Xã hội Nhật bản từ sau thế chiến thứ hai đến nay


Kể từ sau thế chiến thứ II đến nay, do những biến đổi chính trị, kinh tế, môi trường trong nước và quốc tế đã khiến cho xã hội Nhật Bản cũng có nhiều biến đổi theo về dân số, gia đình, mức sống, giáo dục, y tế và bảo hiểm xã hội.


1.Dân số

Tính đến 31/3/2002 dân số Nhật Bản là 127,435 triệu người, đứng hàng thứ 7 trên thế giới sau Cộng hoà Nhân dân Trung Hoa, Ấn Độ, Mỹ, Inđônêxia, Brazin và Nga.

Như các nước công nghiệp phát triển khác, vài thập niên gần đây dân số Nhật Bản tăng chậm, nguyên nhân do giảm mạnh tỷ lệ sinh. Mật độ dân số ở Nhật Bản năm 2002 là 336,2 người/km2 ngang với những quốc gia như Bỉ, Hà Lan. Hiện nay, tuyệt đại bộ phận dân số sống ở các thành phố lớn, nhỏ. Nhật Bản cũng là quốc gia có nhiều thành phố đông dân, tính đến ngày 3 tháng 11 năm 2000 có 11 thành phố trên 1 triệu dân và 43,9% dân số cả nước tập trung ở 3 thành phố lớn là Tokyo, Osaka, Nagoya và các thành phố vệ tinh. Gần đây, dân số ngày càng tập trung vào khu vực Tokyo do vai trò ngày càng quan trọng của các ngành dịch vụ trong nền kinh tế Nhật Bản phần lớn đóng tại Tokyo.

Cơ cấu tuổi của dân số Nhật Bản thay đổi nhanh trong vài thập niên gần đây. Nếu như vào những năm 1960 số trẻ em từ 0-14 tuổi (18 triệu 434 ngàn) nhiều gấp 5,3 lần số người già từ 65 tuổi trở lên( 5 triệu 398 ngàn) thì đến những năm 1980 thấy có xu hướng ngược lại. Năm 1980 số trẻ em 0-14 tuổi gấp 2,6 lần số người già. Sau một thập niên, đến năm 1990, con số này là 1,5 lần. Tiếp theo thập niên nữa, năm 1999 số trẻ em chỉ bằng 0,88 lần số người già từ 65 tuổi trở lên( 18 triệu 742 ngàn và 21 triệu 186 ngàn). Hay nói cách khác, năm 1999 số người già từ 65 tuổi trở lên nhiều gấp 1,13 lần số trẻ em từ 0-14 tuổi. Hiện nay tuổi thọ trung bình ở Nhật Bản là 81 đối với nam và 83 đối với nữ. Tỷ lệ người già đang tăng mạnh và sẽ đạt 25,2 %/năm vào năm 2020. Xu hướng già hoá dân số do giảm nhanh tỷ lệ sinh (tỷ lệ này ở Nhật Bản năm 1999 là 1,34% thấp nhất thế giới). Già hoá dân cư đã đặt Nhật Bản vào tình trạng thiếu hụt sức lao động cũng như tăng gánh nặng trong việc nuôi nấng cũng như chăm sóc những người già.

2.Gia đình:

Trước Chiến tranh Thế giới thứ hai, phần lớn người Nhật Bản sống trong những đại gia đình (ie) gồm ba hoặc bốn thế hệ theo chế độ gia trưởng, cha mẹ có quyền lực rất lớn. Quá trình dân chủ hoá cùng với sự tăng trưởng nhanh kinh tế và đô thị hoá những năm sau Chiến tranh Thế giới thứ hai đã ảnh hưởng mạnh đến cuộc sống gia đình. Gia đình mở rộng ngày càng thu hẹp nhường chỗ cho gia đình hạt nhân gồm cha mẹ và con cái. Năm 1993 Nhật Bản có 24,8 triệu hộ gia đình hạt nhân, chiếm 59,4% tổng số hộ gia đình. Theo thống kê, năm 1999 cả nước có 44 triệu 923 ngàn hộ gia đình trong đó 12,4% là số hộ gia đình có 1 con, 12,6% số hộ gia đình có 2 con, 3,9% số hộ gia đình có 3 con, 0,5% số hộ gia đình có 4 con và 70,7% số hộ gia đình không có con cái.

