Võ Đình Tuấn, nhà bác học “top 4” của Hoa Kỳ


Cơ quan Thương hiệu và phát minh Hoa Kỳ (USPTO – United States Patent and Trademark Office) trực thuộc Chính phủ Mỹ, vừa tôn vinh bốn nhà khoa học Mỹ, gốc Á trong đó có nhà bác học Võ Đình Tuấn, gốc Việt Nam. Trong một bản thông cáo chính thức USPTO cho biết: “Các nhà khoa học này đã có những đóng góp to lớn vào thành tựu của khoa học và y khoa, nhất là những phát minh của họ đã giúp những bệnh nhân chống lại nỗi đau tuyệt vọng của con người.”


Vào ngày 9-5-2002, nhân kỷ niệm tháng truyền thống của các dân tộc thiểu số Châu á tại Mỹ, bà J.C. Hayward – người phát ngôn của Cơ quan Phát minh và Thương hiệu Hoa Kỳ – cho rằng những phát minh của Võ Đình Tuấn cùng ba nhà khoa học khác đã góp phần làm cho nước Mỹ trở thành nước có nền khoa học kỹ thuật tiên tiến nhất trên thế giới. Điều đáng nói là Võ Đình Tuấn đều có tên trong cả hai danh sách được vinh danh năm 2002.

USPTO cũng phát hành một băng video dài 22 phút về những nhà bác học lớn trong lịch sử khoa học Hoa Kỳ. Mở đầu băng video này là những tên tuổi như George Washington Carver, Elijah McCoy, Jercy ]ulian, tiếp đến là tập trung giới thiệu bốn nhà phát minh lớn trong thời đại hiện nay: Ivan Yaeger, người sáng chế ra bộ chân tay giả độc đáo mà người cụt chân, tay mang vào có thể lái xe máy ở tốc độ cao như người bình thường; tiến sĩ Ellen Ochoa, phi hành gia nữ gốc Tây Ban Nha đầu tiên, đồng tác giả phương pháp tẩy tiếng ồn khỏi hình ảnh; Jame West, đồng phát minh loại microphone cực nhạy và Võ Đình Tuấn, tác giả của phương pháp nhận dạng các hóa chất độc bằng ánh sáng. Tên ông nằm trong danh sách bốn người (ba người kia gốc Phi và Nam Mỹ) mà người phát ngôn của USPTO, J.C. Hayward cho rằng “là 4 phát minh hiện đại đã đóng góp vào việc làm thay đổi một thế giới đầy bấp bênh mà chúng ta đang sống”.

Trong năm 2002, các trường tiểu học và trung học của Mỹ đều chiếu cuốn video về những nhà khoa học, trong đó có tiến sĩ Tuấn, cho các học sinh xem như một chương trình ngoại khóa. Bà Hayward nói: “Chủ yếu để thế hệ trẻ Hoa Kỳ nhớ đến những nhà bác học của các dân tộc và màu da khác nhau đã có những đóng góp to lớn không những cho xứ sở Hoa Kỳ mà còn cho toàn thế giới.

Góp phần làm giảm nỗi đau của con người

Trong khi đó, ông Tuấn cho rằng những nghiên cứu của ông chỉ có mục đích đơn giản là góp phần làm giảm những nỗi đau của con người. “Cái khó nhất đối với bệnh nan y như ung thư hay AIDS chính là phát hiện ra nó”, tiến sĩ Tuấn nói. Ông Tuấn đã nêu một tấm gương trong khoa học vì mục đích phục vụ nhân loại. Ông là một người nói năng nhỏ nhẹ và khiêm tốn, nhưng những phát minh của ông đã khiến kho tàng y khoa ngày một lớn và hữu ích. Nhà bác học gốc Hoa Flossie Wong – Staal, cùng được vinh danh trong năm 2002, cho rằng những phương pháp chẩn đoán bằng quang học của ông Tuấn là một niềm hy vọng cho những bệnh nhân ngộ độc và ung thư.

Võ Đình Tuấn sinh ở Việt Nam. Giống như nhiều nhà bác học nổi tiếng khác, khi còn nhỏ ông tự tạo ra những đồ chơi cho mình. Niềm say mê chế tạo không những là sở thích mà còn như một bản năng, luôn thúc đẩy ông học tập và vươn tới những chân trời khám phá.

