Sinh viên Nhật “sưu tầm” rác biển


Là một quốc gia được bao bọc hoàn toàn bởi đại dương với hơn 30.000 km đường bờ biển, Nhật Bản thường xuyên gặp phải những con sóng lớn ập đến, đồng thời chúng mang theo hàng loạt thứ rác thải từ ngoài đại dương. Tuy nhiên, nhiều người lại nhận thấy đó thực sự là một kho báu vô giá. Cũng chính từ đó xuất hiện một niềm đam mê mới và đang ngày càng phổ biến ở đất nước mặt trời này – sưu tầm các đồ vật thải trên bờ biển.

Cách đây hơn 35 năm, ông Tadash Ishi, khi đó là GV một trường trung học thực sự bị lôi cuốn bởi những chiếc vỏ sò, xương rùa… mà ông thu lượm được trong vài lần đi dạo trên thành phố biển quê hương ở đảo Kyushu. Sự say mê đó lớn đến nỗi hàng ngày dù mưa hay nắng ông đều đi dạo trên bãi biển lượm nhặt tất cả mọi thứ, từ những chiếc bút chì cho đến chiếc trống cổ bằng gỗ. Ông thực sự tò mò bởi sự huyền bí của chúng với những câu hỏi như “làm thế nào và tại sao chúng lại có mặt ở đây?”. Giờ đây, ông đã 65 tuổi nhưng niềm đam mê của ông vẫn không hề giảm, và thú vui này đang ngày càng được hưởng ứng ở Nhật Bản.

Trước sự gia tăng của số người có cùng niềm đam mê này, vào tháng 11 năm 2001, Tadash Ishi cùng với giáo sư Hiroki Nakanishi, thuộc trường ĐH Nagashaki đã thành lập Hiệp hội những người sưu tầm các đồ vật trên bãi biển. Giờ đây, hiệp hội đã có hơn 500 thành viên chính thức và người muốn đăng ký tham gia vào hội đang tăng lên nhanh chóng. Hoạt động của hội được hợp pháp hoá và được các tổ chức khoa học và môi trường tích cực giúp đỡ. Tháng 10 năm 2002, ông Ishi đã mở một viện bảo tàng nhỏ ngay cạnh nhà mình trưng bày hơn 10.000 đồ vật mà ông đã thu lượm được trong hơn 35 năm qua. Từ khi mở bảo tàng cho đến nay, có hàng nghìn người đến xem và muốn được chia sẻ niềm đam mê với ông. Trước đó, ông phối hợp với giáo sư Hiroki Nakanishi xuất bản một cuốn bách khoa toàn thư về các đồ vật thu lượm được trong hơn 35 năm qua. Từ khi mở bảo tàng cho đến nay có hàng nghìn người đến xem và muốn được chia sẻ niềm đam mê với ông. Ông cho biết: “Từ những thứ mà chúng tôi thu lượm được, có thể hiểu biết hơn về các vấn đề sinh thái, văn hoá, chính trị ở những nơi khác. Chúng gợi lên cho những người có niềm đam mê này sự tò mò về nguồn gốc của các đồ vật mà họ thu lượm được”. Chỉ riêng tại đảo Kyushu, theo như đội bảo vệ bờ biển, chỉ riêng tháng tám năm 2002 đã thống kê được hơn 10.000 SV, HS tham gia thu lượm các đồ vật trên bãi biển với số lượng thu được là hơn 30.000 kg. Trên các hòn đảo khắp Nhật Bản, các cuộc thu lượm tương tự như vậy được tổ chức ngày càng nhiều và thu hút ngày càng đông người tham gia đặc biệt là SV.

Điều đáng nói là đằng sau niềm đam mê này đó là sự say mê học hỏi và tìm tòi của người Nhật. Thông qua việc thu lượm các thứ rác trên bãi biển mà hình thành nên ý thức về bảo vệ môi trường ở SV, HS.

Theo báo Giáo dục và Thời đại