Những nguyên nhân chính dẫn đến những hiện tượng trên là do: Thứ nhất, dư luận xã hội ngày nay rất thoáng với chuyện ngoại tình cũng như quan hệ tình dục ngoài hôn nhân, miễn là đừng để lại hậu quả. Thứ hai, hiện nay có rất nhiều điều kiên thuận lợi giúp cho việc ngoại tình mà không bị người thân hoặc hàng xóm phát hiện( phương tiện thông tin liên lạc,sở hữu xe hơi gia tăng, hệ thống khách sạn, nhà hàng phát triển). Thứ ba, nhiều người đặc biệt trong giới trẻ bị cuốn hút vào học tập, vào công việc hàng ngày mong muốn đạt được những thăng tiến xã hội.Thứ tư, do mất nhiều thời gian chăm sóc, phải bỏ việc làm, chi phí nuôi con ngày càng đắt đỏ nhất là chi phí cho giáo dục cũng như chu cấp cho con cái cho đến khi ra ở riêng quá cao. Thứ năm, trước đây, con cái là chỗ dựa cho bố mẹ khi về già cả về kinh tế lẫn tinh thần thì nay với lương hưu cũng như hệ thống phúc lợi khá hoàn chỉnh của Nhà nước Nhật Bản người già cũng có thể sống độc lập.

Nhiều người suốt đời không lập gia đình sẽ làm tăng số gia đình độc thân. Năm 1995 cả nước có 11.239 ngàn hộ gia đình độc thân so với năm 1960 chỉ có 3.722 ngàn hộ, tăng khoảng 3 lần.

3.Mức sống:

Mức sống của người Nhật Bản có nhiều thay đổi so với vài thập niên trước do việc sử dụng rộng rãi các đồ dùng hiện đại trong cuộc sống hàng ngày.Ngoài ra, việc sử dụng đại trà quần áo may sẵn cũng như những thực phẩm đã qua chế biến đã tạo cho các gia đình có nhiều thời gian dùng vào việc thể thao, giải trí, du lịch và nâng cao trình độ học vấn hoặc theo đuổi việc làm, đặc biệt đối với những người phụ nữ đã có chồng, trước đây thường bị cột chặt vào các công việc nội trợ.

Mức sống cao đã hình thành ý thức của giai cấp trung lưu trong đại bộ người Nhật Bản.Trong khoảng 10 năm từ năm 1980 đến năm 1999 thu nhập trung bình tháng/hộ gia đình tăng gần 1,7 lần từ 349.686 yên lên 574.676 yên. Nhật Bản cũng là một trong những quốc gia có tỷ lệ hộ gia đình có số dư tiết kiệm cao nhất so với các quốc gia khác.Năm 1999 số dư tiết kiệm của các hộ gia đình Nhật Bản trung bình là 13,4%, của Mỹ là 0,5%, của Anh 3,1%, của Đức 11,0%, của Pháp 9,0%, của Ý 13,6 và của Canada 1,2%.

4.Giáo dục:

Trong suốt thời gian dài phong kiến trước Duy Tân Minh Trị 1868, đã có nhiều cơ sở giáo dục được phát triển cho những nhu cầu của các tầng lớp xã hội khác nhau.

