Trò chuyện với chuyên gia thiết kế của Sony- LÊ NGỌC THẢO


Trường Trung học Nguyễn Đình Chiểu – Mỹ Tho (trước kia thuộc tỉnh Định Tường, nay là tỉnh Tiền Giang), ngôi trường lớn nhất của cả Lục tỉnh ngày xưa; là “cái nôi” của nhiều thế hệ công dân yêu nước, thành đạt; là mảnh đất màu mỡ gieo ươm nhiều hạt giống nhân tài… Những năm 60, ở trường Nguyễn Đình Chiểu, tất cả thầy cô và toàn thể học sinh thường trầm trồ khen ngợi khi nhắc đến tên Lê Ngọc Thảo vì đó là cậu học sinh đứng đầu của toàn trường.


Gắn kết cuộc đời nơi xứ sở hoa anh đào

Kỳ thi tú tài 1 năm 1965, Lê Ngọc Thảo đậu thủ khoa. Sang kỳ thi tú tài 2 năm 1966, Lê Ngọc Thảo tiếp tục giành danh hiệu thủ khoa. Nhận học bổng của Chính phủ Nhật, năm 1967 cậu học trò xứ Gò Công ấy thực hiện chuyến Đông du. Niềm vui được đi học ở Nhật thật lớn lao. “Tôi chỉ nhớ là bỗng nhiên mình như được bay bổng trên trời, hạnh phúc được ôm ấp hoài bão học tập thành tài về giúp nước…”.

Sang Nhật, năm đầu tiên Lê Ngọc Thảo theo học tiếng Nhật. Tiếp theo là 4 năm học đại học Tohoku chuyên khoa viễn thông. Công việc duy nhất cuốn hút tâm trí chàng thư sinh bạch diện ấy là học, học và học. Nhưng đến cuối năm thứ tư, bị “tiếng sét ái tình”, Thảo yêu say đắm một cô gái Nhật. Sau khi lập gia đình, Thảo phải đi làm bán thời gian để kiếm sống. Khi đã lên chức bố, Lê Ngọc Thảo lại tiếp tục theo học cao học để lấy bằng thạc sĩ viễn thông – công nghệ thông tin. Sau đó anh được hãng SONY tuyển dụng.

Phương châm sống và làm việc của anh là “công việc hôm nay phải tốt hơn hôm qua”.

Tình yêu, trách nhiệm với gia đình và con cái đã gắn kết cuộc đời anh trên xứ sở hoa anh đào; công việc trong hãng điện tử SONY đã cuốn hút anh vào một guồng máy công nghiệp: làm việc, làm việc và làm việc. Phương châm sống và làm việc của anh là “công việc hôm nay phải tốt hơn hôm qua”.

Với doanh thu hàng năm đạt đến 70 tỷ USD – một con số khổng lồ, Sony đã trở thành một tập đoàn kinh tế hàng đầu của thế giới chứ không chỉ riêng ở Nhật. Các kỹ sư thiết kế làm việc cho Sony đã lên đến con số 22.000 người. Trong đó, Lê Ngọc Thảo là một chuyên gia thiết kế có uy tín với mức lương khá cao. Từ 4 năm nay, anh Lê Ngọc Thảo được cử sang Kurla Lumpur làm trưởng nhóm chuyển giao công nghệ thiết kế trong lĩnh vực mạch điện cho Malaysia. Chi nhánh Sony ở Malaysia chuyên về thiết kế và chế tạo, có 2 xưởng sản xuất lớn được xây dựng ở Kuala Lumpur và Penang với tổng số cán bộ – công nhân lên đến 14.000 người.

Thời gian qua nhanh thật. Mới đó mà đã sắp tròn 40 năm, từ khi anh rời xa ngôi trường Trung học Nguyễn Đình Chiểu Mỹ Tho ngày xưa.

Tình đồng hương

Thật tình cờ, tôi được gặp anh. Qua hỏi thăm, chúng tôi nhận ra là người đồng hương Mỹ Tho, rồi đồng môn Nguyễn Đình Chiểu (chỉ có điều là tôi thuộc thế hệ đàn em, kém anh 10 bậc). Thế là, câu chuyện giữa anh em chúng tôi cứ “nổ như bắp rang”, tha hồ nhắc chuyện xưa, hỏi han chuyện nay – đủ thứ trên đời:

– Người ta nói “nhất quỷ, nhì ma, thứ ba học trò”. Học trò trường Trung học Nguyễn Đình Chiểu không chỉ chuyên cần học tập mà cũng nghịch ngợm “số một La Mã” luôn. Những kỷ niệm ở trường mà anh hằng nhớ là gì nhỉ?

