Vụ thử hạt nhân của Bình Nhưỡng làm thế giới chấn động


Bình Nhưỡng ngày 9/10/2006 tuyên bố đã tiến hành thành công cuộc thử vũ khí hạt nhân đầu tiên làm cả thế giới bị chấn động. Hàn Quốc và Nhật cảnh báo, sẽ không khoan nhượng với Bình Nhưỡng. Mỹ gọi đây là hành động khiêu khích, chống lại cộng đồng quốc tế. Việt Nam bày tỏ sự lo ngại trước việc CHDCND Triều Tiên tiến hành thử hạt nhân ngày 9/10/2006, và kêu gọi các bên liên quan hết sức kiềm chế, sớm trở lại đàm phán 6 bên, thu hẹp bất đồng và sớm đạt giải pháp thỏa đáng cho vấn đề hạt nhân trên bán đảo Triều Tiên. Các phương tiện truyền thông của Nhật ngập tràn thông tin về vụ thử hạt nhân. Những người Nhật được phỏng vấn đều bày tỏ sự lo lắng đến an ninh của Nhật và khu vực Đông Á.


Hãng thông tấn chính thức của Bắc Triều Tiên KCNA cũng cho biết không hề có hiện tượng rò rỉ phóng xạ tại địa điểm thử hạt nhân: “Đây là một sự kiện lịch sử, mang lại niềm vui cho nhân dân và quân đội. Nó sẽ đóng góp vào việc duy trì hòa bình và ổn định của bán đảo Triều Tiên cũng như khu vực lân cận”.

Trước đó, hãng thông tấn Yonhap của Hàn Quốc dẫn nguồn trong Bộ Quốc phòng cho hay, Bình Nhưỡng thử hạt nhân vào lúc 10h36 sáng nay (8h36 Hà Nội) tại Hwaderi gần thành phố Kiljiu. Quan chức tình báo nước này cũng cho biết, họ phát hiện một cơn chấn động 3,5 độ richter ở đông bắc Bắc Triều Tiên.

Một quan chức địa chấn học Hàn Quốc khẳng định có sự rung động của lòng đất vào thời điểm Bình Nhưỡng tiến hành thử hạt nhân, và sự rung động đó là phi tự nhiên. Cường độ của chấn động cho thấy sức mạnh của vụ nổ tương đương 550 tấn thuốc TNT, ông Park Chang-soo, phát ngôn viên Viện địa vật lý khoáng sản Hàn Quốc, cho biết. Sức công phá này tương đối nhỏ nếu so với quả bom mà Mỹ ném xuống Hiroshima hồi Thế chiến II – tương đương 15.000 tấn TNT.

Nga cho hay, họ chắc chắn 100% rằng Bình Nhưỡng đã thử hạt nhân.

Hàn Quốc tuyên bố không nương tay với Bình Nhưỡng

Hàn Quốc cáo buộc Bắc Triều Tiên giẫm đạp lên mong đợi của cộng đồng quốc tế về việc giải quyết vấn đề hạt nhân trong hòa bình và tuyên bố không nương tay với Bình Nhưỡng.

Yoon Tae-Young, phát ngôn viên văn phòng tổng thống Hàn Quốc, cho biết: “Chính phủ của chúng tôi sẽ nghiêm khắc xử lý tình hình này theo nguyên tắc không khoan nhượng việc Bình Nhưỡng sở hữu vũ khí nguyên tử. Hành động của Bắc Triều Tiên là hiểm họa lớn đến hòa bình và ổn định không chỉ trên bán đảo Triều Tiên mà cả ở Đông Bắc Á”.

Ngay sau khi có thông tin về vụ thử hạt nhân, Tổng thống Hàn Quốc Roh Moo-huyn triệu tập một cuộc họp khẩn cấp với các cố vấn an ninh về sự kiện này. Trước đó, Hàn Quốc cũng tăng cường theo sát mọi diễn biến nhạy cảm từ phía Bắc Triều Tiên song không phát hiện thấy quân đội nước này có dấu hiệu bất thường nào.

Việt Nam kêu gọi các nước trong khu vực kiềm chế và sớm tìm giải pháp

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Dũng hôm qua tuyên bố Việt Nam hết sức lo ngại trước việc CHDCND Triều Tiên tiến hành thử hạt nhân ngày 9/10/2006.

Ông Lê Dũng nói việc làm này của CHDCND Triều Tiên sẽ gây thêm căng thẳng, không có lợi cho hòa bình, ổn định ở khu vực.

“Là một nước trong khu vực, Việt Nam luôn mong muốn hòa bình, ổn định, hợp tác và phát triển ở châu Á – Thái Bình Dương, ủng hộ hòa bình, ổn định và phi hạt nhân hóa trên bán đảo Triều Tiên. Chúng tôi mong các bên liên quan hết sức kiềm chế, sớm trở lại đàm phán 6 bên, thu hẹp bất đồng và sớm đạt giải pháp thỏa đáng cho vấn đề hạt nhân trên bán đảo Triều Tiên”, ông Lê Dũng nói.

Phản ứng của Nhật

Thủ tướng Nhật Shinzo Abe phát biểu trong chuyến thăm Seoul: “Nếu cuộc thử nghiệm vũ khí nguyên tử của Bắc Triều Tiên được xác nhận thì không thể tha thứ được. Tuy nhiên, chúng ta nên thu thập và phân tích thông tin tình báo về vụ việc này một cách tỉnh táo”.