Một hệ thống giáo dục toàn quốc hiện đại đã được đưa vào Nhật Bản năm 1872 khi chính phủ lập ra các trường tiểu học và trung học trên khắp cả nước. Năm 1900 giáo dục phổ cập đã được thực hiện miễn phí và năm 1908 giáo dục phổ cập đã kéo dài đến 6 năm. Sau Chiến tranh Thế giới thứ hai, giáo dục phổ cập bắt buộc kéo dài đến 9 năm đến nay, bao gồm giáo dục tiểu học và trung học cơ sở.

Cơ cấu và những nguyên tắc cơ bản của hệ thống giáo dục hiện nay đã được nêu ra trong hai đạo luật thông qua năm 1994: Luật giáo dục cơ bản và Luật giáo dục trường học. Mọi người đều bình đẳng trong giáo dục. Luật cấm phân biệt đối xử trên cơ sở chủng tộc. tín ngưỡng, giới tính, địa vị xã hội.

Mục đích trọng tâm của hệ thống giáo dục là đào tạo ra những công dân có tinh thần tự lực của một quốc gia hoà bình và dân chủ, tôn trọng nhân quyền, yêu chuộng sự thật và hoà bình.

Hệ thống giáo dục: được chia ra 5 giai đoạn: Vườn trẻ (1-3 năm), tiểu học (6 năm), trung học bậc thấp (3 năm), trung học bậc cao(3 năm) và đại học (4 năm) còn các trường cao đẳng (2-3 năm). Ngoài ra các trường đại học còn có các lớp học nâng cao sau đại học.

Giáo dục phổ cập bắt buộc miễn phí cho tất cả trẻ em từ 6-15 tuổi.Tuy vậy, trong thực tế hầu hết học sinh đều học hết phổ thông trung học bậc cao và số học sinh phổ thông trung học đã trở thành bộ phận cơ bản trong hệ thống giáo dục. Số học sinh vào học phổ thông trung học bậc cao đã vượt quá 50% vào năm 1959, năm 1991 con số này là 95% và năm 1999 là 95,8% và 38,2% học sinh trung học bậc cao học tiếp đại học.

Ngoài các cơ sở giáo dục công lập còn có các trường tư thục ở tất cả các giai đoạn trong hệ thống giáo dục. Các trường này có vai trò đặc biệt quan trọng trong giáo dục vườn trẻ và giáo dục đại học là hai giai đoạn nằm ngoài phạm vi của chế độ giáo dục bắt buộc.

Năm 1999 có tất cả 55.755 sinh viên nước ngoài đang theo học tại Nhật Bản trong đó có 1.542 người do chính phủ nước sở tại cử người sang học, có 8774 người do Chính phủ Nhật Bản cấp học bổng và 45.439 người theo chế độ tự túc. Khoảng 89% sinh viên nước ngoài học ở Nhật Bản có nguồn gốc châu Á trong đó chủ yếu là sinh viên Trung Quốc, Hàn Quốc, Đài Loan tiếp theo là một số quốc gia khác.

Việc quản lý hệ thống giáo dục phổ thông theo hình thức phi tập trung, Bộ Giáo dục chỉ đóng vai trò người điều phối: ngân sách, các chương trình giảng dạy, bổ nhiệm các chức vụ nhà trường, giám sát hoạt động các trường tiểu học và trung học bậc thấp thuộc các ban giáo dục địa phương.

Về nội dung giáo dục, mỗi trường tổ chức chương trình giảng dạy riêng phù hợp với hệ bài giảng do Bộ Giáo dục soạn thảo công bố. Sách giáo khoa do các ban giáo dục địa phương lựa chọn trong số sách được Bộ Giáo dục cho phép.

Trình độ học vấn đóng vai trò quan trọng trong chế độ thuê mướn nhân công làm việc suốt đời ở Nhật Bản. Để có được việc làm ở những công ty hàng đầu hoặc những cơ quan thuộc những bộ, ngành quan trọng của chính phủ có nhiều khả năng thăng tiến, lương cao.v.v… phải tốt nghiệp những trường đại học hàng đầu và như vậy phải tốt nghiệp các trường phổ thông trung học hàng đầu. Như vậy, có cuộc ganh đua gay gắt trong giáo dục. Nhiều trường luyện thi mọc ra ở mọi nơi trong cả nước, ở mọi cấp học.

