Cơ cấu nhà nước của Nhật Bản – Phần 1


Trong cơ cấu nhà nước Nhật Bản có một điều đặc biệt đó là song song với việc có Thủ tướng điều hành quốc gia thì vẫn tồn tại chế độ “Nhật Hoàng và hoàng gia”, chính điều đó đã tạo nên nét khác biệt trong cơ cấu của nhà nước Nhật Bản.Qua bài viết này, chúng tôi mong muốn sẽ cung cấp cho các bạn một cái nhìn khái quát về cơ cấu nhà nước Nhật Bản như: hiến pháp, Nhật Hoàng và Hoàng gia, quốc hội…v.v


Hiến pháp Nhật Bản năm 1946

Hiến pháp Nhật Bản được ban hành ngày 3 tháng 11 năm 1946 và có hiệu lực vào ngày 3 tháng 5 năm 1947. Bản hiến pháp này gồm 11 chương, 103 điều khoản. Nội dung chủ yếu của hiến pháp gồm những điểm sau đây:

– Quán triệt nguyên tắc hoà bình: “Nhân dân Nhật Bản ước mong thái bình vĩnh viễn…” (Lời nói đầu)

– Hoàng đế là biểu tượng của quốc gia và sự thống nhất của dân tộc. Mọi hoạt động của Hoàng đế phải diễn ra trong khuôn khổ của hiến pháp.

– Chủ quyền tuyệt đối thuộc về nhân dân.

– Nhật Bản phủ nhận vĩnh viễn chiến tranh như là một quyền tối cao của đất nước, từ bỏ đe doạ hoặc sử dụng vũ lực làm phương tiện giải quyết tranh chấp với các quốc gia khác (Nội dung điều 9)

-Các quyền cơ bản của con người được hiến pháp đảm bảo và là những quyền vĩnh viễn và bất khả xâm phạm.

– Quốc hội là cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất và là cơ quan duy nhất có quyền lập pháp. Quốc hội có 2 viện là Thượng nghị viện và Hạ nghị viện, trong đó Hạ nghị viện có thẩm quyền hơn Thượng nghị viện. Nghị sỹ của cả hai viện đều do dân bầu ra.

-Nội các thực hiện quyền hành pháp, chịu trách nhiệm tập thể trước Quốc hội. Đây là cơ quan có thẩm quyền cao nhất của chính phủ, lập ra chính sách và kế hoạch của chính phủ, chỉ đạo các Bộ, quản lý công tác đối nội và đối ngoại, nộp các đề nghị về lập pháp lên Quốc hội nhân danh tiểu ban thực hiện.

– Quyền tư pháp do Toà án tối cao và các Toà án cấp dưới sử dụng. Toà án tối cao có quyền quyết định cuối cùng tính hợp hiến của các đạo luật và các văn bản quy phạm.

– Chế độ tự quản địa phương được thiết lập rộng rãi. Các quan chức địa phương đều do dân cử và có nhiều quyền hạn hơn trong thuế và pháp luật.

Nhật Hoàng và Hoàng gia:

Theo Hiến pháp Nhật Bản, Nhật Hoàng là biểu tượng của quốc gia và sự thống nhất dân tộc. Nhật Hoàng không có quyền lực đối với Chính phủ.

Hoàng gia Nhật Bản tồn tại từ nhiều thế kỷ trước. Đây là triều đại lâu dài và liên tục nhất trên thế giới. Đương kim Nhật Hoàng AKIHITO sinh ngày 23 tháng 12 năm 1933 (ngày sinh của Nhật Hoàng được mặc nhiên coi là ngày Quốc khánh của Nhật Bản) và lên ngôi ngày 7 tháng 1 năm 1989 sau cái chết của cha Nhật Hoàng HIROHITO tức Hoàng đế Chiêu Hoà. Niên hiệu của đương kim Nhật Hoàng là Bình Thành vì vậy năm 1989 theo lịch Nhật Bản là năm Bình Thành 1.