Trước đó, trong một tuyên bố chung với Trung Quốc, Nhật Bản cho rằng việc Bắc Triều Tiên thử vũ khí hạt nhân là “không thể chấp nhận được”.

Các đài truyền hình, phát thanh, các tờ báo của Nhật ngập tràn thông tin về vụ thử hạt nhân của Bắc Triều Tiên. Phần lớn người dân được phỏng vấn đều bảy tỏ sự lo ngại đến an ninh của Nhật và khu vực Đông Á.

Phản ứng của các nước khác

Mỹ tuyên bố hành động của Bình Nhưỡng là khiêu khích và chống lại cộng đồng quốc tế. Phát ngôn viên Nhà Trắng Tony Snow cho biết: “Cuộc thử hạt nhân của Bắc Triều Tiên là hành động khiêu khích, đi ngược lại mong muốn của cộng đồng quốc tế cũng như lời kêu gọi kìm chế những hành động có thể gây căng thẳng tại khu vực Đông Bắc Á”.

Trung Quốc lên án vụ thử nghiệm và cho rằng Bình Nhưỡng đã phớt lờ sự quan ngại của cộng đồng quốc tế và ngang nhiên thử vũ khí hạt nhân. “Trung Quốc cực lực yêu cầu phía Cộng hòa dân chủ nhân dân Triều Tiên tuân thủ cam kết phi phổ biến vũ khí hạt nhân trên bán đảo Triều Tiên và ngừng ngay mọi hành động có thể làm tình hình xấu đi”, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc lên tiếng.

Bắc Kinh cũng yêu cầu Bắc Triều Tiên trở lại bàn đàm phán đa phương để giải quyết vấn đề hạt nhân của nước này.

Hội đồng Bảo an LHQ họp khẩn

Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc dự kiến họp bàn khẩn cấp về vụ thử vũ khí hạt nhân của Bắc Triều Tiên tối nay. Mỹ và Nhật có thể đề cập tới việc áp dụng thêm biện pháp cấm vận đối với Bình Nhưỡng.

Trước đó, 15 thành viên của HĐBA đã ra tuyên bố, kêu gọi Bình Nhưỡng không thử hạt nhân và cảnh báo về một số hậu quả nếu họ quyết làm thế.

Cổ phiếu châu Á mất giá

Các nhà môi giới cổ phiếu cho hay, vụ thử khiến giới đầu tư lo sợ về an ninh, và mức độ giảm giá sẽ còn mạnh hơn nữa trong khi dân tình chờ đợi các bước hành động tiếp theo của Seoul, Washington, Bắc kinh, Tokyo và Matxcơva.

Tại Hàn Quốc, chỉ số KOSPI giảm 2,6 phần trăm. Đồng won của Hàn Quốc cũng giảm giá mạnh, từ 949 xuống 963 won ăn một đôla Mỹ, bởi các nhà đầu tư bán tháo loại tiền này sau khi có thông tin về cuộc thử hạt nhân của CHDCND Triều Tiên.

Các loại tiền tệ khác của châu Á cũng xuống giá do các nhà đầu tư tìm đến đôla Mỹ và coi đó là cách giữ tiền an toàn, họ lo ngại tình trạng bất ổn trong thời gian tới có thể ẩn chứa nguy cơ xấu cho khoản đầu tư bằng tiền tệ khu vực.

Thị trường tài chính Hàn Quốc được dự đoán là chịu ảnh hưởng nặng nề nhất, tiếp đó là Nhật Bản.

Tại Hong Kong, chỉ số chứng khoán giảm 1,23%, Singapore giảm 1,18% và Sydney giảm 0,43%. Sự sụt giảm nhẹ hơn cũng diễn ra ở các thị trường Jakarta, Kuala Lumpur, Mumbai và Manila.

Hệ quả của cuộc thử hạt nhân

Việc thử hạt nhân có thể khiến Bình Nhưỡng sẽ phải đối mặt với các lệnh trừng phạt mới. Nhật Bản gần đây đề xuất lên Hội đồng Bảo an về một nghị quyết cấm vận Bắc Triều Tiên.

Trong khi đó, viễn cảnh chạy đua vũ khí hạt nhân ở châu Á đến gần hơn. “Có thể nói là nó sẽ dẫn đến một cuộc chạy đua vũ trang – sẽ đẩy các Chính phủ trong khu vực này đến chỗ chi tiêu nhiều hơn cho quốc phòng”, Peter Beck, Trưởng văn phòng Seoul của ICG (Tổ chức đánh giá các khủng hoảng quốc tế), nhận xét.

Các chuyên gia cho rằng, xét ở diện rộng hơn, việc Bắc Triều Tiên có vũ khí nguyên tử có thể khiến các cường quốc hạt nhân khác như Mỹ, Ấn Độ và Trung Quốc nối lại việc thử hạt nhân của họ – một động thái gây nguy cơ tăng cường sự phổ biến của loại vũ khí giết người hàng loạt.

Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Donald H. Rumsfeld tuần trước cảnh báo rằng việc Bình Nhưỡng thử bom hạt nhân có thể có tác động sâu rộng khó lường.

Theo: VN Express, Nhân Dân, Japan Times