Tính tương phản trong nền văn hóa và văn học Nhật Bản


Trong danh sách 10 nền văn hoá hàng đầu của thế giới có nền văn hoá Nhật Bản. Những gì tuyệt vời mà nền văn hoá này cống hiến cho nhân loại không chỉ là 5 trong số 8 môn võ phổ cập toàn thế giới, không chỉ trà đạo hay nghệ thuật cắm hoa,…; mà còn là một nền văn học thành văn với chiều dài lịch sử chỉ đứng thứ nhì sau Trung Quốc. Văn hoá Nhật Bản được biết đến nhiều với tính Thiền, như một mạch nguồn xuyên suốt trong tất cả các lĩnh vực, rõ nét nhất là văn học. Ở một góc nhìn khác, nền văn hoá nói chung và văn học Nhật nói riêng còn thể hiện nổi bật tính tương phản.


Ngay từ những năm 40 của thế kỷ XX, Ruth Benedict, nhà dân tộc học người Mỹ, theo yêu cầu của cơ quan thông tin chiến tranh Mỹ, đã nghiên cứu tâm lý Nhật Bản và phát hiện, gói gọn chân dung văn hóa đất nước nữ thần mặt trời Amaterasu chỉ trong nhan đề công trình nổi tiếng của bà: Hoa cúc và thanh kiếm. Hữu Ngọc, nhà văn hóa học Việt Nam, trong Chân dung văn hóa đất nước mặt trời mọc, cũng nhận xét: “Người Nhật có thể thưởng thức vẻ đẹp mong manh của hoa anh đào và ánh thép sắc lạnh người của thanh bảo kiếm”. Đó là sự tương phản, và những nhà Nhật Bản học khác trên thế giới cũng thống nhất rằng: sự tương phản được coi là đặc sắc của văn hóa Nhật Bản và khó có thể tìm thấy rõ rệt trong một nền văn hóa nào khác. Chúng ta biết đến một nền văn hóa Nhật Bản tinh tế với trà đạo (Shado), nghệ thuật cắm hoa (Ikebana), nghệ thuật viết chữ (Shodo), lễ hội ngắm hoa anh đào (Hanami).v.v… Nhưng chúng ta cũng chứng kiến sự dữ dội của nền văn hóa này qua kiếm đạo (Kendo), truyền thống võ sĩ đạo (Bushido), nghi thức mổ bụng tự sát (Sappuku) của các Samurai, tục người già dời vào núi để giảm gánh nặng cho con cái, những đội phi công Thần Phong (Kamikaze) cảm tử trong Thế chiến II.v.v…

Nguyên nhân của sự tương phản trong văn hóa và tính cách Nhật Bản đã được lý giải bằng: những yếu tố địa lý (thiên nhiên tươi đẹp nhưng khắc nghiệt, sự thay đổi mùa rõ rệt, quốc đảo xa cách đất liền); những yếu tố lịch sử (những giai đoạn mở cửa ồ ạt và đóng cửa triệt để trong lịch sử, những cuộc nội chiến liên miên giữa các dòng họ); những yếu tố xã hội (tín ngưỡng, tôn giáo bản địa).v.v….

