Những quốc gia đi muộn và nền kinh tế toàn cầu.


Đối với những nền kinh tế đang phát triển và đang chuyển đổi, những năm 1990 là một thập niên mà sức ép bên ngoài buộc tự do hóa và hội nhập quốc tế đã tăng lên đáng kể. Ngày nay chúng ta sống trong một thế giới nơi mà sự chấp nhận các tiêu chuẩn toàn cầu – quả thực, thường là của người Mỹ – đã trở thành điều kiện tiên quyết để tham gia vào nền kinh tế thế giới.


Kỷ nguyên hội nhập
Trên lĩnh vực kinh tế, những tiêu chuẩn bao gồm áp dụng các hệ thống dựa trên cơ sở thị trường, tư nhân hóa doanh nghiệp nhà nước và mở cửa ra bên ngoài. Trong các lĩnh vực phi kinh tế thì thực hiện nhân quyền, bầu cử tự do và thể chế nghị viện ngày nay là điều kiện để được công nhận là một thành viên xứng đáng của cộng đồng quốc tế. Những quốc gia đi muộn còn được yêu cầu tuân thủ các mô hình của những nước tiên tiến hơn trong những lĩnh vực bảo vệ môi trường, quyền sở hữu tài sản trí tuệ và v.v.
Đương nhiên, áp lực từ bên ngoài buộc phải tuân thủ chẳng phải là điều cá biệt của thời đại chúng ta. Trong suốt lịch sử, những nền văn minh thống lĩnh luôn luôn vượt cao như ngọn tháp bên trên những nền văn hóa kề cận, đưa những nguyên tắc của riêng mình ra làm tiêu chuẩn toàn cầu của thời đại. Tuy thế, cần thừa nhận rằng, trong kỷ nguyên hậu-Chiến tranh Lạnh của chúng ta, sự tan rã của khối cộng sản đã cho phép người Mỹ áp đặt không ngần ngại các hệ thống của mình dựa trên chủ nghĩa tự do và chủ nghĩa cá nhân lên thế giới còn lại. Sự biến mất của ý thức hệ đối kháng có nghĩa là những quốc gia đi muộn dù có bất bình với tiêu chuẩn của Mỹ thì cũng không còn khả năng tìm chổ dựa từ một khối chính trị nào khác. Hơn nữa, sự trì hoãn tự do hóa chính trị và kinh tế, một điều thường được chấp nhận với các nước đang phát triển trong quá khứ, giờ đây ngày càng trở nên không thể chấp nhận.
Những quốc gia đi muộn không phải luôn luôn bị thúc ép phải tham gia vào xã hội quốc tế ngược lại ý chí của riêng mình. Đương nhiên, những điều kiện ràng buộc áp đặt bởi những định chế tài chính quốc tế và những nước tài trợ đã đóng một vai trò rất quan trọng, nhưng nhiều quốc gia đi muộn cũng đã mở cửa do quyết định của riêng mình hay do sức ép của bầu bạn từ những nước láng giềng. Nhiều quốc gia đang chuyển đổi hệ thống đã tự nguyện tiến hành chiến lược vụ nổ lớn (liệu pháp sốc). Tiến trình tự do hóa thương mại và đầu tư của ASEAN có thể được xem là một đáp ứng tự nhiên trước tình hình cạnh tranh khốc liệt để thu hút FDI trong vùng châu Á, với Trung Quốc là đối thủ hùng mạnh nhất.
Vấn đề chủ yếu tối muôn nêu lên trong bài viết này là: những quốc gia đi muộn
nhất không có đủ năng lực để quản lý một cách thích đáng tiến trình tự do hóa và hội nhập hiện nay đang nuốt chửng toàn thế giới và, kết quả là, những nước này gánh chịu ngày càng nhiều các khó khăn to lớn về kinh tế và chính trị do quản lý tồi tiến trình hội nhập quốc tế. Tốc độ và phương cách mà những quốc gia đi muộn hội nhập với nền kinh tế toàn cầu giờ đây là vấn đề trung tâm trong chiến lược phát triển của họ. Nó còn tạo ra một mồi lửa mới cho cuộc chiến đấu chính trị cam go giữa những nước công nghiệp và những nước đang phát triển. Để nhận thức được bản chất của những khó khăn mà những cuộc khủng hoảng tài chính tiền tệ gần đây đã đè lên những quốc gia đang chuyển đổi hệ thống hoặc những nền kinh tế mới trỗi lên, thì dứt khoát phải cần đến tầm nhìn lịch sử này.
Nguy cơ của mở cửa tài chính thiếu chuẩn bị
Có ba quyết định chủ yếu mà những quốc gia đi muộn phải đưa ra về quan hệ kinh tế đối ngoại, nếu không được quản lý đúng đắn, sẽ dẫn đến những rủi ro to lớn: mở cửa thị trường tài chính, quản lý tỷ giá hối đoái và tự do hóa thương mại. Chúng tôi sẽ xem xét tuần tự từng vấn đề.
Châu Á là trung tâm của cuộc khủng hoảng tài chính và tiền tệ khởi sự năm 1997 và sau đó lan đến Nga và châu Mỹ Latinh. Đến ngày hôm nay thì đã rõ là khủng hoảng tiền tệ lây lan không phải là cá biệt của châu Á mà là một vấn đề nội tại của hệ thống tài chính toàn cầu. Vì cuộc khủng hoảng tài chính châu Á là một hiện tượng quốc tế, nên việc phân tích chi tiết hệ thống kinh tế chính trị trong nước của một quốc gia bị khủng hoảng một cách riêng biệt sẽ không bóc trần nguyên nhân đích thực của tính lây lan và mức độ trầm trọng của khủng hoảng. Trọng tâm của cuộc tranh luận chính sách đã dịch chuyển từ đánh giá mô hình phát triển của châu Á sang sự cần thiết phải cải tổ hệ thống tài chính quốc tế.
Để hiểu đầy đủ cuộc khủng hoảng châu Á, trước tiên chúng tôi phải điểm lại lịch
sử của hệ thống tài chính phát triển. Từ thập niên 1970 cho đến những năm đầu của 80,các khoản cho vay của ngân hàng thương mại từ các nước công nghiệp là nguồn vốn tư nhân chủ yếu tại các nước đang phát triển. Nhưng cuộc khủng hoảng nợ của Mêhicô, nổ ra vào mùa hè 1982 và lan sang những quốc gia khác, đã bất ngờ chặn đứng dòng vốn này.
Trong suốt chừng mười năm tiếp theo, các định chế tài chính quốc tế và Câu lạc bộ Paris (một nhóm các nước/chính phủ chủ nợ song phương) đã cung cấp viện trợ chính thức cho các nước nợ nần chồng chất để đổi lấy việc thực hiện “điều chỉnh cơ cấu” – nghĩa là, tự do hóa kinh tế và mở cửa ra bên ngoài.
