Thủ tướng Phan Văn Khải đi dự Hội nghị tương lai châu Á


Chiều 1/6, Thủ tướng Phan Văn Khải dẫn đầu Đoàn đại biểu Chính phủ Việt Nam đã rời Hà Nội, đi dự Hội nghị quốc tế tương lai châu Á lần thứ X, tổ chức tại Tokyo. Tham gia đoàn có Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Võ Hồng Phúc, Thứ trưởng thường trực Bộ Ngoại giao Lê Công Phụng, Thứ trưởng Bộ Thương mại Mai Văn Dâu và Đại sứ Việt Nam tại Nhật Bản Chu Tuấn Cáp.


Hội nghị sẽ khai mạc vào ngày 3/6 tới với chủ đề “Đặt nền móng hội nhập khu vực châu Á”. Theo chương trình, từ ngày 2 đến 5/6, Thủ tướng Phan Văn Khải sẽ tham dự hội nghị, và kết hợp thăm, làm việc tại Nhật Bản.

Hội nghị này là dịp các nhà lãnh đạo quốc gia, các vị đại diện chính phủ, các học giả và chuyên gia kinh tế giới thiệu những thế mạnh của đất nước mình và tìm kiếm khả năng hợp tác trong quá trình hội nhập, phù hợp với xu thế mở hiện nay.

Các kỳ hội nghị “Tương lai châu Á” trước đây đã đặc biệt nhấn mạnh tới lịch sử hợp tác và triển vọng quan hệ song phương giữa Nhật Bản với các nước ASEAN. Trên thực tế, từ nhiều năm qua, Nhật Bản đã rất coi trọng những thành tựu kinh tế và tính năng động của khu vực Đông Nam Á.

Hội nghị đặc biệt thượng đỉnh ASEAN – Nhật Bản họp trong hai ngày 11 và 12-12-2003 đã cho thấy sự tiến triển của mối quan hệ này với việc thông qua “Tuyên bố Tokyo vì một quan hệ đối tác ASEAN – Nhật Bản năng động và bền vững trong thiên niên kỷ mới” và đề ra “Chương trình hành động” nhằm sinh động hóa những cam kết đã đạt được. Nhật Bản cũng đã cam kết dành ưu tiên ở mức độ cao đối với quá trình phát triển kinh tế và hội nhập của các nước ASEAN.

Trong chương trình hành động, Nhật Bản nhấn mạnh tới việc hợp tác kinh tế toàn diện, tăng cường phối hợp trong lĩnh vực tài chính và tiền tệ, củng cố cơ sở cho sự phát triển kinh tế và phồn vinh, đẩy mạnh hợp tác chính trị và bảo đảm an ninh, tạo điều kiện thuận lợi để thúc đẩy giao lưu và đào tạo nguồn nhân lực.

Thủ tướng Nhật Bản Junichiro Koizumi đã kêu gọi sự hợp tác giữa đôi bên trên tinh thần đối tác thẳng thắn theo phương châm “cùng hành động, cùng tiến bước” hướng tới việc thành lập Khối cộng đồng hợp tác kinh tế trong khu vực.

Trong tổng kim ngạch viện trợ ODA của Nhật Bản đối với các nước trên thế giới, viện trợ ODA dành cho các nước ASEAN đã chiếm tới 60%, trong khi tỷ trọng viện trợ ODA của Hoa Kỳ đối với các nước Đông Nam Á chỉ ở mức dưới 9% tổng kim ngạch viện trợ quốc tế.

Với Việt Nam, Nhật Bản vẫn luôn dành khoản viện trợ ODA ở mức ổn định. Năm tài chính 2003 (kết thúc ngày 31-3-2004), Nhật Bản đã dành cho Việt Nam 79,33 tỷ yên viện trợ và tính từ đầu những năm 90 đến nay, Nhật Bản đã cấp vốn vay cho Việt Nam tổng cộng gần 885 tỷ yên (tương đương tám tỷ USD) thông qua 87 hiệp định.

Việc hai nước Việt Nam – Nhật Bản lần đầu tiên ký kết “Hiệp định khuyến khích và bảo hộ đầu tư” cuối năm 2003 đã tạo tiền đề thúc đẩy thêm một bước sự hợp tác kinh tế song phương và đem lại cơ hội cũng như triển vọng hợp tác mạnh mẽ hơn cho các nhà doanh nghiệp hai nước.

Trong bối cảnh các nước đang chứng kiến sự trỗi dậy của một số nền kinh tế và xuất hiện nhiều sáng kiến hợp tác mới, với quyết tâm chính trị của các nhà lãnh đạo hai nước, thành quả hợp tác song phương Việt Nam – Nhật Bản đã và sẽ góp phần quan trọng vào sự thịnh vượng chung một trong những yếu tố có ý nghĩa sâu xa và mang tính quyết định trong việc tạo nên sự ổn định bền vững của châu lục…

Dẫn tin của TTXVN