Có một phụ nữ Nhật Bản đến với Việt Nam như thế


Sawako Seo – một phụ nữ Nhật Bản đã âm thầm quyên góp tiền và lặn lội sang Việt Nam để trao tận tay các nạn nhân nhiễm chất độc da cam. Số tiền không phải lớn nhưng tấm lòng của chị thật đáng trân trọng và cảm phục.


Người phụ nữ Nhật Bản này tên là Sawako Seo. Chị sinh năm 1958, hiện là nhân viên Cơ quan đại diện Hàng không Việt Nam tại Osaka, Nhật Bản.

Trong thư, chị nói rằng, một lần anh Dũng, Trưởng đại diện Hàng không Việt Nam tại Osaka dịch tóm tắt nội dung bài báo về chất độc da cam cho chị nghe. Mặc dù chị đã từng biết về cuộc chiến tranh xâm lược của Mỹ ở Việt Nam nhưng chị không thể tưởng tượng nổi sau một phần tư thế kỷ, người Việt Nam vẫn phải chịu đựng hậu quả khủng khiếp cuộc chiến tranh này. Và điều đau lòng hơn cả là nạn nhân của cuộc chiến tranh ấy lại là những đứa trẻ.

Nạn nhân chất độc da cam

Chị đã yêu cầu dịch trọn vẹn bài báo đó và gửi cho chị. Khi nhận được bài báo bằng tiếng Anh, Seo đã đọc bài báo đó nhiều lần trong đêm với nỗi kinh hoàng, lòng xót thương và căm giận. Ngay ngày hôm sau, Seo đã dịch bài báo ra tiếng Nhật. Và chị một thân một mình bắt đầu chiến dịch tuyên truyền về những nạn nhân của chất độc da cam ở Việt Nam trên toàn thành phố của chị. Một thành phố như tất cả các thành phố khác trên đất Nhật, như chị nói, mà thanh niên ở đó hình như không còn nhớ gì về hai quả bom nguyên tử năm 1945 nữa.

Seo đã gửi bài báo của chị nói về các nạn nhân bị nhiễm chất độc da cam ở Việt Nam đến các trung tâm thông tin đại chúng. Và tờ nhật báo Yomuiri đã in cho chị một bài nhỏ.

Hằng ngày, ngoài công việc của chị ở cơ quan đại diện Hàng không Việt Nam, Seo lại dùng điện thoại cá nhân, mạng Internet và đi nói chuyện để tuyên truyền và quyên góp giúp đỡ những nạn nhân của chất độc da cam…

Việc quyên góp đó không phải là một việc dễ dàng. Những người quyên góp tiền giúp đỡ các nạn nhân của chất độc da cam chủ yếu là những người già. Có 25 tổ chức của những người hưu trí (mỗi tổ chức có khoảng 100 người) đã đóng góp được 1.800 đôla.

Trong một lá thư gửi cho báo ANTG, Sawako Seo viết: “Hằng ngày tôi vẫn liên tục nhận được những khoản quyên góp nho nhỏ gửi tới. Tất cả khoản tiền này không lớn như ai đó trông đợi vào nước Nhật giàu có của chúng tôi. Ông có thể nghĩ rằng tất cả những người Nhật đều giàu có nhưng thực tế nước Nhật còn có những người không nhà và thậm chí vẫn có cả những người chết đói. Những người dân hưu trí sống bằng những khoản trợ cấp ít ỏi, họ không phải là những người giàu.

Ông có thể tưởng tượng được không, hầu hết những người có tấm lòng vàng gửi quà quyên góp đến chỗ chúng tôi lại là những người lao động bình thường trên nước Nhật. Ngày hôm qua, tôi vừa nhận được 40.000 yên (350 USD) từ 112 cụ già hưu trí gửi tới. Nhiều người trong số họ không hề biết Việt Nam ở đâu trên bản đồ thế giới, nhưng họ xúc động trước hoàn cảnh của các nạn nhân của chất độc da cam ở Việt Nam và họ muốn giúp.

Đầu tháng 1/2001, Sawako Seo đến Việt Nam. Trước khi bay từ Nhật đến Việt Nam, chị đã viết thư cho Báo ANTG và nói: “Hãy đón tôi ở sân bay. Tôi là một người đàn bà Nhật Bản trung niên gầy còm, nhỏ bé với một chiếc valy khổng lồ và… một mái tóc ngắn. Seo vào Việt Nam với số tiền quyên góp được là 1.800 đôla Mỹ”.

Trong những ngày ở Hà Nội, Sawako Seo đến thăm một Trung tâm các trẻ em bị chất độc da cam và một Trại điều dưỡng thương binh. Tại những nơi này, chị đã trực tiếp trao những đồng tiền mà chị quyên góp được trong gần một năm ở thành phố quê hương chị. Và trước những nạn nhân này, mắt chị đã ứa lệ.

Sawako Seo bắt đầu học tiếng Anh từ lúc lên ba. Chị nói rằng, hồi đó, đối với hầu hết người Nhật, nước Mỹ là giấc mơ của họ. Và khi lớn lên, nhất là khi nghiên cứu Châu Á thì chị bắt đầu quên nước Mỹ. Khi là sinh viên, Seo yêu một thanh niên người Thái Lan. Bố mẹ chị vô cùng giận dữ khi biết điều đó.