Cuối cùng thì khủng hoảng nợ cũng đã qua đi vào đầu thập niên 1990. Nhờ nỗ lực điều chỉnh cơ cấu bền vững, những nước này đã cải thiện kinh tế vĩ mô và tự do hóa kinh tế đối ngoại, tạo ra một môi trường đầu tư có vẻ thuận lợi. Dòng vốn tư nhân với khối lượng lớn một lần nữa bắt đầu đổ vào các nước đang phát triển cũng như những nước chỉ mới bắt đầu chuyển đổi sang kinh tế thị trường. Lần này, dòng vốn vào không phải dưới hình thức các khoản cho vay dài hạn của ngân hàng thương mại. Ngược lại, nguồn vốn mới được cung cấp thông qua những công cụ tài chính có khả năng giao dịch cao trong những thị trường trái phiếu và cổ phiếu và những thị trường ngân hàng hải ngoại. Các nước đang phát triển và các nước đang chuyển đổi hệ thống thiết lập những thị trường tài chính kiểu này và khuyến khích người nước ngoài đầu tư được gọi tên là “các thị trường mới trỗi lên” (emerging markets). Đây là những hiện tượng tương đối mới mẽ của thập niên 1990.
Những quốc gia đi muộn mà cho đến hồi đó vẫn giữ một vai trò nhỏ bé trong thị trường tài chính toàn cầu thì ngày hôm nay đã trở thành một bộ phận không tách rời của cổ máy khổng lồ đó.
Theo phương cách này, những khoản cho vay hiệp vốn dài hạn của các ngân hàng thương mại đã được thay thế bởi nguồn vốn trên các thị trường cổ phiếu và vay ngắn hạn,mà có thể rất nhanh chóng rút ra khỏi đất nước đó. Kết quả diễn ra do sự dịch chuyển này là sự mất ổn định ngày càng lớn. Trong trường hợp vốn vay dài hạn từ ngân hàng, một quốc gia vay nợ có thể thương lượng gia hạn hợp đồng nếu gặp khó khăn về hoàn trả.
Nhưng khi chơi với các thị trường thì những thương lượng có cơ cấu và thoải mái lại là điều không thể có. Một lượng lớn các nhà đầu tư nặc danh sẽ rút lại vốn ngay khi có dấu hiệu trục trặc đầu tiên, làm giá cổ phiếu rớt và châm ngòi cho những cuộc tấn công vào tỷ giá hối đoái. Trên thị trường tài chính nơi mà hành vi theo bầy đàn thường thống lĩnh, thì vô cùng khó khăn để ngăn ngừa tình trạng vay nợ quá mức, dòng vốn đảo chiều, đầu cơ “bong bóng” và sự lây lan của khủng hoảng.
Ở những quốc gia đã bỏ chế độ kiểm soát dòng vốn, các doanh nghiệp và định chế tài chính được tự do vay vốn nước ngoài trong khi chính phủ không đủ khả năng theo dõi tình hình một cách hiệu quả. Điều này đã dẫn đến nợ nước ngoài của khu vực tư nhân tích dồn với lượng lớn khủng khiếp mà không dựa trên kế hoạch kinh doanh vững chắc hoặc khả năng hoàn trả của mình. Khi đồng tiền mất giá nhanh do niềm tin vào quốc gia đó bị bốc hơi, thì nợ xấu sẽ tăng nhanh dẫn đến vở nợ toàn hệ thống – để lộ ra tính mỏng manh của tăng trưởng kinh tế dựa trên một hệ thống tài chính yếu kém và vay nợ nước ngoài quá mức.
Khủng hoảng châu Á là một hiện tượng theo đó những quốc gia trước đây đạt tốc độ tăng trưởng cao đột nhiên và hoàn toàn mất khả năng kiểm soát nền kinh tế vĩ mô do việc hội nhập tài chính bên ngoài với tốc độ và trình tự không phù hợp. Trong thế giới các nước đang phát triển, sự lây lan của khủng hoảng tài chính nghiêm trọng đã diễn ra hai lần trong thập niên này: cuộc khủng hoảng Mêhicô 1994-1995 và cuộc khủng hoảng này.Chúng ta phải nói rằng tốc độ lây lan là khá nhanh. Khủng hoảng loại này vẫn có khả năng xảy ra trong tương lai, trừ khi hệ thống quốc tế hiện hữu được cải tổ một cách đáng kể.
Cuộc khủng hoảng châu Á đã không kết thúc chỉ với sự sụp đổ của những đồng tiền quốc gia; nó còn bị làm cho nghiêm trọng hơn bởi chính sách đáp ứng tồi của các định chế tài chính quốc tế, tạo ra thiếu hụt tín dụng, tê liệt hệ thống tài chính, và tổn hại to lớn cho nền kinh tế thực. Ở vào đỉnh điểm của cuộc khủng hoảng, IMF kêu gọi thắt chặt ngân sách, nâng lãi suất cao hơn, và táo bạo tái cơ cấu các công ty và ngân hàng. Điều này có tác động làm tổn hại nghiêm trọng những công ty và ngân hàng vẫn tương đối còn vững mạnh và khuyếch đại sự hoảng loạn. IMF chỉ quen với khủng hoảng mang đặc trưng thâm hụt ngân sách và cạn kiệt dự trữ ngoại hối, nhưng IMF chưa từng kinh nghiệm giải quyết sự hoảng loạn tài chính trong khu vực tư nhân.
Khủng hoảng loại này cần đến một sự kết hợp khéo léo giữa một mặt là các biện
pháp cứu giúp ngắn hạn để xoa dịu nỗi lo sợ với mặt kia là tái cơ cấu tài chính và công ty nhằm cải thiện toàn hệ thống. Khi các thị trường bị chao đảo, lẽ ra IMF phải bơm vào ngay một lượng thanh khoản thật lớn. Thế mà IMF đã chọn thời điểm sai hoàn toàn. Cuộc khủng hoảng châu Á lại chuyển biến thành dai dẳng và dữ dội hơn là mức mà nhiều người tiên liệu lúc ban đầu. Giá như IMF đã không sai lầm ngớ ngẩn như thế, thì có thể cuộc khủng hoảng đã ít dai dẳng và dữ hội hơn như thực tế đã xảy ra. (Ôn lại cuộc khủng hoảng Mêhicô 1994-1995, một khoản cho vay cứu giúp trọn gói của quốc tế đã nhanh chóng được tập hợp dưới sự lãnh đạo của Hoa Kỳ, trước khi chính phủ Mêhicô công bố Chính sách Kinh tế Mới).
Một số người cho rằng cuộc khủng hoảng châu Á có nguyên nhân từ sự yếu kém về cơ cấu hoặc hệ thống của những quốc gia liên quan. Theo quan điểm này, Thái Lan, Hàn Quốc và Indonesia mỗi nước đều mắc phải những vấn đề nghiêm trọng bên trong làm cho khủng hoảng là điều không thể tránh khỏi. Nhưng làm gì có nơi nào chúng ta có thể tìm thấy một quốc gia đang phát triển mà lại không mắc phải các vấn đề cơ cấu hay hệ thống?
Lập luận cho rằng ba nước này có thành quả kinh tế đặc biệt xấu trong giai đoạn trước khủng hoảng, mà lại không so sánh họ với những nước kém phát triển (LCD) khác, chỉ là một phán đoán muộn màng. So sánh trên quốc tế sẽ cho thấy rằng thành quả kinh tế của Thái Lan, Hàn Quốc và Indonesia thuộc vào nhóm tốt nhất của thế giới các nước đang phát triển. Sai lầm duy nhất mà cả ba nước này phạm phải là họ mở cửa hội nhập vào các thị trường tài chính toàn cầu một cách hết sức thiếu thận trọng.
