Qúa trình cải tổ kinh tế của Nhật Bản bắt đầu có hiệu quả


Tập san Người Quan sát của Trung tâm Đông-Tây mới đây đã đánh giá cao quá trình cải cách cơ cấu kinh tế của Nhật Bản và cho rằng quá trình cải tổ kiên trì cơ cấu công nghiệp và thể chế của Nhật Bản bắt đầu mở ra triển vọng đáng lạc quan của nền kinh tế suy thoái suốt hơn một thập kỷ qua của Nhật Bản.


Theo tập san này, trong nhiều năm qua, Nhật Bản đã tiến hành cải tổ kiên trì trong các lĩnh vực quản lý công ty, cơ cấu nợ xấu của các ngân hàng, cơ cấu công nghiệp và giải quyết có hiệu quả tình trạng giảm phát (giá hàng hóa và dịch vụ giảm). Để tránh các vụ tai tiếng của các công ty, Nhật Bản đã thực hiện một loạt các thay đổi nhỏ về quản lý công ty và những thay đổi nhỏ này đã có tác động lớn đên cơ cấu quản lý của các công ty Nhật Bản, tạo ra một môi trường pháp lý đối với hoạt động của các công ty hoàn toàn khác với môi trường năm 1980. Các công ty buộc phải công khai nhiều thông tin hơn về hoạt động kinh doanh, các cổ đông có tiếng nói mạnh hơn trong việc quản lý công ty và ảnh hưởng của các tổ chức mafia Nhật Bản đổi với các hội nghị của các công ty đã giảm mạnh.
Sumner La Croix, nhà nghiên cứu cao cấp của Trung tâm Đông-Tây chuyên về nền kinh tế Nhật Bản cho rằng các cải tổ của Nhật Bản diễn ra chậm chạp trong nhiều lĩnh vực quan trọng song có kết quả. Nợ xấu của các ngân hàng Nhật Bản đã được thanh toán 20 -25% trong năm 2002 và 20% nữa trong năm 2003. Nếu tiến triển này vẫn tiếp tục, hệ thống tài chính Nhật Bản sẽ trở nên hùng mạnh đủ sức thúc đẩy tăng trưởng cao của nền kinh tế nước này trong tương lai. Các cải tổ quan trọng trong cơ cấu công ty của Nhật trong các ngành công nghiệp then chốt đã trở thành nhân tố chủ yếu thúc đẩy sự phục hồi mới đây và mở ra các triển vọng tăng trưởng tương lai của nền kinh tế nước này. Nhiều ngành công nghiệp đã được cải tổ hoàn toàn ngành thép là một bằng chứng rõ ràng về cải tổ cơ cấu thành công. Ngành công nghiệp này vượt qua được những thua lỗ và gánh nặng về quá dư thừa công suất và quá đông nhân viên của những năm cuối thập kỷ 90 của thế kỷ 20 và nay đã thực sự phục hồi nhờ các biện pháp cải tổ cơ cấu bao gồm sáp nhập, đóng cửa các nhà máy, đầu tư vào các công nghệ mới và giảm lực lượng lao động. Các công ty hiện nay của ngành thép Nhật Bản đang có sức cạnh tranh rất cao theo tiêu chuẩn toàn cầu.
Sumner La Croix lưu ý rằng phương Tây không nhận biết được những cải tổ nhỏ nhưng có hiệu quả của Nhật Bản vì thường có xu hướng tập trung chú ý vào những sự kiện lớn và những phản ứng lớn đối với những sự kiện lớn này. Quốc hội Mỹ phản ứng trước các vụ khủng hoảng công ty như Enron bằng cách thông qua luật cải tổ rất quy mô nhưng không hiệu quả. Cải tổ cơ cấu công ty cũng là chủ đề hóc búa để phát hiện và phân tích nên các phương tiện thông tin đại chúng thường tập trung phân tích những thay đổi trong chính sách của chính phủ. Nhật Bản đã tiến hành lặng lẽ nhưng hiệu quả các cải tổ trong tổ chức các công ty và các ngành công nghiệp then chốt của họ.
Tuy nhiên, Sumner La Croix cảnh báo rằng nhiều khó khăn chính trị đang đặt ra trước thủ tướng Nhật Bản Koizumi vì đảng Dân chủ Tự do của ông tuy được tái cử nhưng đã mất nhiều ghế ở hạ nghị viện. Những khó khăn chính trị này có thể không chấm dứt được các biện pháp cải tổ mà ông đang theo đuổi nhưng có thể tác động không nhỏ làm chậm hoặc cản trở triển trình cải cách.

Theo: TTXVN tại NewYork