You are currently viewing Tôn giáo ở Nhật Bản

Tôn giáo ở Nhật Bản

Người Nhật tin vào những tôn giáo nào?

Theo thống kê của Uỷ ban văn hoá thì số người theo thần đạo là 111,38 triệu người, Phật giáo là 89,03 triệu người, Thiên Chúa giáo là 1,51 triệu người, số người tin theo các tôn giáo khác là 11,15 triệu người. Cộng các con số này lại thì chúng ta có một con số 220,7 triệu người, nghĩa là cao gấp gần 2 lần số người dân Nhật. Một trong những nguyên nhân này là các giáo phái khai báo con số bao gồm cả những người đã chết và cả những người đã thoát ly khỏi giáo phái. Tuy nhiên khi hỏi một người Nhật là anh ta theo tôn giáo nào thì trừ các tín đồ Thiên Chúa giáo, hầu hết số còn lại đều trả lời là “Tôi không theo tôn giáo nào cả” Nếu hỏi một người Nhật xem gia đình anh ta theo tôn giáo nào thì đa số trả lời là theo đạo Jodou (Thành đạo – một nhánh của đạo Phật) hoặc theo đạo Nhật Liên (Nichiren). Đây là do các gia đình lấy theo tôn giáo của tổ tiên họ chứ không liên quan đến vấn đề tín ngưỡng.

Các vị thần của Thần đạo sinh ra khi nào?

Các quyển “Cổ sự ký” (Kojiki) hay “Nhật Bản thư kỷ” (Nihonshoki) được viết vào đầu thế kỷ 8 đã có các mẩu chuyện nói về sự hình thành các vị thần. Theo các mẩu chuyện này thì ba vị thần đầu tiên: Amenominakasubi, Takamimusubi, Kamimusubi đều vô hình. Sau đó có một cặp thần Izanaginomikoto và Izanaminomikoto đã sinh ra 8 hòn đảo. Các vị thần này được coi là tổ tiên của các dân tộc trên đất Nhật. Trong thần đạo, người ta cho rằng tất cả các sự việc đều có 1 vị thần cai quản riêng. Do vậy trong Thần đạo có khoảng 8 triệu vị thần.

Thần đạo có phải là quốc giáo của Nhật Bản hay không?

Thần đạo được hình thành trên đất nước Nhật còn các tôn giáo khác như Phật giáo, Nho giáo, Đạo giáo đều được truyền bá vào Nhật từ các nước khác. Vào thời Edo người Nhật chỉ tin tưởng sự tồn tại của các vị thần linh đã được miêu tả trong “Cổ sự ký” và “Nhật Bản thư kỷ”. Điều này dẫn đến sự tôn trọng Thiên hoàng, người vốn được coi là con cháu của thần linh, và làm phát triển phong trào chống Mạc phủ đang chi phối triều đình. Đến thời Minh Trị, Thần đạo được sự ủng hộ của triều đình, Thiên hoàng được thần thánh hoá. Nhật bản trở thành vương quốc của Thần đạo. Sau chiến tranh thế giới thứ 2, nhiều tôn giáo được công nhận ở Nhật và Thần giáo chỉ là một trong những tôn giáo của Nhật Bản.

Phật giáo của Nhật Bản thuộc chi phái nào?

Được phổ biến tại nhiều nước Châu Á. Ở Đông Nam Á là Phật giáo Tiểu thừa, Từ khi xuất gia thì ở luôn trong chùa và giác ngộ bản thân. Đạo Phật được truyền sang Trung Quốc, Hàn quốc và năm 538 được truyền bá sang Nhật Bản là Phật giáo Đại thừa. Mục đích của Phật giáo Đại thừa là cứu chúng sinh, cùng chúng sinh đạt đến chân lý. Bản thân chữ “Đại thừa” là dịch từ tiếng Phạn của Ấn Độ, nghĩa là “thuyền lớn”, thuyền lớn thì nhiều người (chúng sinh) cùng lên được.

“Nam mô a di đà phật” có ý nghĩa gì?

“Nam mô” là tỏ ý tôn trọng và phục tùng thần phật. Nam mô a di đà phật có nghĩa là tôn thờ Phật Amida và tuân theo lời Phật dạy, cầu Phật phù hộ độ trì.

Người Nhật đi chùa vào những lúc nào?