Sau kinh nghiệm chua chát này, mỗi nước cần hồi tưởng lại những yếu kém kế thừa từ quá khứ. Khủng hoảng tạo ra một cơ hội tốt để làm điều đó. Nhưng sẽ không thực tế để đòi hỏi một nước đang phát triển phải thực hiện các tập quán quốc tế tốt nhất về công bố thông tin, minh bạch công khai, hoạt động ngân hàng vững chắc, giám sát thu chi ngân sách, quản lý kinh tế vĩ mô, v.v. trong một khoản thời gian ngắn. Nếu tất cả những điều này đều có thể làm được, thì chúng ta sẽ chẳng cần gì đến ngành kinh tế học phát triển. Sẽ an toàn hơn nếu chúng ta giả định rằng để đạt được những điều này sẽ mất một thời gian rất dài cộng với nỗ lực tối đa, và chúng ta cần phải thiết kế chính sách hội nhập tài chính quốc tế một cách phù hợp, ít nhất là trong thời gian sắp tới. Điều cực kỳ rủi ro là nhảy phóc lên chuyến tàu tự do hóa mà không có những chuẩn bị trong nước thật tốt. Lời khuyên tốt nhất và có trách nhiệm nhất chúng ta có thể đưa ra cho những nước có hệ thống ngân hàng kém phát triển và quy định cẩn trọng tài chính chưa đầy đủ là “đừng nóng vội mở cửa thị trường tài chính ra bên ngoài trong khi tình trạng này vẫn còn tiếp diễn”.
Quản lý tỷ giá hối đoái trong cơn bảo tố
Chế độ tỷ giá hối đoái gắn chặt với đồng đô la thường được nêu ra như một trong những nguyên nhân của khủng hoảng châu Á. Theo quan điểm này, các đồng tiền của châu Á được gắn quá chặt với đồng đô la trước cuộc khủng hoảng cho dù Nhật Bản, Hoa Kỳ và EU là những đối tác có tầm quan trọng ngang nhau trong quan hệ thương mại và đầu tư với châu Á. Do đó, sự lên giá của đồng đô la trong thời gian 1995-97 đã làm cho các đồng tiền của họ tăng giá và mời gọi những cuộc tấn công đầu cơ. Họ cho rằng sau khủng hoảng các nước đang phát triển ở châu Á nên chuyển sang chế độ tỷ giá hối đoái đa dạng hơn phản ánh quan hệ kinh tế đa phương nhiều mặt của mình.
Tôi không hoàn toàn bác bỏ lập luận này. Xem xét kỹ lưỡng cho thấy rằng vẫn còn những điều cần phải cải thiện đối với chính sách tỷ giá hối đoái trong khu vực này. Nhưng tôi không thể đồng ý nếu nếu những tác giả này khăng khăng cho rằng chế độ gắn tỷ giá hối đoái với đồng đô la ở châu Á là cực kỳ không phù hợp và những nước này cần nhanh chóng áp dụng hệ thống sọt các ngoại tệ mạnh có tính ưu việt hơn hẳn. Tình hình không đơn giản như thế.
Điều thứ nhất chúng ta phải ghi nhận là ngày hôm nay những nước đang phát triển và đang chuyển đổi phải quản lý đồng tiền của nước mình trong những thị trường tài chính toàn cầu mất ổn định hơn nhiều so với thời thập niên 1950 và 60. Có những biến động rất lớn giữa những ngoại tệ mạnh như đồng yen, đô la và euro, và những dòng vốn xuất phát từ các nước công nghiệp là lớn khủng khiếp và vô cùng thiếu ổn định. Điều tốt nhất mà các nước đang phát triển và đang chuyển đổi có thể làm là duy trì ở mức trung bình của những ngoại tệ mạnh đang dao động lớn này. Thế nhưng, khi tỷ giá yen/đô la biến động lớn, thì mức ổn định “trung bình” này có thể củng cố được chừng nào cho một công ty ở Đông Nam Á phải nhập khẩu từ Nhật Bản và xuất khẩu đi Hoa Kỳ? Mức ổn định trung bình không bảo đảm sự ổn định của quan hệ tỷ giá ở cấp độ vi mô. Khi các tỷ giá hối đoái chính yếu lại vô cùng mất ổn định, thì các nước đang phát triển chẳng làm được gì nhiều với công cụ chính sách tỷ giá hối đoái nhằm loại trừ tác động. Trong cơn mưa bão cho dù bạn có sử dụng chiếc ô theo phương cách nào đi nữa, thì bạn cũng sẽ bị ướt đẫm.
Cho dù các nước châu Á thỉnh thoảng bị chỉ trích vì gắn tỷ giá với đồng đô la trước khi khủng hoảng, việc quản lý tỷ giá của họ thực sự không phải là không linh hoạt. Xét đến vai trò thống trị của đồng đô la trên thị trường quốc tế, mức độ thương mại của châu Á với Hoa Kỳ và khối dùng đồng đô la, và sự ổn định giá cả của Hoa Kỳ kể từ 1980, thì chẳng có gì là không hợp lý để các nước đang phát triển ở châu Á chọn đồng đô la làm chiếc neo tỷ giá. Dựa trên tiêu chuẩn đô la, những nước này vẫn điều chỉnh tỷ giá khi thỉnh thoảng bị tác động bởi những cú sốc tài chính trong nước và quốc tế, nhằm bảo đảm không bị tổn hại đáng kể về sức cạnh tranh chung của toàn nền kinh tế. Một khối đồng đô la mềm được thiết lập theo phương cách này có thể được đề xuất thành một hệ thống quản lý tỷ giá hối đoái kết hợp ổn định với linh hoạt.
Trong số NIEs4 (Hàn Quốc, Đài Loan, Hồng Kông và Singapore) và ASEAN4
(Malaysia, Thái Lan, Indonesia và Philippines), chỉ có Hồng Kông và Thái Lan giữ tỷ giá hối đoái của mình ổn định một cách nhất quán so với đồng đô la trong suốt giai đoạn trước khủng hoảng (trong tài liệu này được định nghĩa là từ 1990 đến tháng 6 năm 1997). Những đồng tiền khác đã đi lệch khỏi chế độ gắn chặc với đồng đô la từ trung hạn cho đến dài hạn thông qua tái điều chỉnh, trược giá theo lạm phát và nhượng bộ trước sức ép của thị trường. Tính toán tỷ giá hối đoái thực hiệu dụng (một chỉ số phổ biến nhất để đo lường sức cạnh tranh đã điều chỉnh khử lạm phát của một quốc gia) sử dụng giá cả tiêu dùng cho thấy rằng, trong giai đoạn trước khủng hoảng, Đài Loan, Hàn Quốc, Thái Lan, Indonesia và Malaysia đã duy trì đồng tiền của nước mình trong khoản cộng hoặc trừ 10 phần trăm so với mức trung bình có trọng số giữa các đồng tiền của Nhật, Mỹ và châu Âu tính theo giá trị thực (đương nhiên, có ghi nhận mức dao động cao hơn cho từng ngoại tệ một, đặc biệt là đồng yen). Ở Hồng Kông, Singapore và Philippines, đã phát hiện thấy xu thế đồng tiền tăng giá trị thực (sức cạnh tranh giảm) khi sử dụng giá cả tiêu dùng làm thước đo, cho dù đồng đô la Singapore đã ổn định về giá trị thực khi sử dụng giá bán buôn để tính toán.