– Hồi nhỏ ở Mỹ Tho có nhiều chuyện để nhớ lắm. Tôi nhớ nhiều những ngày rằm đi viếng chùa và được ăn cơm chay trong chùa… Kỷ niệm ở trường Trung học thì vô số, nhưng tôi nhớ nhất là hồi tôi còn ở đệ lục (lớp 7 bây giờ) tôi được học với thầy Chu, thầy Thủy, hai thầy đã để lại nhiều kỷ niệm trong thời học sinh của tôi. Ai học Nguyễn Đình Chiểu thời đó chắc đều biết thầy Chu. Không thuộc bài, không làm bài ở nhà theo đúng lời thầy chắc chắn sẽ bị thầy dằn cho một trận nên thân. Thầy không đánh học trò nhưng thầy chộp áo rồi làm mặt giận dữ quát tháo lên “Ông sẽ đấm vỡ mặt mầy, mầy không nghe lời ông, v.v… và v.v…” nghe mà phát ớn! Không có buổi học nào mà không có lời quát tháo của thầy Chu. Nhưng có lần tôi đã thấy thầy mang thuốc Pô-mát thoa nhẹ vô mắt đỏ ké đầy ghèn của một anh trong lớp. Tôi nhớ lúc đó tôi cảm thấy thương thầy Chu ghê! Còn thầy Thủy là thầy bị học trò trét mắt mèo ở ghế. Ngứa lên, thầy gãi lung tung. Để tìm kẻ trét mắt mèo, thầy bắt bọn tôi sắp hàng đứng ngoài trời cả tiếng đồng hồ. Ồ, tôi chỉ nhớ toàn những chuyện tầm phào.

– Khi sang bên đó, chắc là anh nhớ Việt Nam lắm nhỉ. Nhớ nhất là mấy món ăn quen thuộc. Đúng không?

– Đúng rồi! Tôi nhớ nhất món cá chiên dầm nước mắm gừng, món mắm kho ăn với rau đắng và các lọai rau. Ở quê mình có bao nhiêu là món ăn ngon: canh chua cá lóc, thịt kho tàu, bánh hỏi thịt nướng… Đi xa, món nào cũng thèm. Anh em sinh viên thỉnh thoảng tụ tập lại và nấu món cháo gà.

– Bên Nhật, chắc anh có nhiều bạn bè là các anh chị đồng hương Việt Nam?

-Tôi có một nhóm bạn là cựu sinh viên Việt Nam tại Nhật, có cùng ý thích về văn chương, nên chúng tôi họp nhau nghiên cứu, dịch thơ văn… đã có xuất bản ở Việt Nam và sẽ tiếp tục xuất bản.

– Anh Thảo vui lòng giới thiệu một chút về các anh chị trong nhóm của anh, cho NVX được làm quen, nhé.

– Vâng. Nhóm chúng tôi gồm 9 người.

1. “Đại ca” Đinh Văn Phước. Anh Phước qua Nhật năm 1961, lớn hơn tôi 6 tuổi. Theo học cơ khí. Tốt nghiệp đại học, anh đi làm với tư cách là một kỹ sư trong một hãng cơ khí chuyên về dây sên. Nay anh là phó tổng giám đốc điều hành của hãng này. Vì công việc, anh thường bôn ba khắp nơi trên thế giới. Nhưng khi có giờ rãnh, anh dịch những truyện ngắn Nhật ra tiếng Việt. Anh hiện đứng mũi chịu sào cho nhóm chúng tôi. Tính tình điềm đạm, lịch thiệp, giỏi dang trong giao dịch nên anh đã rất thành công trong công việc. Đây là người đàn ông đầu tiên tôi biết đã từ vị trí của một kỹ sư đã lên tới vị trí phó tổng giám đốc điều hành trong một hãng mà xung quanh chỉ toàn là người Nhật, tuy hãng của anh không lớn lắm.