Văn học Nhật Bản, theo vận động của dòng sông văn hóa Nhật Bản, cũng biểu hiện sự tương phản gay gắt.
Thứ nhất, nhìn tổng quan văn học viết Nhật Bản có chiều dài lịch sử đứng thứ nhì thế giới sau văn học Trung Quốc. Lịch sử văn học Nhật Bản cho thấy sự khẳng định cá tính về thơ với thi tuyển Vạn diệp tập (Manyoshu) từ thế kỷ VIII, khẳng định cá tính về tiểu thuyết với Truyện kể Genji (Genji monogatari), được coi là tiểu thuyết đầu tiên của thế giới, từ thế kỷ XI. Trước đó đã có hàng ngàn sử thi, truyện kể khác… Nhưng tận cuối thế kỷ XIX những tác phẩm đầu tiên mới được dịch xuất bản ở nước ngoài và phải đến đầu thế kỷ XX đặc sắc của nền văn học này mới được các học giả phương Tây chú ý.
Thứ hai, sự tương phản về thể loại trong văn học Nhật Bản minh chứng qua những monogatari (trường thiên tiểu thuyết-truyện) vào loại dài nhất thế giới gồm hàng trăm cuốn bên cạnh những thể thơ ngắn nhất thế giới, như thể Haiku hiện vẫn thịnh hành chỉ gồm 17 âm trong 3 câu 5+7+5; những vở kịch No âm thầm, suy tưởng nặng nề về cõi âm và thấm đẫm tư tưởng Phật giáo của tầng lớp võ sĩ đạo và qúy tộc bên cạnh những vở kịch Kabuki bình dân, chủ yếu để mua vui dành cho thương nhân, kỹ nữ…
Thứ ba, các thời đại văn hóa tương phản kế cận nhau đã in bóng trong các thời đại văn học. Văn học trữ tình, tinh tế của các nữ sĩ mô tả cuộc sống cung đình xa hoa, bình an thời Heian (thế kỷ VIII-XII) hoàn thành sứ mệnh lịch sử của mình nhường chỗ cho văn học nam nhi thượng võ mô tả “những cuộc nội chiến, những võ sĩ đạo, những truyện kể về một chị Hằng mờ ảo sau những trận mua máu” thời Kamakura (thế kỷ XII-XIV); văn học của giới tăng lữ, học giả uyên bác thời Muromachi (thế kỷ XIV-XVI) tàn lụi nhường chỗ cho văn học của thị dân, kỹ nữ thời Tokugawa (thế kỷ XVII-XIX); văn học tư sản Âu hóa thời Meiji (1868-đầu thế kỷ XX) thiếu vắng dấu ấn truyền thống lại được kế tục bởi nền văn học đương đại sau 1945 kết hợp nhuần nhuyễn hiện đại phương Tây và truyền thống trữ tình Nhật Bản.

Sau 1945, cũng như nhiều quốc gia trong bối cảnh hội nhập toàn cầu, lối sống của người Nhật Bản đã Tây phương hóa triệt để. Văn học Nhật Bản đương đại tồn tại những trào lưu tư tưởng tương phản, đối lập. Đáng chú ý nhất là đối lập giữa trường phái đề cao chủ nghĩa vật chất và tình dục với đại diện Tanizaki Junichiro (1886-1965), nhà văn chuyên viết “về những xung đột nội tâm giữa Đông và Tây, ông đi tìm cái đẹp chứ không còn bận tâm đến đạo lý đối với cái đẹp như trước nữa. Tiểu thuyết của ông được đánh dấu bởi tình dục bệnh hoạn và chủ nghĩa duy mỹ rất Tây hóa” và trường phái bảo lưu những rung cảm nghệ thuật truyền thống, đấu tranh cho giá trị truyền thống với đại diện là Kawabata Yasunari. Kawabata Yasunari đã trở thành chỗ dựa cho văn đàn Nhật Bản khi các nhà văn khác đang hoang mang, bế tắc trước sự khủng hoảng về đường lối, sự lan tràn của phong trào tự do tình dục phương Tây đang xói mòn đạo đức truyền thống. Đại diện cho một khuynh hướng nghệ thuật và đứng ở một cực của mâu thuẫn, nhưng không có nghĩa là đối với Kawabata Yasunari, những yếu tố tương phản đặc trưng văn hóa và con người Nhật Bản không còn đậm nét, quyết liệt. Trái lại, là một con người Nhật Bản thật sự từ sâu thẳm nhất của tâm hồn, cũng là một con người cảm nhận rõ rệt nhất và trân trọng nhất thẩm mỹ truyền thống Nhật Bản, trong những tác phẩm của mình Kawabata Yasunari đã không phủ nhận mà luôn cụ thể hóa tính chất tương phản rõ nét của văn hóa và của chính con người Nhật Bản

Theo Việt Hà – http://tintuc.vnn.vn/forum/
(Kỳ sau: Văn học Nhật Bản ở Việt Nam)