Đồng baht của Thái đã tăng giá trước khi khủng hoảng, nhưng mức độ tăng giá trị thực chỉ có 9 phần trăm so với giai đoạn ổn định về sức cạnh tranh trong năm năm đầu của thập niên 1990. Ngược lại, đồng won của Hàn Quốc đã giảm giá trị thực (sức cạnh tranh tăng) trước khi khủng hoảng!
Trong một thế giới mà tỷ giá hối đoái giữa các ngoại tệ chính dao động lớn như
vậy, thì chẳng ai có thể tin được kịch bản rằng các đồng tiền châu Á có thể đã đạt được mức ổn định cao hơn về giá trị thực. Chúng ta hãy cùng đưa ra một giả định ngược thực tế rằng, trong giai đoạn trước khủng hoảng, mười nền kinh tế đang phát triển ở châu Á (NIEs4, ASEAN4, Trung Quốc và Việt Nam) đã gắn đồng tiền của mình với một sọt gồm đồng yen, đô la và ECU với trọng số phản ánh khối lượng trao đổi thương mại. Theo tính toán của tôi, chỉ có bốn nền kinh tế – Singapore, Hồng Kông, Đài Loan và Malaysia – có vẻ đã giữ ổn định sức cạnh tranh của mình (dựa trên giá tiêu dùng) so với mức thực tế,trong khi sáu nền kinh tế còn lại đã chịu nhiều bất ổn định hơn. Cho dù trọng số để tính tỷ giá được chọn bởi từng quốc gia riêng lẻ hay chung cho cả khu vực (về sau được gọi là kết hợp thả nổi), thì kết luận trên vẫn không thay đổi. Kết quả đáng ngạc nhiên này – sức cạnh tranh sẽ ổn định hơn dưới chế độ gắn tỷ giá với đồng đô la hơn là sọt ngoại tệ mạnh- có thể được giải thích bởi hai nhân tố. Thứ nhất, mỗi nước đã có sẵn chế độ quản lý tỷ giá linh hoạt ngay cả khi gắn với tiêu chuẩn đô la. Thứ hai, với những nước có lạm phát cao như Việt Nam, Trung Quốc và Philippines, cơ cấu của sọt ngoại tệ mạnh là ít quan trong hơn việc những nước này có phá giá đồng tiền một cách kịp thời khi cần thiết hay không.
Với nền kinh tế toàn cầu không ổn định, thì chẳng có “tập quán quốc tế tốt nhất” nào cả về quản lý tỷ giá hối đoái có thể áp dụng chung cho toàn thế giới các nước đang phát triển. Thật sự, bất kỳ hệ thống tỷ giá hối đoái nào có thể kết hợp ổn định với linh hoạt– kể cả thả nổi có quản lý, sọt ngoại tệ chính, cố định tăng từng nấc, gắn với đô la có điều chỉnh, v.v. – đều có thể chấp nhận. Vấn đề không phải là chọn hệ thống nào, mà làm cách nào quản lý hệ thống đã chọn một cách đúng đắn. Nhiều nước đang phát ở châu Á đã tiến hành các chính sách tỷ giá hối đoái đủ linh hoạt ngay cả trước khi bị khủng hoảng. Cải thiện chính sách là điều chắc chắn có thể làm được, nhưng thay đổi sẽ là từng bước chứ không phải triệt để. Nếu các quan chức quản lý chính sách tiền tệ nghĩ rằng họ sẽ có được sự ổn định tỷ giá cao hơn nhiều bằng cách đi theo một hệ thống hoàn toàn mới, thì họ sẽ gặp phải thất vọng.
Sự cam kết sớm đối với tự do thương mại
Các thành viên hiện nay của thế giới đã công nghiệp hóa (Nhật Bản, Hoa Kỳ, EU)
bao gồm những quốc gia đã thành công, kể từ cuối thế kỷ 18 và theo từng bước một, trong việc bắt kịp với những thành quả của Cách mạng Công nghiệp Anh. Trong tiến trình đó,điều rất phổ biến đối với một nước đang công nghiệp hóa đi sau là tạm thời bảo hộ thị trường của nước mình nhằm thúc đẩy các ngành công nghiệp trong nước và tạo ra các thiết chế mới. Các hệ thống thúc đẩy công nghiệp của chính phủ Nhật và Đức được nhiều người biết rõ. Ngay cả Hoa Kỳ, người mang nhãn hiệu kinh tế học thị trường, cũng đã áp dụng chính sách bảo hộ chống lại hàng hóa của Anh khi giành được độc lập về chính trị. Người Mỹ còn áp đặt thuế quan khắc nghiệt lên hàng tơ lụa nhập khẩu vào cuối thế kỷ thứ 19.
Trong tiến trình lịch sử lâu dài và năng động của công nghiệp hóa toàn cầu, bài
toán phát triển chúng ta gặp phải ngày hôm nay là “làm thế nào chúng ta có thể mở rộng cơ chế thị trường và cấy trồng những ngành công nghiệp hiện đại sang lớp kế tiếp gồm những quốc gia đang chờ đợi đến lượt mình (công nghiệp hóa hiện đại)”? Liệu những nước này có thành công bằng cách tự do hóa thương mại ngay tức thời hay không, một phương pháp mà chẳng có đàn anh đi trước nào đã áp dụng? Chúng ta phải nhớ rằng những quốc gia chưa công nghiệp hóa hiện nay đang bị đè nặng bởi một số hạn chế/khuyết tật. Di sản tiêu cực của chế độ thực dân trước đây thường được nêu lên, nhưng vấn đề nghiêm trọng hơn là những xã hội này thiếu các chuẩn bị để áp dụng nguyên tắc kinh tế thị trường.
Cộng đồng quốc tế hiện nay đang thúc ép những quốc gia này phải chấp nhận
thương mại tự do, bất luận họ đã sẵn sàng hay chưa. Tại những nước đang phát triển của châu Á, ba vòng tròn đồng tâm của những cam kết thương mại tự do cùng tồn tại: WTO (toàn cầu), APEC (châu Á-Thái bình Dương) và AFTA (nội bộ ASEAN). Mỗi quốc gia phải đưa ra một lịch/lộ trình chính thức về tự do thương mại thống nhất với những ràng buộc quốc tế đa phương này. Họ có thực sự làm nổi điều đó không? Chúng ta hãy xem xét Việt Nam như một ví dụ minh họa.
Việt Nam đã chịu đựng nhiều gian khổ do bên ngoài và do chính mình gây ra kể cả những cuộc chiến dai dẳng kế tiếp nhau, kinh tế kế hoạch hóa cứng nhắc và sự cô lập quốc tế. Đất nước này nằm ngoài sự năng động châu Á trong nhiều năm. Vào thập niên 1990, sau một thời gian dài cuối cùng nền kinh tế Việt Nam đã trỗi lên khỏi tình trạng trì trệ và bắt đầu tăng trưởng mạnh mẽ. Trong giai đoạn 1992-97, Việt Nam đạt được tốc độ tăng trưởng trung bình 8,9 phần trăm mỗi năm. Thành tích đầy ấn tượng này đã đạt được nhờ hai nhân tố: Đổi mới, tức là chính sách tự do hóa kinh tế và mở cửa đã được phê chuẩn vào giữa thập niên 1980, và những dòng vốn lớn bao gồm chủ yếu ODA và FDI khởi sự vào đầu thập niên 1990. Những mối liên kết thương mại và đầu tư đã nhanh chóng hội nhập Việt Nam với thế giới bên ngoài. Trong tiến trình này, nền kinh tế Việt Nam đã tăng trưởng với một tốc độ chưa từng có tiền lệ.