Bố chị nói với chị: “Hãy lấy một người Mỹ chứ đừng nên lấy bất kỳ một người Châu Á nào. Chị đã đi ngược lại mong muốn của bố mẹ, Seo lấy một người Nhật. Mấy năm trước, chị đã đưa bố mẹ chị sang thăm Việt Nam. Sau chuyến đi thăm ấy trở về, bố chị đã nói với chị rằng: Việt Nam là một đất nước lạ kỳ, gặp ai bố cũng thấy họ cười và ở đâu họ cũng cười.

Seo cũng đã đưa hai con gái của chị sang Việt Nam. Chị đưa các con đi thăm nhiều nơi và đặc biệt mẹ con chị đã đến thăm Địa đạo Củ Chi. Seo nói: “Các con tôi đã đi rất nhiều nước tên thế giới, nhưng Việt Nam là đất nước làm cho chúng khóc trước khi bước lên máy bay về Nhật. Các con tôi khóc vì không muốn rời xa mảnh đất này. Nếu các con tôi lấy chồng Việt Nam, bố mẹ tôi sẽ đồng ý ngay. Việt Nam thay đổi bố mẹ tôi, thay đổi gia đình tôi”.

Sawako Seo khá hiểu biết về Việt Nam. Chị nói: “Đối với Việt nam, cuốn sách đầu tiên tôi đọc là một cuốn sách viết về Hồ Chí Minh. Và tôi kính yêu con người vĩ đại này. Còn hình ảnh khủng khiếp nhất đầu tiên tôi thấy về chiến tranh xâm lược Việt Nam là một cô bé gái trần truồng bị bom napan đang kêu khóc chạy trên đường.

Tôi nói với chị đó là bé Kim Phúc. Seo hỏi tôi bây giờ Kim Phúc làm gì, ở đâu? Và tôi nói với chị đôi điều tôi biết về Kim Phúc. Năm 1986, Kim Phúc được Chính phủ Cuba đưa sang học để từng bước thay phần da bị bom napan đốt cháy. Trước đó, Kim Phúc được sang Liên Xô chữa bệnh. Nhưng vì khí hậu ở đó không phù hợp với vết thương của Kim Phúc nên Kim Phúc được gửi sang Cuba. Ngày Kim Phúc mới sang, bọn sinh viên nghèo chúng tôi quyên góp tiền để mua quần áo cho Kim Phúc. Lúc đó, Kim Phúc là nữ sinh viên Việt Nam duy nhất ở Cuba, chúng tôi muốn em phải đẹp trước mọi cô gái nhiều quốc tịch khác đang học ở Cuba. Sau này, Kim Phúc lấy một sinh viên Việt Nam ở Cuba và hai người sang định cư ở Canada.

Trong bữa ăn cuối cùng ở Hà Nội, nhà văn Hữu Ước nói cho Seo nghe về những ký ức chiến tranh của ông. Đặc biệt ông nói về những người phụ nữ trên tuyến Đường mòn Hồ Chí Minh, về những hy sinh lớn lao của họ trong chiến tranh và trong thời bình, về những xóm không chồng, về những đứa con ngoài giá thú… Và Sawako Seo đã khóc.

Seo là một phụ nữ có bản lĩnh, một người luôn luôn nói đùa trong mọi câu chuyện, một phụ nữ sinh ra và lớn lên ở một thành phố của một đất nước siêu công nghiệp, một người đã từng mơ nước Mỹ và rồi chối từ nước Mỹ, một người sẵn sàng nói về tình ái một cách bạo dạn… mà lúc này đang ngồi khóc về sự hy sinh, mất mát của người Việt Nam trong mấy chục năm chiến tranh.

Sawako Seo đã trở về Nhật. Chị đã viết thư cho báo ANTG: “Tôi không thể tưởng tượng được rằng tất cả những gì tôi đã gặp trên đất nước ông đều là sự thật. Tôi sẵn sàng ra đi khi mà ở đâu đấy và một ai đấy cần đến sự giúp đỡ của tôi. Tôi không phải là người giàu có, tôi không phải là một nhà tư sản, nhưng tôi có con người tôi và cái lưỡi biết nói ra lẽ phải của tôi. Tôi muốn nói cho mọi người biết rằng, có nhiều nữa những con người như các ông ở Việt Nam và có nhiều nữa những câu chuyện lạ lùng tôi đã nghe từ đất nước yêu thương của các ông. Thời gian mà tôi gặp gỡ các ông đã làm cho tôi được sống như một con người thực sự và đã mang lại cho tôi sự ấm áp chân thành của lòng người. Với tình yêu của mình, tôi sẽ trở lại mảnh đất ấm áp này.

Em gái của ông

Sawako Seo”

Trong thư chị cũng viết, hằng ngày chị bận rộn với cả đống giấy tờ trong văn phòng của cơ quan Đại diện Hàng không Việt Nam. Nhưng chị lại bắt đầu kế hoạch tuyên truyền về Việt Nam. Và chị lại từng ngày đợi chờ một ngày nào đó chị được trở lại mảnh đất mà chị yêu quý và kính trọng

(Theo: báo ANTG)