Hiện tượng học tràn lan, quá tải, “địa ngục thi cử” chẳng khác gì Việt Nam hiện nay. Hiện tượng bạo lực bắt nạt bạn bè, bỏ học xuất hiện ngày càng phổ biến trong các trường học.v.v…Để khắc phục tình trạng trên Nhật Bản đang tiến hành những bước cải cách giáo dục.

5.Y tế và bảo hiểm xã hội:

Theo Bộ Y tế và Phúc lợi, tổng chi cho y tế để chữa bệnh hoặc thương tật ở Nhật Bản trong năm tài chính 1998 là 29.825 tỷ Yên. Địa phương chi 14686 (4,9%), hệ thống bảo hiểm cá nhân chiếm 137.823 (46,2%), bệnh nhân 44004 tỷ yên (14,6%). Tính đến 31/3/1999 có trên 126 triệu người được bảo hiểm y tế trong đó chia ra: 36,1% (45 triệu 450 ngàn người) bảo hiểm y tế quốc gia: 25,8% (37 triệu 580 nghìn người) thuộc bảo hiểm y tế địa phương; 25,8% (32 triệu 580 nghìn người) thuộc y tế công đoàn quản lý; 8,0% (10 triệu 140 nghìn người) do các hiệp hội tương trợ giúp đỡ lẫn nhau Ngoài ra còn có 26 vạn người (0,2%) thuộc bảo hiểm y tế ….

Sự gia tăng giá chữa bệnh đối với những người già trên 65 tuổi trở lên tăng gấp 7 lần so với giá điều trị đối với bệnh nhân từ 14 tuổi trở xuống.

So sánh với năm 1975 thì năm 1998 chi phí chăm sóc sức khoẻ cho một bệnh nhân là người già đã tăng: 5,8 lần.

Về chế độ bảo hiểm xã hội, ngay từ năm 1964 một hệ thống bảo hiểm xã hội toàn diện kết hợp cả tiền trợ cấp hưu trí lẫn bảo hiểm trên phạm vi cả nước được thiết lập ở Nhật Bản. Hệ thống này được mở rộng vào những năm 1970 do kinh tế tăng trưởng nhanh tạo ra những nhu cầu mới về bảo hiểm xã hội trong nhân dân. Đầu những năm 1970 chính phủ đã áp dụng nhiều biện pháp để đáp ứng những nhu cầu trên kể cả tăng bảo hiểm y tế và trợ cấp hưu trí, cải thiện bảo hiểm thất nghiệp và áp dụng trợ cấp con cái, thương tật, tai nạn, các ảnh hưởng do thiên tai, hoả hoạn gây ra.

Tuy nhiên cũng như bảo hiểm y tế, do xã hội Nhật Bản ngày càng già hoá hơn, trong khi tăng trưởng kinh tế suy giảm, thất nghiệp gia tăng liên tục kể từ đầu thập niên 1990 đến nay khiến cho hệ thống bảo hiểm xã hôị của Nhật Bản trở nên bất cập với nhu cầu và khả năng thực tế. Chính vì thế những năm gần đây, Chính phủ Nhật Bản đã phải cải cách lại hệ thống này theo hướng giảm bớt dần gánh nặng chi tiêu của Ngân sách Nhà nước cho tất cả các đối tượng dân chúng được hưởng chế độ đó, bằng cách buộc họ phải gánh vác một phần các chi phí đó với mức tối thiểu từ 10% trong tổng chi phí trở lên. Đương nhiên cách giải quyết này trong thực tế đã gây ra không ít các phản ứng bất đồng của nhiều người, nhiều giới, đặc biệt là những người có thu nhập thấp trong xã hội Nhật Bản.

Bkduan
Theo: NCNB
Nguồn: VYSAK