Những khái niệm Việt Nam tại Nhật Bản


“Từ khoảng 4 năm trước, ông chủ đã nhận thấy những gì đến từ Việt Nam sẽ ngày càng trở nên “thời trang” và có cảm nhận mạnh mẽ công việc kinh doanh của mình sẽ thành công”, đầu bếp của CYCLO-nhà hang Việt Nam tại Tokyo nói.


Cách Tokyo khoảng đi xe buýt, bạn có thể tới vùng Yamanashi yên ả với những con người hiền lành, chất phác. Với những người dân mến khách ở đây, khái niệm về Việt Nam thật hết sức đơn giản. Tôi là ngừơi Việt Nam đầu tiên ở khách sạn Miwa, một khách sạn đặc trưng truyền thống của Nhật Bản với suối nước nóng và kiểu phục vụ các món ăn truyền thống tại từng phòng.
Chúng tôi theo ông Keiichi Kobayashi, người quản lý khách sạn ăn tối tại một nhà hàng của địa phương cùng với những người bạn của ông. Suốt cả buổi tối là những câu chuyện về Việt Nam và Nhật Bản trong khi tôi không biết tiếng Nhật và ngược lại, không ai trong số họ nói tiếng Việt. Nhưng có lẽ đấy lại là điều may mắn vì tất cả có cơ hội cố hết sức thể hiện những gì mình biết được.

Khi nhắc đến Ôsin, Việt Nam và 7 ngón tay, có nghĩa bộ phim Osin của Nhật đã đuợc chiếu ở Việt Nam từ 7 năm trước. Còn những người Nhật đưa ra 3 lần 10 ngón tay vì bộ phim này đã có tới 30 năm rồi. Câu chuyện nhắc tới America và những cái lắc lắc và gật đầu, có nghĩa cùng nghĩ về cuộc chiến tranh đã qua tại Việt Nam. Và Việt Nam, “good” , “good” được hiểu là đất nước Việt Nam ngày hôm nay đang thay đổi.

Thế nhưng ở Tokyo, khái niệm về Việt Nam lại thật rõ nét và ngày càng trở nên quen thuộc đối với người dân ở thủ đô. Du lịch đến Việt Nam và mua sắm các đồ thời trang Việt Nam đã trở thành một trong nhiều chọn lựa của nhiều phụ nữ Nhật Bản.

Khi người Nhật đến Việt Nam nhiều hơn, những nhãn hiệu và sản phẩm của Việt Nam không còn quá xa lạ đối với họ. Có thể nhìn thấy trên trên con phố thương mại đông đúc tại Tokyo một quán cà phê nhỏ nhắn với biển hiệu Coffee Trung Nguyên. Quán khá đông những người Nhật đang cắm cúi bên chồng tài liệu hoặc chỉ đơn giản thư giãn giữa ngày làm việc với một tách cà phê. Trông họ thư thái như hàng ngày vào giờ nghỉ trưa đều đến đến nơi đây từ nhiều năm trước.

Dọc bên cầu thang đuợc trang trí những tấm vải với họa tiết dân tộc Việt Nam, còn quanh bức tường là những bức ảnh nghệ thuật của một nhiếp ảnh gia người Nhật về phong cảnh Việt Nam và những thiếu nữ mềm mại trong tà áo dài. Bài Chị tôi với giọng hát của ca sỹ Mỹ Linh vang lên nhè nhẹ và da diết. “Tôi đã ở Việt Nam nhiều năm, nghe rất nhiều nhạc Việt, nhưng cùng một bài hát nhưng khi nghe ở giữa Tokyo mang lại cảm xúc thật thật khác biệt”, Takayuki Sawamura, một nhà thiết kế thời trang người Nhật nói.

Đến Việt Nam 9 năm trước trong một chuyến du lịch tình cờ, anh đã nhận thấy được cơ hội phát triển về thời trang tại Việt Nam và đã quyết định ở lại đất nước này. Từ công việc may gia công cho các bạn hàng tại Nhật, Taka-tên thân mật những người bạn Việt Nam thường gọi anh, đã thành lập nhãn hiệu thời trang riêng của mình với một xưởng thợ có thể đáp ứng được các yêu cầu chi tiết và kỹ thuật cao chuyên phục vụ xuất khẩu.

“Khách hàng Nhật khá khó tính, nếu đáp ứng được nhu cầu và dành được cảm tình của họ, sẽ có cơ hội có đuợc nhiều khách hàng khác”, Taka cho biết.

Taka cũng như nhiều người Nhật khác đã sớm phát hiện ra tiềm năng Việt Nam và gắn bó với đất nước này. Đến Việt Nam từ 10 năm trước làm công việc hướng dẫn kỹ thuật xây dựng trong một hợp đồng hợp tác giữa công ty của Nhật và Việt Nam, thời gian dài làm việc ở miền trung Việt Nam đã khiến Mizuno Toshihiko yêu thích cà phê của vùng cao nguyên miền trung. Chính vì sự thân thuộc và gần gũi với Việt Nam, chính vì hương vị đắng mà say mà ngấm của cà phê Việt Nam, Toshihiko đã trở thành người đưa cà phê Trung Nguyên đến đất nước mặt trời mọc.