2. Anh Nguyễn Nam Trân (bút danh của anh Đào Hữu Dũng). Anh Dũng qua Nhật năm 1965, lớn hơn tôi 3 tuổi. Anh hiện là giáo sư đại học, tiến sĩ Khoa học Truyền thông. Anh có nhiều bài viết nghiên cứu về văn học Nhật bản, là một dịch giả, một nhà thơ. Bài của anh được nhiều Web trong nước và hải ngoại đăng tải. Là một học giả nên anh có kiến thức sâu rộng không những trong chuyên ngành (khoa học thông tin, tức là quảng cáo – từ của kinh tế) mà còn về văn học sử Nhật Bản. Tôi xem anh như thầy của tôi trong vấn đề văn học.

3. Anh Cung Đình (bút hiệu của anh Quản Phúc Cảnh). Anh Cảnh đến Nhật năm 1963. Anh đang sinh sống ở Pháp, làm việc ở Trung tâm nghiên cứu quốc gia Pháp, tiến sĩ dinh dưỡng hóa học. Anh có biệt tài chọc cười anh em, hiện tham gia dịch thuật văn học Nhật bản cùng với chúng tôi.

4. Anh Phạm Vũ Thịnh. Anh Thịnh qua Nhật năm 1966, hiện sinh sống và làm việc trong cơ quan chính phủ ở Úc, tiến sĩ điện tử. Nói về dịch Murakami (nhà văn đương đại nổi tiếng nhất của Nhật) thì không có ai qua anh được (tuy trong nước cũng có một anh tên Hoàng Long, thường dịch Murakami nhưng phần nhiều dịch qua những bản dịch tiếng Anh). Bài của anh được đăng nhiều ở các Web trong nước và ngoại quốc. Một nhà xuất bản ở Đà Nẵng đang có dự định xuất bản sách của anh. Anh là dân Đã Nẵng, rất thông minh, là tấm gương học hành trong đám chúng tôi.

5. Anh Tôn thất Phương (bút danh Văn Lang Tôn thất Phương). Qua Nhật cùng năm với anh Thịnh, anh là con cháu của nhà Nguyễn, hiện cư trú và làm việc ở Úc. Văn chương lưu loát. Anh có nhiều bài nghiên cứu về VN đăng trên Web hải ngoại và nhiều bài dịch đăng trên Web trong nước.

6. Việt Châu (bút danh của anh Tô Bửu Lưỡng). Anh Lưỡng qua Nhật sau tôi một năm. Hiện là một doanh nhân “đem chuông VN đánh ở xứ người”. Anh thường xuyên đi lại giữ VN và Nhật Bản, “bộ trưởng ngoại giao” của nhóm chúng tôi đấy. Anh là cuốn tự điển sống tiếng Việt của chúng tôi, nhất là về tên thực vật VN.

7. Chị Quỳnh Chi (bút danh của chị Dương thị Tuyết Minh). Chị Minh qua Nhật năm 1972 từ bậc Cao học (Thạc sĩ). Nữ sĩ tài hoa của chúng tôi văn chương rất lưu loát. Dịch thơ Đường và Haiku Nhật Bản, không ai qua được chị. Chị là vợ của giáo sư Trần văn Thọ, người đã được NVX vinh danh.

8. Nguyễn ngọc Duyên. Bạn thân nhất của tôi. Qua Nhật cùng năm với tôi. Hiện sinh sống và làm việc trong một hãng nghiên cứu thép ở Úc. Con người điềm đạm, hiếu học.

– Và người thứ 9 là thạc sĩ Lê Ngọc Thảo, nhà thơ kiêm dịch giả.

– Tôi chỉ làm thơ cho riêng tôi để giải bày tâm tư. Tôi dịch vì muốn chia sẻ với mọi người cái hay của văn hóa và văn chương Nhật.

Sự hội nhập và cảm nhận những cái hay của Nhật

– Bốn mươi năm sống và làm việc ở Nhật, anh nhận thấy người Nhật có những ưu điểm gì mà mình cần học tập?

– Người Nhật rất khó tính, nhưng khó tính ở đây chỉ vì họ đòi hỏi một cuộc sống có chất lượng cao. Không chấp nhận chuyện mua máy móc hôm nay, ngày mai bị hư; không chấp nhận đường làm ngày nay, mai lại bị ổ gà. Người Nhật có tinh thần kỷ luật cao, biết cách phát huy sức mạnh của tập thể. Họ lễ độ, bộc lộ sự tôn trọng lẫn nhau. Họ cũng biết phân biệt đâu là công đâu là tư và biết tôn trọng đời tư lẫn nhau. Biết nguyên tắc sống của người Nhật thì sống ở Nhật rất thoải mái. Tôi lại còn thích cái tính phong lưu của họ. Tôi hân hạnh đang được giao thiệp một vài bạn Nhật rất hào hoa và phong lưu.

