Vì sao bạn thích làm việc cho công ty nước ngoài?


Môi trường làm việc tốt, cơ hội học tập, lương cao… là các yếu tố thu hút nhiều bạn trẻ đến với công ty nước ngoài. Khi lựa chọn loại hình công ty, người tìm việc thường “cài” sẵn trong đầu mình một thứ tự: Doanh nghiệp (DN) nước ngoài, DN quốc doanh và cuối cùng là các DN dân doanh. Với quan niệm này, họ bị cho là “sính ngoại”, quay lưng lại với các DN trong nước

Chính sách địa phương hóa nhân lực
Trong bối cảnh cạnh tranh gay gắt của thị trường lao động, tìm được việc làm tại các DN trong nước đối với người lao động (NLĐ) ngày càng khó thì xuất hiện một xu hướng mới khá lạc quan: Các DN nước ngoài chủ trương “địa phương hóa nhân lực”. Dĩ nhiên, điều kiện để được vào làm việc ở các DN nước ngoài không dễ, nhưng rất nhiều người tìm được cơ hội việc làm ở những nơi này.

Theo phân tích của bà Nguyễn Thu Giao, phụ trách nhân sự Công ty Kimberly-Clark, địa phương hóa nguồn nhân lực tức là sử dụng phần lớn nhân sự của nước sở tại, vì thế DN phải đầu tư cho nhân lực bằng nhiều chính sách ưu đãi. Các DN nước ngoài luôn quan niệm đầu tư cho con người thì không bao giờ lỗ.

NLĐ được lợi rất nhiều từ việc săn tìm chất xám, bởi bản thân các DN nước ngoài phải cạnh tranh lẫn nhau, kể cả cạnh tranh với các DN trong nước bằng tên tuổi, thương hiệu và các chế độ ưu đãi dành cho NLĐ, trong đó, hấp lực mạnh mẽ nhất, thực dụng nhất vẫn là mức lương hậu hĩnh.

Môi trường làm việc thuận lợi

Nói đến những thuận lợi khi làm việc trong các DN nước ngoài, có thể khẳng định lương bổng chưa hẳn là yếu tố tiên quyết. Nguyễn Xuân Yến Như, trợ lý tổng giám đốc Công ty TNHH Henkel (Bình Dương), cho rằng: “Lương bổng chỉ là một chuyện, điều quan trọng hơn cả là một môi trường làm việc mang tính chuyên nghiệp và những cơ hội phát triển chuyên môn. Thường thì trong các DN trong nước và DN châu Á nói chung, ý thức chủ – tớ vẫn còn ăn sâu vào ý nghĩ của mỗi người. Còn ở các DN có người phương Tây đứng đầu, lắm lúc họ xem đội ngũ nhân viên là những người bạn thân thiết. Rõ ràng, điều đó tạo niềm hưng phấn và gắn kết trong công việc, có lợi cho sự phát triển đôi bên”.

Theo anh Phạm Văn Trung, kế toán viên tại Công ty Coca-Cola VN, môi trường làm việc ở DN nước ngoài mang tính cạnh tranh cao và cũng có nhiều cơ hội cho nhân viên phát triển năng lực chuyên môn.

Lương cao, cơ hội học tập nhiều, môi trường làm việc tốt… là những thuận lợi mà DN nước ngoài mang lại để thu hút lao động bậc cao.

Đừng thiếu những cái chúng tôi đang cần!

Căn bệnh trầm kha của nhiều DN Việt Nam là thường kêu ca thiếu lao động bậc cao, vững lý thuyết, giỏi thực hành, trong khi đó lại không tìm cách lấp đầy những lỗ hổng trong chính sách thu hút và đào tạo nhân lực cho đơn vị mình.

Nhìn nhận một cách công bằng, không ít DN trong nước rất chú trọng việc nâng chất con người. Hiện tại, lượng nhân viên làm việc cho các DN trong nước lớn hơn rất nhiều lần so với các DN nước ngoài, nhưng sức hấp dẫn lớn, tính ổn định cao và phúc lợi đảm bảo là những yếu tố DN trong nước còn thiếu.

Ngoài ra, “chúng tôi không chỉ được đảm bảo quyền lợi mà còn học hỏi rất nhiều từ tác phong làm việc của các chủ DN nước ngoài. Người Nhật làm việc hết sức nghiêm túc và có trách nhiệm. Chẳng ai muốn “quay lưng” với DN trong nước cả, nhưng đừng để thiếu những cái mà chúng tôi cần”. Lê Thị Thu Huyền – nhân viên hiện đang làm việc tại Tổ chức Xúc tiến Thương mại Nhật Bản (JETRO) – đã cho biết như vậy.

Người lao động