“Tôi thích cà phê Trung Nguyên vì vị rất đặt biệt và mạnh mẽ. Lần đầu tiên thử uống sẽ thấy khó, nhưng từ lần thứ hai là quen và trở thành quen thuộc”. Khách hàng của anh dường như cũng vậy, họ đã đến thử và đã quay lại, và công việc kinh doanh của anh đang phát triển. Ký hợp đồng độc quyền tại Nhật với cà phê Trung Nguyên, anh dự định sẽ mở thêm 4-5 quán cà phê tại Tokyo và Osaka trong năm 2004.

Bên cạnh những công việc kinh doanh bắt nguồn từ những gặp gỡ tình cờ hay cảm tình gần gũi với Việt Nam, có những người Nhật lại bắt đầu dự án kinh dianh bằng cảm nhận. “Người chủ của nhà hàng tuy không biết gì về Việt Nam nhưng có cảm nhận mạnh mẽ việc mở nhà hàng tạo Tokyo chắc chắn thành công, đầu bếp của nhà hàng Cyclo nói. Nhà hàng Cyclo nằm giữa một trung tâm thời trang của Tokyo, nổi tiếng với khách hàng Nhật Bản và nhiều nước khác từ châu Âu, châu Mỹ nhờ món nem cuốn, món nộm ngó sen, phở gà và nhiều món ăn đặc trưng khác của Việt Nam. Rượu Lúa mới, Nếp mới, vang Đà Lạt, bia 333…cũng đuợc tìm thấy trong cuốn thực đơn đầy các lỗi về phát âm và ngữ nghĩa kiểu như Lua Mai thay cho Lúa Mới, Tra 333 khi phải viết Bia 333.

Điều này cũng dễ hiểu vì không ai biết tiếng Việt, không có người Việt Nam tham gia dự án kinh doanh nhà hàng món ăn Việt Nam này. Các đầu bếp cũng chưa từng được đào tạo qua bất kỳ khoá học nấu ăn nào của Việt Nam. “Ngon hay chưa ngon?-thật khó cho các đầu bếp trả lời câu hỏi này vì họ không biết trên thực tế hương vị, trình bày..của từng món ăn sẽ như thế nào”, ông Makiko Suzuishi đầu bếp chính của Cyclo tâm sự. Chúng tôi cũng đã có ý định tìm một đầu bếp người Việt Nam nhưng vì nhiều lý do đến nay vẫn chưa có được.

Ngay bản thân là đầu bếp chính, ông Suzuishi cùng như người đầu bếp chính của Cyclo trước kia cũng không tham gia một khóa nấu ăn nào tại Việt Nam. Họ đều xây dựng thực đơn bằng chung một cách, đó là đến Việt Nam ăn thử tại rất nhiều nhà hàng, khách sạn, quán ăn bên hè phố. Ông Suzuishi, người có 20 năm kinh nghiệm làm đầu bếp thực đơn kiểu Pháp, người có cơ hội du lịch tại nhiều nơi trên thế giới đã chuyển sang làm việc tại Cyclo vì yêu thích món ăn châu Á, đạc biệt là Việt Nam. “Mỗi năm tôi đều sang Việt Nam , gần nhất là tháng 2 vừa rồi tôi đã đến Tp. Hồ Chí Minh, Huế, Hà Nội.

Lần nào tôi cũng ăn ở nhiều nơi khác nhau, chụp ảnh các món ăn và ghi lại cảm nhận để tự nấu lại. Món ăn Việt Nam rất ngon, không cần thay đổi nhiều vẫnđuợc người Nhật đón nhận”, ông Suzuishi nói. Ông cho biết “Tên gọi Cyclo và chiếc xích lô được đặt phía trước nhà hàng thể hiện mong muốn xích lô sẽ chở thật nhiều khách đến nhà hàng này”.

Có thể nhìn thấy ở Tokyo những quán cà phê, nhà hàng, cửa hiệu..với những thứ đến từ Việt Nam. Ở một con phố nhỏ với nhiều cửa hiệu dành cho các thanh niên “bụi bụi”, có Cà fê Trang và bên cạnh là quán Sài Gòn đẹp lắm với biển hiệu bằng chữ viết tay rất thú vị. Chủ nhân cũng như nhân viên hai quán đều là người Nhật.

Bên cạnh cà phê và đồ ăn, tại Tokyo còn có rất nhiều các cửa hiệu bán đồ thủ công của Việt Nam như những sản phẩm từ mây tre, tơ lụa, gốm Bát Tràng..và người Nhật ngày càng quan tâm đến Việt Nam.

Nhờ có các chuyến bay thẳng và đặc biệt là chính sách miễn visa cho khách Nhật vào Việt Nam trong khoảng 15 ngày, Việt Nam hy vọng năm nay sẽ đón thêm khoảng 20% đến 30% lượng khách Nhật so với năm 2003.

Nhanh nhạy và nắm bắt được những cơ hội, khái niệm về Việt Nam đối với nhiều nhà kinh doanh người Nhật, đây là một đất nước tiềm năng. Còn đối với những người dân địa phương xa Tokyo, tuy khác biệt về ngôn ngữ nhưng họ cũng đã diễn tả những hiểu biết ít ỏi nhưng tốt đẹp về đất nước này. Những điều tưởng chừng như rất ít ỏi đấy lại là những khái niệm chung của người dân Nhật Bản về Việt Nam-đó là một đất nước đang phát triển.

Tạp chí HERITAGE-Vietnam Airlines tháng 6-7/04