Tuy thế, tăng trưởng dựa trên tự do hóa và mở cửa ra thế giới bên ngoài là một
hiện tượng có tính tạm thời: nó không kéo dài mãi mãi. Vào đầu năm 1997 đã xuất hiện những dấu hiệu chững lại trong nền kinh tế. Giờ đây sự bùng nổ đầu tư ở Việt Nam đã qua đi và bong bóng nhà đất đã xì hơi, thì việc Việt Nam có thể duy trì tăng trưởng cao trong tương lai hay không là phụ thuộc vào phương cách mà Việt Nam sẽ đáp ứng trước các thách thức phát triển lâu dài như thúc đẩy công nghiệp và xây dựng thiết chế.
Tuy thế, trước khi Việt Nam có thể bắt đầu giải quyết những vấn đề cơ bản này, thì đã nảy sinh hai ràng buộc từ bên ngoài: vô số cam kết về thương mại tự do và tác động tiêu cực của khủng hoảng châu Á. Điều này có nghĩa là Việt Nam ngày hôm nay phải thực hiện chiến lược phát triển dài hạn của mình theo một cách thức thống nhất với những cam kết đã đưa ra về tự do thương mại trong khi phải tránh những rủi ro khủng hoảng tiền tệ và rối loạn tài chính. Nền kinh tế Việt Nam đã thu nhiều lợi ích từ sự hội nhập quốc tế nhanh chóng vào đầu thập niên 1990, nhưng gần đây hơn thì những rủi ro và ràng buộc của toàn cầu hóa mới bắt đầu lộ rõ.
Việt Nam gia nhập ASEAN vào năm 1995. Cũng vào thời gian đó và không thể
tránh khỏi, Việt Nam bắt đầu tham gia vào AFTA, chương trình tự do hóa thương mại đã bắt đầu tiến triển bên trong ASEAN. Mục đích chủ yếu của AFTA là cắt giảm thuế quan bên trong khu vực xuống còn 5 phần trăm hay thấp hơn trong vòng mười năm, và hạn chót đối với Việt Nam đã được ấn định là 2006. Tư cách thành viên chính thức trong ASEAN là một thành quả ngoại giao lớn đối với Việt Nam. Tuy thế, xét trên quan điểm kinh tế, các cam kết tự do thương mại đi kèm với tư cách thành viên có thể diễn biến thành một gánh nặng to lớn trên nền kinh tế Việt Nam.
Điều phải ghi nhận ở đây là nền kinh tế Việt Nam đang ở vào một giai đoạn phát
triển còn rất sớm, ngay cả so với tiêu chuẩn của ASEAN. Thu nhập bình quân đầu người 320 USD của Việt Nam (theo ước lượng của Ngân hàng Thế giới vào năm 1997) là thấp hơn quá nhiều so với của Malaysia (4.680 USD), Thái Lan (2.800 USD), Philippines (1.220 USD) hoặc của Indonesia (1.110 USD) – chứ chưa nói của Singapore (32.490 USD) đã trở thành một nền kinh tế tiên tiến. Cơ cấu xuất khẩu của những nước láng giềng ASEAN đã nhanh chóng dịch chuyển sang hàng chế biến công nghiệp. Tuy thế, hàng xuất khẩu chủ yếu của Việt Nam phần lớn vẫn là hàng hóa cơ bản như dầu thô, gạo, hải sản và cà phê. Hàng công nghiệp xuất khẩu duy nhất của Việt Nam, hàng may mặc và giày dép trên cơ sở hợp đồng gia công, lại hoàn toàn phụ thuộc vào công nghệ và vốn nước ngoài.
Bên trong nền kinh tế nội địa, nhiều vấn đề nghiêm trọng tiêu biểu của một quốc gia đi muộn đã lộ rõ: nghèo khổ theo số tuyệt đối, tiết kiệm thấp, thiếu cơ sở hạ tầng, khu vực tài chính sơ khai và một nền kinh tế thị trường kém phát triển.
Ở Việt Nam, một tỷ lớn của sản lượng công nghiệp được tính cho các doanh nghiệp nhà nước (SOE). Không nên diễn giải điều này là bằng chứng của hiệu năng của khu vực SOE; ngược lại, nó chỉ ra sự cực kỳ yếu kém của khu vực tư nhân. Hầu hết các SOE được bảo hộ bằng hàng rào nhập khẩu. Ngoại trừ các liên doanh với đối tác nước ngoài, các SOE được trang bị những máy móc xác xơ và chỉ có thể sản xuất ra các sản phẩm có chất lượng rất thấp. Rất ít doanh nghiệp có thể cạnh tranh ngang ngửa với hàng nhập khẩu từ các nước láng giềng. Nếu tự do hóa thương mại khu vực diễn tiến theo đúng lịch trình đã định, Việt Nam chắc chắn sẽ gặp phải tình trạng phá sản hàng loạt và thất nghiệp tràn lan.
Đối với các doanh nghiệp tư nhân, tình hình cũng chẳng tốt gì hơn. Nếu mức trần thuế quan được ấn định ở mức thấp 5 phần trăm trong tương lai, có người quan ngại rằng những ngành công nghiệp mới của tư nhân, được kỳ vọng là sẽ hỗ trợ sự phát triển của Việt Nam trong thế kỷ 21, có thể không vượt lên nổi. Thương mại tự do không gây tổn hại nhiều khi đất nước còn ở vào giai đoạn xuất khẩu hàng hóa cơ bản và sản xuất theo hợp động gia công. Nhưng liệu thương mại tự do có trở thành một ràng buộc níu chân khi Việt Nam sẵn sàng bước vào giai đoạn công nghiệp hóa tiếp theo hay không?
Tôi muốn nói thêm một vài lời nhằm tránh hiểu lầm. Tôi không muốn nói rằng các
nước đang phát triển không cần phải thực hiện chính sách thương mại tự do. Không thể chối cải được rằng thương mại tự do có những lợi ích to lớn. Sự cạnh tranh từ nước ngoài đổ vào sẽ loại bỏ những doanh nghiệp kém hiệu quả và buộc ngay cả những doanh nghiệp còn sống sót phải cải thiện hoạt động của mình. Nhưng tôi cho rằng vấn đề khó khăn to lớn là: chính phủ Việt Nam đã cam kết tự do hóa thương mại khu vực theo AFTA và chuẩn bị đàm phán gia nhập WTO (điều này có khả năng ràng buộc chính sách thương mại của Việt Nam nhiều hơn nữa) cho dù chính phủ chẳng có bất kỳ một tầm nhìn/hình ảnh chiến lược công nghiệp nào có tính toàn diện cụ thể và lâu dài, bất kỳ chiến lược nào để tái cơ cấu một cách hiệu quả các công ty, hoặc bất kỳ sự hiểu biết sâu sắc nào về việc thương mại tự do sẽ tác động như thế nào đến nền kinh tế và xã hội của đất nước.