Người Nhật khi chết thì nghi lễ thường được tổ chức theo nghi lễ của Phật giáo và chôn người chết trong những ngôi mộ của chùa. Giống như đạo Thiên Chúa thường có những buổi lễ vào chủ nhật, đạo Phật cũng có những ngày giảng kinh theo một lịch trình nhất định. Ngày nay giới trẻ rất ít khi đi chùa và ngoài khi đi đám tang người ta cũng rất ít khi đi chùa. Tuy nhiên những ngôi chùa ở Kyoto và Nara thì không khi nào vắng khách du lịch.

Người Nhật đi đền (Jinja) vào những lúc nào?

Vào ngày đầu năm mới người Nhật thường đi đến các ngôi đền của Thần đạo để cầu mong năm đó được mạnh khoẻ, bình an và hạnh phúc. Ngay cả thời nay thì việc tổ chức đám cưới trước mặt các vị thần cũng được người Nhật ưa chuộng. Cho dù người ta không tổ chức đám cưới ở chùa thì trong hội trường tổ chức đám cưới luôn có một điện thờ để cô dâu chú rể thề nguyền với nhau. Khi sinh con được khoảng 30 ngày người Nhật đến các ngôi chùa của Thần đạo, lễ này gọi là “Miyamairi” (Miya là “cung” trong “hoàng cung”, mairi là “tham” trong “tham quan”) Vào tháng 11 có ngày lễ “Shichi-go-san” để chúc cho trẻ khoẻ mạnh. Những bé gái 3 và 7 tuổi, những bé trai 3 và 5 tuổi được mặc quần áo đẹp và đi đến đền thờ thần. Ngày lễ quan trọng của Thần đạo cũng là ngày lễ quan trọng trong cuộc sống của người Nhật. Và người Nhật coi Jinja là nơi tổ chức những nghi lễ.

Ở Nhật có bao nhiêu tín đồ đạo Thiên Chúa?

Năm 1992 ở Nhật có 1,51 triệu tín đồ đạo Thiên Chúa. Đạo Thiên Chúa được truyền bá vào Nhật Bản năm 1549 bởi các nhà truyền đạo Tây Ban Nha và Bồ Đào Nha. Năm 1580 số tín đồ đạo Thiên Chúa đã lên tới 120 nghìn người. Từ năm 1640, do Nhật đoạn tuyệt quan hệ ngoại giao với nước ngoài nên đạo Thiên Chúa cũng bị cấm. Nhiều tín đồ Thiên Chúa giáo đã phải theo đạo một cách lén lút. Năm 1868 thì lệnh cấm này được bãi bỏ. Sau chiến tranh Thái Bình Dương, chủ nghĩa dân chủ được phát triển ở Nhật thì nhiều chi phái của đạo Thiên Chúa đã lan truyền sang Nhật Bản một cách nhanh chóng nhưng gần đây thì không có sự gia tăng đáng kể về số lượng tín đồ.

Ở Nhật có những tôn giáo mới nào?

Có rất nhiều tôn giáo mới ở Nhật nhưng dưới đây chúng tôi chỉ giới thiệu một số tôn giáo vẫn tồn tại đến ngày nay.

Từ cuối thời Edo-bakufu (Giang Tô Mạc Phủ) đến thời kỳ Minh Trị:
– Trong Thần đạo: Giáo Tenri, giáo Kurosumi, giáo Konkou.

Từ cuối thời Minh Trị đến cuối chiến tranh Thái Bình Dương:
– Trong Thần đạo: Giáo Omoto, Seichyonoie, giáo Sekai-kyusei, giáo đoàn PL.
– Trong Phật giáo: Hội Reiyu, Shinnyouen.

Từ sau chiến tranh đến năm 1970:
– Trong Thần đạo: Giáo tenshyokoutaizingu
– Trong Phật giáo: hội Risshyokouseikai, học hội Souka

Từ năm 1970 đến nay:
– Trong Thần đạo: Giáo đoàn văn minh thế giới mahikải
– Trong Phật giáo: giáo agon, giáo chân lý Aum

Ngoài ra:
– Giáo phái khoa học về hạnh phúc.

Tổng số tín đồ theo các đạo này chiếm khoảng 10% dân số Nhật. Sau khi giáo phái chân lý Aum gây ra vụ bỏ chất độc Sarin trong tàu điện ngầm thì nhiều người dân Nhật phản đối giáo phái này và nhiều người đứng đầu giáo phái đã bị bắt giam.