Năm 17 tuổi, từ Sài Gòn ông đi Thụy Sĩ du học. Ông tốt nghiệp cử nhân vật lý tại trường Bách khoa Liên bang Lausanne (1971), và bốn năm sau ông được trao bằng tiến sĩ Hóa Lý Sinh (Biophysical Chemistry) tại Viện Kỹ thuật Liên bang Zurich, Thụy Sĩ sau khi nhận bằng tiến sĩ, ông sang định cư tại Hoa Kỳ.
Bằng phát minh đầu tiên của Võ Đình Tuấn mang số 4674878 và 4680165 năm 1987 trao cho sáng chế ‘Băng dán cứu sinh” là một loại băng rất nhỏ, và dễ sản xuất hàng loạt, dùng để gắn vào áo của công nhân khi họ làm việc trong những môi trường có nguy cơ cao, nhằm ghi lại các thông số của loại chất độc hại mà họ bị mắc phải trong quá trình lao động. Chỉ cần 11 giây người ta đã biết mình bị ngộ độc ở mức độ nào và chữa chạy ngay mà không cần phải đưa vào bệnh viện, rồi phải tốn thì giờ lấy máu, nước tiểu để xét nghiệm”, tiến sĩ Tuấn nói.

Trong lĩnh vực y khoa, tiến sĩ Tuấn đã tìm ra sự biến đổi gen trong cơ thể người và nhờ đó phát minh ra những hệ thống chẩn đoán sử dụng việc khám phá các ADN gây bệnh tiểu đường và ung thư. Tất cả hệ thống của ông đều dựa trên phương pháp “Tia sáng đồng hành” (SL: Synchronous Luminesence) dễ ứng dụng, do các dữ kiện được ghi lại hiển thị và được đọc cùng lúc bằng tia la-de và sợi quang. Nhờ vậy mà bệnh tật có thể được điều chỉnh kịp thời mà không cần phải uống thuốc…Phương pháp của ông cũng được các công ty dược và tổ chức môi trường chấp nhận. Các viện nghiên cứu lớn đã sử dụng kỹ thuật của ông như Viện Ung thư quốc gia Hoa Kỳ và hầu như tất cả bệnh viện của Mỹ đều áp dụng phương pháp và thiết bị chẩn đoán của ông. Đến nay, ông có 25 bằng sáng chế.

Phát minh kỹ thuật xét nghiệm mới

Tiến sĩ Võ Đình Tuấn là nhà bác học đại diện cho Hoa Kỳ trong “Hội đồng Cố vấn Kỹ thuật của tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây dương – NATO”. Người ta đánh giá cao các phát minh của tiến sĩ Tuấn, đặc biệt là máy phân tích hóa chất xách tay. Đây là nghiên cứu dày công trong 20 năm của ông. Loại thiết bị này chạy pin có nút điều chỉnh tự động và chính xác như bất cứ thiết bị nào đặt tại phòng thí nghiệm phân tích hóa chất và cho kết quả chỉ trong vài giây đồng hồ. Máy này sử dụng công nghệ Raman, dùng tia la-de và một bộ cảm ứng phát hiện nhanh các hóa chất, kể cả chất nổ và ma túy. “Những bộ phận mới nhất về các bộ lọc âm thanh điều khiển bằng ánh sáng sử dụng công nghệ Raman rất dễ sử dụng trong bất kỳ môi trường nào”, tiến sĩ Tuấn nói với chúng tôi qua điện thoại.

“Dù chất nổ, ma túy hay hàng trăm loại hóa chất khác ẩn chứa dưới dạng bột, khí hay nước đều bị máy phát hiện”, ông nói thêm. Cách sử dụng máy này cũng rất đơn giản vì ông Tuấn cùng các cộng sự đã thiết kế nó cho người bình thường sử dụng. Tiến sĩ Tuấn hy vọng phát minh của ông sẽ rất tiện dụng trong công tác bảo vệ môi trường, chẩn đoán y tế, bảo quản thực phẩm và… chống khủng bố. “Chúng ta không cần lấy mẫu mang tới phòng thí nghiệm mà có thể thử ngay tại hiện trường để tìm ra những loại hóa chất độc trong vài giây thay vì trong vài ngày”, ông nói.

Hiện nay, ông vẫn tiếp tục công việc nghiên cứu khoa học. Công trình mới nhất của ông là “hệ thống lưu trữ đĩa quang” dùng cho bộ nhớ các siêu máy tính, các hệ thống dữ liệu y khoa, và các vệ tinh NASA. Ông đang đảm nhiệm chức vụ trưởng nhóm nghiên cứu tại phòng thí nghiệm quốc gia Oak Ridge thuộc Bộ Năng lượng Mỹ. Vào năm l992, ông cũng từng được vinh danh là “Nhà phát minh của năm”.

25 phát minh của Võ Đình Tuấn cùng 6 triệu phát minh khác từ năm l790 là một tài sản vô giá mà nhân loại có thể sáng tạo được, hiện vẫn lưu giữ trên thư viện phát minh ở địa chỉ web: http://www.uspto.gov

VUSTA-Nhân Dân