Mặc dù tôi đã tập trung thảo luận vấn đề này với nhiều quan chức trong chính phủ Việt Nam và cũng đã phân tích lộ trình cắt giảm thuế quan mà Việt Nam đã nộp lên Hội đồng Thư ký ASEAN, nhưng vai trò của chính sách thương mại trong chiến lược phát triển chung vẫn còn không rõ ràng. Theo tình hình hiện nay, tự do hóa thương mại của Việt Nam là rất khác biệt với tự do hóa thương mại của Nhật Bản hồi thập niên 1960 có tính nối kết cao với chính sách thúc đẩy công nghiệp được xây dựng một cách cực kỳ kỹ lưỡng.
So với Nhật Bản trong những ngày đó, Việt Nam có ít thời gian, ít tự do và ít nguồn nhân lực hơn để thiết kế và thực hiện một cách hiệu quả các chính sách phát triển khi hội nhập với nền kinh tế toàn cầu. Có lẽ tôi lo ngại quá nhiều cho Việt Nam. Cho dù tôi có bi quan thì nền kinh tế Việt Nam vẫn có thể tiếp tục tăng trưởng mạnh mẽ trong tương lai. Nhưng tôi không thể không kinh ngạc nếu thương mại tự do được cam kết một cách chính trị, mà không hiểu biết đầy đủ các hậu quả kinh tế xã hội của nó, sẽ luôn luôn dẫn đến kết quả tốt.
Đưa thị trường đến với những quốc gia đi muộn
Đối với những nước không phải phương Tây kể cả Nhật Bản trong giai đoạn Meiji
(1868-1912) và những nước đang phát triển và đang chuyển đổi của thời đại hôm nay,phát triển kinh tế không phải là tiến trình nuôi dưỡng sự tăng trưởng tự định của năng lực sản xuất bên trong cơ cấu xã hội đặc thù và gắn liền với mỗi quốc gia. Ngược lại, nó là một tiến trình chạy đua để được kéo vào vành đai của hệ thống quốc tế tồn tại từ trước bằng cách điều chỉnh thích nghi với các giá trị, thiết chế và công nghệ của nước ngoài.
Trong một bài diễn văn nổi tiếng năm 1911, Soseki Natsume, một nhà văn nổi tiếng của Nhật, tuyên bố rằng “phát triển của phương Tây là nội sinh [phát sinh từ bên trong] còn phát triển của Nhật Bản là ngoại sinh [áp đặt từ bên ngoài vào]”. Khái niệm phát triển kinh tế có khả năng mang ý nghĩa rất rộng và rất đa dạng, nhưng ngày hôm nay nó đã trở thành đồng nghĩa với những thuật ngữ như chuyển sang cơ chế thị trường, Tây phương hóa, công nghiệp hóa, toàn cầu hóa, hiện đại hóa và bắt kịp với phương Tây. Hãy nghĩ về điều đó, nó là một tình trạng thật kỳ quặc. Nhưng đó là thực tế của thời đại chúng ta, cho dù sẽ tốt lên hay xấu đi.
Rất dễ cảm thông rằng những quốc gia đi muộn mong muốn chủ động “nhập khẩu”nền kinh tế thị trường; cũng chính vì chính phủ muốn nâng cao thu nhập quốc dân và mức sống của nhân dân. So sánh với các hệ thống kinh tế khác, chúng ta không thể nào nói rằng nền kinh tế thị trường là ưu việt hơn về văn hóa, đạo đức hay môi trường. Thậm chí còn có khả năng là nền kinh tế thị trường để lộ những yếu kém nghiêm trọng trong những lĩnh vực này. Không có gì bảo đảm rằng sự ra đời của các thị trường sẽ làm giàu thêm đời sống tâm linh của chúng ta. Tuy nhiên, từ góc cạnh vật chất của năng suất mở rộng khủng khiếp, và chỉ có từ góc cạnh này, nền kinh tế thị trường là ưu việt hơn bất kỳ hệ thống nào khác. Nền kinh tế thị trường có thể giải phóng sức mạnh kinh tế to lớn, nhất là khi nó được đi kèm bởi công nghiệp hóa và hội nhập toàn cầu.
Nền kinh tế thị trường toàn cầu xâm chiếm mọi góc cạnh của cuộc sống của chúng ta với sức mạnh không thể cưỡng lại được, và không một xã hội nào có thể thoát khỏi gọng kềm của nó. Duy trì sự độc lập kinh tế của mình để khỏi trở thành một bộ phận của cơn giông bảo này, vì mọi mục đích thực tiễn, là hầu như không thể nào làm được. Như đã chứng kiến ở Nhật Bản thời Minh Trị (Meiji) hay hiện nay ở những nền kinh tế trước đây là xã hội chủ nghĩa, đổi mới tất yếu đòi hỏi hội nhập với bên ngoài đồng thời thay đổi ở bên trong. Tuy thế, đối với những quốc gia đi muộn của ngày hôm nay, tiến trình hội nhập với bên ngoài mang nhiều rủi ro vì những lý do sau đây.
Thứ nhất, nếu hệ thống kinh tế được du nhập vào là không tương thích với cấu trúc cơ bản của xã hội, thì việc sáp nhập hai hệ thống này sẽ không thành công. Ngay cả trong trường hợp có thể sáp nhập về hệ thống, thì cũng cần phải có nhiều điều chỉnh đối với cả xã hội trong nước lẫn hệ thống được du nhập vào. Xã hội của mọi quốc gia đang phát triển đều không phải là một khung vải trống để có thể dễ dàng vẽ nền kinh tế thị trường lên đó.
Mỗi xã hội đều có một cấu trúc đặc thù và phức tạp với nhiều tầng/lớp các yếu tố lịch sử được tô vẽ chồng lên nhau. Chúng ta không thể kỳ vọng rằng các thiết chế mới của phương Tây như hợp đồng kinh doanh và các thị trường cổ phiếu/vốn chủ sở hữu sẽ luôn luôn được hấp thu vào cấu trúc hệ thống hiện hữu và sẽ nhanh chóng bắt đầu vận hành như chủ định. Cơ quan duy nhất có thể quản lý với đầy đủ trách nhiệm tiến trình hòa nhập phức tạp này là chính quyền trung ương của quốc gia đó.
Thứ hai, nền kinh tế toàn cầu mà những quốc gia đi muộn đang cố gắng hội nhập vào là một con đường rất gồ ghề ngày hôm nay. Không cần phải nói, thị trường tự do không điều tiết là tự thân nó không ổn định. Mặc dù hệ thống thị trường góp phần cải thiện hiệu năng và đẩy nhanh tăng trưởng, chúng ta không thể nào bỏ lơ các tác động không đáng mong muốn của nó về gia tăng sự mất ổn định và mở rộng hố cách giữa người giàu và người nghèo. Thị trường luôn luôn cần phải được điều tiết bởi luật lệ xã hội phù hợp.