Nhật Hoàng Akihito và Hoàng hậu Shoda Michiko có 3 người con là Thái tử Naruhito( sinh ngày 23/02/1960), Hoàng tử Akishino (Fumihito – sinh ngày 11/11/1965) và Công chúa Masako( thường lấy hiệu là Nori no miya hoặc Công chúa Nori – sinh ngày 18/04/1969) . Thái tử Kuroda Yoshiki và vợ là Công nương Sayako đã có một con gái sinh năm 2001

Quốc hội – Cơ quan lập pháp

Quốc hội là cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất và cơ quan lập pháp duy nhất ở Nhật Bản.Hiện nay Quốc hội gồm Hạ nghị viện với 480 ghế và Thượng nghị viện với 242 ghế. Các nghị sỹ của Hạ viện được bầu theo nhiệm kỳ 4 năm song có thể kết thúc trước nhiệm kỳ nếu Hạ viện bị giải tán. Hạ nghị sỹ được bầu theo hai cách: 300 người được bầu theo 300 đơn vị bầu cử nhỏ, 180 nghị sỹ được lựa chọn theo tỷ lệ phiếu các đảng giành được ở 11 khu vực bầu cử.

Các thượng nghị sỹ được bầu theo nhiệm kỳ 6 năm và cứ 3 năm thì bầu lại một nửa. Theo luật bầu cử Thượng nghị viện sửa đổi được thông qua năm 2000 thì 146 ghế được bầu theo khu vực bầu cử lớn tương ứng với 47 tỉnh của Nhật Bản, mỗi khu vực bầu từ 2 đến 8 đại biểu tỷ lệ với số dân, còn 96 ghế được bầu theo khu vực bầu cử tỷ lệ toàn quốc, tức là 96 ghế này phân tỷ lệ cho các đảng chính trị dựa trên kết quả của cuộc tuyển cử toàn quốc.

Các kỳ họp của hai viện gồm các kỳ họp thường xuyên, không thường xuyên và các kỳ họp đặc biệt. Các kỳ họp thường xuyên của Quốc hội được triệu tập 1 lần 1 năm vào tháng 12 và kéo dài 150 ngày. Dự thảo quan trọng nhất được trình ở kỳ họp thường xuyên là ngân sách nhà nước của năm tài chính tới. Hạ viện có quyền xem xét dự thảo này trước khi nó được trình ra Quốc hội. Hạ viện cò được quyền ưu tiên hơn so với Thượng viện trong việc chỉ định Thủ tướng mới và xem xét ký kết các hiệp ước. Hạ viện có quyền đưa ra đề nghị tín nhiệm hoặc không tín nhiệm Nội các.

Thượng nghị viện không có quyền đưa ra những đề nghị không tín nhiệm. Thượng viện có thể tạm thời thay Hạ viện đảm nhiệm các chức năng của Quốc hội nếu và khi Nội các triệu tập một kỳ họp khẩn cấp của Thượng viện trong lúc Hạ viện đã bị giải tán.

Nội các – Cơ quan hành pháp

Quyền hành pháp thuộc về Nội các bao gồm Thủ tướng và các Bộ trưởng chịu trách nhiệm tập thể trước Quốc hội. Thủ tướng do Quốc hội chỉ định và phải là thành viên của Quốc hội. Thủ tướng có quyền bổ nhiệm và bãi miễn các Bộ trưởng. Các Bộ trưởng này phải là dân sự và đa số là thành viên Quốc hội.

Nếu Hạ viện thông qua nghị quyết không tín nhiệm hoặc bác bỏ nghị quyết tín nhiệm Chính phủ thì Nội các phải từ chức trừ phi Hạ viện bị giải tán trong vòng 10 ngày.

Hiện nay, sau khi tinh giản, cơ cấu của Nội các bao gồm 1 văn phòng Thủ tướng, 10 bộ và 2 cơ quan ngang bộ, cụ thể là: Bộ Môi trường, Bộ đất đai, hạ tầng và giao thông, Bộ Kinh tế, thương mại và công nghiệp, Bộ Nông, lâm, ngư nghiệp, Bộ Y tế, lao động và phúc lợi, Bộ Giáo dục, văn hoá, thể thao, khoa học và công nghệ, Bộ Tài chính, Bộ Ngoại giao, Bộ Tư pháp, Bộ Quản lý công cộng, Nội vụ, bưu điện và viễn thông, Cục Phòng vệ, Uỷ ban an toàn quốc gia.

Nhật Bản được chia thành 47 tỉnh, chính quyền địa phương có ở cấp tỉnh, thành phố, thị xã và làng; mỗi cấp đều có hội đồng tương ứng do dân bầu ra.

Hết phần 1

Theo Nghiên cứu Nhật Bản