa đầy mến khách. Ông Nakata, Chủ tịch Hội hữu nghị Okinawa-Việt Nam nói với tôi: ‘Cùng với Đặng Thái Sơn, Quyền Văn Minh đã đưa âm nhạc Việt Nam đến với thế giới’.

Nguyễn Đăng
(từ Okinawa)

Ảnh: Hải Đăng

PS. Tham khảo về NS Quyền Văn Minh

Nghệ sĩ Quyền Văn Minh
Quyền Thiện Đắc