Ẩm thực ở xứ sở Hoa anh đào


Người Nhật vẫn luôn tự hào về nền văn hóa ẩm thực đầy truyền thống của mình với những món ăn và nghệ thuật trang trí ẩm thực mà chỉ ở Nhật bản mới có. Nhiều món ăn của Nhật bản được nhiều người trên thế giới biết đến như shushi, sashimi…và có thể tìm thấy ở nhiều nơi ngoài nước Nhật. Bên cạnh đó, cùng với sự thay đổi của nền kinh tế và hiện đại hóa, ẩm thực của Nhật bản đã có nhiều thay đổi so với xưa kia.Các món ăn châu Âu, Trung hoa, và của nhiều nước khác đã có mặt trong bữa ăn hàng ngày của người Nhật.

Các cụ nhà ta có câu “Có thực mới vực được đạo”, lại có câu “Ăn để mà sống, chứ không phải sống để mà ăn”. Vấn đề ẩm thực hàng ngày quả là quan trọng với bất kì ai, ở bất kì xã hội và thời đại nào. Tùy vào đặc điểm địa lý, khí hậu, văn hóa mà ở mỗi khu vực, mỗi quốc gia hình thành một nền văn hóa ẩm thực riêng mang những đặc trưng không lẫn vào đâu được. Tuy nhiên với những phát triển của thời đại trong các mối quan hệ càng ngày càng mang tính chất toàn cầu hóa thì các nền văn hóa ẩm thực đã có sự giao lưu, pha trộn lẫn nhau. Và nền ẩm thực Nhật Bản với một sự pha trộn kì lạ của những món ăn truyền thống và ngoại lai có thể được xem như một điển hình của sự giao lưu đó.

Từ truyền thống ….

Giống như nhiều nước Đông Nam Á, Nhật có nền nông nghiệp lúa và bữa ăn của họ từ xa xưa có phần chính là cơm, bên cạnh đó là những món thức ăn khác. Cá và các hải sản khác, với vai trò là nguồn cung cấp protein chủ yếu và được chế biến theo nhiều kiểu (ăn sống,nướng, hấp, luộc…) đã đóng vai trò không thể thiếu trong các bữa ăn thường ngày của họ. Sự xuất hiện thường xuyên của cá và các hải sản nói chung trong các bữa ăn chịu ảnh hưởng nhiều của những tư tưởng Phật giáo về việc tránh sát sinh.

Đậu nành và các sản phẩm từ đậu nành lại là một thứ không thể thiếu trong ẩm thực Nhật. Các loại Toufu (đậu hũ sống), abura-age (đậu hũ chiên) ,nattou(đậu cho lên men- khi ăn phải đánh lên cho hơi sền sệt,càng đánh càng như keo lại. Có không ít người ngay cả người Nhật thích ăn món này.Về cái sự thích ghét của nó bạn có thể tưởng tượng nó như sầu riêng ở Vn ta ấy 😛 ) cũng là những nguồn dinh dưỡng thực vật vô cùng quí báu. Miso(gần giống như tương của VN) , một sản phẩm khác từ đậu nành lại là một gia vị không thể thiếu để nấu thành món canh miso không thể thiếu trong các bữa ăn của gia đình Nhật.

Từ xưa, các cụ Nhật bản đã có “Tam ngũ” với các món ăn, đó là “Ngũ vị, ngũ sắc, ngũ pháp”. “Ngũ vị ” gồm : Ngọt, chua, cay, đắng, mặn; “Ngũ sắc” gồm : Trắng, vàng, đỏ, xanh, đen; “Ngũ pháp” có : Để sống, ninh, nướng, chiên và hấp. Nói tóm lại các món ăn của Nhật được thực hiện nhằm giữ lại nhiều nhất các hương vị, màu sắc của thiên nhiên. Cảm quan về thiên nhiên, đặc biệt là các mùa xuân, hạ, thu, đông thể hiện rất rõ qua các món ăn truyền thống này, thông qua việc sử dụng các nguyên liệu thức ăn theo từng mùa và tạo cho thực khách cảm giác về từng mùa khi thưởng thức. Góp phần không nhỏ tạo nên cảm giác này là các vật liệu để bày biện cũng như phương pháp trang trí, thể hiện các món ăn.

… đến những thay đổi gần đây

Đời sống xã hội Nhật đã thay đổi một cách nhanh chóng trong những thập kỉ của sự phát triển kinh tế bắt đầu từ cuối những năm 1950. GDP hàng năm tăng nhanh, TV. máy giặt, tủ lạnh, và các đồ điện gia dụng khác khiến đời sống ngày một dễ dàng và tăng thời gian rảnh rỗi lên.

Những thay đổi này dần có ảnh hưởng lên thói quen ăn uống của người Nhật cũng như cách suy nghĩ của họ về ẩm thực. Nhà bếp, nơi xưa được coi là nơi có vai trò thấp nhất trong một ngôi nhà cùng với quan niệm “không là nơi dành cho giới mày râu” thì nay đã trở thành một không gian gần như là quan trọng nhất, được trang bị đầy đủ và dành cho bất kì ai có hứng thú với nghệ thuật ăn uống.

Bữa ăn truyền thống với cơm, cá sống, rau, canh miso và một vài món muối khác , kể từ sau Thế chiến 2 đã dần dần bị chiếm ưu thế bởi bánh mì, trứng và các sản phẩm từ sữa. Sự phát triển kinh tế dẫn đến những thay đổi lớn trong xu hướng ăn uống của Nhật. Trên mâm cơm một gia đình Nhật hiện nay, những món ăn phương Tây và Trung Hoa xuất hiên nhiều hơn những món ăn thuần túy Nhật Bản. Đồ ăn nhanh như Mì ăn liền (instant ramen) hay những đồ ăn chế biến sẵn và fastfood cũng càng ngày càng trở nên phổ biến.

Việc đi ăn ngoài (ăn tiệm) là bình thường và thực khách có thể có một lựa chọn vô cùng phong phú, từ nhũng món ăn Nhật như sushi, tempura, soba, udon (mì của Nhật, sợi to, to hơn sợi bún bánh canh VN) cũng như những món ăn Trung Hoa, Pháp, Italia, Nga, Đức, Mexico, Ấn Độ, Thái, Việt Nam và những món ăn của nhiều nước khác.Các món ăn ngoại lai khi du nhập vào xứ sở hoa anh đào này lại được khóac một chiếc áo mới của mùi, vị và đôi khi tạo nên những món ăn bản xứ. Đó cũng là đặc trưng của văn hóa Nhật nói chung và văn hóa ẩm thực Nhật nói riêng trong việc đồng hóa tạo ra những món ăn nước ngoài với hương vị Nhật (Japanese style oversea dishes- Wafuu ryouri).

Nói tóm lại, sự biến đổi cũng như xu hướng biến đổi sở thích ăn uống và thực đơn hàng ngày không chỉ diễn ra ở Nhật mà còn ở khắp mọi nơi và sẽ càng có nhiều sự giao lưu hơn và càng có nhiều sự kết hợp hòa quyện hơn, tạo ra một thế giới ẩm thực phong phú hơn.

Writen by CC