– Anh nói người Nhật rất khó tính và có tinh thần kỷ luật cao. Vậy làm việc ở Nhật chắc là căng lắm. Nhất là ở hãng Sony với các sản phẩm điện tử đa chủng loại và chiếm lĩnh thị phần khá lớn trên thế giới. Anh hãy kể về một niềm vui của anh trong công việc?

– Làm việc ở Nhật thì cực nhọc lắm, nhưng có niềm vui là làm được cái thực. Có lần lên Tokyo (chỗ tôi ở cách Tokyo khoảng 80km) chơi, đi qua một tiệm ăn nhỏ tôi nghe văng vẵng tiếng nhạc mình thích nên đã quay lại ghé vào đó. Nhìn vô quầy để ý thì thấy có một radio đang phát sóng FM chơi nhạc. Trời, cái radio casette đó hiệu Sony do chính tay tôi thiết kế 3,4 năm về trước. Tôi đã vẽ từng mạch transistor trên giấy, rồi làm thí nghiệm; thức khuya dậy sớm làm đi làm lại nhiều lần, cuối cùng đã đưa ra được dây chuyền sản xuất. Biết bao kỷ niệm vụt hiện ra trong đầu tôi. Tôi muốn nói lời cảm ơn ông chủ tiệm đồ của tôi. Tôi cảm thấy hãnh diện vì đã thiết kế được cái radio casette này cho ông chủ tiệm nghe nhạc.

Những sản phẩm mình có nhúng tay vô được bán khắp nơi trên thế giới đem niềm vui đến cho nhiều người. Vui sướng với công việc – Đó là niềm vui của tôi được làm việc ở Nhật.

– Còn những niềm vui khác, ngoài công việc và ngoài việc dịch thuật văn chương Nhật Bản? Ngoài việc yêu những mạch điện tử, những transitor trong các sản phẩm SONY, anh có yêu thứ gì khác…?

– Tôi sống đơn giản, không câu nệ, không khó tính và rất yêu thích thiên nhiên. Gốc là nông dân, lúc nhỏ từng lết đi nhổ cỏ ngoài đồng nên tôi cảm thấy mình có cái gì đó gắn bó với ruộng vườn. Tôi thích hái rau rừng và nấm dại. Tôi biết hàng chục loại rau dại và hàng trăm loại nấm Nhật. Rau dại và nấm dại là sự đặc sắc của văn hóa ẩm thực Nhật Bản. Mùi vị hoang dại không thấy ở rau hoặc nấm công nghiệp. Ví dụ cây Ukogi có lá non, trụng nước sôi, xắc nhuyển trộn cơm sẽ có mùi thơm kỳ diệu. Mấy đứa con của tôi nó cũng thích lắm. Nấm thì có nhiều loại có thể nướng, hấp, nấu canh v.v… Nhật có nhiều vùng rừng núi, họ có sách hướng dẫn loại rau nào ăn được. Tôi có mấy người bạn Nhật, họ làm chủ cả một khu rừng đồi. Đi trong rừng suốt ngày tìm những thứ này cũng là một cái thú đấy.

– Nước Nhật đẹp lắm, phải không, anh Thảo?

– Nhật là một nước phát triển và có nền văn hóa lâu đời. Về thiên nhiên thì Nhật có nhiều cảnh đẹp và có 4 mùa rõ rệt. Mùa xuân đẹp lắm. Từ tháng 3 đến cuối tháng 5 hoa anh đào nở. Hoa anh đào có màu trắng phớt hồng, nó bắt đầu nở từ Okinawa, một tỉnh miền Nam vì nắng ấm trước. Sau đó cả nước như một rừng hoa. Người Nhật thích trải chiếu dưới gốc hoa, vừa xem hoa, vừa ăn uống, ca hát. Thật phong lưu. Mấy hôm trước, nghe cô Tuyết Minh nói đã đi cùng với anh Thọ đến một vùng đồi núi gần Tokyo ngắm hoa anh đào. Nghe mà thèm vì mấy năm nay tôi không có dịp xem… Cuối mùa xuân, khi hoa anh đào rụng thì các loài hoa khác tiếp tục nở. Tôi cũng thích mùa thu, lá nhuộm vàng khắp vùng.

Nguồn: Người Viễn Xứ