Đáng tiếc trong nền kinh tế thế giới ngày hôm nay, sự tôn thờ kinh tế học thị trường hoàn toàn tự do (laissez-faire) như một ý thức hệ đã cởi trói hoàn toàn cho tính mất ổn định tiềm tàng của nền kinh tế toàn cầu. Nếu nền kinh tế toàn cầu có tính mất ổn định cao, thì những quốc gia đi muộn chẳng còn làm được gì nhiều để có thể hoàn toàn tự cách ly mình trước những cú sốc ngoại sinh. Thực sự, trong một môi trường như thế một sai lầm nhỏ về chính sách sẽ bị khuyếch đại rất lớn – thay vì cân đối loại trừ – và ngay cả đe dọa chính sự tồn tại của xã hội đó.
Thứ ba, về phía chính phủ năng lực là rất hạn chế. Một mặt, chính phủ của một
quốc gia đi muộn được giao phó nhiều trọng trách, kể cả việc triển khai suông sẽ nền kinh tế thị trường và quản lý tiến trình hội nhập quốc tế với những nguy cơ tiềm ẩn. Mặt khác,như mọi người đều biết, chính phủ có những yếu kém của chính mình cần phải khắc phục như đào tạo kém, tham nhũng, bè phái, kém hiệu năng, xung đột chính trị, áp lực từ các nhóm có quyền lợi riêng, lạm dụng quyền lực và bệnh hành chính cứng nhắc. Tình trạng giống như bác sĩ phải chửa bệnh cho bệnh nhân trong khi chính mình lại bệnh hoạn. Đáng tiếc, điều rất thường thấy là chính phủ ở một quốc gia đang phát triển hay đang chuyển đổi thiếu năng lực để thiết kế và thực hiện các chính sách phát triển một cách có hiệu quả. Rõ ràng, cải thiện năng lực thiết chế của chính phủ là điều kiện tiên quyết cho phát triển kinh tế.
Trong bối cảnh đó, một điều kiện cực kỳ quan trọng để khắc phục những khó khăn này là chính phủ phải duy trì năng lực bảo vệ bản sắc và tính kế thừa liên tục của xã hội nước mình khi hội nhập vào nền kinh tế thế giới. Không-hội nhập không còn là một chọn lựa chính sách nữa. Nhưng khi một quốc gia đi muộn hội nhập, thì quyền quyết định nên du nhập hệ thống nước ngoài nào, du nhập chúng theo trình tự nào, vận dụng chúng như thế nào, xã hội phải điều chỉnh như thế nào để tiếp thu chúng, giải quyết như thế nào những cọ xát xã hội có thể xảy ra, và v.v., cuối cùng cần phải trao vào tay của chính phủ nước đó. Chắc chắn áp lực từ bên ngoài cũng sẽ đóng một vai trò, nhưng không nên áp đặt các hệ thống nước ngoài một cách đơn phương. Phía tiếp nhận những hệ thống này cần phải có quyết tâm và trách nhiệm để quản lý tiến trình tự do hóa và hội nhập với bên ngoài. Nói cách khác, chính phủ của một quốc gia đi muộn phải “làm chủ” tiến trình hội nhập của mình như các định chế tài chính quốc tế vẫn nêu lên. Đây là chìa khóa quyết định thành công hay thất bại của công cuộc đồng thời chuyển đổi hệ thống lẫn hội nhập quốc tế.
Keiji Maegawa, nhà nhân chủng học kinh tế, gọi tiến trình tiếp nhận các hệ thống
quốc tế mà không đánh mất bản sắc của chính mình là “sự thích ứng có tính chuyển đổi”. Nhìn từ bên ngoài, sự chuyển đổi hệ thống có thể mang dáng vẽ như tiến trình một nước nhỏ đang bị hấp thu vào nền kinh tế thị trường toàn cầu mạnh mẽ;nhưng nếu quốc gia đó có thể gìn giữ bản sắc của chính mình và tính kế thừa liên tục, thì tiến trình này không phải là một sự cúi đầu thụ động. Nền văn hóa kém cỏi có thể sẽ bị nuốt chửng bởi một nền văn hóa ưu việt hơn thực sự sẽ trở thành người thuyền trưởng trong tiến trình này, vận dụng các hệ thống nước ngoài một cách phù hợp theo nhu cầu của mình và gìn giữ bản sắc của xã hội mình. Đối tượng của sáp nhập hệ thống lại trở thành chủ thể. Cho dù Soseki than vãng rằng phát triển của Nhật Bản là do áp đặt từ bên ngoài,chúng tôi vẫn có thể tranh luận rằng nước Nhật kể từ thời Minh Trị Phục hưng tạo ra một ví dụ thành công nổi bật cho sự thích ứng có tính chuyển đổi bởi một quốc gia không phải phương Tây.
Điều tôi lo sợ là áp lực tăng cường của nước ngoài đòi tự do hóa và hội nhập trong thập niên 1990 có thể đã cướp đi từ các quốc gia đi muộn khả năng kiểm soát vận mệnh của chính mình. Quyền quyết định nội dung cũng như thời điểm của những chính sách then chốt – như luật pháp, đổi mới chính trị, chính sách lao động, bảo vệ môi trường, tư nhân hóa/cổ phần hóa, tự do hóa thương mại, chính sách FDI (đầu tư trực tiếp của nước ngoài), tự do hóa tài chính, quản lý tỷ giá hối đoái và v.v. – đang dần dần chuyển từ tay của chính phủ trong nước sang các định chế và cộng đồng tài trợ quốc tế. Hơn thế nữa,những cải tổ do các nhóm nước ngoài đòi hỏi thường có tính đồng nhất cao, chẳng chú ý gì đến giai đoạn phát triển hay năng lực thiết chế của chính phủ ở từng quốc gia. Hậu quả là,những quốc gia chưa được chuẩn bị để tiếp nhận các hệ thống nước ngoài bị chúi đầu vào rối loạn và khủng hoảng.
Trong sự lây lan của cuộc khủng hoảng tiền tệ châu Á, Malaysia đã tiến hành
chính sách kiểm soát ngoại hối mới và một hệ thống tỷ giá hối đoái cố định vào tháng 9 năm 1998. Điều này đi lệch khỏi nguyên tắc thị trường tự do và, chẳng có gì ngạc nhiên,các nước phương Tây và các tổ chức quốc tế đã chỉ trích mạnh mẽ đường hướng chính sách này. Tuy nhiên, và chưa kể đến chủ định chính trị của Thủ Tướng Mahatir, những biện pháp ngắn hạn này không thể được xem là bất thường dù đứng trên quan điểm kinh tế học thuần túy. Hoàn toàn hợp tự nhiên khi các quốc gia muốn tự bảo vệ mình trước các thị trường hổn mang và giành lại quyền kiểm soát kinh tế. Sẽ là vô trách nhiệm nếu khuyên những quốc gia đi muộn chưa chuẩn bị phải nhảy ngay vào nền kinh tế thị trường toàn cầu khi nó đang biến động cao như hiện nay. Điều cần làm là cải tổ nền kinh tế thế giới, cho phép mở ra những lối thoát hiểm. Một số người gọi cuộc khủng hoảng châu Á là “khủng hoảng kiểu thế kỷ 21”, nhưng tại sao chúng ta lại không nỗ lực tạo ra các luật chơi để tránh việc tái diễn các khủng hoảng tương tự trong nhiều năm còn lại của thế kỷ này?
Hướng đến hội nhập không khủng hoảng
Cuộc tranh luận về toàn cầu hóa thường mang dáng vẻ một bên là sự sùng tín đối với nền kinh tế thị trường kiểu Mỹ và một bên là sự phản kháng mang tính cảm xúc. Cứ mỗi lần có một sự kiện lớn trong nền kinh tế toàn cầu – như việc chuyển đổi hệ thống của khối Xô viết cũ hay cuộc khủng hoảng châu Á – xảy ra, thì hai quan điểm này càng phân cực nhiều hơn thay vì hội tụ. Quan điểm thứ nhất cho rằng các thị trường phải được triển khai một cách toàn diện để khắc phục cuộc khủng hoảng trong khi quan điểm thứ hai nguyền rủa các thay đổi hệ thống do bên ngoài áp đặt. Đây là một tình huống thật đáng tiếc. Cảm nhận thông thường cho chúng ta biết rằng chân lý nằm đâu đó giữa hai quan điểm cực đoan này. Cuộc tranh luận vô bỗ về ý thức hệ mang màu sắc xúc cảm phải được thay thế bởi những cuộc thảo luận theo định hướng chính sách đánh giá các chọn lựa thực tiễn khác nhau.
Tất cả những gì tôi có thể nói với IMF và chính phủ Mỹ, dường như họ tin tưởng
vững chắc vào những lý tưởng giáo điều về thị trường, là họ nên trở lại càng sớm càng tốt với cảm nhận thông thường và tính linh hoạt của trí tuệ. Tuy nhiên, có thể thông cảm rằng khó để các đại gia đang ở vị trí trung tâm của nền kinh tế thế giới phải đánh giá lại hệ thống của chính mình trong một sự soi sáng tương đối. Sáng kiến trí tuệ kiểu này do đó phải xuất phát chủ yếu từ nhóm các quốc gia đi muộn. Với vị thế đặc thù về lịch sử, vừa là một nền kinh tế công nghiệp vừa là một quốc gia đi muộn không phải phương Tây, Nhật Bản nên đặc biệt tích cực đón nhận thách thức về trí tuệ này.
Mọi quốc gia đều phải thích ứng với các giá trị và hệ thống trung tâm của kỷ
nguyên này. Phát triển chắc chắn sẽ thất bại nếu quốc gia từ chối làm ăn với nền kinh tế thị trường toàn cầu. Tuy thế, cũng sẽ không kém phần sai trái nếu thúc ép một quốc gia chưa chuẩn bị phải hội nhập với nền kinh tế thế giới. Vấn đề không phải là toàn cầu hóa tự riêng nó mà nằm ở chỗ nó được tiến hành như thế nào. Hội nhập quốc tế có tính cưỡng bức và đồng nhất được áp đặt lên tất cả mọi quốc gia bất kể có vị thế khác nhau trong nền kinh tế thế giới hoặc giai đoạn phát triển khác nhau cần phải được chận đứng, nhất là khi mà nền kinh tế toàn cầu thiếu tính ổn định.
Trong thập niên 1990, những ưu điểm của kinh tế thị trường và hội nhập quốc tế rõ ràng được đề cao quá đáng. Đã đến lúc chúng ta phải giành lại sự thăng bằng, điều chỉnh không cho con lắc dao động quá xa. Chúng ta phải xây dựng các chính sách cụ thể khai thác các ưu điểm của kinh tế thị trường và khống chế các nhược điểm của nó. Áp lực đòi các quốc gia đi muộn hội nhập phải đi kèm với cải tổ nền kinh tế thế giới để các quốc gia có thể hội nhập mà không bị tổn hại nghiêm trọng.
Để đạt mục đích này, tôi xin đề xuất hai nguyên tắc sau đây.
Thứ nhất, thay vì đồng nhất, luật lệ quốc tế về tự do hóa và hội nhập phải có tính đa dạng, phản ánh sự khác nhau giữa các quốc gia về vị thế, giai đoạn phát triển và năng lực thiết chế. Đặc biệt, những quốc gia đi muộn cần có quyền tự do hội nhập vào nền kinh tế thế giới dần dần và theo từng bước, thay vì đột biến hay liệu pháp sốc. Cần có tiêu chí khác nhau về hành vi ứng xử tốt trong kinh tế giữa các nước phát triển và các nước đang phát triển, và tương tự thế cần có luật lệ đa dạng giữa các nhóm quốc gia đang phát triển khác nhau. Người nước ngoài nên kiên nhẫn đủ để cho phép mỗi quốc gia xây dựng con đường “thích ứng có tính chuyển đổi” của riêng mình trong một khoản thời gian dài, chứ không nên đòi hỏi đổi mới thiết chế nhanh chóng với những điều kiện ràng buộc chính sách được áp đặt một cách đơn phương.
Thứ hai, các nỗ lực nhằm ổn định hóa nền kinh tế toàn cầu – nhất là lĩnh vực tài chính – là tuyệt đối cần thiết. Một cách để làm điều này là theo dõi và điều tiết các dòng vốn tư nhân. Chúng ta phải vượt xa hơn cuộc tranh luận lý thuyết về kiểm soát vốn là điều đáng mong muốn hay là tai hại nói chung; thay vào đó, các phương pháp kiểm soát vốn khác nhau cần phải được đánh giá một cách thực dụng về tính hiệu quả và khả thi của chúng. Một vấn đề cực kỳ quan trọng khác là phải cải tổ hệ thống tiền tệ quốc tế hiện nay,vẫn dựa trên chế độ thả nổi các đồng tiền lớn kể từ thập niên 1970. Chỉ cần ổn định một phần những đồng tiền này cũng sẽ cải thiện đáng kể nền kinh tế thế giới. Đặc biệt, một tỷ giá yen/đô la ổn định hơn sẽ mang lại lợi ích cao cho Nhật Bản cũng như châu Á đang phát triển. Trên lĩnh vực thương mại, việc lạm dụng quá mạnh đàm phán thương mại song phương và luật chống bán phá giá cần phải được khống chế, và cần phải giao cho WTO quyền giải quyết tất cả các tranh chấp thương mại.
Một khi cả hai điều kiện này – đa dạng luật lệ về hội nhập và ổn định nền kinh tế thế giới – được thực hiện, và chỉ khi đó, các quốc gia đi muộn mới có được cơ hội để đẩy nhanh hội nhập với bên ngoài mà không rước lấy khủng hoảng. Đề nghị của tôi về xúc tiến toàn cầu hóa tương đương với tạo ra một môi trường tốt hơn cho hội nhập chứ không phải bắt các quốc gia đi muộn phải khuất phục bằng sức mạnh. Sự phát triển lành mạnh lâu dài của nền kinh tế thế giới sẽ đạt được kết quả tốt hơn nếu ngày hôm nay chúng ta kiên nhẫn nhiều hơn, chứ không phải là ít hơn. Đây là thông điệp mà tôi mong muốn gởi đến những người đã soạn ra các điều kiện ràng buộc ngặt nghèo đối với các nước bị khủng hoảng.
(Nozomi sưu tầm và biên tập),rút trong cuốn Tăng trưởng Đông Á và chiến lược viện trợ của Nhật Bản (tác giả Kenichi Ohno )